Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 27

Ngày 7 tháng 10 năm 2014

ĐỨC MẸ MÂN CÔI

chuoi-man-coi.jpg

1. Tràng hạt Mân Côi

Tất cả chúng ta điều rất quen thuộc với tràng hạt Mân Côi, bởi vì tràng hạt Mân Côi luôn đi đôi với lời kinh Kính Mừng, vốn là một trong những kinh mà chúng ta học và đọc ngay trong gia đình từ thời thơ ấu.

Từ « Mân Côi » phát xuất từ tiếng La-tinh Rosarium, có nghĩa là vườn hoa hồng. Thật là đẹp và đầy ý nghĩa, khi nhìn tràng Mân Côi quen thuộc, nhỏ bé và đơn sơ của chúng ta như là một vườn hoa hồng. Và như thế, tràng hạt Mân Côi mà chúng ta dùng để đọc kinh hàng ngày chính là một vườn hoa hồng, mỗi hạt kinh là một đóa hoa hồng, kính dâng lên Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Và ai chúng ta cũng biết, hoa hồng là biểu tượng của lòng mến, của tình yêu. Vậy, chính khi chúng ta lần hạt, là chúng ta dâng hoa cho Đức Mẹ với lòng cảm mến và yêu thương của người con thảo. Với tâm tình này, chúng ta nhận ra rằng, cấu tạo của tràng Mân Côi cũng thật là hay và đầy ý nghĩa, vì tràng hạt có tâm điểm là ảnh Đức Mẹ.

2. Kinh Kính Mừng

Mỗi lời kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Mẹ. Thật vậy, vì đó chính là ý nghĩa sâu xa của phần thứ nhất trong kinh Kính Mừng :

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ.

« Kính Mừng » có nghĩa là chúng ta ca mừng Đức Mẹ một cách kính cẩn ; và lời ca mừng này một phần đến từ lời ca mừng của sứ thần Gabrien, khi ngài đến gặp Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin, mà bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay thuật lại cho chúng ta : « Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà » (Lc 1, 28)

Và phần còn lại của lời ca mừng Đức Mẹ trong kinh Kính Mừng, đến từ lời ca mừng của bà Elizabet, trong biến cố Đức Mẹ thăm viếng : « Em được chúc phúc (nghĩa là có phúc lạ), hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc (nghĩa là cũng có phúc lạ) » (Lc 1, 42).

Thế mà, chúng ta không thể ca tụng Mẹ với cả tâm hồn, nếu chúng ta không yêu mến Mẹ, và chúng ta không thể yêu mến Mẹ, mà không ca tụng Mẹ. Bởi vì, nếu không có lòng mến, lời ca tụng chỉ là giả tạo, hay chỉ có trên môi miệng, chứ không chân thật, không phát xuất từ con tim. Chính tâm tình ca mừng Đức Mẹ với lòng cảm mến, sẽ chuẩn bị cho chúng ta đón nhận những ơn huệ mà Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, và cũng chính thái độ ca mừng này sẽ giải thoát chúng ta khỏi thái độ ngược lại là đóng kín, ghen tị và vô ơn, vốn rất tai hại cho mình và cho người khác. Như vậy, khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta dùng lại lời của Sứ Thần Gabriel và lời của bà Elizabeth để ca tụng Đức Mẹ với lòng cảm mến ; và chỉ sau khi ca tụng Mẹ, chúng ta chúng ta mới xin ơn :

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.

Trong lời cầu xin với Đức Mẹ, chúng ta tự nhận mình là « kẻ có tội ». Nếu chúng ta đọc lời này với sự chân thành của con tim, thì chắc chắn Mẹ đã cảm thương chúng ta rồi. Giống như khi còn bé, mỗi khi chúng ta thành tâm nhận lỗi, là cha mẹ đã bao dung và ôm chúng ta vào lòng rồi. Hơn nữa, Mẹ được ban ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, chính là để chăm lo cho chúng ta, bao dung chúng ta, chia sẻ cho chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.

Lời cầu xin của chúng ta cũng thật là kín đáo và khiêm tốn. Thật vậy, chúng ta xin Mẹ cầu cho chúng ta, khi nay và trong giờ lâm tử. Kín đáo, vì chúng ta không xin điều gì đặc biệt, chỉ xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta thôi. Khiêm tốn, vì chúng ta ý thức về thân phận phải chết của chúng ta. Khi nay và trong giờ lâm tử, chúng ta đâu có biết còn bao xa, và chúng ta cũng không biết mình sẽ lâm tử như thế nào. Đọc lời nguyện xin này, dù chúng ta đang làm gì, ở độ tuổi nào, gặp khó khăn thử thách ra sao, chúng ta cũng được mời gọi chuẩn bị cho giờ lâm tử. Và chắc chắn, Mẹ không chỉ cầu bầu cho chúng ta, nhưng còn ôm chúng ta vào lòng để đưa chúng ta đi, đi trên đường đời và đi ngang qua sự chết để về Quê Trời, xum họp với Mẹ và những người thân yêu trong Nhà của Thiên Chúa.

Tóm lại, ca tụng rồi mới xin ơn, đó chính là qui tắc mà kinh Kinh Mừng dạy cho chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện trong mọi trường hợp. Và để ca tụng, chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban cho mình và cho người khác nữa.

3. Đức Mẹ Mân Côi

Chúng ta hãy trở lại nhìn ngắm một lần nữa tràng hạt của chúng ta. Như chúng ta đã nói, tràng hạt Mân Côi có trung tâm là ảnh Đức Mẹ, nhưng ảnh Đức Mẹ lại hướng tới Thập Giá của Đức Ki-tô. Thật vậy, Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng, phác họa lại cho chúng ta toàn bộ cuộc đời của Đức Ki-tô, từ lúc được hoài thai trong cung lòng Đức Mẹ, cho đến cuộc Thương Khó, chết trên Thập Giá, và sau đó sống lại và lên trời.

Trong năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ kính nhớ Đức Mẹ, vì những ân huệ lớn lao Mẹ đã nhận được, chẳng hạn Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Mẹ Nữ Vương, hay vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Đức Mẹ, chẳng hạn, Sinh Nhật Đức Mẹ, Đức Mẹ Dâng Mình, Lễ Truyền Tin, Đức Mẹ Thăm viếng, Lễ Giáng Sinh, hoặc vì những ơn huệ đặc biệt Đức Mẹ ban cho loài người chúng ta hay cho riêng một Hội Dòng, chẳng hạn Đức Mẹ Phù Hộ, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Dòng Tên.

Nhưng Lễ Đức Mẹ Mân Côi, mà chúng ta mừng kính không chỉ một ngày, nhưng suốt một tháng, có điểm này đặc biệt, so với tất cả các lễ khác : đó là lễ Đức Mẹ Mân Côi tôn vinh sự gắn bó sâu xa và trọn vẹn của Mẹ đối với ngôi vị và cuộc đời của Đức Giê-su, từ lúc ngài được hoài thai trong lòng dạ của Mẹ, cho đến khi Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá, và sau đó Phục Sinh và Lên Trời. Thế mà, tất cả những ơn huệ lớn lao mà Mẹ nhận được đều đến từ tương quan thiết thân của Mẹ với Đức Ki-tô. Thật ra trong lời ca mừng của lời kinh Kính Mừng, chúng ta đã tôn vinh sự gắn bó của Mẹ với Đức Ki-tô rồi, đi đọc : « Con lòng bà gồm phúc lạ ».

Như vậy, khi chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ Mân Côi, là chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đón nhận Đức Ki-tô vào cung lòng và vào cuộc sống của mình, là chiêm ngắm Đức Mẹ đi theo và gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô đến cùng. Và đó cũng chính là ơn gọi Ki-tô hữu của chúng ta : đó là đón nhận Đức Ki-tô, vốn là Đường là Sự Thật, là Sự Sống và là Ánh Sáng vào cuộc đời của chúng ta, vào trong gia đình của chúng ta, vào trong cộng đoàn và Hội Dòng của chúng ta.

