Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay Năm A

Bệnh vẻ bề ngoài và ơn chữa lành

LỜI CHÚA: Mt 23, 1-12

(1) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: (2) "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. (3) Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi".

(8) "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

SUY NIỆM

1. Bệnh sống theo vẻ bề ngoài

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đi theo Người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, đừng sống theo các luật sĩ và những người pharisiêu, bởi vì:

Ø     Họ nói mà không làm.

Ø     Và nếu họ có làm gì, họ làm tất cả chỉ để cho người ta thấy.

Ø     Và vì họ thích được nhìn thấy mình làm tốt, nên họ cũng thích được trọng vọng: ngồi những chỗ đầu tiên trong các bữa ăn, và trong hội đường; thích được chào hỏi nơi công cộng và thích nghe người ta gọi mình là Thầy.

Như thế, theo Đức Giê-su, các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu là những người chỉ sống theo vẻ bề ngoài: bề ngoài trên môi miệng, bề ngoài với việc làm, và bề ngoài trong tương quan với người khác. Ngang qua việc vạch rõ lối sống cụ thể của một nhóm người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta.

Đức Giê-su rất “nhạy cảm” với căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài và đã nhiều lần nhắc nhở các môn đệ; và hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại tiếp tục cảnh báo “các môn đệ” và cả đám đông nữa về căn bệnh này ngang qua những con người cụ thể là luật sĩ và Pharisiêu.

2. Thiên Chúa là “Đấng kín đáo”

Trong “Bài Giảng Trên Núi,” Đức Giê-su mời gọi chúng ta đừng sống theo vẻ bề ngoài, nhưng sống theo sự thật trong tương quan với chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhất là khi bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó là ba việc đạo đức căn bản trong đời sống đức tin; và chúng ta có thể mở rộng ra tất cả tất cả những việc đạo đức khác, và nhất là mở rộng ra cung cách sống căn tính Kitô hữu hay căn tính tu sĩ của chúng ta. Thực vậy, Đức Giê-su nói (Mt 6, 1-18):

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh

Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Đức Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó 5 lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình. Kín đáo là một đặc nét của nữ tính; vì thế, phụ nữ dễ trở nên giống Thiên Chúa, Cha của chúng ta hơn!

Và chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Đức Giêsu. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm ngắm, mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động.

Đức Giêsu không chỉ chữa bệnh vẻ bề ngoài của loài người chúng ta bằng lời nói, nhưng bằng chính cách sống nữa; như Ngài nói về mình: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng sự sống của mình”. Và phương thuốc tận cùng của Ngài là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Ngài không còn là gì nữa: thân xác, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó Căn Tính đích thật của Ngài lại rạng ngời nhất. Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng bị đâm thâu, thì sẽ được chữa lành (x. Ds 21, 4-9; Ga 3, 14-15).

3. Cách xưng hô và cách tương quan

Trong vô số những biểu hiện của căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài, Đức Giêsu đặc biệt chú ý đến cách xưng hô; và dường như Ngài đặt những cách xưng hô bình thường của chúng ta thành vấn đề, vì chúng ta vẫn gọi người khác và người khác cũng vẫn gọi chúng ta là thầy, là bà thầy là cha, là đức cha, là bề trên “thứ cấp” hay “thượng cấp”, là giám sư… Rồi chúng ta cũng tự xưng như thế nữa! Bởi lẽ, cách xưng hô diễn tả tương quan và những cách xưng hô như thế rất dễ làm cho tương quan của chúng ta trở thành lệch lạc, nghĩa là chúng ta có thể tự biến mình hay người khác thành thần linh, thành một thứ tuyệt đối hay không thể không có, thành trung tâm, thành mẫu mực, thành điểm qui chiếu mà mọi người phải hướng về. Bệnh vẻ bề ngoài ở dạng này có thể nó là nghiêm trọng nhất.

Như thế, rốt cuộc Đức Giêsu không muốn chúng ta thay đổi cách xưng hô, cho dù đã có những thay đổi thực sự về cách xưng hô theo hướng tương quan huynh đệ của Tin Mừng, và chắc chắn đã có ảnh hưởng trên cách chúng ta tương quan với nhau. Bởi vì, xét cho cùng, cách xưng hô vẫn dừng lại ở bên ngoài. Nhưng, sâu xa hơn nhiều vẻ bề ngoài, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi cách chúng ta sống với nhau, ứng xử với nhau: dù chúng ta là ai, có chức vụ gì hay ở độ tuổi nào, tất cả chúng ta đều có một Cha, một vị Thầy, đồng thời là vị Lãnh Đạo, và do đó, chúng ta là anh chị em của nhau. Đó mới là Sự Thật và chúng ta được mời gọi sống theo Sự Thật như Đức Giê-su, thay vì theo vẻ bề ngoài.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Thứ Hai Tuần II Mùa Chay Năm A: LÒNG NHÂN TỪ. Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Chay A. Nhiều tác giả
     Gợi ý suy chiêm Tin Mừng Chúa Nhật II MÙA CHAY Năm A: GẶP GỠ CHÚA TRONG CÔ TỊCH & THỰC THI LỜI NGÀI. Nt T. Ngọc Lễ, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Chay A: Thiên Chúa tỏ cho thấy Con Người và thánh ý của Người. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Thứ Bảy tuần I Mùa Chay A
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Năm Tuần I Mùa Chay Năm A: “Hãy xin thì sẽ được” (Mt 7,7). Lm. Dom Hữu Cường
     Thứ Hai tuần I Mùa Chay Năm A: THỜI THIÊN CHÚA THI ÂN. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY NĂM A. Nt. Maria Chinh Anh, OP
     Thứ Ba Tuần I Mùa Chay: Lời Chúa và lời người. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc