Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 30

CÁC THÁNH KHÔNG HÀO QUANG

Thưa quý OBACE,

12673821251729459.jpgThông thường khi nhìn vào tranh ảnh vẻ lại chân dung các thánh, chúng ta thấy vị nào cũng có một gương mặt thánh thiện khả ái, điều đó cũng đúng, vì gương mặt là sự thể hiện nét đẹp của tâm hồn của một con người. Thế nhưng, do một thời người tín hữu suy tôn một vị thánh nào đó, người ta còn tô điểm cho vị thánh vòng hào quang ở trên đầu, để nói lên sự vinh quang của Thiên Chúa, song từ những vòng hào quang sáng chói ấy, cộng với những câu chuyện về cuộc đời các thánh mà nhiều khi các tác giả cũng thêm bới một vài tình tiết cho thêm phần hấp dẫn và biến các vị thánh trở thành những siêu nhân khiến cho con người chỉ còn biết đứng xa xa mà cung kính, và cảm thấy mình không thể nào có thể đến gần hoặc nên giống như các Ngài được. Có lẽ cũng vì lý do đó mà ngày nay Giáo Hội tôn phong nhiều vị thánh, không phải của thời trung cổ xa xưa, mà là những con người và những vị thánh của ngày hôm nay, mà nhiều vị trong số họ chúng ta đã từng gặp gỡ tiếp xúc nói chuyện, bởi vì các ngài rất đỗi bình thường như Mẹ Tresa Calcutta, Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tôi Tớ Chúa Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận, tất cả các ngài là những con người thật việc thật của ngày hôm nay, gần gũi với chúng ta, và cũng sống đời thường như chúng ta.

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính chung các Thánh Nam Nữ, là những người dù là người nổi tiếng hay chỉ là những vị thánh bình thường, những người được tôn phong và những người chưa một lần được tôn phong, tất cả họ là những con người đã hoàn tất hành trình trần thế một cách tốt đẹp, đã để cho Lời Chúa dẫn lối và đã có một đời sống yêu mến gắn bó với Chúa trong mọi hoàn cảnh, và giờ đây các Ngài đang được hạnh phúc bên Chúa.

Các thánh gồm những ai? Sách Khải huyền phác họa cho chúng ta thấy chân dung của các ngài, trước hết con số các thánh ở trên trời là hàng hàng lớp lớp, thuộc đủ mọi sắc tộc mọi ngôn ngữ, là những người đã được Thiên Chúa ghi dấu ấn trên họ, tức là những người thuộc về Thiên Chúa, những người đứng về phía Thiên Chúa. Họ có chung một điểm là cùng nhau ca tụng Thiên Chúa, mình mặc áo trắng dài, tay cầm cành lá thiên tuế, cành lá biểu trưng cho sự chiến thắng. Điều đó có nghĩa rằng tất cả các thánh đều phải trải qua sự khổ luyện và những trận chiến gay go và họ đã chiến thắng.

Họ chiến đấu với ai? Trước hết họ phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm là ma quỷ, những lôi kéo của thế gian và chiến đấu với nội thù đó chính là xác thịt cùng với dục vọng đam mê. Họ trải qua những cuộc chiến trường kỳ ấy để bảo vệ đức tin của mình, để bày tỏ lòng trung thành với Đức Kitô và Hội Thánh của Người, họ chiến đấu để giữ gìn và bảo vệ sự trong trắng của linh hồn, bảo vệ tấm áo trắng của ngày lãnh bí tích rửa tội, họ chiến đấu để bảo vệ nguyên vẹn vinh dự được làm con cái Thiên Chúa. Đã là cuộc chiến thì chắc chắn sẽ gian khổ, sẽ đổ máu và cũng có cả thất bại. Tuy nhiên, những gian khổ, những đổ máu không làm cho họ nhụt chí, nhưng lại càng làm cho họ thêm can đảm hơn, và những thất bại không khiến họ thất vọng bỏ cuộc, nhưng nhờ có lòng yêu mến và trông cậy vào sư trợ giúp của Thiên Chúa họ chỗi dậy để tiếp tục chiến đấu.

Họ chiến đấu với chính bản thân, với những lôi kéo của xã hội để bước đi trên con đường của Tin Mừng, đặc biệt là để sống trọn vẹn con đường Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã chỉ cho. Trong khi thế giới đề cao sự giàu sang hưởng thụ, trong khi mọi người điên cuồng để lao vào cuộc kiếm tìm tiền của, thì Thiên Chúa lại chúc phúc cho những người nghèo khó: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước trời là của họ. Lời chúc phúc này không phải là một lời ru ngủ, cũng không phải liều thuốc an thần cho những người nghèo, song là một thách thức cho tất cả mọi người. Người nghèo được chúc phúc ở đây không hẳn là người nghèo khó của cải vật chất, mà là người nghèo khó tinh thần, tức là những người dù giàu tiền của, hay thiếu thốn vật chất vẫn không để của cải vật chất và những ham muốn chi phối điều khiển mình. Trái lại, họ biết khiêm nhường để cho Lời Chúa chi phối và dẫn dắt đời mình. Người nghèo trước mặt Thiên Chúa là người biết đặt Chúa làm gia nghiệp đời mình, lấy Chúa làm ưu tiên cho chọn lựa sống của cuộc đời.

Trong khi con người ngày nay bị say mê quyền lực và sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, cuộc sống xã hội phúc tạp đến độ tạo ra cảm giác mạnh được yếu thua, thì Thiên Chúa lại đề cao những con người hiền lành, không gieo thù gây oán, không giận hờn cay cú, nhưng sống hiền lành và tha thứ, nói tốt nghĩ tốt cho người khác. Chúng ta cũng có thể thấy tấm gương ấy nơi Tôi Tớ Chúa là hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. Giống như nhiều người khác sau 1975, Ngài trải qua hàng chục năm tù đày khổ sở, bị biệt giam, bị hành hạ, thế nhưng khác với những người khác là Ngài không một lời oán trách những người gây ra đau khổ cho mình. Khi phải nhắc tới họ, Ngài đã nhắc đến hết sức nhẹ nhàng và trân trọng. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã của cảnh tù đày, Ngài đã nhận ra một điều, đó là biến mỗi giây phút tù ngục trở thành những giây phút hy sinh để cầu nguyện cho đoàn chiên, thánh hóa bản thân và cố gắng sống tốt phút giây hiện tại.

Con người ngày hôm nay dường như trở nên vô cảm lạnh lùng với nhau, lương tâm đạo đức căn bản của một con người trong xã hội trở nên quý hiếm, lương tâm nghề nghiệp thì còn kém cả lương tháng. Người ta dường như chỉ còn biết nghĩ đến bản thân và tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân, thì Tin Mừng lại mời gọi: Phúc cho những ai biết thương xót, thì kẻ ấy sẽ được Thiên Chúa xót thương. Người biết thương xót là người có trái tim nhạy bén trước những đau khổ của đồng loại, có đôi tay rộng mở để sẵn sàng chia sẻ để nâng anh em mình chỗi dậy, giúp họ sống xứng đáng với phẩm giá con người và con Chúa; Người biết thương xót là người dám hạ mình, dám cúi xuống để phục vụ anh chị em, đặc biệt là những người bất hạnh. Mẹ Teresa Calcutta, một nữ tu nhỏ bé hết sức bình thường, nhưng Mẹ đã có một trái tim vĩ đại, có một đôi tay thật lớn. Người nghèo khổ ở chung quanh dường như đã trở thành quen mắt đến độ không ai còn để ý, thì mẹ đã nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh, đã xót thương họ, đem họ về nhà mình, nhường chỗ nhường giường và nhường cả nhà để cho những người nghẻo khổ được nương thân, được chăm sóc và để được chết trong tình yêu thương xứng với một con người. Mẹ đã biết xót thương, nên Thiên Chúa đã thương xót Mẹ.

