XIN CHO TÔI CŨNG ĐƯỢC NHÌN THẤY
Lm. Giuse Đỗ đức Trí
Thưa quý OBACE, mù lòa là một tình trạng đáng sợ, người bị mù thì cả cuộc đời phải sống trong màn đêm tăm tối. Ngày nay, hàng năm chương trình “ánh sáng cho người mù” đã góp phần giúp cho hàng ngàn người được nhìn thấy ánh sáng, đem lại niềm vui hạnh phúc cho chính bệnh nhân và cho cả gia đình của họ nữa. Tuy nhiên khi nói đến tình trạng mù lòa, người ta không chỉ nói đến những người mù con mắt thể lý, mà có nhiều người tuy mắt vẫn mở mà cũng không nhìn thấy được, đó là những người bị mù trong tâm hồn, không nhìn thấy được sự thật, không nhìn thấy những người chung quanh và không nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa… , tất cả những dạng mù lòa này đều đáng thương và cần phải được chữa trị.
Câu chuyện Chúa chữa cho anh mù Bartimê hôm nay được sáng mắt, muốn nói đến quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã thực hiện trên anh, phép lạ này cũng cho thấy thời đại của Đấng cứu Thế đã đến. Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế, Đấng mà các tổ phụ các tiên tri loan báo sẽ xuất thân từ dòng dõi Vua Đavít và là Đấng muôn dân đang mong đợi. Hôm nay Ngài cùng với các môn đệ đến thành Giêricô, nếu như câu chuyện một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh cho dở sống dở chết, muốn ám chỉ Giêricô là một thành phố của tội ác và cướp bóc, thì câu chuyện hôm nay nhắc đến Giêricô như một thành phố của sự mù lòa đáng thương như kẻ ăn xin tên là Bartimê. Tuy nhiên, trong một thế giới mù lòa như thế, sự xuất hiện của Chúa Giêsu chính là ánh sáng, là nguồn sáng, đã phá tan sự tăm tối mù lòa cho con người.
Anh mù Bartimê đã rơi xuống chỗ cùng cực của sự đói nghèo, mù lòa đáng thương, vì anh đang phải sống nhờ vào sự bố thí của mọi người, hơn nữa, trong cái nhìn của người Do Thái thì tình trạng mù lòa của anh còn là hậu quả của tội lỗi của chính anh hoặc của cha mẹ anh. Thế nhưng anh mù này mặc dù không nhìn thấy Đức Giêsu, anh chỉ nghe nói về ông Giêsu Nazaret, thì lòng anh đã được khai sáng và anh đã kêu to lên: Lạy ông Giêsu con Vua Đavít xin dủ thương tôi! Lời cầu xin này có ý nghĩa gì? Thưa, anh đã thực sự được khai sáng để tin rằng Ông Giêsu Nagiaret kia là Con Vua Đavít, có nghĩa Ngài là Đấng Mesia, Đấng Cứu thế mà các tổ phụ các tiên tri đã loan báo, hơn nữa lời nói của anh còn thể hiện lòng tin kính thờ lạy như đối với Thiên Chúa khi anh thưa: Lạy Ông Giêsu.
Một chi tiết khác cho thấy hành trình đức tin của anh mù này đã phải trài qua sự giằng co, thử thách để đến được với Đức Giêsu, thử thách ấy đến từ chính những người chung quanh, vì khi anh vừa kêu lên, thì những người chung quanh đã quát nạt anh, ngăn cản anh, nhưng anh không hề sợ hãi hay nản chí anh càng kêu to hơn: Lạy Con vua Đavit xin dủ lòng thương tôi!
Về Phía Chúa Giêsu, Ngài đã nhìn thấy thiện chí của anh cùng tình trạng khổ sở vì mù lòa của anh, nên Ngài đã đứng lại và gọi anh ta tới với Ngài. Khi biết rằng mình được gọi, anh mù đã nhanh chóng vứt cái áo choàng lại đứng ngay dậy mà đến cùng Đức Giêsu. Đây là một thái độ dứt khoát, vứt lại cái áo choàng tức là anh vứt lại đàng sau con người cũ của mình cùng với cái sự hôi hám mù lòa bẩn thỉu của quá khứ, anh đứng phắt dậy và bỏ lại đàng sau tình trạng ăn xin bị người đời khinh dể để mạnh dạn đến gần với Đức Giêsu là nguồn sự sáng và là Đấng Cứu độ nhân loại.
Chúa Giêsu vẫn muốn để cho anh phải tự nói lên ước nguyện của mình, mặc dù Ngài đã biết rõ tâm hồn anh và biết rõ anh cần gì, nhưng Ngài vẫn hỏi: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh mù đã không ngần ngại và thưa: Xin cho tôi được nhìn thấy. Đức Giêsu đã tuyên bố: Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! Tức khắc anh ta được thấy và đi theo Người trên con đường Ngài đi. Anh mù này đã muốn, đã xin và đã được như ước nguyện, và cuộc đời của anh kể từ đây đã chuyển qua một trang mới, anh trở thành người đi theo Chúa trên con đường Chúa đi, tức là chấp nhận trở thành môn đệ của Đức Giêsu, Đấng mà anh đã tuyên xưng Ngài là Con Vua Đavít.
Phép lạ Chúa chữa cho anh mù thành Giêricô hôm nay đã làm ứng nghiệm lời của tiên tri Giêrêmia, tiên báo về thời đại của đấng Mesia, khi Ngài đến, Ngài sẽ đem đến cho nhân loại niềm hân hoan vui mừng như khi được mùa, Ngài sẽ giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ, và họ sẽ được trở về quê cha đất tổ như Israel được thoát cảnh nô lệ phương Bắc trở về quê hương. Ngày Đấng Cứu Thế xuất hiện, mắt người mù sẽ được mở ra, chân người què sẽ được chữa lành, mọi dân tộc sẽ hân hoan vui mừng.
Thư Do Thái thì lại nhìn thấy nơi Đức Giêsu chính là một vị Thượng Tế mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, và là Con Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã nói với Ngài rằng: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. Vị Thượng Tế này sẽ dâng chính mình làm của lễ hy sinh đền tội chúng ta, và chính Ngài là Đấng có thể cảm thông với những đau khổ yếu đuối của con người chúng ta, vì chính Ngài cũng mang thân phận con người như chúng ta. Chính vì có thể cảm thông với con người, mà hôm nay khi nhìn thấy hoàn cảnh đáng thương của anh mù, và thái độ tin tưởng của anh, nên Chúa Giêsu đã ban cho anh không chỉ ánh sáng để anh có thể nhìn thấy sự vật chung quanh, mà Ngài còn mở mắt tâm hồn để anh nhận ra Ngài chính là Thiên Chúa là Đấng Cứu Thế.
Thưa quý OBACE, lời cầu xin của anh mù Bartimê hôm nay: Thưa Thày xin cho tôi được nhìn thấy cũng phải là lời cầu xin của mỗi chúng ta. Có thể là chúng ta không bị mù mắt, nhưng thực sự chúng ta đang sống trong bóng tối vì đang bị mù lòa trong tâm hồn, khi chúng ta để mình sống trong tình trạng tối tăm của tội lỗi và sự chết, để linh hồn và cuộc đời mình trở thành bệ rạc, bẩn thỉu như người mù ăn xin Bartimê trước đây. Chúng ta cũng có thể là những kẻ mù lòa khi chúng ta không đón nhận được ánh sáng của Tin Mừng, khi không chú tâm để học hỏi hiểu biết về Chúa Giêsu và Giáo lý của Người, nên chúng ta không biết gì và không thể nói gì về Ngài, không nhận ra quyền năng của Thiên Chúa đang thực hiện trên cuộc đời của mình.
Giống như anh Bartimê, khi nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, nhận ra lời mời gọi của Ngài, chúng ta cũng phải dám dứt khoát đứng bật dậy khỏi quá khứ, khỏi tình trạng thụ động ươn lười của mình, và vất bỏ lại đàng sau chiếc áo choàng cũ kỹ bẩn thỉu là con con người cũ của mình với những thói quen cũ, những cách sống không phù hợp với lời mời gọi của Chúa, để xứng đáng là môn đệ của Chúa hơn.
Xin cho con được nhìn thấy, cũng phải là lời cầu xin của các bậc cha mẹ trong các gia đình, xin - để được nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa đang quan phòng dẫn dắt cuộc đời của mình và gia đình, và xin để dám tin tưởng trao phó tương lai của mình và gia đình cho Chúa. Xin - để được thấy đâu là những mảng tối, là những góc khuất của gia đình cần được khai thông, góc tối ấy có thể là tình trạng lười biếng của cả vợ và chồng, sự thiếu quan tâm giáo dục con cái nên những con Chúa, nên người tốt cho xã hội, mảng tối đó có thể là những sự bất hòa bất đồng âm ỷ lâu ngày trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái; mảng tối có thể còn là những cách làm ăn thiếu ngay thẳng, lối sống thiếu trách nhiệm đối với gia đình, đối với giáo xứ. Xin cho mỗi người được nhìn thấy để dám khắc phục sửa chữa, thay đổi lại lối sống của bản thân và làm cho gia đình nên tốt hơn.
Hình ảnh anh mù Bartimê cũng là hình ảnh của nhiều các bạn trẻ thanh niên nam nữ, nhiều người đang bị mù lòa vì không biết Đức Giêsu và giáo lý của Ngài, và để cuộc đời mình ù lỳ trong tối tăm. Có thể nhiều người đã biến mình thành kẻ ăn xin, khi đánh mất phẩm giá cao quý của mình là con Chúa là người Kitô hữu, lao mình vào cuộc sống buông thả dễ dãi của xã hội, choàng lên mình chiếc áo của trần gian với những tanh hôi bẩn thỉu của nó, cư xử với nhau như những con thú thay vì phải cư xử với nhau với lòng nhân ái. Xin cho con được thấy – phải là lời cầu xin mỗi ngày của các bạn, thấy rằng nếu không có Chúa ở trong tâm hồn, trong cuộc sống, thì cuộc đời các bạn càng ngày càng sa sút, và nếu không có Chúa, thì cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng và buồn tẻ.
Xin cho mỗi người được nhìn thấy Chúa là hạnh phúc thật của mỗi người và cũng dám bước theo Chúa trên con đường của Ngài. Amen
ĐỂ ĐƯỢC SÁNG MẮT
Lm. Paul Nguyễn Nguyên
Nếu có một ngày nào đó mắt ta không còn thấy được, thì chắc chắn đó là ngày khổ cực nhất trong cuộc đời. Chúng ta trở thành kẻ mù lòa, mất hết niềm vui và hạnh phúc, không còn thấy ánh sáng, không biết đường đi, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, không biết người ta đang làm gì cho mình. Vì thế, đôi mắt thật quan trọng và quý giá, nên tâm lý người mù là họ dám làm bất cứ chuyện gì để được sáng mắt, anh mù Bartimê được kể lại trong tin mừng hôm nay là một minh chứng.
Thật thế, trong cái màn đen tối dày đặc của một kiếp mù lòa bất hạnh, anh mù Bartimê đã trải qua những ngày tháng tủi nhục ê chề, đau khổ và tuyệt vọng. Anh luôn phải chấp nhận cái tiếng chẳng mấy đẹp: kẻ ăn bám. Cuộc đời của anh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nơi anh gắn bó là lề đường, vỉa hè, góc phố. Nơi anh tạm trú mỗi khi màn đêm buông xuống là đầu đường xó chợ. Thế nhưng hôm nay, hy vọng đã lóe lên khi anh nghe biết có Đức Kitô, Con vua Đavit đi ngang qua. Nên mặc cho đám đông ồn ào chen lấn, mặc cho người ta tìm cách xô đẩy và ngăn cấm đe loi, mặc cho đám đông chửi mắng, nguyền rủa và khước từ. Nhưng vô ích: đối với anh, đây là dịp duy nhất cho hy vọng bừng lên, khiến anh không còn sợ gì nữa, anh quyết tranh đấu cho nhu cầu chính đáng của mình. Và thế là, giữa bao xao động, hỗn độn, Chúa đã thấy anh. Ngài thấy cả tâm hồn hoang mang tím lạnh của anh, và Ngài sẵn sàng dành cho anh một sự cảm thương, cứu vớt qua việc giải thoát anh khỏi kiếp mù lòa tăm tối, cho anh từ đây giã từ cuộc sống tạm bợ, giã từ quá khứ đau thương nghèo hèn rách rưới. Giờ đây anh có thể tự kiếm sống bằng chính sức lực và đôi tay của mình. Anh có thể đi lại thoải mái, chạy nhảy vô tư mà không sợ vấp ngã, không cần người dẫn dắt. Nhưng nhất là, anh nhìn thấy Chúa, không chỉ như vị ân nhân nhưng còn là chính Đấng cứu độ, Đấng mà nhờ tin anh sẽ đạt đến sự sống thật: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Lắng nghe câu chuyện chữa lành hôm nay, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng vấn đế này chẳng có gì liên hệ tới ta, bởi vì chúng ta không phải là người mù, thế nhưng ngày nay như chúng ta biết người ta còn dùng chữ mù theo nghĩa bóng để chỉ về tình trạng của một người không thấy, không biết, không quán triệt một điều gì đó, chẳng hạn mù chữ, mù ngoại ngữ, mù vi tính… bởi thế thì con người không chỉ bị mù về đôi mắt thể xác, mà còn có thể bị mù về tinh thần và thiêng liêng, mà những biểu hiện của nó thì thật đa dạng như, vì tính kiêu ngạo làm chúng ta mù loà không nhận ra được Chúa là Cha yêu thương, nên còn bê trễ biếng nhác trong việc thờ phượng Chúa, còn cứng lòng cố chấp và ở lì trong tội lỗi ; vì sự ích kỷ làm chúng ta mù loà trước những nhu cầu cần được giúp đỡ nơi người khác, chưa nhìn ra Chúa nơi anh em, nhất là những người khổ đau bất hạnh để yêu thương và sẻ chia; vì thành kiến, nghi kỵ làm chúng ta đã vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ trước sự thống khổ của người xung quanh ; và có khi vì tiền bạc, của cải, vì tình duyên sắc dục, vì thù hằn giận dữ, hay một loại đam mê nào đó làm chúng ta mù tối trước những giá trị về tinh thần khiến cho ta không còn thấy đâu là lẽ phải, đâu là sự công bình, đâu là sự trong sạch thánh thiện, đâu là tình yêu thương. Nếu như vậy, thì tình trạng mù lòa nầy còn khốn khổ hơn sự mù lòa về thể chất, vì nó đưa dẫn chúng ta đến sự chết, đến hư mất đời đời, làm cho chúng ta không thể thấy Chúa và hưởng ơn huệ của Người.
Thế cho nên, lời Chúa hôm nay không phải nói với những người mù, cũng chẳng phải nói với người hàng xóm của chúng ta mà là đang gợi nhắc để mỗi người chúng ta ý thức về tình trạng của mình, đồng thời biết bắt chước thái độ của anh Bartime ngày xưa vất bỏ “áo choàng” chính là những ràng buộc do bởi những tham vọng, những ước muốn thấp hèn, mà chạy đến và thưa lên với Chúa: “Lạy Thầy, xin cho con được sáng” để chúng ta thấy được Chúa nơi anh chị em sống bên cạnh chúng ta, thấy được những điểm hay điểm tốt nơi tha nhân, để biết tôn trọng kính nể họ. Nhất là để chúng ta biết chân nhận thân phận thụ tạo của mình là phải hoàn toàn lệ thuộc Đấng Tạo Hóa ; biết nhận ra những ơn phúc do lòng Chúa yêu thương ban tặng, cho dẫu đó là may hay rủi, xuôi thuận hay bất trắc; để luôn biết dâng lời cảm tạ Chúa, biết tôn thờ, phụng sự và hết lòng kính mến Chúa, xứng với nghĩa vụ là một tôi trung, con thảo của Ngài. Nhờ đó, chúng ta sẽ được bước đi trong an bình hạnh phúc như Chúa đã hứa: “Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống đời đời”. Amen.
XIN MỞ MẮT LINH HỒN CON
Lm. Đan Vinh
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 10,46-52
(46) Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-cô. khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-cô, thì có một người hành khất mù, tên là Bác-ti-mê, con ông Ti-mê, đang ngồi ở vệ đường. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. (49) Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy, mà đến gần Đức Giê-su. (51) Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. (52) Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
2. Ý CHÍNH:
Trên bước đường đi về Giê-ru-sa-lem để chịu tử nạn và phục sinh, thì tại thành Giê-ri-cô, Đức Giê-su đã chữa cho một người mù tên là Bác-ti-mê, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, vì anh đã tin cậy nơi Người. Qua phép lạ mở mắt người mù này, Người muốn mở mắt đức tin cho các môn đệ, để họ thấy được ý nghĩa sứ mạng cứu thế mà Người sắp thực hiện là: “Qua đau khổ thập giá để vào vinh quang phục sinh”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 46: + thành Giê-ri-cô: Giê-ri-cô có nghĩa là “mặt trăng”, một thành ở thung lũng sông Gio-đan, cách biển Chết 5 cây số và cách Giê-ru-sa-lem khoảng 25 cây số. Thời Xuất hành, Giê-ri-cô là thành đầu tiên mà con cháu Gia-cóp, dưới sự lãnh đạo của Gio-su-ê tiến chiếm được (x. Gs 5,13tt). Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành cũng nhắc đến đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô (x. Lc 10,30). + có một người hành khất mù: Hành khất là người ăn xin. Đây là một người đói khổ về vật chất, đang cần được giúp đỡ. Anh ta còn bị mù, tượng trưng cho người đang đi trong tăm tối vì chưa nhận biết và tin Đức Giê-su. Có thể Đức Giê-su chữa một lúc hai người mù (x Mt 20,30), nhưng ở đây Mác-cô chỉ ghi lại một người và nêu rõ tên là Bác-ti-mê. + ở vệ đường: đồng nghĩa với “đầu đường xó chợ”, nói lên hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa của ngươi mù. anh ta tượng trưng cho số phận đau khổ của “Người nghèo của Đức Gia-vê”, đối tượng được Đức Giê-su ưu tiên mời gia nhập vào Nước Trời của Người.
- C 47-48: + Đức Giê-su na-da-rét: Giê-su nghĩa là “Giavê cứu độ”. trong Thánh Kinh có một số người cũng tên là Giê-su (x.Hc 50,27; Lc 3,29; Cl 4,11). Để phân biệt, người ta thường thêm tên quê hương vào sau tên gọi. Giê-su nói đây chính là Đức Giê-su quê làng Na-da-rét. + Con Vua Đa-vít: Anh mù gọi Đức Giê-su kèm tước hiệu “Con Vua Đa-vít” cho thấy nhiều người Do thái đã tin Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai”, nhưng họ lại đang mong đợi một Đấng Thiên Sai trần thế, đến giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma (x. Mt 22,42; Ga 7,42). + “Xin dủ lòng thương tôi”: Lời cầu xin này nói lên sự khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của anh mù vào quyền năng Đức Giê-su. Anh trông cậy Người sẽ làm cho anh được sáng mắt như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò...” (Is 35,5-6). + Nhiều người quát nạt bảo anh im đi: Một số người ở gần anh mù tỏ vẻ bực tức trước việc anh ta kêu la lớn tiếng. Họ bắt anh mù phải im lặng để họ nghe được lời Đức Giê-su lúc đó đang vừa đi vừa giảng dạy. + Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít! Xin dủ lòng thương tôi”: Vì tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su Thiên Sai, nên anh mù bất chấp mọi rào cản: Người ta càng cấm, thì anh lại càng kêu la thống thiết hơn: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”.
