CHÚA NHẬT XXX TNC
THÓI GIỮ ĐẠO THÀNH TÍCH
Đã từ lâu, nền kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục của chúng ta bị mắc vào căn bệnh, gọi là bệnh thành tích, cấp trên chỉ ngồi ở văn phòng và thỏa mãn với những con số báo cáo thành tích của cấp dưới, mà không biết thực tế như thế nào. Các báo cáo toàn là con số ảo, báo cáo láo và chỉ có dân chúng là người thiệt thòi thật, nghèo đói thật. Cũng nhiều lần từ Quốc Hội đến Trung Ương họp bàn và đưa ra kế hoạch chống lại bệnh thành tích này, nhưng dường như vẫn chưa có gì thay đổi, mà ngày càng trầm trọng hơn. Bệnh này không chỉ ở ngoài xã hội, mà có khi nó cũng đang âm thầm ảnh hưởng trong các sinh hoạt của các giáo xứ, giáo phận và giáo hội, khi người ta cũng thỏa mãn với một số công việc bác ái, mục vụ, truyền giáo và nhất là người ta thỏa mãn với các công trình xây dựng bên ngoài mà quên đến chất lượng đời sống đức tin của mình và của người tín hữu, thì đó cũng là bệnh thành tích.
Thời Chúa Giêsu, các Luật sĩ và Biệt phái là nhóm người lãnh đạo tôn giáo cũng đã mắc căn bệnh hình thức và thành tích này, chính vì thế đã nhiều lần Đức Giêsu đã thẳng thắn cảnh cáo lối sống đạo hình thức ở nơi những con người này. Họ giữ đạo không phải vì lòng yêu mến Chúa, họ chu toàn lề luật là để tỏ ra cho mọi người thấy sự thánh thiện hoàn hảo của mình, và họ làm các việc phúc đức là để phô trương với mọi người và để tính công tính điểm với Chúa. Vì thế nhiều lần chúa Giêsu đã không ngần ngại gọi những người này là đồ giả hình, là mồ mả tô vôi xanh đỏ bên ngoài, là kẻ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo đi đứng nghênh ngang để người ta bái chào.
Câu chuyện trong bài Tin Mừng cho thấy thái độ của hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thu thuế và một người biệt phái, người biệt phái khi lên đền thờ cầu nguyện, gọi là cầu nguyện nhưng thực ra anh ta lên đền thờ để đọc một bài báo cáo thành tích dài trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Thái độ của anh rất nghênh ngang và tự mãn, anh đứng thẳng và nói: Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như bao kẻ khác: tham lam, bất công ngoại tình, hay như tên thu thuế kia, tôi ăn chay một tuần hai lần và dâng một phần mười hoa lợi của tôi. Kể ra như thế, cho thấy, bên ngoài cuộc sống của anh thật hoàn hảo tốt đẹp, nhưng đàng sau lời cầu nguyện ấy lại là một sự khoe khoang về thành tích của mình. Anh nhìn thấy mọi người chung quanh đều thua kém mình về đời sống đạo đức, anh thấy mình hơn hẳn mọi người về đời sống luân lý: Tôi không như bao kẻ khác: tham lam, bất công, ngoại tình. Anh còn so sánh mình và chà đạp lên danh dự và thân phận của người khác khi anh so mình: tôi cũng không như tên thu thuế đang quỳ đàng kia, so với việc đạo đức và đời sống của anh, thì người thu thế chỉ như rơm rác. Chưa dừng lai ở đó, bản báo cáo của anh còn trổi vượt khi anh kể lể: Tôi ăn chay một tuần hai lần, điều này vượt quá cả những đòi hỏi của lề luật, và dâng một phần mười hoa lợi, lại càng chứng tỏ rằng anh ta rất quảng đại để dâng cúng vào đền thờ, nhưng có lẽ anh chưa bao giờ biết chia sẻ và cho đi. Ở điểm này anh lại càng có dịp để hãnh diện với mọi người, và có địp để ném cái nhìn khinh miệt vào người thu thuế là kẻ chỉ biết tham lam vơ vét.
Thế nhưng bản báo cáo thành tích của người biệt phái này lại không phải là điều Chúa muốn nghe và muốn thấy. Điều Chúa muốn thấy và chờ đợi đó là một tâm hồn khiêm nhường, là những lời cầu nguyện chân thành phát xuất từ đáy lòng, từ con tim, và Chúa muốn thấy những tâm hồn dám đặt mình vào tay Thiên Chúa hơn là những người đặt mình vào những công việc mình đã làm. Trái lại người thu thuế đã có tâm tình khiêm nhường trước mặt Chúa, anh nhận thấy mình nhỏ bé và tội lỗi trước sự cao cả và thánh thiện của Thiên Chúa, anh không dám bước lên, không dám dứng thẳng, mà chỉ dám quỳ sấp mình ở đàng xa xa, và đấm ngực thú nhận về những sự bất toàn tội lỗi của mình: Lạy Chúa xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi. Anh chẳng có công gì trước mặt Chúa, anh cũng chẳng làm được việc gì nổi bật trước mặt người đời, nhưng anh chỉ có một tâm hồn thống hối sâu xa, để xin sự thương xót tha thứ của Chúa. Chúa Giêsu đã kết luận: Người này ra về thì được nên công chính, còn người kia thì không. Vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Thiên Chúa không ưa những kẻ kiêu căng ngạo mạn, Thiên Chúa ngoảnh mặt làm ngơ trước những kẻ cậy dựa vào bản thân, tiền bạc và của cải vất chất, Thiên Chúa không muốn nghe những lời khoe khoang khoác lác của những kẻ giả hình, trái lại Thiên Chúa yêu mến những người bé nhỏ khiêm nhường, và những người biết cậy trông vào tình thương của Chúa. Tác giả của sách Huấn Ca hôm nay đã đúc kết lại những cảm nghiệm của ông về Thiên Chúa, khi nói: Thiên Cúa là Đấng xét xứ, Ngài không thiên vị ai, Ngài không vị nể ai mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng lắng nghe lời kêu xin của kẻ bị áp bức, người mồ côi góa bụa. Lời cầu nguyện của kẻ nghèo hèn thì vượt ngàn mây thẳm.
