Thứ Năm Tuần Thánh
SÁNG KIẾN CỦA TÌNH YÊU
Câu chuyện được kể lại, vào cuối năm 2013, một linh mục trẻ của giáo phận Xuân Lộc bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường về thăm gia đình. Ngay sau đó, cha được cấp cứu vào bệnh viện Long Khánh với một bên chân bị giập nát và mất rất nhiều máu. Khi được thông báo về tình hình của linh mục bị nạn, thì một hình ảnh khiến cho nhiều người trong bệnh viện chiều hôm đó cảm động, đó là có một hàng dài gồm có các linh mục và các chủng sinh Đại chủng viện Thánh Giuse xếp hàng ở cửa phòng cấp cứu để hiến máu tiếp sức cho người anh em của mình. Lúc đó chẳng ai còn nghĩ đến một chuyện gì khác ngoài việc làm mọi cách với mong muốn bằng bất cứ giá nào để cứu sống người anh em.
Thưa quý OBACE, trong tình yêu luôn luôn có sáng kiến, và khi yêu thương nhau người ta sẽ không tiếc với nhau điều gì, chỉ mong muốn cho người mình yêu được sống và được hạnh phúc, dù có phải hy sinh cả những giọt máu và mạng sống cũng có thể trao tặng cho nhau.
Từ kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày như thế, chúng ta mới có thể hiểu được tâm trạng và tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các mộn đệ và cho nhân loại chúng ta trong đêm Thứ năm Thánh này, trước khi Người chia tay với các tông đồ. Thánh Gioan cho chúng ta cái cảm giác như nghe được tiếng thời gian chuyển động, và từng cử chỉ và hành động của Đức Giêsu như những thước phim chiếu chậm. Chúa Giêsu rất ý thức về việc mình làm : Người biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha. Đây không phải là một cuộc chia tay bình thường, mà là chia tay để bắt đầu một quyết định lớn lao, bắt đầu hành trình trở về với Thiên Chúa Cha, qua con đường thập giá. Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Yêu thương đến cùng, là một tình yêu trao ban trọn vẹn tuyệt đối, là cho đi không hề tính toán, là chấp nhận mọi sự nguy hiểm thiệt thòi về cho mình, miễn là người mình yêu được sống hạnh phúc. Chính vì yêu thương đến cùng, mà Chúa Giêsu đã có những sáng kiến, những hành động vượt quá sức tưởng tượng của các tông đồ, khiến các ông không thể hiểu được.
Tin Mừng cho thấy trong lúc thầy trò đang ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra trao cho các ông và nói : Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em, anh em hãy cầm lấy mà ăn. Như thế, trước khi bị nộp vào tay quân dữ và cho Philatô, thì Chúa Giêsu đã phó nộp cả mạng sống, con người mình cho Thiên Chúa Cha và cho các môn đệ, biến mình trở nên như một của lễ toàn thiêu, chấp nhận đốt cháy đời mình vì yêu mến Chúa Cha để đền tội thay cho nhân loại và chấp nhận trở nên lương thực, nên tấm bánh để nuôi sống những người mình yêu thương. Chấp nhận biến thân mình làm tấm bánh, là chấp nhận chịu nhai, chịu nát tan và đi vào trong tâm hồn của người mình yêu. Tương tự như thế, cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén trao cho các tông đồ và nói : Các con hãy cầm lấy mà uống, đấy là chén máu Thầy, máu của Giao Ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Ngay từ giây phút này trong Nhà Tiệc Ly, thì Chúa Giêsu đã hiến trao máu của mình cho các tông đồ, máu là sự sống và để cứu sống, Đức Giêsu khi trao máu cho các tông đồ, Người đã trao cho các ông sự sống của Người, và nhờ dòng máu này tẩy rửa, họ được đón nhận sự sống mới từ chính Chúa Giêsu trao ban. Cách thể hiện tình yêu của Chúa Giêsu thật là độc đáo, và quả là hết sức bất ngờ đối với các tông đồ. Vì yêu đến tận cùng, Chúa không muốn dừng lại ở bên ngoài, mà Người muốn được đi vào trong tâm hồn qua việc trở nên của ăn của uống, để có thể đi vào trong từng đường gân thớ thịt, vào trong cả huyết quản của người mình yêu, và làm nên một sức sống mới, sự sống vĩnh cửu cho người mình yêu.
Chúa Giêsu còn tiếp tục hành động yêu thương của mình, Người trao phó cả cuộc đời, con người của mình cho các tông đồ khi truyền cho các ông : Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Với lời này, Chúa Giêsu đã thiết lập chức Linh Mục và tuyển chọn các ông trở thành các linh mục đầu tiên. Có thể nói được rằng, Chúa Giêsu đã quá táo bạo khi trao cho các tông đồ một thừa tác vụ lớn lao và thánh thiêng, để từ đây các ông nhân danh Chúa tái hiện lại giây phút yêu thương và cảm động này của Nhà Tiệc Ly mỗi ngày cho đến tận thế. Dù biết rằng các tông đồ vốn là những con người thấp kém về mọi mặt, vậy mà Chúa đã cho các ông được quyền cử hành mỗi ngày hành động yêu thương của Chúa, và mỗi khi cử hành, thì chính Chúa hiện diện và thực hiện hành động yêu thương qua các ông.
Với sứ mạng nối dài tình yêu của Chúa cho nhân loại, cho đến nay, qua các tông đồ, Chúa cũng vẫn tuyển chọn và cậy nhờ những con người yếu đuối thấp hèn là các linh mục trong Giáo Hội để tiếp tục thi hành thừa tác vụ yêu thương của Chúa. Ơn Chúa trao và chức linh mục không hề làm thay đổi bản chất và sự yếu đuối của các linh mục, chính vì thế chúng ta không lạ gì khi thấy có nhiều linh mục đã không chu toàn mệnh lệnh Chúa trao, hoặc vì yếu đuối, họ đã bỏ bê nhiệm vụ, và đã không sống trọn đòi hỏi yêu thương của Chúa, nhiều người đã đi chệch con đường, và còn trở thành kẻ phản bội Chúa.
Chưa hết ngỡ ngàng vì những việc Chúa vừa làm, thì các tông đồ lại chứng kiến một hành động yêu thương khác : Người chỗi dậy rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu mà cúi xuống rửa chân cho các tông đồ. Với việc làm này, Chúa Giêsu vừa muốn nêu gương, vừa muốn dạy các ông một bài học sống động về sự yêu thương và phục vụ. Rửa chân là việc làm chỉ dành cho nô lệ phục vụ chủ, vậy mà Đức Giêsu đã rời khỏi vị trí của mình là một vị Thiên Chúa quyền năng, là một người Thầy được kính trọng, Người cởi áo ra, tức là giũ bỏ tất cả vinh quang danh dự, không còn nghĩ gì đến địa vị của bản thân, Người lấy khăn, thắt lưng, tức là tự biến mình thành một kẻ đầy tớ sẵn sàng để cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình. Việc làm này đã đảo lộn tất cả những suy nghĩ và quan niệm vốn có của con người về thứ bậc địa vị trong xã hội, với một mục đích duy nhất là yêu thương và phục vụ.
Chính vì sự đảo lộn trật tự trong quan niệm và cách sống này, mà Phêrô đã cực lực phản đối : Thưa Thầy, không đời nào mà Thầy lại rửa chân cho con. Vì từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện thày rửa chân cho trò, chủ phục vụ đầy tớ, vậy mà giờ đây Chúa Giêsu đã làm như thế. Chúa Giêsu đã trả lời Phêrô : Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, sau này anh sẽ hiểu. Các con gọi Ta là Thầy là Chúa, điều đó là đúng, vậy nếu Ta là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.
Thưa quý OBACE, bài học đến đây đã rõ: Thầy đã nêu gương cho anh em, anh em cũng hãy làm như Thầy đã làm cho anh em mình. Hãy yêu như Thầy đã yêu, hãy làm như Thầy đã làm, đó là mong muốn của Chúa Giêsu đối với mỗi chúng ta trong đêm cực thánh hôm nay.
Hãy yêu như Thầy đã yêu, tức là Chúa muốn chúng ta cũng hãy dám để cho tình yêu thôi thúc và đưa đến những hành động yêu thương, vì khi yêu, thì tình yêu sẽ chỉ cho chúng ta biết sẽ phải làm gì và làm như thế nào. Hãy để cho tình yêu dẫn dắt và thúc đẩy chúng ta, để rồi cũng như Chúa Giêsu dám trao phó cả con người và cuộc đời chúng ta cho anh em, và vì hạnh phúc của anh em. Các bậc cha mẹ hãy để cho trái tim của mình thôi thúc để biết hy sinh nhiều hơn nữa cho cho con cái, cho gia đình, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân. Hy sinh để tìm kiếm lương thực nhà cửa cho con cái thì chưa đủ, nhưng còn phải hy sinh cả thời giờ và tình yêu cho con cái qua những giờ phút xum họp thân thương của gia đình. Hãy biến gia đình trở thành Nhà Tiệc Ly mỗi ngày, để trong bầu khí yêu thương, mọi thành viên tìm hết mọi cách để phục vụ, để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình.
Mỗi người hãy dám cởi bỏ khỏi mình cái áo của địa vị, của sự tự cao tự mãn, để có thể cúi xuống phục vụ anh chị em chung quanh. Vì chúng ta không thể nhìn thấy được hoàn cảnh của anh chị em khi chúng ta không chấp nhận cúi xuống, chúng ta không thể hiểu và thông cảm với những đau khổ của anh chị em khi chúng ta không dám cởi bỏ con người của mình. Hãy làm như Thầy đã làm, là dám cúi xuống để phục vụ, để giúp đỡ, và chia sẻ với những cảnh khốn cùng của anh chị em.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đang tạo ra trong Giáo Hội một tấm gương của sự nghèo khó và phục vụ, Ngài đã từ chối mọi sự vinh quang của một vị giáo hoàng để sống một cuộc sống đơn giản như một người khách trọ tại Vatican, để có thể dễ dàng đến được với mọi người. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các Giám mục và các Linh mục được sống thánh thiện, nghèo khó và biết học nơi Đức Giêsu : dám cởi bỏ con người và địa vị của mình và dám trao phó cuộc đời của mình vì hạnh phúc của mọi người. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc