Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Thứ ba, sau Chúa Nhật IV Mùa Chay

“Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”
(Ga 5, 1-16)

24.jpgBài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe công bố, nêu ra ít nhất ba vấn đề lớn, và cả ba vấn đề này vẫn còn là lớn hôm nay đối với chúng ta:

Vấn đề mạnh được yếu thua.

Vấn đề tương quan giữa sự sống và Lề Luật.

Vấn đề tội lỗi và bệnh tật: phải chăng bệnh tật, những thất bại, những tai họa, những bất lực, thậm chí thân phận con người như nó là, là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên con người, vì con người đã phạm tội?

Ba vấn đề quá lớn của loài người và từng người chúng ta trong kinh nghiệm sống thường ngày. Và vì cả ba đều có liên quan đến Sự Dữ ở chiều sâu, nên Đức Giê-su không thể không đối diện với những vấn đề này, từ đó, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình, để chữa lành và mở đường cho chúng ta đi, ngang qua ngôi vị, hành động, lời nói và nhất là mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài.

1. Mạnh được yếu thua

Có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giê-su “biết và thấy” anh ta, Người chủ động đến hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Người bệnh trả lời:

Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!

Đó chính là qui luật mạnh được yếu thua, nhanh thì còn chậm thì hết, hiện diện ngay trong nơi thánh thiêng nhất, nghĩa là nơi xẩy ra ơn chữa lành cách lạ lùng. Đức Giê-su muốn giải thoát anh cách nhưng không, nhưng anh chỉ nghĩ đến sự thua kém của mình so với những người bệnh khác. Giữa những người bệnh, cũng có sự ganh đua hơn kém. Bất hạnh lại càng bất hạnh.

Nhưng nếu chúng ta để tâm suy nghĩ cho kĩ, qui luật này ít nhân tính nhất, vì là qui luật đặc trưng của loài vật. Tuy nhiên, qui luật này ngày càng chi phối đời sống của con người hôm nay ở mọi lãnh vực: học tập, làm ăn, các trò chơi trên màn ảnh truyền hình; và người ta đưa nguyên tắc này vào cả trong huấn luyện nữa, huấn luyện đức tin và huấn luyện đời tu. Đúng là, qua qui luật “mạnh được yếu thua”, người ta tạo ra năng lực làm việc và tìm được những người ưu tú. Nhưng, trong thực tế, cách làm này đã để lại những hậu quả rất tai hại về mặt nhân linh cho gia đình, nhóm, xã hội và thế giới con người, vì người ta sẽ loại ra ngoài bằng cơ chế hay bằng cung cách ứng xử biết bao người yếu kém, ít khả năng, giới hạn, già nua, bệnh tật, khuyết tật, kém may mắn, những người nghèo, những người chịu thiệt thòi vì thân phận… Và họ sẽ phải sống trong mặc cảm thua thiệt, than thân trách phận, kêu trách người khác, kêu trách cuộc đời, kêu trách Thiên Chúa, kêu trách Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa, bị sự nghi ngờ, lòng ham muốn và ghen tị dày vò; từ đó sẽ tất yếu phát sinh bạo lực dưới mọi hình thức.

Đức Giê-su phá vỡ qui luật này, khi Ngài hành động bằng tình thương nhưng không và nhất là bằng lòng thương xót: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Khỏi bệnh mà không cần chạy đua với người ta, chỉ cần anh ước ao thôi. Đời sống Ki-tô hữu và nhất là đời sống dâng hiến, hơn bao giờ hết, được mời gọi làm chứng cho tình thương và lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Kitô. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chú ý đến người người bé nhỏ, và trở thành những người bé nhỏ. Và chính Ngài cũng ứng xử như người bé nhỏ (phục vụ thay vì được phục vụ), tự biến mình thành người “bé nhỏ” trên Thập Giá và mãi mãi đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 25).

2. Tương quan giữa sự sống và Lề Luật

Một người đau ốm, nằm liệt một chỗ suốt ba mươi tám năm, nay trở nên lành mạnh và có lại sức khỏe đến độ vác được chõng của mình mà đi. Thay vì chia vui với anh và ca tụng Thiên Chúa, người ta dựa vào luật Sa-bát để bắt bẻ anh và điều tra ra Đức Giê-su để chống đối Ngài[1]. Sự chống đối này là khởi đầu của cả một dự án giết chết.

Luật Sa-bát là luật được đặt ra để tưởng nhớ sự sống đã được trao ban nhưng không và hướng đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, luật này đã biến thành phương tiện để dò xét, để buộc tội và lên án, nghĩa là để cản trở sự sống và hủy diệt sự sống. Đức Giê-su cố ý chữa bệnh ngày Sa-bát, để làm lộ ra khuynh hướng chết chóc này nơi con người (x. Mc 3, 1-6).

Đây chính là một trong những điều xấu lớn nhất của con người và có mặt ở khắp nơi, nhưng không ai làm gì được; thậm chí, người hành động như thế, cũng tự cho mình là đúng. Bởi vì, một đàng là có luật, và đàng khác, có người phạm lỗi: phạm lỗi công khai, hay tôi dò xét người khác một hồi là ra lỗi. Người phạm lỗi bị kết án đúng người đúng tội, nhưng người kết án rõ ràng, trước khi người khác phạm lỗi hay trước khi thấy người khác phạm lỗi, người kết án đã có ý đồ hại người khác rồi, hay ít nhất không tin người khác và vì thế, coi người khác là một tội nhân “tiềm năng”, từ đó tìm đủ cách chứng minh mình là đúng! Vì thế, mọi người bất lực trong việc phơi bầy ý đồ hại người của người đã dựa vào luật để lên án.

Chúng ta là những người bất toàn, nên bình thường bị dò xét một hồi là ra lỗi. Chỉ với Đức Giê-su, người ta mới không thể tìm ra lỗi; vì thế, người ta sẽ gài bẫy để Người phạm lỗi; và khi gài bẫy, Ngài cũng không sa bẫy, nên cuối cùng người ta sẽ vu cáo. Bởi vì, ý đồ hại người là có trước, nhưng người ta phải tìm đủ cách, nhất là gian dối, để dựa vào Luật nhằm thực hiện ý đồ. Để hại người mà mình vẫn được an toàn, thì không có cách nào khác, là phải dựa vào Luật.

Có thể nói, Lề Luật là nơi ẩn nấp kín đáo nhất của Sự Dữ; và chỉ có Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, mới làm bật tung Sự Dữ và tất cả những ai hành động theo Sự Dữ, ra khỏi nơi ẩn nấp là Lề Luật. Như thánh Phao-lô nói: “Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 12)

3. Tội lỗi và bệnh tật

Khi Đức Giê-su gặp lại người đã được Ngài chữa cho khỏi bệnh, Ngài nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Chúng ta thường hiểu, bệnh tật của anh là một hình phạt của tội. Thực vậy, loài người chúng ta ở mọi thời, ít nhất ở mức độ vô thức, luôn nhìn thấy tội lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực; chẳng hạn, có người nói bệnh si-đa là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên loài người tội lỗi. Nếu như thế, thì Thiên Chúa hành động giống y như những nhóm khủng bố, giáng phạt không phân biệt kẻ tốt người xấu! Thậm chí, có người còn cho rằng, thân phận con người như nó là (sinh lão bệnh tử), là một hình phạt của tội.

Thập Giá của Đức Ki-tô đã phá vỡ kết nối tự phát tội lỗi với tai họa hay với thân phận con người, bởi vì Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội, nhưng vẫn sống thân phận con người đến cùng và đã phải hứng chịu tai họa lớn đến như vậy. Vì thế, Thập Giá của Đức Ki-tô còn mặc khải cho chúng ta biết rằng, thân phận con người dù có như thế nào, là một ơn huệ và là con đường dẫn đến sự sống nơi Thiên Chúa, thậm chí tôn vinh Thiên Chúa, như trường hợp người mù bẩm sinh (x. Ga 4, 3).

Người đau ốm được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị đau ốm trở lại, anh nằm xuống và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được. Chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ muốn giải phóng người bệnh khỏi bệnh tật, ơn huệ này tuy đặc biệt, nhưng rất chóng qua và không giải quyết tận căn vấn đề sự sống, nhưng còn muốn “chữa lành” anh khỏi Sự Dữ bằng lòng bao dung tha thứ, khi mời gọi anh: “Đừng phạm tội nữa” (x. Mc 2, 1-12).

*  *  *

Và như chúng ta có kinh nghiệm, ơn tha thứ không thể là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ. Để được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong cuộc sống như là ơn tái sinh : « Con ta đã chết, nay sống lại » (Lc 15, 24). Và đây là một việc lâu dài và rất khó khăn : chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc



[1] Một cô bưng dùm mâm cơm lên cầu thang, cha Bề Trên tình cờ đi xuống và đứng ngay ở đầu cầu thang. Thay vì cha “ca tụng” cô, cha đã ra lệnh cho cô nhân danh “lề luật”: “Chị không được phép lên lầu!” Từ đó, cô không còn vào Nhà Dòng để phụ giúp nữa.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay A: ĐỨC TIN CỦA VIÊN SĨ QUAN. Nt. Maria Anh Thư, OP
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN IV MÙA CHAY A. Nhiều tác giả
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN IV MÙA CHAY A: Ánh sáng cho những người khiếm thị. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY A. Nt. Rosa Cẩm Hồng
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY. Lm. Duy Khang
     Thứ năm Tuần III Mùa Chay Năm A:TIN VÀO THẦY GIÊ-SU. Maria Phương Trâm ĐMPC
     THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY NĂM A. Nt. Maria Chinh Anh, OP
     LỄ TRUYỀN TIN: ĐÓN NHẬN QUÀ TẬNG CỦA THIÊN CHÚA. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     LỄ TRUYỀN TIN: « Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai». Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Thứ Hai tuần III Mùa Chay: NƠI NGƯỜI CHAN CHỨA ƠN CỨU ĐỘ. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng