CHỦ NHẬT 4 CHAY A
Ánh sáng cho những người khiếm thị
Tội lỗi đã làm sụp đổ tất cả, biến mọi người sáng mắt thành kẻ đui mù. Trong phép Rửa tội, người Ki tô hữu trở thành Ánh sáng. Nguồn Ánh sáng ở nơi Thiên Chúa và chỉ thật sự xuất hiện ở nơi có Đức tin và Tình yêu chiếu sáng. Một khi nhận ra bản tính đặc biệt của Ánh sáng ấy cũng như sự đui mù của mình, người tín hữu chỉ có thể cầu xin Chúa soi sáng mình.
Sách 1 Samuel 16, 1.6-7.10-13
Vị vua đầu tiên của Israen đã bị quyền hành làm tối mắt nên đã bất tuân lệnh Thiên Chúa. Ông đã bị lọai trừ và sắp trở nên điên loạn cho tới chết, nhường chỗ cho một Vua khác. Cuối cùng, tiên tri Samuen theo lệnh của Thiên Chúa, đã đến nhà Yessê chọn người út sau khi loại bỏ các người con khác. Ông xức dầu và hiến thánh đứa con ấy để trở thành Vua Israen. Đó là Đại Vương Đa vít, hình ảnh của Đấng Messia.
Thánh Vịnh 22
Sức mạnh thực sự đến từ lòng tin tưởng nơi Chúa. Chỉ có Ngài là Mục tử đích thực có thể hướng dẫn loài người đến sự Sống. Chỉ nơi Ngài các tín hữu mới tìm được ân sủng và hạnh phúc.
Thư gửi Êphêsô 5, 8-14
Nhờ phép Rửa, người ki tô hữu đã trở nên Ánh sáng để chiếu sáng khắp nơi. Nhờ thấy rõ, họ biết chọn những giá trị đích thực, những giá trị đáp ứng niềm ước mong của Chúa, và cũng có khả năng lột mặt nạ sự dối trá của thế gian. Được sống lại từ cõi chết nhờ Đức Ki tô đã thông ban Ánh sáng của Ngài, họ phải sống như những con cái ánh sáng.
Tin mừng: Ga 9,1-41
NGỮ CẢNH
Trong tin mừng Thánh Gioan, mới nhìn thí trình thuật chương 9 dường như tách biệt khỏi các chủ đề được khai triển trong các chương 7 và 8 cũng như các chương 10 và 11. Thật ra, nó chiếm vị trí trung tâm và bảo đảm tính duy nhất sâu xa cho tòan bộ các chương 7-11.
Có thể đọc theo cấu trúc sau đây:
1. (9,1-5): Chúa Giê su dạy các môn đệ ý nghĩa điều sắp xảy đến
2. (9,6-7): Chúa Giê su chữa lành người mù và dạy anh đi đến hồ Siloê
3. (9,8-12): người mù làm chứng trước những người láng giềng
4. (9,13-17): người mù với những người Pha ri sêu
5. (9,18-23): người Do thái gọi cha mẹ người mù đến
6. (9,24-34): người Do thái phủ nhận lời chứng của người mù
7. (9,35-38): Chúa Giê su giúp người mù nói lên niềm tin của mình
8. (9,39-41); Chúa Giê su nói cho người Biệt phái biết sự mù tối của họ.
TÌM HIỂU
Giêsu: trong phần khai triển trình thuật, Chúa Giê su sẽ được giới thiệu bằng các tước hiệu của Người: Người tên là Giêsu (9,11), một tiên tri (9,17), đấng Ki tô (9,22), đấng từ Thiên Chúa mà đến (9,33), Con Người (9,35), Chúa mà người ta có thể tin (9,38). Một danh sách tương tự được tìm thấy trong đoạn 1,29-31 và 4,1-42.
Nhìn thấy: như thường thấy, Chúa Giê su luôn là người có sáng kiến: Ngài chữa lành và dẫn đến đức tin. Những người bệnh không kêu xin Ngài như thường xảy ra trong các tin mừng Nhất lãm; ở đây, chính Ngài thấy, đến và chữa lành.