 *  *  *

Đức Mẹ cầu bầu, phù hộ và ban ơn cho chúng ta về nhiều phương diện của cuộc sống, nhưng Đức Mẹ đặc biệt chăm sóc, phù hộ chúng ta trong cách thức chúng ta đón nhận, hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô đến cùng, và Mẹ phù hộ chúng ta, trước tiên là bằng cách dạy dỗ chúng ta, ngang qua chính đời sống của Mẹ

Tháng Mân Côi 2014
Lm Giuse Nguyễn Văn
Lộc

Ngày 7 tháng 10 năm 2014
Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Thứ nhất thì ngắm
« Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai » (Lc 1, 26-38)

1. Nhìn ngắm Đức Maria

Vị trí của Đức Maria thật là lớn lao và duy nhất trong tương quan với Thiên Chúa và loài người chúng ta : Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, trong đó có chúng ta, và Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, tất cả những ơn huệ lớn lao của Mẹ đã bắt đầu bằng một biến cố thật hạn hẹp, thật nhỏ bé, thật khiêm tốn, thật âm thầm và kín ẩn, đó là biến cố Truyền Tin. Nhỏ bé và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria, và của lịch sử cứu độ.

Trình thuật Truyền Tin có thể được gói gọn trong tiếng « Xin Vâng » của Đức Mẹ ; và chúng ta thường hiểu tiếng « Xin Vâng » là câu trả lời tức khắc của Mẹ khi nghe lời đề nghị của Thiên Chúa, qua trung gian của sứ thần Gabriel. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt lời « Xin Vâng » của Mẹ vào trong diễn tiến của trình thuật Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, tiếng « Xin Vâng » của Mẹ là điểm tới của cả một cuộc trao đổi khá dài, và nhất là đầy biến động trong tâm hồn.

Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi Đức Maria là ai ? Mẹ là một thiếu nữ Israel, ngụ tại Galilê, làng Nazarét. Mẹ là một thiếu nữ đã đính hôn, như bao thiếu nữ khác khi đến tuổi trưởng thành. Một cách chính xác, Mẹ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đa-vít. Như thế, lúc ban đầu, Mẹ là một cô gái như bao cô gái khác (và cũng tương tự như thế, đối với phái nam). Và có lẽ chúng ta cũng đã như vậy trước khi bước vào hành trình ơn gọi dâng hiến : một cô gái với thân phận bình thường, và với ước mơ về đời mình cũng thật bình thường. Nhưng Mẹ lại không được vậy, vì, có thể nói, Chúa đến làm xáo trộn cuộc đời của Mẹ.

Ở đây chúng ta có thể nhìn lại hành trình ơn gọi của mình và tự hỏi : đâu là những dấu chỉ, những cách thức Chúa dùng để làm xáo trộn cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta không thể sống như những cô gái (hay một người) bình thường ? Và trong trình thuật Truyền Tin, Chúa không đến trực tiếp, nhưng qua trung gian sứ thần Gabrien ; vậy đâu là những người « trung gian » của Chúa trong cuộc đời và nhất là hành trình ơn gọi của chúng ta ?

2. Lắng nghe Sứ thần Gabrien và Đức Maria

Cuộc đối thoại giữa Sứ Thần và Đức Maria được « đóng khung », nghĩa là khởi đầu và kết thúc, bởi chuyển động vào và ra của sứ thần : « Sứ Thần vào nhà trinh nữ » (c. 28), và sau đó, « Rồi Sứ Thần từ biệt ra đi » (c. 38). Cuộc đối thoại có thể chia làm ba bước. Chúng ta hãy lắng nghe từng bước, nhưng không quên nhìn ngắm và quan sát cung cách đối thoại của Đức Mẹ, vốn diễn tả những tâm tình nội tâm, chẳng hạn sự bối rối lúc ban đầu.

a. Bước thứ nhất

Sứ Thần ngỏ lời với Đức Maria : « Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà ». Lời chào của sứ thần dành cho Đức Maria trở thành lời chào của chúng ta, vì Kinh Kính Mừng hằng ngày của chúng ta, của cả Giáo Hội bắt đầu bằng lời chào này : « Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà ». Nhưng ở ngọn nguồn, lời chào này làm cho Đức Maria rất bối rối.

Chúng ta hãy hình dung ra Đức Maria đang trong trạng thái bối rối và tự hỏi tại sao ? Chúng ta có kinh nghiệm tương tự như vậy bao giờ chưa ? Chúng ta có bối rối như Mẹ không ? Nếu chưa, nghĩa là chưa có kinh nghiệm về tình yêu nhưng không Thiên Chúa dành cho chúng ta từ thủa đời đời, thì Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, bởi vì tất cả những gì Mẹ nhận được là để chia sẻ. Ơn huệ lớn nhất mà Mẹ nhận được là Đức Giê-su, và Mẹ đã chia sẻ hết cho chúng ta và Mẹ vẫn chia sẻ mỗi ngày.

Và Đức Mẹ tự hỏi về ý nghĩa của lời chào. Không phải vì Mẹ không hiểu điều sứ thần muốn công bố, là ân sủng Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhưng không, nhưng Mẹ không hiểu ý nghĩa của ân sủng : qua ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ tràn đầy, Chúa muốn nói gì với Mẹ, Chúa muốn mời gọi Mẹ thực hiện điều gì ? Vì thế, ngay sau đó, sứ thần mặc khải điều Thiên Chúa mời gọi Mẹ thực hiện : « Này đây, bà sẽ thụ thai… ». Có lẽ chúng ta cũng vậy, khi Chúa đến ngỏ lời với chúng ta, một lúc nào đó trong quá khứ và nhất là trong những biến cố quan trọng của hành trình ơn gọi : chúng ta cũng bối rối và tự hỏi : tại sao Chúa lại chọn con, tại sao Chúa ưu ái với con cách nhưng không như vậy ? Chúa mời gọi con làm gì ?

b. Bước thứ hai

Sứ thần xác chuẩn ơn huệ nhưng không Chúa ban cho Mẹ : « Bà được đẹp lòng Thiên Chúa », và sau đó, loan báo sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho Mẹ : « Này đây bà sẽ thụ thai… ». Như thế, ơn huệ luôn đi đôi với sứ mạng ; và đó chính là cung cách hành xử của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử Hội Dòng và trong hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta.

Sứ mạng thụ thai, hạ sinh con trai, vốn là « Con Đấng Tối Cao », là sứ mạng quá lớn, lớn hơn tất cả những gì Mẹ có và Mẹ là. Vì thế, Mẹ không thể không nêu câu hỏi, và câu hỏi của Mẹ chất chứa một ngăn trở, cũng rất lớn : « Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ? » Chính ở nhịp thứ hai này của cuộc đối thoại, mà chúng ta cảm nhận được Đức Mẹ thật sống động, thật mạnh mẽ và cũng thật lý sự nữa. Vì thế, Mẹ thật gần gũi với chúng ta, vì can đảm đặt câu hỏi, nêu ra khó khăn và trở ngại đối với lời mởi gọi của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được Chúa ban ơn huệ để thi hành sứ mạng, một sứ mạng be bé, nhưng chúng ta cũng đã và còn sẽ nêu ra rất nhiều khó khăn và trở ngại.

Còn có một điều bất ngờ lớn lao nữa, mà chắc chắn lúc này, Mẹ chưa hình dung ra hết được, bởi vì Mẹ sẽ phải khám phá ra từ từ, đó là cách Đức Giê-su trở nên cao cả, trở nên Con Đấng Tối cao, và nhất là cách Ngài thừa kế ngai vàng vua Đa-vít. Biến cố Đức Giêsu giáng sinh trong máng cỏ, việc dâng Hài Nhi cho Đức Chúa trong Đền Thờ và nhất là lời tiên tri của ông cụ Simeon : « một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà », sẽ hướng Mẹ tới con đường Thập Giá của Con Mẹ.

Sứ mạng Chúa muốn trao cho chúng ta, khi mời gọi chúng ta đi theo Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến, luôn luôn vượt qua khả năng của chúng ta. Như khi Đức Giê-su mời gọi : « Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi ». Hay như kinh nghiệm của Thánh Phao-lô : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Mẹ thật gần gũi với chúng ta, vì can đảm đặt câu hỏi, nêu ra khó khăn và trở ngại đối với lời mởi gọi của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được Chúa ban ơn huệ để thi hành sứ mạng, chúng ta hãy ca đảm, giống như Mẹ, dãi bày cho Chúa nghe những khó khăn và trở ngại của chúng ta : « việc ấy xẩy ra thế nào được ? »

c. Bước thứ ba

Sứ thần rất coi trọng ngăn trở mà Đức Mẹ nêu ra ; vì thế, để thuyết phục, ngài đã không dựa vào điều gì khác, ngoài quyền năng riêng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để suy niệm từng lời của sứ thần. Vì lời của sứ thần rất thuyết phục, thuyết phục đến độ, Đức Maria đã thốt ra lời « Xin Vâng » liều lĩnh, hướng đến rất nhiều thách đố, nguy nan và những điều bất ngờ. Trước hết, theo lời của Sứ Thần, Người Con Mẹ sẽ cưu mang và sinh ra, là hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa : « Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, … ». Làm phát sinh sự sống, ở nơi mà loài người không thể làm gì được, đó chính là quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.

Sứ thần Gabriel đến gặp Đức Maria, vào thời điểm bà Elizabeth có thai được sáu tháng ; vì thế, trong lời đối thoại với Đức Mẹ, sứ thần long trọng nêu ra trường hợp bà Elizabeth để thuyết phục Đức Mẹ. Sự kiện bà Elizabeth với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng lại mang thai, có ý nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ và trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa :

Ø  Trường hợp bà Elizabeth nhắc nhớ Lịch sử cứu độ ; và lời xin vâng của Mẹ đặt trên nền tảng hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.

Ø  Lời xin vâng của Mẹ làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất : hoàn tất bao gồm 2 chiều kích : liên tục nhưng mới mẻ

Ø  Người con bà Elizabeth sinh ra sẽ gắn bó đến cùng với Người Con Mẹ Maria sinh ra.

Như thế, Thiên Chúa có khả năng làm phát sinh sự sống ở nơi mà con người không còn hi vọng gì và không thể làm gì được nữa, bởi vì hai ông bà vừa hiếm muộn và vừa lớn tuổi. Và tuyệt tác này lại nhắc nhớ những tuyệt tác tương tự khác trong lịch sử cứu độ, đó là trường hợp các phu nhân hiếm muộn của các tổ phụ, mà vẫn cứ sinh con được, và tiêu biểu nhất là bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham. Với Đức Maria, đó cũng là một tuyệt tác, nhưng là một tuyệt tác còn lớn hơn và là duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Ki-tô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, nơi biến cố truyền tin, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô.

Chúng ta được mời gọi nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử của Hội Dòng, của Tu Hội, của giáo xứ chúng ta, trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, để chúng ta có thể đi theo Đức Ki-tô và phục vụ cho sứ mạng của Ngài, không phải bằng sức lực và khả năng của chúng ta, nhưng quyền năng và sức mạnh của Chúa.

Và biến cố Truyền Tin cũng bày tỏ cho chúng ta yếu tính của đời tu: đó là để cho Thiên Chúa làm phát sinh sự sống thần linh của Người, theo hình ảnh của Đức Ki-tô, ở nơi không thể, là thân xác trinh nguyên của chúng ta, theo cách thức mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria. « Trinh nguyên », tiên vàn theo nghĩa thiêng liêng (bởi vì trinh nguyên tuyệt đối là không thể ; và trinh nguyên thể lí, chỉ chỉ có vẻ bề ngoài), nghĩa là để đáp lại tiếng gọi của Chúa, chúng ta lòng ước ao đáp trả trọn vẹn và triệt để.