- C 49-50: + Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy! Người gọi anh đấy”: Thái độ của đám đông đối với anh mù đã thay đổi: Từ khinh thường nạt nộ đến tôn trọng và nhỏ nhe với anh. + Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su: Áo choàng là một vật thiết thân đối với khách bộ hành và người ăn xin. Nó thường được dùng làm dù che nắng gắt ban ngày và làm mền đắp cho ấm ban đêm. Vậy mà khi nghe nói “Người cho gọi anh đấy”, anh ta liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà chạy mau về phía Đức Giê-su, như thể anh đã được sáng mắt rồi vậy.
- C 51-52: + “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”: Dù đã biết rõ anh mù muốn xin gì rồi, nhưng Đức Giê-su vẫn tạo cơ hội để anh ta biểu lộ đức tin. + “Xin cho tôi nhìn thấy được”: Anh mù không xin tiền bạc hay đồ ăn thức uống như mọi khi, mà chỉ xin được sáng mắt, được nhìn thấy mọi sự như bao người khác. + “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”: Điều kiện để được Đức Giê-su cứu chữa là phải có đức tin, như khi Người chữa lành cho hai người mù (x. Mt 9,29), chữa người phong cùi (x. Lc 17,9)... + Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù chỉ xin được sáng mắt thể xác, nhưng Đức Giê-su lại ban cho anh được sáng cả mắt linh hồn, để anh có đức tin trọn vẹn, nhìn thấy được con đường Người sắp đi và can đảm bước theo Người lên Giê-ru-sa-lem, trải qua mầu nhiệm “qua đau khổ vào vinh quang” để sau này được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
HỎI: 1-Thành Giê-ri-cô là thành nào? Sách Xuất hành đề cập tới tên thành này trong trường hợp nào? Đức Giê-su cũng nói tới tên thành này trong dụ ngôn nào? 2- Số người mù được Đức Giê-su chữa lành trong 2 Tin Mừng Mat-thêu và Mác-cô có giống nhau không? Tại sao? 3-“ngồi ở vệ đường” nói lên hòan cảnh của người mù này ra sao? 4-Tên gọi Giê-su nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su được người mù gọi là Giê-su Na-da-rét? 5-Qua việc kêu cầu Đức Giê-su với danh hiệu “Con Vua Đa-vít”, người mù biểu lộ đức tin thế nào về Người? Còn dân Do Thái lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai theo nghĩa nào? 6-Lời kêu xin của người mù cho thấy đức tin của anh vào Đức Giê-su ra sao? 7-Tại sao dân chúng lại cấm anh mù kêu lớn tiếng? Lý do nào khiến anh mù càng kêu la thống thiết hơn? 8-Anh mù đã phản ứng thế nào với chiếc áo chòang thiết thân khi nghe biết Đức Giê-su đang gọi anh đến với Người? 9-Tại sao Đức Giê-su lại hỏi anh mù muốn được Người làm gì dù đã nghe rõ lời kêu xin của anh? 10- Trong Tin Mừng, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có điều kiện gì để được Người làm phép lạ? 11-Ngòai việc được sáng mắt thể xác, anh mù còn được Người ban ơn gì về linh hồn?
SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà đến gần Đức Giê-su (Mc 10,50):
2. CÂU CHUYỆN:
Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Ve-ro-na nước I-ta-li-a, khá đông dân chúng tập trung tại sân ga và đang náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Lúc đó, một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu to lên: “Mẹ!”, và rồi hai mẹ con đã ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù hòan tòan, bà mẹ liền hỏi: “Con ơi, mắt con đã bị mù như thế này thì sao lúc nãy con lại nhìn thấy mẹ giữa bao nhiêu người khác như vậy?”. Anh lính trẻ liền đáp: “Thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mặt mẹ như trước đây, nhưng chính trái tim đã mách bảo con là mẹ cũng đang có mặt tại đây để chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc con linh cảm chắc chắn mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la to lên “Mẹ!” và quả thật con đã gặp lại được mẹ đó”.
3. SUY NIỆM:
+ Gặp được Chúa nhờ sự mách bảo của con tim:
Người mù thành Giê-ri-cô trong Tin Mừng hôm nay đã đến với Đức Giê-su không nhờ cặp mắt thể xác nhưng nhờ cặp mắt trái tim của anh. Tuy anh không nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính đức tin đã mách bảo anh và dẫn đưa anh đến được với Người. Trước đó anh đã nghe đồn Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và anh ao ước gặp Người để xin Người cho anh được sáng mắt. Vì thế khi biết có một đám đông đang tiến đến gần và nghe thấy tiếng của một vị Tôn sư (ráp-bi) đang vừa đi vừa giảng, anh mù dò hỏi và biết được vị Tôn sư đang nói kia chinh là Đức Giê-su Na-da-rét. Bấy giờ anh mù cảm thấy sung sướng vì sắp gặp được Đấng Thiên Sai. Anh liền la to lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Dù bị nhiều người ngăn cấm, nhưng anh mù đã bất chấp tất cả và còn tiếp tục la to hơn. khi có người cho biết Đức Giê-su gọi anh đến gặp người thì anh liền quăng chiếc áo choàng đang cầm trên tay, nhảy chồm dậy và chạy mau đến với Người, giống như anh chưa từng bị mù. Sau khi hỏi han và biết rõ mong ước của anh, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lập tức anh mù đã nhìn thấy được và đã tình nguyện theo Người đi lên Giê-ru-sa-lem.
+ “Lòng tin của anh đã cứu anh!”:
Anh mù đã nghe người ta đồn về Đấng Thiên Sai, con cháu Vua Đa-vít đã xuất hiện. Người có quyền năng và đầy lòng từ bi nhân ái. Người hay cứu giúp những kẻ bệnh tật nghèo khổ như anh. Anh mù đã đặt hết niềm tin tưởng và hy vọng ngày nào đó sẽ gặp được Người để được Người chữa lành bệnh mù thể xác. Khi nghe biết Đức Giê-su Vua Thiên Sai đang đến gần, anh mù đã tuyên xưng đức tin qua lời cầu xin thống thiết, phớt lờ sự phản đối của nhiều người trong đám đông. Anh đã vượt qua rào cản để mau chóng đến gặp Đức Giê-su bằng việc đứng bật dậy bỏ lại chiếc áo choàng thiết thân, chạy mau đến xin Người cho anh ơn sáng mắt. Sau đó anh còn tình nguyện đứng vào hàng ngũ các môn đệ đi theo Người lên Giê-ru-sa-lem.
+ Quyết tâm đi theo Chúa trong cuộc sống hôm nay:
Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa mở mắt linh hồn chúng ta để nhận ra Chúa hiện diện qua những kỳ công Chúa làm trong thiên nhiên, nơi bản thân và dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa.
Mỗi khi gặp sự khó khăn không biết con đường phài đi, chúng ta hãy xin Chúa mở mắt đức tin để lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, phụng vụ, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng. Khi gặp rủi ro thất bại, chúng ta hãy tín thác cậy trông vào Chúa và theo Chúa đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” như anh mù trong Tin Mừng hôm nay.
4. THẢO LUẬN: 1)Làm thế nào để nhận ra ý Chúa muốn trong cuiộc sống hằng ngày? 2)Khi gặp phải tai nạn hay điều trái ý, bạn cần làm gì để đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Chúa Giê-su?
5. NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa hãy mở mắt linh hồn con để con nhìn thấy bản thân con với nhiều yếu hèn khuyết điểm, với lối giữ đạo giả hình bề ngòai mà thiếu chiều sâu đức tin bên trong… hầu con quyết tâm sám hối và nhận được ơn Chúa chữa lành.
Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong lòng con, để con năng tâm sự với Chúa.
Xin cũng mở mắt đức tin giúp con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thiên nhiên, để con dâng lời ngợi khen Chúa.
Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thánh lễ và nơi Nhà Tạm để con năng đến nghe Lời Chúa dạy, kết hiệp mật thiết với Chúa qua việc rước lễ và chia sẻ niềm vui của Chúa cho mọi người chúng con tiếp xúc.
Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện nơi người chung quanh, nhất là những người nghèo hèn, khuyết tật hay đang tuyệt vọng…để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu nên chứng nhân tình thương của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.