Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHÚA  NHẬT LỄ LÁ A

ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ

CỦA VUA GIÊ-SU

palmsunday.jpgI. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 21,1-11

(1) Khi thầy trò đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, Đức Giê-su sai hai môn đệ (2) và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh tháo dây ra và dắt về cho Thầy. (3) Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng. Người sẽ gởi lại ngay. (4) Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: (5) Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. (6) Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền.  (7) Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên: (8) Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. (9) Đám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”. (10) Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy ?” (11) Đám đông trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”.

2. Ý CHÍNH:

Để công khai tỏ mình là Đấng Thiên Sai, Đức Giê-su quyết định vào thành Giê-ru-sa-lem cách long trọng. Người sai môn đệ đi trước mượn lừa, rồi ngồi lên trên và tiến vào thành giữa những tiếng reo mừng hoan hô (9). Dân chúng trải áo xuống đường, tay mang cành lá chiến thắng và miệng tung hô "Vạn Tuế" giống như cuộc đón rước vị Vua chiến thắng khải hoàn vào thành, để ứng nghiệm lời sấm của Da-ca-ri-a (x Dc 9,9) và I-sai-a (x Is 62,11) như sau: “Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21,5).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-6: + Thầy trò đến gần Giê-ru-sa-lem: Theo Tin Mừng Gio-an (x Ga 12,1), sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su tới Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khỏang gần 3 cây số vào buổi chiều, và thầy trò đã đến ở trọ qua đêm tại Bê-ta-ni-a trong nhà ba chị em Mác-ta Ma-ri-a và La-da-rô. + Tới làng Bết-pha-ghê: Giữa Bê-ta-ni-a và Giê-ru-sa-lem có làng Bết-pha-ghê, nằm dưới chân núi Ô-liu về phía Đông. + Sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó…: Câu này nói lên tính siêu việt nơi con người Đức Giê-su: Ngài có cái nhìn thấu suốt không gian thời gian, thấu suốt tâm can con người (x. Mt 9,4; Lc 7,39-40). + Một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh: Chỉ Tin Mừng Mát-thêu mới nói đến con vật là lừa mẹ và lừa con. Còn ba Tin Mừng kia chỉ nói đến một con lừa tơ chưa một lần sử dụng, như dành riêng cho công việc linh thánh này. + “Chúa cần đến chúng”: Chủ lừa chắc là chỗ quen biết trước nên Đức Giê-su căn dặn môn đệ trả lời như vậy. Từ “Chúa” ở đây ám chỉ ông chủ lừa này đã tin Người là Thiên Sai.

- C 7-9: + Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường: Dân chúng ở đây phần lớn là những người từ xứ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Họ nghỉ trong các quán trọ trên đường vào Thành, hoặc tạm trú trên sườn núi Cây Dầu. Những người này phấn khởi ra đón vị Vua Thiên Sai mà họ hy vọng sẽ giúp họ chống lại ách thống trị của ngoại bang. Họ lấy áo lót đường và chặt cành cây Ô-liu trải trên lối đi để bày tỏ lòng trọng kính Đức Giê-su như một vị Vua Thiên Sai theo phong tục Cận Đông thời bấy giờ. + Con vua Đa-vít: Dân chúng đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, là “Con Vua Đa-vít” khi họ thấy Người làm cho hai người mù được sáng mắt (x. Mt 20,30), và truyền cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại (x. Ga 11,45). Đó là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Is 29,18-19; 25,7-9). + Hoan hô: Dân chúng nô nức theo sau và phấn khởi hoan hô Người bằng lời hoan hô được ghi trong Thánh Vịnh 118 (x. Tv 118,25-26).

4. HỎI ĐÁP:

- HỎI 1: Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mấy lần trong đời của Người ?

ĐÁP: Đọc Tin Mừng Mát-thêu, ta có cảm tưởng Đức Giê-su chỉ lên Giê-ru-sa-lem một lần duy nhất trong cuộc sống trần gian. Nhưng thực ra, Người đã lên Đền thờ ít là 5 lần quan trọng: Lần 1 khi mới sinh được 40 ngày (x. Lc 2,22-24). Lần 2 năm 12 tuổi, trẻ Giê-su theo cha mẹ lên Đền thờ (x. Lc 2,42). Lần 3,4,5…: Trong gần 3 năm rao giảng Tin Mừng, mỗi năm Đức Giê-su đều lên Đền thờ dự lễ Vượt Qua (x. Ga 2,13; 5,1; 12,12), và vào nhiều dịp lễ khác (x. Ga 7,10.14; 10,22-23).

- HỎI 2: Tại sao Người không cưỡi ngựa mà lại dùng lừa ?

ĐÁP: Đức Giê-su ngồi trên lừa con chưa mang ách và chưa ai cưỡi cho thấy Người là Đấng Thiên Sai. Vì lừa mẹ ám chỉ dân Do thái đã từng mang ách của Luật Mô-sê (x. Cv 15,10), còn lừa con ám chỉ dân ngoại chưa từng mang ách, giờ đây sẽ được mang ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Đức Ki-tô (x. Mt 11,29-30). Người cưỡi trên mình lừa thay ngựa để nói lên sự khiêm tốn và hiếu hòa của Vua Thiên Sai. Bên Do thái, các bậc vua chúa quan quyền thường dùng lừa thay vì dùng ngựa. Như hoàng tử Áp-sa-lon đã chết thảm khi đang cưỡi lừa (x. 2 Sm 18,9).

- HỎI 3: Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá gồm mấy phần ?

ĐÁP: Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay gồm hai phần: nghi thức khởi đầu vui tươi phấn khởi với bài Tin Mừng diễn tả việc Đức Giê-su được dân chúng cầm cành lá đón rước long trọng như một Vua Mê-si-a khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem (x Mt 21,1-11). Nhưng rồi trong thánh lễ, bài Thương Khó lại trình bày những sự kiện đau thương trong cuộc khổ nạn: Đức Giê-su bị bắt như một tội đồ, chịu xét xử và bị kết án trước Thượng Hội Đồng Do Thái (x Mt 26,57-67), sau đó bị điệu ra trước tòa tổng trấn Phi-la-tô và ông này dưới áp lực của đám đông Do thái đã kết án tử hình thập giá cho Người cách bất công (x Mt 27,1-2.11-26). Rồi Người còn bị quân lính hành hạ (x Mt 27,27-31), bị vác thập giá lên Đồi Sọ trước khi bị đóng đinh tay chân vào thập giá (x Mt 27,32-38) và chịu nhiều người nhạo cười nhục mạ (x Mt 27,39-44) trước khi tắt thở (x Mt 27,48-56). Sau đó Người được 2 môn đệ mai táng trong mồ đá (x Mt 27,57-61), và các đầu mục dân Do thái đã xin Phi-la-tô cho cử người đến canh mồ (x Mt 27,62-66).

-  HỎI 4: Phân biệt hai con đường của Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem với con đường thánh giá của Người đi lên Núi Sọ khác nhau thế nào ?

ĐÁP: Con đường khải hoàn vào thành thánh của Người là con đường vinh quang, còn con đường lên Núi Sọ là con đường từ bỏ bản thân, chấp nhận gian khổ, nhưng lại là đường mà Chúa Cha muốn Đức Giê-su trải qua để ban ơn cứu độ cho loài người như Người đã tiên báo: “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

- HỎI 5: Các tín hữu cần học với Đức Giê-su để sống đức tin như thế nào ?

ĐÁP: Trước những biến cố dồn dập xảy đến trong cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã nêu gương một đức tin phó thác cậy trông bằng thái độ bình thản trước mọi sự việc, bằng thái độ luôn ân cần quan tâm giúp đỡ người bên cạnh và bằng một trái tim luôn mở rộng để yêu thương như sau:

+ Đức Giê-su tỏ thái độ bình thản đón nhận các sự kiện lần lượt sẽ xảy ra trước cuộc khổ nạn: Đối với Đức Giêsu, chết là về cùng Chúa Cha, Đấng mà Người luôn yêu mến và kết hiệp mật thiết, nên Người đã tỏ ra thanh thản khi bước vào cuộc khổ nạn khi sắp xếp ăn lễ Vượt Qua lần cuối với các môn đệ (x Mt 26,17-19). Người bình thản tiên báo việc bị môn đệ bội phản: “Thầy bảo thật anh em: Một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,20). Người cũng tiên báo việc Phê-rô chối Thầy: “Thầy bảo thật anh: Nội đêm nay, gà chưa gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (x Mt 26,34).

+ Đức Giê-su tỏ thái độ hiền hòa khoan dung với những kẻ làm hại mình: Người  tha thứ tội đã xúc phạm và còn chữa lành cho đầy tớ thượng tế đã bị Phê-rô chém đứt vành tai. Người cảnh báo Phê-rô không được sử dụng bạo lực: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi bị Giu-đa hôn mặt chỉ điểm cho quân lính bắt, Người vẫn tỏ ra nhẹ nhàng với hy vọng đánh thức lương tâm của người môn đệ phản bội qua câu nói với anh ta: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” (Mt 26,50). Dù đang bị xét xử, Người vẫn quan tâm đưa mắt nhìn Phêrô ngầm tha thứ tội đã hèn nhát chối Thầy ba lần (x Lc 22,61-62). Cái nhìn cúa ấy kèm theo tiếng gà gáy đã thức tỉnh Phê-rô hồi tâm sám hối (x Mt 26,75). Người giữ im lặng chịu đựng những lời nhục mạ của kẻ qua người lại: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !” (Mt 27,39-40). Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế diễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en ! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền… Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn ! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa” (Mt 27,41-43).

+ Đức Giê-su tỏ thái độ yêu thương các tội nhân có lòng sám hối và khoan dung với kẻ có tội: Trên thập giá, khi sức cùng lực kiệt, Người đã lắng nghe người trộm lành bày tỏ lòng sám hối và hứa ban ơn cứu độ Nước Trời cho anh: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Người còn cầu nguyện với Chúa Cha để bào chữa các đầu mục Do thái, đám đông dân chúng và bọn lính đã hành hạ sỉ nhục Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

+ Tình thương của Đức Giê-su vượt qua những tội lỗi hèn yếu và phản bội của loài người chúng ta: Đáp lại các hành vi hung ác tàn bạo của những kẻ thù ghét hãm hại, Người vẫn một lòng yêu thương tha thứ. Nơi Đức Giê-su: Tình yêu đã chiến thắng hận thù, đúng như Người đã dạy môn đệ trước đó: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Đây cũng là bài học cho mỗi người tín hữu hôm nay: Mỗi người chúng ta phải quyết tâm sống đức tin bằng việc thực thi sự cậy trông phó thác và lòng mến cảm thông chia sẻ và khiêm nhường phục vụ những người tội lỗi bất hạnh và bị bỏ rơi noi gương Đức Giê-su xưa.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5).

2. CÂU CHUYỆN: BA THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI THÁNH GIÁ CHÚA GIÊ-SU

Vào một ngày Chúa Nhật nọ, BOB lái xe đưa vợ đi mua sắm một số đồ cần dùng. Hai vợ chồng bàn nhau vào một tiệm cầm đồ bình dân để tìm mua hàng rẻ. Bà chủ tiệm chỉ cho họ một số hàng quá hạn cần thanh lý. Bà vợ của BOB cầm lên xem một cây Thánh giá đã cũ, rồi ghé tai chồng nói nhỏ: “Đây là cây Thánh giá bằng bạc đắt tiền mà sao bà chủ tiệm lại để giữa các món hàng rẻ tiền này ?” Sau đó, hai vợ chồng đã mua được cây Thánh giá ấy với giá chỉ một đôla ! Về đến nhà, BOB liền mang cây Thánh giá ra lau chùi sạch sẽ. Một lát sau, cây Thánh giá cũ kia đã trở nên bóng lộn và giá trị đã tăng lên cả trăm đôla ! Rồi BOB trân trọng đặt cây Thánh giá kia lên bàn. Sau đó cậu con trai của BOB đi học giáo lý về. Cậu chăm chú nhìn cây Thánh giá và tự nhiên hai giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má. BOB rất ngạc nhiên trước thái độ của con trai và hỏi cậu nguyên nhân tại sao khóc như thế ? Bấy giờ cậu bé trả lời như sau: “Thưa ba, hôm nay ở nhà thờ con học giáo lý về cây Thánh giá của Chúa Giê-su. Con biết Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại, nên đã sẵn lòng chịu chết trên cây Thánh giá, để đền tội thay cho chúng ta. Vì thế khi nhìn thấy cây Thánh giá này, con liền nghĩ đến tình thưong của Chúa thật quá lớn lao, và dù con đã cố kìm nén lại mà tự nhiên nước mắt vẫn cứ chảy ra !”.

3. SUY NIỆM:

1) TÔN VINH CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA THIÊN SAI:

Bài Tin Mừng khi rước lá thuật lại việc Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem như một vị Vua Thiên Sai, được dân chúng theo sau hoan hô như đón mừng một ông vua chiến thắng khải hoàn vào thành, hầu ứng nghiệm lời sấm của Gia-ca-ri-a. Vào thời Đức Giê-su, nhiều người Do thái đang chờ mong Đấng Thiên Sai đến để đánh đuổi quân Rô-ma ra khỏi nước Do thái và thiết lập một triều đại mới, giống như triều đại vua Đa-vít và Sa-lô-mon xưa. Nhưng thực ra sứ mệnh của Đức Giê-su không phải như dân Do thái đang mong đợi. Người là Vua Thiên Sai nhưng là vị Vua Mục Tử và ông Vua Hòa Bình sẵn sàng thí mạng để ban ơn cứu độ cho đoàn chiên:

+ Vua Mục Tử: Người đến như một mục tử lãnh đạo để chăm sóc đàn chiên của mình. Người bảo vệ chiên khỏi bị sói rừng cắn xé. Người yêu thương đàn chiên của Người đến cùng, thể hiện qua việc rửa chân hầu hạ môn đệ và ban Mình Máu Người làm của ăn nuôi dưỡng họ. Cuối cùng Người sẵn sàng chịu chết đền tội thay cho nhân loại và sống lại để phục hồi sự sống cho những ai tin vào Người.

+ Vua Hòa Bình: Người đến không phải để kết án và trừng phạt những kẻ tội lỗi, nhưng để thứ tha cho những tội nhân thật lòng sám hối ăn năn như ma-ri-a Ma-đa-le-na, như người phụ nữ tội lỗi bày tỏ lòng sám hối bằng việc hy sinh bình dầu thơm, lấy nước mắt rửa chân cho Người và lấy lóc mình làm giẻ lau khô chân Người, như Gia-kêu thực lòng sám hối sẵn sàng đền bù thiệt hại đã gây ra cho tha nhân, như người gian phi sam hối trên thập giá kêu xin tinh thương tha thứ của Đức Giê-su…

2) SUY NGHĨ XÉT MÌNH:

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Nếu tôi có mặt trong hàng ngũ các môn đệ Chúa khi xưa, tôi sẽ phản ứng thế nào ? Chắc tôi sẽ dễ dàng hòa lẫn trong đoàn người cầm cành lá đi đón rước Chúa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng trên con đường thánh giá lên Núi Sọ, tôi sẽ rẽ sang đường hẻm nào ? Đường ham mê tiền bạc mà phản nộp Thầy của Giu-đa ? Đường hèn nhát chối bỏ không biết Thầy của Phê-rô ? Đường trốn chạy vô trách nhiệm của các môn đệ nói chung ? Có khi nào tôi đứng hòa lẫn với đám đông để đòi kết án tử hình và lên tiếng thách thức sỉ nhục Chúa ? Có khi nào tôi hùa theo quân lính Rô-ma để lột áo và hành hạ đánh đập Chúa ? Hay tôi sẽ trung thành bước theo chân Chúa đến đứng dưới chân cây thập giá để hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a, môn đệ Gio-an, Ma-ri-a Ma-đa-len và các phụ nữ khác… cảm thông với sự đau khổ của Chúa và góp phần cứu rỗi tha nhân.

3) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA VUA GIÊ-SU:

Một số việc chúng ta có thể làm để trở thành môn đệ thực sự của Đức Giê-su và xứng đáng được gia nhập vào Nước Trời của Người là Hội Thánh:

+ Vâng theo thánh ý Chúa Cha: Chúng ta cũng phải cầu nguyện vâng theo thánh ý Chúa Cha khi gặp phải các tai nạn rủi ro, bệnh tật và những điều trái ý cực lòng để nên giống Đức Giê-su đã cầu xin Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Trong ngày, chúng ta hãy năng đọc kinh Lạy Cha từ khi thức giấc đến lúc nghỉ đêm, trước mỗi bữa ăn… để cầu xin Chúa Cha : “Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

+ Chuyên cần cầu nguyện: Lý do Tông đồ Phê-rô đã bị sa ngã phạm tội chối Thầy ba lần là vì đã không cầu nguyện xin ơn Chúa giúp, mà quá tự tin vào sức riêng mình khi nói với Đức Giê-su: “Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Trước thái độ quá tự tin ấy, Đức Giê-su đã cảnh báo ông: Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông Phê-rô vẫn khẳng định: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy (Mt 26,34-35).

+ Năng ăn chay hãm mình: Phê-rô đã mất cảnh giác khi ăn uống no say trong bữa tiệc chiên Vượt Qua trước đó, dẫn đến tình trạng ươn lười ngủ say. Đức Giê-su đã nhiều lần đánh thức và trách nhẹ Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,40b-41). Trong năm Phúc Âm Hóa Gia Đình này, chúng ta cần tổ chức Giờ Kinh Tối gia đinh ra sao để củng cố đức tin cho các thành viên trong gia đình mình hầu chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa ?

+ Kiên nhẫn chịu đựng tha nhân: Noi gương Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn, mỗi người chúng ta sẽ đối xử thế nào với những kẻ tự nhiên mình có ác cảm, những kẻ cố tình nói xấu và khiêu khích mình, những kẻ đã gây thiệt hại và gây đau khổ cho mình… ?

4. THẢO LUẬN: 1) Qua thái độ đối với cây Thánh giá của ba người trong câu chuyện trên, bạn thấy thái độ nào thích hợp với đức tin nhất ? 2) Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp đau khổ, bạn sẽ làm gì để noi gương Đức Giê-su ?

5.  NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày Tuần Thánh này: Vì Chúa đã lấy thịt mình mà nuôi dưỡng chúng con, xin giúp chúng con năng nhớ đến những người nghèo khó để nhường cơm xẻ áo cho họ. Vì Chúa đã xao xuyến buồn sầu trong vườn Cây Dầu, xin giúp chúng con sẵn lòng chấp nhận chén đắng gặp phải trong cuộc sống. Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin giúp chúng con dám lên tiếng bênh vực công lý. Vì Chúa đã chịu xỉ nhục nhạo cười, xin giúp chúng con biết nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân. Vì Chúa đã vác cây thập giá nặng nề, xin giúp những ai đang đau khổ trên giường bệnh, biết sẵn sàng vác Thánh giá mà theo chân Chúa. Vì Chúa đã bị lột áo và chịu đóng đinh tay chân vào thập giá, xin giúp chúng con biết đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá Chúa. Vì Chúa đã giang tay chịu chết trên thập giá, xin giúp chúng con biết luôn cầu nguyện điều tốt cho tha nhân. Vì Chúa đã phục sinh vinh quang, xin cho chúng con biết đón nhận mọi sự xảy đến với niềm cậy trông phó thác… Nhờ đó, sau này chúng con sẽ được chia sẻ niềm vui hạnh phúc và được sống với Chúa muôn đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

CÁI ÁC LÊN NGÔI VÀ GIẢI PHÁP

CỦA THIÊN CHÚA

Một trong các vấn đề mà các nhà xã hội quan tâm, đó là tình trạng gia tăng của cái ác trong xã hội. Trên mặt báo dường như ngày nào cũng có những bản tin giết chóc, trả thù độc ác, xử lý băng đảng. Cái ác không chỉ xảy ra giữa các băng đảng trả thù lẫn nhau, mà nó còn xảy ra giữa những người thân thiết nhau, và xảy ra cả ở những nơi công quyền nữa. Cái điều đáng lo hơn là vì dường như những bản tin như thế quá thường xuyên đến độ nó trở thành như những sự kiện bình thường trong xã hội, khiến xã hội lúc đầu còn thấy như là một chấn động mỗi khi có giết chóc xảy ra và dần đi đến chỗ chấp nhận nó và không quan tâm đến nó nữa. Vì đã trở nên quen thuộc nên người dân mất đi phản ứng về sự ác và chán nản không muốn và không dám bênh vực cho sư thật, sự thiện nữa.

Trong vụ án của Chúa Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm, chúng ta cũng thấy được cái ác dường như được đẩy lên đến đỉnh cao và dường như đã thắng thế. Theo dõi bản án mà chúng ta vừa nghe trong Bài Thương Khó, động lực sâu xa thúc đẩy những người Do Thái âm mưu thực hiện bản án này, đó là sự tự tôn, thù hằn, ghen tỵ. Vì tự tôn cho mình là nhất, cho mình là những người thánh thiện, nên những luật sĩ và biệt phái đã nhân danh sự thánh thiện của bản thân và họ còn nhân danh cả Thiên Chúa để gieo đau khổ và chết chóc xuống cho người vô tội. Vì sự thù hằn ghen tỵ vì thấy ông Giêsu này được nhiều người ủng hộ vì rao giảng một lối sống khác với lối sống của mình, nên những thượng tế và luật sĩ đã không chấp nhận và muốn loại trừ Người. Sự thù hằn khởi đầu từ một nhóm rất nhỏ, và nó được thổi bùng lên vào dịp lễ Vượt Qua năm đó, khi các luật sĩ và biệt phái đã kích động được cả một đám đông mù quáng và cuồng nhiệt để gây áp lực đưa đến sự hành hạ và cái chết cho Đức Giêsu. Không chỉ như thế, cái ác nó còn được bọc bên ngoài bằng một sự thánh thiện khi những người Do Thái này nghĩ rằng họ gieo đau khổ chết chóc cho ông Giêsu là họ đang bảo vệ giới răn lề luật của Thiên Chúa và bảo vệ truyền thống của cha ông. Vì thế họ đã mưu mô mượn tay người Rôma để thực hiện mưu đồ gian ác của mình, mà chúng ta có thể thấy sự tráo trở lật lọng của những người chủ mưu trong chuyện này.

Khởi đầu, họ đã dàn dựng nên một vụ bắt bớ tưởng chừng như là đơn thuần, nhưng sau đó họ đã nhanh chóng bộc lộ ác tâm và mưu đồ của mình khi đưa Đức Giêsu đến dinh thày thượng tế, để ở đây, bằng một phiên tòa bỏ túi mang tính các nội bộ tôn giáo xảy ra ngay trong đêm, họ đã đưa ra bản án rằng : Nó phải chết. Việc tổ chức một phiên tòa chóng vánh trong đêm khuya như thế đã đủ để cho thấy những con người này đang bị chi phối bởi quyền lực của bóng tối là ma quỷ. Từ đây cái ác cứ gia tăng khi họ rắp tâm thực hiện mưu đồ loại trừ Chúa Giêsu, và để chứng minh sự vô tội của mình, thì những người Do Thái mà chủ mưu là các tư tế và luật sĩ, biệt phái đã mượn tay của người Roma để thực hiện mưu đồ này. Họ đã chuyển Chúa Giêsu đến cho Philatô, biến những tranh luận mang tính tôn giáo thành bản án chính trị. Từ nơi dinh Philatô sự ác được gia tăng đến cực độ bằng những trận mưa roi đòn, hành hạ, nhục mạ.

Cũng ở sân dinh Philatô người Do Thái công khai khẳng định mình đứng về phía thế gian, bắt tay với cái ác, khi tuyên bố: Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài Cêsa. Một khi con người đã bắt tay với sự ác, đồng lõa với ma quỷ thì sẽ hoàn toàn bị sự chi phối của nó. Những người Do Thái đã không chấp nhận một giải pháp dung hòa hay sự nhân đạo theo đề nghị của Philatô: Cho đánh đòn rồi tha, nhưng trái lại họ gào thét như điên khùng : Đóng đinh nó vào thập giá. Với đòi hỏi này mục tiêu của ác tâm của những người do Thái đã được thực hiện. Philatô đã trao Đức Giêsu cho họ đem đi đóng đinh theo ý của họ.

Suy niệm một vài nét trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu như thế, đôi khi trong chúng ta cũng cảm thấy bức xúc trước cách hành xử của người Do Thái và của cả quan Philatô là cơ quan công quyền có trách nhiệm bênh vực công lý vì họ đã không làm gì trước những bất công. Theo thói đời, người ta thường dùng sự ác để đối lại với cái ác, dùng bạo lực để đương đầu với bạo lực, thế nhưng đó lại không phải là cách phản ứng của Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta cứ cảm thấy băn khoăn khó hiểu và đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại cứ im lặng trước cái ác, cụ thể là tại sao Thiên Chúa không có phản ứng gì mạnh mẽ trước cái bất công mà Con của Ngài đang phải chịu? Thiên Chúa dường như tỏ ra lép vế trước cái ác chăng ?

 Đó là suy nghĩ theo kiểu của con người, còn Thiên Chúa lại có cách hành xử và phản ứng hoàn toàn khác. Thiên Chúa không dùng bạo lực để đối lại bạo lực, vì như thế chỉ làm cho bạo lực càng gia tăng. Nhưng Thiên Chúa đã dùng tình yêu để đương đầu với bạo lực, dùng sự tha thứ để đối lại với bất công, dùng sự kiên nhẫn để đối lại với mưu mô của ma quỷ và sự ác, và dùng đau khổ để biến thành vinh quang, dùng cái chết của Đức Giêsu để biến thành sự sống mới, dùng sự thất bại của thập giá để biến nó trở nên cờ hiệu chiến thắng. Đó chính là câu trả lời của Thiên Chúa cho những băn khoăn thắc mắc của con người về vấn đề đau khổ và sự ác.

Đức Giêsu, một vị Thiên Chúa quyền năng sáng tạo mọi loài mọi vật đã thực hiện theo con đường đó. Ngay từ đầu, khi mà sự ác, hận thù đang tràn ngập trên cuộc sống của con người, thì chính Đức Giêsu đã chấp nhận mang lấy thân xác con người để có thể “cảm nghiệm” đến tột cùng thân phận con người. Tiên tri Isai đã mô tả điều này qua hình ảnh của một người Tôi Tớ của Thiên Chúa, một con người và cũng là một người con, hoàn toàn yêu mến Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa như đầy tớ vâng lời ông chủ, và sẵn sàng làm tất cả những gì mà ông chủ muốn, đồng thời chấp nhận tất cả những roi đòn, sự nhục mạ tủi hổ mà người khác gây ra cho mình, vì có Thiên Chúa là sức mạnh và là nguồn trợ lực.

Cũng trong cái nhìn đó, thánh Phaolô còn đi xa hơn khi nhìn thấy sự khôn ngoan kỳ diệu và quyền năng của Thiên Chúa đã thực hiện qua Chúa Giêsu và cuộc khổ hình của Người : Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải đòi cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ….Ngài còn vâng lời cho đến nỗi chấp nhận chịu chết, chết trên cây thập giá. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Đó là cách Thiên Chúa vốn thực hiện không chỉ cho Đức Giêsu mà còn cho tất cả những ai dám nên giống như Đức Giêsu, và những ai bước theo con đường của Đức Giêsu.

Thưa quý OBACE, đối diện với đau khổ, sự ác ngày nay, chúng ta cũng rất dễ bị cám dỗ để sử dụng các biện pháp của con người, chúng ta muốn có một giải pháp ngay tức khắc, mà khi theo đuổi giải pháp này chúng ta lại gây thêm oán thù và làm gia tăng sự ác. Dĩ nhiên chúng ta không thể làm ngơ trước sự xấu và sự ác, càng không bao giờ được tán đồng, cũng không bắt tay, và kể cả không thể im lặng trước sự tội và sự ác. Vì khi chúng ta im lặng hoặc làm ngơ trước sự xấu và sự ác là chúng ta đồng lõa với nó. Như vậy vấn đề ở chỗ là chúng ta phải có phản ứng và cách hành xử như thế nào trước sự xấu và sự ác ?

Sự xấu và sự ác ngày hôm nay đang diễn ra dưới rất nhiều hình thức, nhiều cấp độ, từ trong tâm hồn và hành động của mỗi người, đến những hành động và cách sống trong gia đình. Các bậc làm cha mẹ hãy mạnh dạn để từ chối sự dữ và sự ác trong gia đình, đừng bao giờ dùng bạo lực hay nhục mạ nhau để giải quyết những căng thẳng trong gia đình và xóm ngõ, đừng bao giờ tán đồng với sự sai trái của con cái, và đừng bao giờ làm ngơ trước sự làm ăn gian dối hay cư xử bất công của những người thân trong gia đình. Hãy lấy tình yêu thương của Chúa, sự nhẫn nại để khuyên bảo, điều chỉnh cho nhau, và hãy dùng tình yêu thương để biến đổi, hãy cư xử quảng đại và tha thứ cho nhau, vì chỉ có tha thứ mới có thể chữa lành những vết thương do hận thù, chỉ có sự quảng đại mới thắng vượt được sự nhỏ nhen ích kỷ. Hãy gieo thật nhiều những hạt mầm yêu thương, công bằng và sự thật trong gia đình, trong công ty xí nghiệp, chúng ta sẽ gặt được yêu thương.

Cũng thế, đối với các bạn trẻ và những người làm con, hãy học nơi Chúa Giêsu sự hiền hòa và khiêm nhường, hãy dùng tình bác ái Kitô giáo để cư xử với nhau. Đừng bao giờ cộng tác với sự xấu, sự dữ dưới bất cứ hình thức nào; hãy cùng nhau để xua trừ sự dữ sự ác trong xã hội, đừng bao giờ ấp ủ trong mình sự nóng nảy, tự ái, giận hờn, vì cả giận thì mất khôn, trái lại chúng ta hãy nuôi dưỡng và làm cho trái tim của mình được lớn lên, cho đôi vòng tay được mở rộng để có thể yêu thương mà không giới hạn, đón nhận sự khác biệt và tha thứ cho sự xúc phạm. Thực hiện như thế không biến chúng ta thành nhu nhược, nhưng làm cho chúng ta lớn lên và mạnh mẽ hơn.

Mỗi người Công Giáo cùng sống và thực hiện như thế, là chúng ta đang cùng với Đức Kitô để đẩy lui sự dữ và sự ác và cả sự chết ra khỏi thế giới và làm cho Tin Mừng của Đức Kitô được nảy mầm khắp nơi. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá: Cuộc thương khó của Chúa Giê su. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay: CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG KIỆN TOÀN KINH THÁNH LOAN BÁO
     Suy Niệm Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay: KHÔNG TIN HAY TIN CHÚA GIÊSU. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần V Mùa Chay. Nt. Maria Chinh Anh
     SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc
     Suy Niệm Thứ Ba Tuần V Mùa Chay. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Thứ Hai tuần V Mùa Chay: CỨU VÀ CHỮA. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY A: Ta là sự sống lại và là sự sống. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay A: Chấp nhận hay không chấp nhận Đức Giêsu?. Lm. Đaminh Nguyễn Hữu Cường