Thế giới ngày nay rơi vào chiến tranh bạo lực, giết chóc khủng bố gieo bao nhiêu lo âu sợ hãi bất ổn bất an cho con người; con người bị thu hút vào quyền lực, thỏa mãn sự cao ngạo ngông cuồng và tìm kiếm lợi nhuận, trả thù trả đũa lẫn nhau, vì thế chiến tranh và bạo lực ngày càng gia tăng. Trong khi chiến tranh và hận thù đang diễn ra không chỉ ở tầm mức thế giới giữa các quốc gia, mà nó còn xảy ra nơi các xóm làng, các gia đình và nơi tâm hồn mỗi người, thì Chúa Giêsu lại chúc phúc: Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Như thế, bất cứ ai xây dựng hòa bình, dù họ chưa biết Chúa, thì họ cũng vẫn được gọi là con Thiên Chúa, và ngược lại, tất cả chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trở thành kẻ xây dựng hòa bình. Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolo II được gọi là con người của hòa bình, Ngài không hề có quân đội hay vũ khí, Ngài chỉ có một trái tim khát khao hòa bình, và suốt triều đại giáo hoàng của Ngài, Ngài đã miệt mài trên khắp mọi miền thế giới để rao giảng, để cổ võ và để xây dựng sự hòa bình giữa các dân tộc các quốc gia, các tôn giáo.

Thưa quý OBACE, ngày hôm nay, Chúa và Giáo hội không mong đợi chúng ta trở thành những vị thánh nổi tiếng hoặc những vị thánh tiến sĩ, cho bằng mời gọi chúng ta trở nên những vị thánh bình thường, những vị thánh không hào quang, những vị thánh không có ngày tôn phong, tức là trở thành những vị thánh trong đời thường. Hãy trở nên những vị thánh ông, thánh bà trong gia đình, trở thành người chồng người vợ thánh cho con cái. Nên thánh không đòi buộc chúng ta phải phải có một đời sống phi thường hay khác thường, mà là hãy sống và làm những công việc bình thường và tầm thường một cách phi thường.

Hãy nêm nếm cho công việc, cho bầu khí gia đình và bữa cơm hằng ngày bằng một thứ vị ngọt là tình yêu thương, sư thông cảm tha thứ, hãy mang lấy tinh thần nghèo khó để biết cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa, hãy học nơi Chúa Giêsu sự yêu thương và tha thứ. Để biết thứ tha, hãy để cho bí Tích giải tội và Thánh Thể đem lại sự bình an cho tâm hồn để rồi từ đó chúng ta sẽ trở thành những sứ giả đem đến sự bình an cho gia đình và cho xóm ngõ. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm thứ Tư Tuần XXX Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên - Lm GB Nguyễn Trường Sơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên LỄ CÁC THÁNH- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXX TN C: Lễ Các Thánh Nam Nữ. Minh Tứ
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên C: LÝ LẼ TÌNH YÊU. Lm. GB. Nguyễn Trường Sơn
     Suy Niệm Thứ Tư tuần XXX Thường Niên C. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy Niệm tin Mừng Thứ Ba XXX Thường Niên C.Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai XXX Thường Niên C: Thánh SIMON và GIUDA Tông Đồ. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên C: THÓI GIỮ ĐẠO THÀNH TÍCH. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Chúa Nhật tuần XXX Thường Niên C. Lm. Phalô Nguyễn văn Đông
     SUY NIỆM PHÚC ÂM THỨ BẢY TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN B: KHIÊM NHƯỜNG ĐÍCH THẬT Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc.
     Ngày 2 tháng 11-CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI.
     MỪNG KÍNH CÁC THÁNH – NHỮNG CON NGƯỜI SINH HOA QUẢ ĐỨC TIN.Lm. Đỗ Đức Trí.