Thưa quý OBACE, bệnh thành tích, lối giữ đạo kể công, có thể nó cũng đang ảnh hưởng trong đời sống đạo của mỗi người, từ các linh mục đến người tin hữu, từ cấp Ban Hành Giáo đến cấp giáo xứ và giáo phận. Người ta rất dễ rơi vào tình trạng huênh hoang khoe khoang về thành tích của ban mình, của nhiệm kỳ mình, của giáo xứ mình, mà lại quên việc canh tân đời sống đức tin, thăng tiến đời sống đạo. Các linh mục rất dễ rơi vào tình trạng an phận với một vài công việc mục vụ của mình, tập trung nhiều vào những hình thức bên ngoài, những công trình vật chất nhiều hơn là xây dựng đời sống cộng đoàn, chú tâm đến những phần nổi mà không quan tâm thao thức về đời sống thiêng liêng, khi nghĩ rằng: tôi vẫn dâng lễ, tôi vẫn cử hành các bí tích, và coi như thế là đủ trong đời sống đạo của cá nhân và của cộng đoàn.
Còn đối với tín hữu, chúng ta rất dễ rơi vào lối sống đạo kể lể công đức với Chúa với mọi người khi cho rằng: tôi vẫn đi lễ Chúa Nhật mỗi tuần, tôi chẳng trộm cắp giết người hay làm thiệt hại của ai, tôi vẫn dâng cúng đóng góp cho nhà thờ, tôi còn làm ông này bà nọ trong xứ, tôi bỏ bào nhiêu công sức, gia đình tôi đóng góp cái này, ủng hộ cái kia…, mà chúng ta quên không làm mới lại tương quan của chúng ta đối với Chúa, không làm phong phú đời sống đức tin, như thế, thì có khác gì người biệt phái trong cầu chuyện của tin Mừng hôm nay.
Như đã chia sẻ ở trên, điều mà Chúa muốn và chờ đợi ở chúng ta là một thái độ khiêm nhường, nhận ra sự yếu hèn thấp kém và tội lỗi của mình, và đến với Chúa để cầu xin sự thương xót và tha thứ. Nhận thật mình là kẻ tội lỗi yếu đuối, điều đó không làm giảm giá trị con người, trái lại nó giúp chúng ta biết khiêm tốn hơn, chân thành hơn khi đến với Chúa và với anh em. Nhận mình là kẻ tội lỗi và xin sự thương xót như người thu thuế trong câu chuyện, là nhận mình cần đến sự trợ giúp và tình yêu của Thiên Chúa, để mình cố gắng hơn nữa, sống tốt hơn nữa.
Lối sống đạo hình thức, thành tích nó cũng đang thể hiện nơi nhiều gia đình, nơi các bậc làm cha mẹ, nhiều người đến với Chúa mà còn tính toán thiệt hơn, sống đạo chỉ là để tránh không phạm luật, không bỏ lễ, mà quên đi điều tích cực và cần thiết, đó là tấm lòng của chúng ta khi đến với Chúa. Vì chỉ để tránh phạm luật, mà nhiều người đến với Chúa hết sức tính toán từng phút, đi trễ về sớm, hoặc là chỉ đến nhà thờ cho có hình thức qua lần, gọi là có đi lễ ngày Chúa nhật mà không hề có một chút tâm tình tạ ơn hoặc thành tâm sám hối.
Cũng như người biệt phái trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, khi đến nhà thờ anh ta đã chỉ còn mân mê với những thành tích của mình mà không nhìn thấy Thiên Chúa nữa, nhiều bạn trẻ ngày nay cũng vậy, bên ngoài họ tự hào, tự mãn về sự thành công và đẳng cấp của mình trong xã hội, nhiều người nghĩ mình đã làm được nhiều thứ, và tự mình có thể giải quyết được tất cả công việc, và không nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời của mình, vì thế, họ đến với Chúa với một thái độ hời hợt, như một chương trình đã được cài đặt sẵn, mà không có một tâm tình khiêm nhường sám hối.
Hãy cùng với người thu thuế hôm nay, quỳ gối, đấm ngực mà thưa lên với Chúa: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Chúa sẽ nhìn thấy sự khiêm nhường thành thật của chúng ta và sẽ nhận lời cầu xin và biến đổi chúng ta nên công chính. Amen