Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN TRONG

SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG.

Lúa chín đầy động, mà thợ gặt lại ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,37-38)

CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU.

14485591260780329.jpgCầu nguyện là hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống người Ki-tô hữu. Vắng bóng cầu nguyện, họ không phải là người Ki-tô hữu đích thực giữa cuộc đời. Điệp khúc này mãi vẫn vang vọng đến mọi người, nhắc đi nhắc lại, cho thấy tầm quan trọng của cầu nguyện trong nhịp sống của những người Ki-tô hữu.

Khi cầu nguyện, người tín hữu đi vào mối tương quan với Thiên Chúa: Cha – Con và Thánh Thần, và trở nên gắn bó với Thiên Chúa qua tâm tình cầu nguyện. Sức mạnh của cầu nguyện sẽ nâng bổng con người lên, được đụng chạm và được cảm nếm sự dịu ngọt của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Trong cầu nguyện, con người được dẫn vào mối tương quan thẳm sâu, diệu vời và huyền nhiệm nơi Thiên Chúa, khi chính Thiên Chúa là Đấng Cao Cả đã cúi xuống để đụng chạm đến sự mỏng dòn, bất toàn của con người, nâng con người lên và đưa họ vào trong quĩ đạo của yêu thương nơi Thiên Chúa. Và trong cầu nguyện, con người biết thưa tiếng “ Xin vâng” lên Thiên Chúa trong cuộc đời, trong sứ vụ của mình. Đó là sự đáp trả của tình yêu, mà chỉ trong quĩ đạo của cầu nguyện, con người mới có thể dám đi ra khỏi chính mình để hướng về Thiên Chúa.

Chính trong khi cầu nguyện, con người có được sự khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, một sự khao khát thánh thiện, và tràn ngập niềm hy vọng“ Thưa Ngài, xin cho tôi nước ấy” (Ga 4,15) . Khát vọng gặp được Thiên Chúa trong cầu nguyện, là điểm đến của mọi tâm hồn và Thiên Chúa, Đấng luôn mạc khải khuôn mặt tình yêu sẽ làm cho nỗi khát khao thánh thiện này nơi con người được thỏa mãn Lạy Chúa, tâm hồn con vẫn bồn chồn xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa"  (Thánh Au-gus-ti-nô). Trong cung nhịp của nguyện cầu, người Ki-tô sẽ tìm được Chân Lý, để tin và để sống“Không có việc cầu nguyện, không có đức tin sống động vào những chân lý trường cửu, không có đời sống thần linh tràn đầy, không thể có sự toàn thiện” (Thánh Anphongsô Ligori).

Cầu nguyện còn là sức mạnh cho đời sống, là nơi để người tín hữu kín múc được nguồn ân sủng nơi Thiên Chúa, làm tăng sinh lực cho đời sống tâm linh. Khác với điều mà Archimedes đã nói “Hãy cho tôi một đòn bẩy, một điểm tựa thì tôi sẽ nâng thế giới lên”, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su xác quyết rằng: điều mà Archimedes không thể có được bởi vì yêu cầu của ông chỉ có một mục đích vật chất và không hướng đến Thiên Chúa. Các thánh đã nhận được cách đầy đủ, Thiên Chúa toàn năng đã cho các ngài một điểm tựa: Chính Người và một mình Người! Còn đòn bẩy là tâm nguyện thiêu đốt mọi sự bằng lửa tình yêu, và như vậy, các ngài đã nâng thế giới lên. (Histore d’amane).

ĐỨC GIÊ-SU, VỊ THẦY DẠY CẦU NGUYỆN CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

Khởi đầu sứ vụ, Đức Giê-su chuẩn bị một không gian riêng biệt để đi vào những thời khắc của thinh lặng, cầu nguyện nhằm tìm kiếm, đón nhận và thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 4,1-11). Ngài cầu nguyện thường xuyên, cầu nguyện trong suốt hành trình loan báo Tin Mừng Nước Trời “ “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện” (Mt 14, 23); “ Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện” (Mt 26,36); “ sau khi từ biệt các ông, Ngài lên núi cầu nguyện” (Mc 6,46); “ Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Lc 5,16). Đức Giê-su cầu nguyện trước mọi công việc, đặc biệt trong những hoàn cảnh, biến cố quan trọng, để mọi quyết định cho sứ mạng nơi Ngài hoàn toàn phù hợp với thánh ý Cha:  trước khi Chúa Cha làm chứng về Ngài khi Ngài chịu phép Rửa (x. Lc 3,21); trước cuộc Biến hình trên núi (x. Lc 9,28); trước khi đi vào cuộc khổ nạn ( x. Lc 22,41-44); trước việc tuyển chọn các tông đồ (x. Lc 6, 12); trước khi Phê-rô tuyên xưng Ngài là “ Đức Ki-tô của Thiên Chúa” ( x. Lc 9,18); và Ngài cầu nguyện cho niềm tin các tông đồ được kiên vững, không suy sụp trước thử thách (x. Lc 22,32); cũng như kinh nguyện tư tế của Ngài dâng lên Chúa Cha (x. Ga 17). Trong thanh vắng, Đức Giê-su đã mang lấy nhân loại vào trong lời cầu nguyện, vào trong tâm tình dâng lên Cha, những lời cầu nguyện “ trong kín ẩn” với Thiên Chúa Cha. Lời kinh nguyện cho nhân loại, với nhân loại, vì chính Ngài đã nhập thể, chia sẻ những nỗi khổ đau con người gánh chịu, để mang lấy nhân loại trong cuộc đời, trong sứ vụ cứu độ con người (x. Dt 2,15;4,15).

Không chỉ bản thân Ngài cầu nguyện, nhưng Đức Giê-su còn truyền ngọn lửa của cầu nguyện cho những người theo Ngài, dạy họ phải biết cầu nguyện trong khi thi hành sứ vụ (x. Mt 6, 9-13; Lc 11,1-4); cầu nguyện để xin ơn sức mạnh, để bồi dưỡng tâm linh (x. Mc 6,31-32); để được mở cửa (x. Mt 7, 7-11.13-14); cầu nguyện để thuận theo thánh ý Cha (x. Mt 7,21); để có thể chống lại với sự ác, những cám dỗ vây bủa xung quanh sứ vụ (x. Mt 26,41). Bởi Ngài biết rằng người môn đệ chỉ có thể thực hiện được những gì Thiên Chúa muốn, và sứ mạng của họ qua đời sống cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa của người môn đệ.

CẦU NGUYỆN: ĐÒN BẨY VÀ SỨC MẠNH CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

Khi bắt đầu hành trình truyền giáo, chúng ta cố gắng gieo vãi hạt giống Tin Mừng  và chăm sóc kỹ lưỡng cho hạt giống được nảy mầm, nhưng không phải là chúng ta làm cho hạt giống ấy nảy mầm, mà chính là Thiên Chúa, Đấng làm cho hạt giống Tin Mừng ấy lớn lên và sinh hoa kết quả (x. 1 Cr 3, 6-7). Trong cầu nguyện, chúng ta cầu xin Chúa cho hạt giống ấy được phát triển, và van xin Ngài biến đổi lòng con người để họ nhận ra được sự cần thiết của ơn cứu độ “  Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin, và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh  em thỉnh nguyện” (Pl 4,6).

Sứ vụ loan báo Tin Mừng của nhà truyền giáo cần phải được bén rễ sâu trong cầu nguyện như Đức Giê-su và các tông đồ của Ngài đã thực hiện. Chính Đức Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha cho cánh đồng truyền giáo (x. Mt 9,37-38). Cánh đồng ấy là thế giới chúng ta mà đang sống trong và sống với. Cánh đồng bao gồm những người chưa có cơ hội nhận biết Thiên Chúa hay cố tình lìa xa Ngài, và có cả những tội nhân. Công việc của những người thợ gặt là làm sao để giới thiệu khuôn mặt Thiên Chúa yêu thương với tất cả mọi người để họ được Thiên Chúa cứu độ. Đức Giê-su muốn con người tìm kiếm ơn cứu độ và họ trở nên vui sướng vì được làm người bạn của Ngài. Loan báo Tin Mừng là sứ vụ mà Đức Giê-su trao ban cho những ai làm môn đệ của Ngài “ Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Sứ vụ làm chứng về Thiên Chúa của chúng ta có thể bằng lời nói hoặc chỉ là một cách làm chứng phi ngôn ngữ. Nhưng dù cách thế nào đi nữa, thì nhà truyền giáo, hay chính nơi mỗi người chúng ta, cần phải biết cầu nguyện và xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, long đạo đức, nhiệt thành, tính kiên trì, sự sáng suốt để thi hành sứ vụ này.

Cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta biết đau xót trước những anh em đánh mất ơn cứu độ. Lòng thương xót là yếu tố cần thiết trong sứ vụ làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Nó là động lực cho chúng ta nói, dạy và cầu nguyện để cho người khác đi vào được Nước Thiên Chúa. Lòng trắc ẩn làm cho chúng ta phải đau thương và chạy đến kêu cầu Chúa trong lời khẩn cầu khiêm tốn vì ơn cứu độ của anh em mình. Thánh Phao-lô kêu lên “ Thưa anh  em, lòng tôi những ước mong và tôi cầu xin cho dân Do Thái được ơn cứu độ” (Rm 10,1).

Cầu nguyện để có lòng khát khao làm chứng nhân, và chấp nhận hy sinh bản thân vì Chúa và vì sứ vụ. Cầu nguyện điều này thường xuyên và mong chờ Thiên Chúa biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta khao khát mãnh liệt muốn ra đi để rao loan, để nói với mọi người về Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm vui khi chúng ta thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. “ Cầu nguyện là một cách để “có thói quen” ở cùng Thiên Chúa, tạo ra những người nam nữ được linh hoạt không phải bởi tính ích kỷ, ham muốn chiếm hữu, khao khát quyền lực, nhưng từ long đại lượng, ước muốn yêu thương, khát khao phục vụ, tức là được linh hoạt bởi Thiên Chúa; và chỉ bằng cách này chúng ta có thể mang lại ánh sáng vào bóng tối của thế gian[1]. Đồng thời, trong cầu nguyện, nhà truyền giáo cầu xin Chúa làm cho họ trở nên hạt giống đích thực, chấp nhận mục nát vì lợi ích của sứ vụ "Thầy bảo thật các con: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).

Cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta sự can đảm trong sứ vụ. Chúng ta cầu nguyện để xin ơn can đảm đi trong niềm tin và rao giảng khi cần thiết. Có thể, đôi lúc, chúng ta thật sợ hãi, hay có thể cảm thấy bị nguy hiểm khi nói ra một lời vì sứ vụ, và vì điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta cầu xin lòng can đảm để thêm dũng khí, sức mạnh, dám liều mạng đón nhận sự nhạo báng, cam chịu sự khinh bỉ “ Vì Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (2 Tm 1, 7-8). Nhà truyền giáo cầu nguyện không phải là xin được bảo vệ, được thoát khỏi cơn thử thách và đau khổ, hoặc cầu xin cho thành công, nhưng cầu nguyện để xin dám công bố Lời Chúa cách “parrhesia”, nghĩa là, thẳng thắn, với sự tự do, với lòng can đảm (x. Cv 4:29). Thánh Tê-Pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, đã rất anh dũng hiên ngang rao giảng một Thiên Chúa mà Ngài chiêm niệm và biết đến, một vị Thiên Chúa đã cứu độ con người, mà cao điểm của công cuộc cứu độ là cái chết của Đức Giê-su Ki-tô; và kết thúc là cái chết tử đạo của chính ngài. Sức mạnh để thánh nhân kiên cường trở thành người rao loan Tin Mừng và lãnh nhận hồng ân tự hiến chính là nhờ sự thông hiệp với Thiên Chúa, với Đức Giê-su Ki-tô một cách mật thiết và sâu xa, nhờ việc chiêm ngắm các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện để xin Chúa trói buộc những thế lực sự ác. Vẫn luôn có những “đội quân của quỷ dữ” luôn ngăn chặn việc loan báo Tin Mừng và lấy cắp những hạt giống Tin Mừng mà chúng ta gieo vãi. Nhà truyền giáo không thể chiến đấu những mãnh lực này bằng sức riêng của mình, nhưng phải nhờ đến bàn tay của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện khẩn nài lên Thiên Chúa, xin Ngài trợ lực, giúp sức và ban ơn và nhờ đó, nhà truyền giáo có thể tấn công kẻ thù, những sức mạnh của sự ác, làm suy giảm vương quốc của ác thần. Cầu nguyện là công cụ hữu hiệu đầy sức mạnh của nhà truyền giáo trong sứ vụ của mình.

Cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta biết loan báo Tin Mừng bằng cung cách yêu thương, loại trừ bạo lực. Giữa một thế giới đầy biến động, tranh chấp và hận thù, bất công ở nhiều lãnh vực, nhà truyền giáo càng cần phải dấn sâu trong cầu nguyện, xin Chúa giúp chúng ta biết nói, biết làm chứng về Tin Mừng bằng ngôn ngữ của yêu thương, của hy vọng, và của hòa bình “ Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này “ (Cv 7,60).

Cầu nguyện để biết “đọc ra thánh ý của Thiên Chúa “trong từng hoàn cảnh, biến cố của sứ vụ và vì những nhu cầu cho sứ vụ. Hơn bao giờ hết nhà truyền giáo phải xác định căn tính của mình. Tôi LÀ nhà truyền giáo hay tôi LÀM truyền giáo ? Điều này làm cho nhà truyền giáo để tâm đến điểm chính yếu mà họ cần là: tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong sứ vụ. Ý Chúa phải là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, và là đuốc soi dẫn đường cho hành trình loan báo Tin Mừng. “Không phải chỉ là vấn đề đơn thuần theo gương Chúa Giêsu, như là một điều gì về đạo đức luân lý, nhưng là uốn nắn toàn thể cuộc đời của mình theo cách suy nghĩ và hành động của Chúa Giêsu.  Cầu nguyện phải đưa đến một sự hiểu biết và một sự kết hợp trong một tình yêu sâu xa hơn bao giờ hết với Chúa, để có thể suy nghĩ, hành động và yêu thương như Người, trong Người và cho Người.” [2] 

Đồng thời, khi tìm gặp ý Chúa trong cầu nguyện, nhà truyền giáo cảm nếm được niềm vui, lòng hân hoan với đặc ân được đến gần với Đấng Tạo Hóa, Đấng Thánh Thiện, Quyền Năng, Siêu Việt và đầy tình yêu thương. Sự gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, khi Ngài nhìn đến từng nhu cầu sứ vụ của mỗi người làm cho chúng ta cảm nhận niềm hân hoan, hạnh phúc vì được Ngài quan tâm, lo lắng “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin, tạ ơn và giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6).

Như thế,

Một nhà truyền giáo không thể không có đời sống cầu nguyện. Họ cần cầu nguyện và cầu nguyện mỗi ngày. Vì cầu nguyện là một ân huệ, là công cụ hữu hiệu, là sức mạnh và là đòn bẩy cho hành trình loan báo Tin Mừng của nhà truyền giáo. Cầu nguyện trở nên một hoạt động căn bản, không thể thiếu của bất kỳ ai muốn ra đi và trở thành người gieo hạt giống Tin Mừng.

Không cầu nguyện, những thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo sẽ là những người thợ bất toàn, và là những người thợ dại khờ trong cánh đồng của sự chết.

Cầu nguyện và cầu xin Thiên Chúa, là Chủ của cánh đồng, biến đổi sự chết chóc đó thành sự sống. Cầu nguyện, trước hết, để xin Thiên Chúa biến đổi chính mình, làm cho chúng ta trở nên người bạn thân tình với Ngài trong tương giao thân tình và tín nghĩa. Cầu nguyện để xin Ngài rửa sạch tâm hồn chúng ta trước sự thánh thiện của Ngài, để nơi tâm hồn thanh khiết hèn mọn của chính mình, Thiên Chúa sẽ ban tràn đầy Thánh Thần, làm cho chúng ta trở nên những người thợ gặt như Chúa muốn trong cánh đồng truyền giáo của Ngài, trở nên những người gieo vãi hạt giống Tin Mừng yêu thương giữa một thế giới đang dần dần muốn xa rời Thiên Chúa, đến với những con người chưa có cơ hội biết Ngài, những con người lầm lạc trong thế giới hôm nay.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT

 



[1] Bài Giáo Lý Thứ 38 của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện

 

[2] Bài Giáo Lý Thứ 39 của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     YÊU THÍCH TĨNH LẶNG: XƯA…VÀ NAY. Nt. T. Ngọc Lễ, ĐMTT
     CON ĐÃ SỐNG XA CHÚA. MM Tân, SJ.
     VÌ SAO BÚT CHÌ CÓ CỤC TẨY? Lm Giuse Nguyễn Hữu An
     GIUĐA HAY LÀ TÔI …?TuGiaVi
     MẸ NHỎ LẠI ĐỂ CON LỚN LÊN. G. Tuấn Anh
     MÙA CHAY THÁNH : KHÍA CẠNH PHỤNG VỤ VÀ TU ĐỨC. Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
     HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN!
     BÀI CHIA SẺ HỌP MẶT TÂN TÒNG: HẠNH PHÚC SỐNG ĐẠO TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY. Lm. Giuse Đinh Đức Đạo
     TINH THẦN TRUYỀN GIÁO: NỀN TẢNG CỦA LÒNG TIN VÀ CHỨNG TÁ CỦA TÌNH YÊU
     NHỮNG SỨC MẠNH CHỐNG ĐỐI: DẤU HIỆU CỦA SỰ KHẮC KHOẢI TRONG LÒNG NGƯỜI . Lm. Giuse Đinh Đức Đạo