3. Lắng nghe lời « Xin Vâng » của Đức Maria

Trong bản văn Hi-lạp của trình thuật Truyền Tin, thật ra không có từ « xin vâng », hay từ « vâng » trong bản dịch Tiếng Việt ở đây, nhưng chỉ có câu trả lời của Đức Mẹ : « Tôi đây là nữ từ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói » hay dịch sát hơn : « Tôi đây là nữ tì của Chúa, hãy xảy ra cho tôi theo như lời Sứ Thần ». Ngoài ra, « Xin Vâng » còn được đọc theo tiếng La-tinh là « Fiat » ; nhưng thực ra, « Fiat » có nghĩa là « ước gì xẩy ra », hoặc « hãy xẩy ra », cho tôi theo như lời của ngài. Vì thế, chúng ta vẫn cứ tiếp tục nói Đức Mẹ thưa « Xin Vâng », nhưng phải hiểu tiếng « Xin Vâng » của Mẹ là cả một câu trả lời khá dài và đầy ý nghĩa.

Thật vậy, trong lời « Xin Vâng », Mẹ tự xưng mình là « nữ tì ». Chúng ta thường nghĩ ra nhiều tước hiệu cao vời dành cho Đức Maria ; nhưng Mẹ lại thích tự xưng mình, trong biến cố Truyền Tin và trong bài ca bất hủ Magnificat, là « Nữ Tì của Chúa » (Lc 1, 38), là « Phận nữ tì hèn mọn ». Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế đó. Không ở đầu ngoài lời nói này của Mẹ, chúng ta cảm thấy thật gần gũi với Mẹ. Vì chúng ta cũng như Mẹ, là nữ tì, là tôi tớ của Thiên Chúa. Sau đó, Mẹ nói « Hãy xảy ra cho tôi theo như lời của Sứ Thần nói ». Chúng ta hãy cảm nếm lòng tín thác tuyệt đối Mẹ dành cho Chúa qua lời nói này, bởi vì qua lời này, Mẹ cam kết từ bỏ quyền làm chủ đời mình ; và đó chính là ý nghĩa tận cùng của mọi ơn gọi, và nhất là của ơn gọi dâng hiến.

Chúng ta được mời gọi đặt lời « xin vâng » của chúng ta, khi đón nhận Đức Ki-tô vào cuộc đời chúng ta và sống theo ơn gọi Chúa ban, trong lời « Xin Vâng » của Đức Mẹ. Cũng giống như Đức Mẹ, tiếng xin vâng ban đầu của chúng ta cần phải làm mới lại suốt đời, nhất là ở những khúc quanh quan trọng và trong thời gian tĩnh tâm, hay ở những lúc khó khăn thử thách lớn nhỏ trong hành trình ơn gọi. Trong những giai đoạn khó khăn thử thách lớn, có khi chúng ta được mời gọi thưa « xin vâng » mỗi ngày, bằng cách nhận lời « Xin Vâng » của Mẹ làm của mình, và lời « Xin Vâng » này có nghĩa là : « Con là nữ tì của Chúa, xin xảy ra cho con theo như Lời của Ngài. »

Xin Đức Mẹ đồng hành và phù hộ chúng ta với tình yêu hiền mẫu, để chúng ta cũng sống đến cùng lời « xin vâng » của chúng ta, giống như Mẹ.

Tháng Mân Côi 2014
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên - Lm . J. P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên- Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên-Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên- Lm.JB

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên A: TÂM ĐIỂM YÊU THƯƠNG. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Fatima, 13.10.1917 - Một Phép Lạ Vĩ Đại Chưa Từng Xảy Ra!
     5' Suy Niệm Lời Chúa - Tuần XXVII TN A
     Chúa Nhật XXVII Thường Niên A - Kinh Thánh Bằng Hình - Việt Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII THường Niên A: TRỞ THÀNH NGƯỜI THỢ CÓ TRÁCH NHIỆM
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII THường Niên A: ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊ-SU: VIÊN ĐÁ GÓC BAN ƠN CỨU ĐỘ. Lm Đan Vinh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường Niên A - Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     CHUỖI KINH MÂN CÔI - Hiệu Quả Phi Thường Qua Hàng Thế Kỷ
     Bài Đọc Chúa Nhật XXVII Thường Niên A
     Thánh Vịnh - Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm A