Chấp nhận hay không chấp nhận Đức Giêsu?
(Ga 7,40-53)
Những ngày cuối trong tuần IV của Phụng Vụ muà Chay cho chúng ta những dòng suy niệm dựa trên Tin Mừng Gioan; và bài Tin Mừng hôm nay, thứ Bảy tuần IV Muà Chay, đưa chúng ta đến những xung đột xảy ra giữa những người Dothái và Đức Giêsu. Hành trình của Đức Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem, tham dự Lễ Lều của người Dothái, lại đặt Người đối diện với những người đối kháng: các thượng tế và Pharisêu. Những người đồng thời với Đức Giêsu đã thấy gì?
Người ta nhận ra Đức Giêsu là vị ngôn sứ, là Đấng Kitô
Những đoạn trong chương 7 của Tin Mừng Gioan trình bày về một mặc khải mà Đức Giêsu đã thể hiện, để dân chúng nhận biết Người: Người tự mặc khải về chính Mình trong tương quan với Chuá Cha. Những mặc khải này không phải do chứng từ của phàm nhân, nhưng từ chính hành vi của Đức Giêsu Kitô: Người chữa lành bệnh nhân, tự mặc khải về Chuá Cha trong tương quan mật thiết của Người với Chuá Cha, qua những dấu chỉ mà Người đã thực hiện. Nhiều người đồng thời với Đức Giêsu nhận ra căn tính của Người: “Ông này thật là vị ngôn sứ”, “Ông này thật là Đấng Kitô”. Nhưng những kẻ tỏ ra am hiểu Kinh Thánh lại trở nên mù mờ về căn tính của Người; họ lập luận dựa trên trí hiểu của người phàm: Đấng Kitô phải xuất thân từ dòng tộc Đavít, từ Bêlem. Chính thái độ đó đã làm cho họ đóng khung trong chính suy nghĩ của mình; và đồng thời khó mở ra với mặc khải của Thiên Chuá. Trong nhóm những người Pharisêu, ông Nicôđêmô xuất hiện như một người am luật và hiểu biết: “Không thể kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người đó làm gì.” Có lẽ ông đã đụng đến cốt lõi của Luật Lệ: Lời của Đức Giêsu. Theo Tin Mừng Gioan, luật duy nhất có giá trị là chính Lời Chuá được Đức Giêsu loan báo, qua chính đời sống, lời giảng và công việc Người làm. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chuá Cha ban cho Người là Con Một đầy tran ân sủng và sự thật.” (Ga 1,14).
Những ngăn trở và chia rẽ
Chính thái độ tự tin thái quá cũng như đóng kín mình trong kiến thức nhân loại làm cho con người có nguy cơ đóng kín chính mình, và đồng thời đóng kín trước mầu nhiệm của Thiên Chuá. Hàng thủ lãnh tôn giáo, kể cả nhiều người Pharisêu, đã trở nên đối lập với Đức Giêsu. Cho dù lời dạy và hành vi của Đức Giêsu đang mặc khải cho những người đồng thời với Người biết thiên tính của Người cũng như tư ơ ng quan thân tình với Chuá Cha, nhưng họ vẫn trở nên đối lập với Đức Giêsu và manh tâm tìm cách giết Người. Dưới ngòi bút của Gioan, Đức Giêsu lại xuất hiện như Đấng nhân từ và quyền uy, trổi vượt trên cả các đối phương. Chính những vệ binh cũng nhìn nhận quyền uy đó nơi Đức Giêsu: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (c. 46). Trong những đoạn trước đó, Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy Đức Giêsu xuất hiện giữa những người đối nghịch trong tư cách một Đấng nhân từ: Người cứu chữa và tha thứ, chứ không kết án hay hủy diệt (kể cả trong ngày Sabát), bằng những hành vi yêu thương và những lời giảng dạy đầy uy quyền.
Đối diện với mặc khải của Thiên Chuá trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy có hai thái độ: Đón nhận hay từ chối. Điều này hệ tại thái độ của con người: Có biết mở lòng đón nhận Tin Mừng cứu độ hay không. Trong sứ vụ loan báo Lời Chuá ngày hôm nay, ắt hẳn chúng ta được đặt đối diện với hai hoàn cảnh: Giảng dạy đức tin và Lời Chuá cho tín hữu, cũng như loan báo Tin Mừng tình thương cho những người chưa biết Chuá. Cả hai trường hợp (củng cố Đức Tin cho Dân Chuá “ad interne” và loan báo Tin Mừng đến muôn dân “ad gentes”) đều mời gọi chúng ta đối diện với sự thật của Tin Mừng; đồng thời cũng đưa chúng ta đối diện với thái độ ủng hộ hay chống đối vì Đạo của Đức Kitô. Như Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên như Người, khiêm nhường và vẫn chứa chan tình thương, trong niềm xác tín và yêu mến Thiên Chuá, Đấng giàu lòng nhân từ và luôn kiên nhẫn với các con cái của Người.
Lm. Đaminh Nguyễn Hữu Cường