Một người mù: chúng ta sắp chứng kiến sự chuyển biến đầy ý nghĩa nơi người nầy: anh ta mất cái thiết yếu nhất cho mình ngay từ lúc mới sinh ra; đôi mắt anh cuối cùng đã nhìn thấy; tâm hồn anh mở ra cho một ánh sáng khác; anh khám phá nơi Chúa Giê su là Chúa; anh quyết định theo Ngài và tin vào Ngài.
Các môn đệ: chỉ ở đây sự hiện diện của họ được nói đến. Như những người tôi tớ xin chủ mình giải thích những gì sẽ xảy đến. Rồi họ biến ngay. Nhưng Chúa Giê su sắp biến một người thành môn đệ sau khi đã giáo huấn và soi sáng.
Tại sao?: các môn đệ đặt ngược vấn đề. Họ tin có thể cắt nghĩa nguồn gốc căn bệnh nầy bằng cách tìm nguyên do nơi tội. Trong khi thế giới ngọai giáo có một quan niệm số mệnh và tất định về thế giới, thì dân tộc của Giao ước đã được dạy rằng sự bất hạnh phát xuất từ con người. Thiên Chúa chỉ muốn và tạo dựng sự tốt lành mà thôi, vì thế, sự ác và tội lỗi được đặt trong tương quan hỗ tương một cách mầu nhiệm. Sách Xuất hành thử đưa ra một lời giải thích bằng cách trình bày sự xấu như là hậu quả của tội lỗi của tiền nhân (20,5; 34,7). Êdêkiên (18,4) cố gắng rút gọn tương quan ấy vào con người phạm tội mà thôi: “Ai phạm tội, người ấy sẽ chết”.
Chúa Giê su tinh luyện những ý tưởng quá đơn giản ấy. Mối liên kết giữa sự bất hạnh và tội lỗi không tức thì: người bất hạnh không phải là người có tội nhiều hơn kẻ khác (Lc 13,1-5). Chúa Giê su bác bỏ và vượt qua các đặt vấn đề đó: không nên nói đến số mạng, cũng như hình phạt. Chỉ có một sự kiện là quan trọng: Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi cho những người bất hạnh chìm đắm trong tội lỗi.
Công trình của Thiên Chúa: khi ban lại cho người mù được sáng mắt, Chúa Giê su cho thấy một chương trình bao la hơn: Ngài cho thấy sứ mạng cứu độ mà Cha đã giao phó cho Ngài. Chương trình bao gồm trong việc đưa con người đến đức tin được bày tỏ trong công việc của Thiên Chúa thực hiện qua Ngài và nhờ Danh Ngài: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến”(6,28-29).
Chúng ta phải: Gioan dùng số nhiều có lẽ để gợi lại sứ mạng của những người trong Giáo hội sơ khai trao ban bí tich Rửa tôi, sự soi sáng đích thực.
Đêm đến: đối với Gioan, ngày là thời gian các “dấu chỉ”, còn đêm là thời gian của Khổ nạn.
Ánh sáng: x. 8,12. Ánh sáng không chỉ là cái mà mắt trông thấy. Nhờ đức tin có một sự thông hiệp cá nhân với đấng là ánh sáng, bởi vì nó cho thấy Thiên Chúa. Chấp nhận Chúa Giê su lả điều khẩn thiết; Ngài đã đến để mở mắt. Việc chữa lành người mù cắt nghĩa khằng định của Chúa Giê su bằng một sự kiện.
Bùn: như ở trong Mc 7,33; 8,23 Chúa Giê su thực hiện những hành vi của một người chữa bệnh. Nhưng hành động của Ngài được đặt trong bối cảnh của lễ Lều, có nghĩa là Ngài ban ánh sáng cho phép người ta tiến tới đức tin.
Xilôác: đây là một cái hồ nối liền với mạch nước Ghicon qua một hành lang (2 Bns 32,30; Is 8,6). Đó là một trong những nơi diễn ra lễ Lều. Chúa Giê su, đấng được Cha Sai đến, sai người mù được chữa lành hội nhập vào dân đang cử hành lễ ở nguồn suối của đấng được Sai đến. Như thế việc chữa lành được đặt trong tương quan với một hành vi vâng phục trong bối cảnh Giao ước. Cách hành xử tương tự của đức tin và sự vâng phục là điều đòi hỏi nơi tất các ứng viên chịu phép Rửa tội.
Người tên là Giêsu: đây là mức độ thứ nhất của cuộc gặp gỡ trong đức tin: một tương quan con người với một người lương thiện. Người mù, một người lương thiện, đề cập đến những gì vừa xảy ra
Ông ấy ở đâu: Chúa Giê su đã bỏ đi; những người khác nói về Ngài lúc Ngài vắng mặt. Nhưng sự vắng mặt ấy và những câu hỏi của người Pha ri sêu sẽ là cơ hội cho người mù tiến lên trong đức tin.
Tôi không biết: thường người ta thấy sự đối chọi giữa điều người ta biết và điều người ta không biết. Người mù lương thiện chỉ nói đến điều mà anh đã thấy. Cha mẹ anh (9,20-21) từ chối đưa ra ý kiến. Người Pha ri sêu (9.24.29) đối chọi tiên kiến của họ với những gì làm cản trở họ, ngay cả sự hiển nhiên: “Chúng tôi biết rằng người ấy là một kẻ có tội” (9,24).
Ngày sa bát: việc chữa lành xảy ra trong ngày sa bát, như trong 5,10 đối với các địch thủ của Chúa Giê su là một cớ để cáo buộc Ngài không trung thành với lề luật và do đó để bác bỏ Ngài. Ngược lại, đối với Chúa Giê su thì đó là cơ hội để bày tỏ rõ ràng hơn hành động nhân ái của Thiên Chúa trong ngày hiến thánh cho Người.
Họ đâm ra chia rẽ: Gioan cố ý nhấn mạnh đến sự chia rẽ giữa người Biệt phài đối với Chúa Giê su. Đứng trước một người thực hiện các việc của Thiên Chúa, có người tự hỏi, trong khi người khác tuyên bố Ngài là người tội lỗi để không đặt cho mình những câu hỏi về Ngài.
Còn anh, anh nghĩ gì: người Pha ri sêu hiểu rằng cần phải lựa chọn hoặc là ủng hộ hoặc là chống lại Chúa Giê su. Do vậy họ cố gắng lôi kéo người mù để anh từ chối làm chứng cho Chúa Giê su: họ sợ rằng lời chứng ấy gây ra nhiều thay đổi ý kiến.
Một vị ngôn sứ: người mù được chữa lành tiến bộ trong đức tin: anh gán cho Chúa Giê su tước hiệu thứ hai.
Người do thái: người Pha ri sêu cảm thấy khó chịu, chọn từ chối sự hiển nhiên. Cùng lúc đó họ thay đổi chiến thuật: họ cậy vào lời chứng của cha mẹ anh mù ủng hộ họ.
Cha mẹ anh ta: họ đại diện cho tất cả những người cảm thấy không nắm các vấn đề mà họ gặp và thích đứng ở giữa. Có những sự kiện mà họ không thể chối từ, như việc con họ được chữa lành. Nhưng họ không thể đặt vần đề về vai trò của Chúa Giê su trong việc chữa lành nầy. Tin mừng cho thấy họ muốn trút trên con mình các câu hỏi mà người ta đặt ra cho họ.
Bị trục xuất: X. 12,42. Việc hăm dọa trục xuất ra khỏi cộng đòan những người công nhận Chúa Giê su là đấng Messia là điều Gioan đi trước, đặt trong thời Chúa Giê su một quyết định mà sau nầy những người có trách nhiệm trong dân híp pri mới quyết định. Nhưng sự hăm doạ nầy đã bắt nguồn từ sự giận dữ và từ thâm ý của người pha risêu như chúng ta thấy trình bày ở đây.
Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa: công thức thề để bắt một người nào đó nói lên sự thật: “Này con, con hãy tôn vinh Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, và hãy suy tôn Người! Hãy thú thật với ta những gì con đã làm, đừng giấu giếm gì cả ”(Gs 7,19).
Tin mừng trình bày Chúa Giê su dùng cả cuộc sống mình để vinh danh Cha. Người Pha ri sêu trái lại cho rằng người mù vinh danh Thiên Chúa nếu công bố rằng Chúa Giê su là một người tội lỗi. Cho rằng mình bênh vực Thiên Chúa, họ cố gây áp lực trên anh: “Hãy nói điều chúng ta muốn và biện minh cho chúng tôi”
Chúng ta biết: X, 12, người Pha ri sêu và người được chữa lành (x. c.25) biết nhưng không cùng một cách. Họ sẵn sằng cắt nghĩa chân lí theo hướng có lợi cho các tiên kiến của mình: họ biết trước. còn người được chữa lành thì từ chối đưa ra một lời xét đóan; anh ta thành thật trình bày điều mà anh ta biết là một sự kiện không thể bác bỏ được.
Tôi đã nói với các ông rồi: trong câu trả lời nầy chúng ta chỉ có thể thấy anh mù tỏ dấu giận dữ và đưa ra một lời mỉa mai ngầm. Nhưng đi sâu hơn, người ta có thể giả thiết rằng ở đây Gioan muốn cho thấy người ấy đã tiến bộ trong đức tin như thế nào trong mức độ mà anh ta cảm thấy bị bó buộc làm chứng và người Pha ri sêu tìm được một khả thể để đón nhận chân lí.
Môn đệ: người được chữa lành chưa tuyên bố là môn đệ Chúa Giê su. Nhưng những người khác nhận biết điều sẽ xảy đến, dù họ không ý thức.
Ông Mô sê: Chúa Giê su đã phạm luật ngày sa bát do Mô sê thiết định. Và đó là một cơ hội tốt để từ khước người tự cho mình là tiên tri nầy. Nhưng Chúa Giê su hoàn toàn không đối lập với ông Mô sê, nhưng thường chứng tỏ Ngài tiếp nối và đưa lề luật đến chổ hoàn tất (5,45-47; 6,32; 7,19.22).
Mối nguy hiểm của người tín hữu là dựa vào một lời Thiên Chúa nói để bảo vệ những lập trường đã có sẵn mà không chấp nhận mở ra và sẵn sàng đón nhận tòan bộ mạc khải.
Chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến: tuy họ biết gia đình và làng mạc của Chúa Giê su (6,42;7,41). Nhưng họ từ khước bất cứ ai tự hào là nói và hành động nhân danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ đã nói rằng khi đấng Messia đến, thì không ai biết được Ngài ở đâu (7,27): do vậy có thể họ thấy một dấu chỉ trong chính câu hỏi mà họ đã đưa ra.
Thiên Chúa: đối với người đã được hưởng lòng tốt của Chúa Giê su thì rõ ràng Thiên Chúa đã sai Ngài đến và Người đã biểu hiện ngang qua Ngài.
Không nhậm lời: người mù dùng lí luận của những kẻ đối thọai để trả lời cho họ (9,16). Nếu Thiên Chúa đã nghe lời Chúa Giê su, thì điều đó có nghĩa là Ngài không phải là một người tội lỗi.
Chúa Giê su: Ngài đã biến đi để lại người được chữa lành tự do tiến lên trong đức tin nhờ vào các chứng cớ. Đã đến lúc niềm tin ấy có thể được công khai nói lên. Như thế Chúa Giê su lần thứ hai có sáng kiến gặp gỡ.
Trục xuất: sự từ khước nầy khởi đầu cho việc giải thoát: giờ đây người mù được chữa khỏi có khả năng chọn lựa và kết hợp với Chúa Giê su.
Anh có tin?: và đến giai đoạn chót, đến lời tuyên xưng long trọng của đức tin, giai đoạn mà mọi ứng viên phép rửa đều phải thực hiện. Niềm tin cần phải có đối với Con Người, sứ giả của Thiên Chúa là con người Giê su; niềm tin được tuyên xưng đối với Chúa, bởi vì người mù, giờ được thấy đã nhận ra tương quan giữa Chúa Giê su và Chúa Thiên Chúa. Anh ta đã thấy và đã tin.
Anh sấp mình xuống trước mặt Người: đây là dấu nhận biết quyền Chúa nơi Chúa Giê su.
Xét xử: mọi sự can thiệp của Chúa Giê su đều nêu lên một câu hỏi cho những ai Ngài gặp gỡ. Nó tạo ra một sự phân biệt: người thì học được cách nhìn thấy; còn người khác tưởng là đã nhìn thấy tất cả, thì ở lại trong bóng tối.
Đui mù: qua câu hỏi nầy, người Pha ri sêu cho thấy rằng họ không nhận ra là họ từ chối nhìn thấy chân lí. Ở phần đầu trình thuật, sự mù lòa thể lí đã được cắt nghĩa như là mợt hậu quả của tôi lỗi (9,2 và 34). Trình thuật kết thúc bằng lời xác nhận: có một sự mù lòa bắt đầu từ nguyên nhân tội lỗi.
Tội: Chúa Giê su đã thành công trong việc dẫn người mù đi trên con đường đến ánh sáng đức tin. Chỉ có Ngài mới có thể xác nhận sự kiêu căng và cứng đầu làm cho họ không thể đươc soi sáng nơi những người tưởng mình thấy nhưng kì thực không thấy.
SỨ ĐIỆP
Thỉnh thoảng chúng ta gặp những người khiếm thị đi trên đường, và chúng ta luôn bị bất ngờ vì sự quyết đoán cũng như tài khéo léo trong sự di chuyển của họ. Dường như khả năng thính giác của họ phát triển nhiều hơn bình thường để bù lại cho sự khiếm khuyết về thị giác. Thậm chí một vài người còn nói: “Bây giờ tôi nghe ‘THẤY’ tiếng chim hót”.
Người mù trong bài tin mừng hôm nay nhớ lại rõ ràng hành động của Chúa Giê su: “Ngài đã lấy bùn xức vào mắt tôi”. Đó không phải là thần dược nhưng có mục đích nói lên ý nghĩa của hành động Chúa Giê su. Trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế kể lại rằng Thiên Chúa đã tạo nên con người từ “bụi đất”. Đối với Chúa Giê su, thì việc chữa lành người mù là một sáng tạo mới. Con người mới, hoàn toàn được canh tân từ nay có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Bùn trong mắt còn có một ý nghĩa khác. Tội lỗi chúng ta làm cho cái nhìn chúng ta trở nên mù lòa. Vì tội, chúng ta không còn có thể nhìn thấy Thiên Chúa là cha chúng ta, và nhìn người khác như là anh em có một vị trí ưu tiên trong trái tim của Thiên Chúa. Đồng thời, cách nhìn về chính chúng ta hoàn tòan bị che khuất. Chúng ta bị lún sâu trong tội lỗi, chúng ta thất vọng về chính mình, chúng ta quên rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong hiện trạng mình đang sống.
Sứ mạng của “đấng nhìn thấy Cha” là giải thoát cái nhìn nội tâm chúng ta khỏi những gì làm hoen ố và ngăn cản chúng ta thấy những kì công của Thiên Chúa đang thực hiện trong và chung quanh chúng ta. Là kẻ đui mù trên đường, chúng ta phải ý thức đến thân phận bùn đất của mình, nó ngăn cản chúng ta nhận biết Thiên Chúa từ ái và nếm cảm sự hiện diện của Người trong đời sống chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện để chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, sự yếu đuối và dối trá của chúng ta.
Toàn bộ tin mừng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng. Người không lên án cũng không vùi dập chúng ta, nhưng luôn tìm cách nâng chúng ta lên, cho chúng ta sống và ban lại niềm tin cậy. Vậy thì chúng ta là ai mà lại tố cáo tội lỗi và lên án người khác? Cách mà chúng ta nói về những người tội lỗi không giúp họ đứng dậy. Đó cũng có thể coi như là một hình thức đui mù ẩn tàng đàng sau cái mã tốt lành bên ngoài của chúng ta.
Thời gian mùa Chay nầy là một cơ hội tốt để tất cả chúng ta tự nhận mình là những kẻ đui mù. Hạnh phúc cho chúng ta, Chúa không đòi chúng ta phải công khai một danh sách những sự mù quáng của mình. Ngài cũng không đòi chúng ta phải tố cáo tội lỗi kẻ khác. Khi chúng ta đã lãnh nhận bí tích giao hòa, chúng ta chỉ cần nhìn nhận rằng mình đui mù để quay về với Đức Ki tô, đấng duy nhất có thể cứu chữa chúng ta. Chúa Giê su nói: “Ta đến để đặt lại vấn đề: đối với những ai không thấy có thể thấy và những ai thấy lại trở nên mù lòa”.
Điều đó có nghĩa là những ai vẫn cố chấp với những xác tín lỗi thời của mình, thì vẫn là những kẻ đui mù. Bao lâu họ sống trong đường lối đó, thì không một phép chữa bệnh nào có thể giúp ích họ. Chúng ta hãy nhớ lời của thánh Gioan: “Ngôi Lời là Sự Sáng đã đến trong thể gian, soi sáng cho mọi người. Và thế gian đã không nhận ra Người”.
Bùn xức trong mắt nhắc chúng ta một cử chỉ khác: trong ngày rửa tội, vị linh mục đã xức dầu thánh cho chúng ta. Thời xưa người ta xức dầu để tấn phong nhà Vua, như trong trường hợp vua Đa vít. Dầu ấy là dấu cho thấy vua đã được Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống và hướng dẫn trong việc hoàn thành sứ mạng của mình. Từ nay, ông thông phần vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ông sẽ không cai trị dân tộc mình theo tinh thần thế tục, nhưng theo đường lối của Thiên Chúa.
Chúng ta là những người ki tô hữu đã được rửa tội và thêm sức, chúng ta cũng nhận lấy dầu thánh ấy, biến chúng ta thành những ‘Tư tế, Tiên tri và Vua’. Chúng ta đã trở thành chứng nhân cho Nước Chúa ngự đến. Nhờ Đức Ki tô, chính ánh sáng Thiên Chúa chiếu vào trong tâm hồn giúp chúng ta mở ra với tất cả những người chung quanh, đang sống trong những tình huống thất bại, đau khổ và nghèo đói. Nếu Chúa muốn chữa lành đôi mắt mù lòa, thì cũng là để chúng ta biết nhìn họ. Ngài muốn chúng ta ý thức hệ thống xã hội hiện thời nhận chìm người nghèo trong cái nghèo của họ và phải tìm cách giải quyết để đưa họ ra. Chính vì thế mà Ngài đòi chúng ta phải là những ki tô hữu sáng mắt, ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình.
Chính vì thế mà Lời Thiên Chúa muốn thay đổi cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, về người khác và về chính mình. Lời ấy mời gọi chúng ta hãy tìm lại cái nhìn giải thoát của Đấng Cứu độ. Các dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nhắc chúng ta về tình yêu đầy quyền năng của Ngài. Chúng mời gọi chúng ta đáp trả bằng cách thưa: “Tôi tin”. và dấn thân nhiều hơn trong việc đi theo Đức Ki tô.
Chúng ta họp mặt trong nhà thờ ngày chủ nhật hôm nay, chính là để mở lòng ra cho ánh sáng ấy chiếu soi, qua việc chúng ta lãnh nhận Lời Thiên Chúa và Mình Thánh Đức Ki tô. Ước gì cái nhìn của chúng ta được soi sáng để đến phiên mình, chúng ta có thể trở thành ánh sáng cho mọi người.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách Samuen là sách gì?
THƯA: Sách Sa mu ên thuộc về loại sách sử, ghi chép các biến cố xảy ra trong khoảng từ năm 1070 đến năm 970, từ thời thủ lãnh Sa mu ên đến sau Vua Đa vít.
2. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?
THƯA: Bài đọc một nói đến việc Thiên Chúa nhờ tiên tri Na than xức dầu tuyển chọn người con út của nhà Giê sê là Đa vít lên làm Vua Ít ra ên.
3. HỎI: Qua câu truyện trên, tác giả muốn nhấn mạnh điều gì?
THƯA: Tác giả nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa lựa chọn người yếu nhất thay vì chọn người mạnh nhất. Đó là mầu nhiệm mà sau nầy thánh Phao lô nói đến: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1, 27) vì “sức mạnh của Người được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuố”i. (x. 2Cr 12, 9).
4. HỎI: Bài đọc một dạy ta như thế nào về quan niệm vương quyền trong Ít ra ên?
THƯA: Bài đọc một dạy ta: thứ nhất nhà vua là người được Thiên Chúa tuyển chọn, và sự chọn lựa ấy nhằm cho một sứ mạng. Thứ hai, nhà vua được xức dầu, bản văn coi trọng việc nầy. Thứ ba, việc xức dầu ấy trao ban thần khí của Thiên Chúa cho nhà vua. Nhờ thế, từ nay, nhà vua được Thiên Chúa hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh, trở thành người thánh, đại diện cho Thiên Chúa trên trần gian.
5. HỎI: Có những trường hợp nào cho thấy Thiên Chúa thường chọn lựa như thế không?
THƯA: Có. Ngoài Đa vít là đứa con út được chọn, Kinh Thánh còn để lại nhiều trường hợp khác về sự lựa chọn lạ lùng của Thiên Chúa. Như Người đã chọn Mô sê, dù ông ăn nói không được trôi chảy, và đã nài xin Chúa đừng chọn ông (Xh 3,10). Như tiên tri Sa mu ên hãy còn là trẻ nít, không có chút kinh nghiệm gì khi được Thiên Chúa gọi. Hay Giê rê mia cảm thấy mình không xứng đáng nên đã phản ứng từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa (Gr 1,6). Hay như Ti mô thê, một người ốm yếu nhưng đã được chọn làm người cộng tác với Phao lô.
6. HỎI: Thiên Chúa hành động như thế với mục đích gì?
THƯA: Thiên Chúa muốn dạy cho người được chọn đừng tự phụ cũng như đừng ngã lòng thất vọng. Điều quan trọng không phải là tài năng hay công trạng mình làm được, mà là tâm hồn sẵn sàng cộng tác với Thiên Chúa.
7. HỎI: Bài đọc một được nối tiếp với bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Bài đọc một cho thấy cái nhìn của Thiên Chúa khác hẳn với cái nhìn của con người và mời gọi hãy thay đổi cái nhìn như người mù trong bài tin mừng thánh Gioan xin Chúa Giê su chữa lành mình.
8. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng trích từ chương 9 tin mừng Thánh Gioan. Chương nầy nằm trong phần bao gồm các chương 5-10 trình bày các việc làm, các dấu lạ mạc khải căn tính của Chúa Giê su. Sau khi cho thấy dấu lạ chữa người bại liệt (c. 5), dấu lạ hóa bánh ra nhiều (c. 6), mạc khải nước hằng sống (vv 7-8), thánh Gioan trình bày phép lạ chữa người mù để kết luận rằng Chúa Giê su chính là ánh sáng soi trần gian (c.9). Câu chuyện nầy xảy ra sau ngày lễ Lều, một đại lễ của người Do thái để tưởng niệm thời gian sống trong lều trại trong sa mạc trên đường về đất hứa.
9. HỎI: Nội dung bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Có thể coi đoạn tin mừng là minh họa cho điều mà thánh Gioan nói ngay từ lời tựa: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (1,9-10). Tuy nhiên, “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”(1,12).
10. HỎI: Những kẻ không nhận biết Ngài là ai?
THƯA: Trong phép lạ chữa lành người mù, đó là những người Do thái quyết liệt chống đối Chúa Giê su và khăng khăng từ chối tin nhận Ngài là Đấng Cứu độ Thiên Chúa sai đến.
11. HỎI. Tại sao thánh Gioan nhấn mạnh chi tiết: người mù ‘từ lúc mới sinh’?
THƯA. Thánh Gioan lưu ý đến chi tiết ‘từ lúc mới sinh’ nhằm cho thấy phép lạ Chúa Giê su sắp thực hiện lớn như thế nào và đưa ra những yếu tố khởi xướng cuộc tranh luận với người Pha ri sêu.
12. HỎI. Tại sao lại có câu hỏi: “Ai đã phạm tội, nó hay cha mẹ nó”?
THƯA. Bởi vì người do thái thời đó thường tin rằng: tội lỗi của cha mẹ để lại hậu quả xấu nơi con cái. Ngòai ra các thầy ráp bi còn dạy rằng người ta không thể chết hay mắc bệnh mà không do tội lỗi của mình. Thậm chí có nhiều thầy còn dạy rằng ngay cả các em bé trong bụng mẹ cũng đã phạm tội rồi (x. Is 20,5; Tb 3,3).
13. HỎI. Đâu là câu trả lời của Chúa Giê su?
THƯA. Chúa Giê su bác bỏ kiểu quan niệm theo đó, sự đui mù của anh nầy là do tội lỗi anh hoặc của ông bà hay cha mẹ anh. Tuy nhiên, Chúa Giê su không phủ nhận một tương quan nào đó giữa tội lỗi và nỗi bất hạnh hay bệnh tật của con người. Thật vậy, trong tin mừng Gioan 5,14, Ngài nói với người bại liệt, sau khi đã chữa khỏi anh ta: “Nầy, anh đã được khỏi tội rồi, đứng phạm tội nữa, kẻo nên tệ hại hơn”.
14. HỎI. “Việc làm của Thiên Chúa” (c.3) được tỏ hiện có nghĩa gì?
THƯA. Đó là các phép lạ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện và muốn tiếp tục thực hiện qua Chúa Giê su. Phép lạ ban lại ánh sáng cho người mù từ lúc mới sinh có mục đích cho thấy Chúa Giê su là “Ánh sáng soi cho trần gian” là “Đấng làm cho con người có thể nhìn thấy bên kia bóng đêm, bên kia diện mạo bên ngoài và cái hữu hạn.
15. HỎI. Vậy thì khi đêm đến, không ai có thể làm việc được nữa sao?
THƯA. Chúa Giê su so sánh Sứ mạng của Ngài với ngày làm việc; ban đêm tương ứng với thời gian Ngài an nghỉ (chết) (x. Ga 5,17; Lc 13,32).
16. HỎI: Theo Gioan có mấy loại mù?
THƯA: Có hai loại mù: mù tự nhiên, đó là số phận của người mù từ thuở mới sinh, và trầm trọng hơn là mù tâm hồn, đó là thái độ ngoan cố cứng lòng của người Do thái.
17. HỎI: Chúa Giê su đã chữa lành như thế nào?
THƯA: Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Chúa Giê su đã lấy nước miếng hòa với đất thành bùn xức vào mắt người mù để chữa lành anh. Trong lần gặp gỡ thứ hai, Chúa Giê su đã mở tâm hồn của anh mù ra đón nhận ánh sáng mới, ánh sáng đích thực nhờ đó mà anh tin nhận Chúa Giê su là Đấng Cứu độ.
18. HỎI: Tại sao thánh Gioan chú trọng đến ý nghĩa từ ‘Si lo ê’?
THƯA: Si lo ê có nghĩa là được sai đến. Qua đó ,thánh Gioan muốn nhấn mạnh rằng Chúa Giê su đích thực là Đấng Thiên Chúa Cha sai đến để soi sáng trần gian bằng sự hiện diện của Ngài.
19. HỎI: Tại sao người Do thái lại không tin nhận Chúa Giê su?
THƯA: Vì họ cứ khăng khăng kết tội Chúa Giê su làm phép lạ trong ngày Sa bát. Như thế, họ đóng kín trong những xác tín sai lầm của mình nên không thể mở mắt để nhìn thấy ánh sáng nơi Chúa Giê su.