HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A
1 Sm 16,1b.6-7.10-13a ; Ep 5,8-14 ; Ga 9,1-41
ĐỨC GIÊ-SU ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 9,1-41
(1) Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (2) Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù. Anh ta hay cha mẹ anh ta ?” (3) Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. (4) Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng. Đêm đến, không ai có thể làm việc được. (5) Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. (6) Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. (7) Rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: Người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (8) Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” (9) Có người nói: “Chính hắn đó !” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi”. Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây !” (10) Người ta liền hỏi anh: “Vậy làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ? ”. (11) Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được”. (12) Họ hỏi anh: “Ông ấy ở đâu ?” Anh ta đáp: “Tôi không biết”. (13) Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. (14) Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sa-bát. (15) Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. (16) Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; Kẻ thì bảo “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. (17) Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp: “Người là một vị Ngôn sứ !”. (18) Người Do thái không tin là trước đây anh bị mù nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. (19) Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không ? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được ?”. (20) Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. (21) Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó. Nó đã khôn lớn rồi, tự nó, nó nói về mình được”. (22) Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do thái. Thật vậy, người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. (23) Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. (24) Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. (25) Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: Trước đây tôi bị mù, mà nay tôi nhìn thấy được !” (26) Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?” (27) Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?” (28) Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy. Còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. (29) Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê. Nhưng chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến”. (30) Anh đáp: ”Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! (31) Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. (32) Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. (33) Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. (34) Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ? ” Rồi họ trục xuất anh. (35) Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh, và khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không ?”. (36) Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” (37) Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. (38) Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (39) Đức Giê-su nói:"Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !". (40) Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?” (41) Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn !”.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện Đức Giê-su chữa cho người mù từ khi mới sinh trong Tin Mừng hôm nay cho thấy: Người chính là Ánh Sáng Thế Gian, và chỉ những ai có lòng khiêm hạ mới đón nhận được ánh sáng đức tin ấy. Còn những kẻ tự mãn mình sáng mắt như các người đàu mục dân Do thái lại bị mù tối về đức tin vào Đức Giê-su.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-5: + Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù: Cựu Ước thường cho rằng: tai nạn, bệnh tật và đau khổ là hình phạt do tội lỗi của chính tội nhân (x. St 3,3) hay tội của cha ông người ấy (x. Xh 20,5). Ở đây Đức Giê-su cũng đồng quan điểm ấy khi nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (Ga 5,14). + Là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh: Đức Giê-su coi bệnh tật như một tai họa mà con người phải chịu đựng, như một quyền lực của Sa-tan đang đè trên con người mà Người có sứ mạng đến để giải thoát họ (x. Lc 13,16).
- C 6-9: + Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù: Về phạm vi khoa học thì chất bùn này sẽ làm cho bệnh nhân bị mù. Nhưng về mặt biểu tượng thì theo các nhà chú giải Kinh Thánh: Khi làm như vậy là Người muốn thử thách đức tin của người mù và của những kẻ chứng kiến. + Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa: Si-lô-ác có nghĩa là “Được sai đến”. Như nước hồ của “Người được sai phái” đã cho người mù từ thuở mới sinh xem thấy thế nào, thì “Đấng Được Sai” cũng ban ánh sáng đức tin mặc khải cho những ai đang ở trong bóng tối tội lỗi và sự chết như vậy.
- C 35-41: +Anh có tin vào Con Người không ?: Sau khi mở mắt thể xác để anh mù được nhìn thấy, Đức Giê-su cũng muốn mở mắt đức tin cho anh. Vì thế Người đặt câu hỏi để khơi dậy niềm tin vào Người giống như Người đã làm đối với người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,26). + Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: Xét xử không phải lên án (x. Ga 3,17), nhưng là chiếu soi ánh sáng để cho thấy những điều thầm kín trong lòng người ta (x. Ga 3,19-21). + Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù: Câu này tương tự lời cầu nguyện của Đức Giê-su với Chúa Cha: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (x. Mt 11,25).
4. CÂU HỎI:
1) Đối với các tín hữu, bệnh tật có phải do tội lỗi gây ra không ? 2) Việc Đức Giê-su lấy bùn thoa vào mắt người mù để chữa bệnh có ý nghĩa biểu tượng thế nào ? 3) Tại sao Đức Giê-su lại ra lệnh cho anh mù đến rửa mắt tại hồ Si-lô-ác ? 4) Tại sao Đức Giê-su lại nói: "Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù" ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” (Ga 9,39).
2. CÂU CHUYỆN:
1) XIN ĐƯỢC SÁNG MẮT NẾU CÓ ÍCH CHO PHẦN RỖI ĐỜI ĐỜI:
Có một anh chàng nọ bị mú tư khi mới sinh. Anh rất có lòng đạo nên năng cầu nguyện tự phát và thường kết thúc lời nguyên bằng kết thúc lời cầu của mình bằng câu: ”Xin Chúa ban cho con được sáng mắt « Nếu điều đó hữu ích cho phần rỗi của con”. Một hôm, người ta dẫn ông mù đến trước mộ của thánh Tô-ma Can-tô-be-ry để xin Người làm phép lạ chữa lành cho cặp mắt của ông. Lời cầu nguyện của ông đã được chấp nhận và mắt của ông đã mở ra được để nhìn xem cảnh vật chung quanh và ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Khi niềm vui khỏi bệnh trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện câu kết thúc quen thuộc: ”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.
Lập tức ông liền quay trở lại viếng mộ thánh nhân để xin được mù trở lại « Nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn con ». Sau lời cầu này, mắt ông đã bị mù như trước. Tuy nhiên từ ngày đó ông mù đã bằng lòng với sống an vui và không bao giờ còn muốn được sáng mắt nữa.
2) ĐÂU LÀ LÚC TRỜI SẮP SÁNG ?
Một vị ẩn sĩ hỏi các đồ đệ rằng: “Đâu là lúc đêm sắp tàn và ngày sắp đến ?” Nhiều câu trả lời của các học trò được nêu ra: Kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau. Người khác cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt được một con bò với một con trâu… Cuối cùng đáp án đúng nhất mà vị ẩn sĩ muốn dạy như sau: “Đó là khi ta nhìn người khác và nhận ra họ là anh em của ta”.
3. SUY NIỆM:
1) Đức Giê-su chữa người mù từ khi mới sinh được sáng mắt:
Khi đi ngang qua, Đức Giê-su đã nhìn thấy một ngừời mù từ khi mới sinh đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Các môn đệ nêu thắc mắc theo quan điểm của người Do thái đương thời về tội lỗi như sau: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giê-su không trực tiếp trả lời, mà Người chỉ nói :”Chuyện đó xẩy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.
Tiếp đến Tin Mừng thuật lại việc chữa bệnh mù của Đức Giê-su bằng những cử chỉ mang tính biểu tượng như sau: ”Đức Giêsu nhỏ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: ”Anh hãy đi đến suối Si-lo-ê mà rửa (Si-lo-ê có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì thấy được” (Ga 9,6-7).
2) Cuộc điều tra của các đầu mục Do thái:
Những người Biệt phái không chấp nhận Đức Giê-su đã làm phép lạ chữa lành cho người bệnh mù nên họ đã mở một cuộc điều tra rộng rãi: Trước hết họ mời người bị mù đã được Đức Giê-su chữa lành đến tra vấn về những gì đã xảy ra cho anh, rồi cả những người láng giềng và cha mẹ của người mù cùng được mời đến để điều tra thực hư. Trước phép lạ hiển nhiên không thể phủ nhận được, các người Biệt phái đã tìm cách gây khó dễ cho người mù. Tuy nhiên anh mù này do đã có một đức tin kiên cường vào Đức Giê-su, nên anh không dễ dàng khuất phục trước cường quyền, anh đã thuật lại rành rẽ các việc Đức Gie-su đã làm để chữa bệnh cho anh và anh còn nói lên suy tư của anh về nguồn gốc thần linh của Người như sau: ”Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,30-33).
3) Về tiến trình anh mù được sáng lòng để từng bước tin vào Đức Giê-su:
Trong suốt cuộc gặp gỡ đối thoại với Đức Giê-su, anh mù đã được Người soi sáng để từng bước khám phá sự thật về vai trò cứu độ của Người: Từ "một người tên là Giê-su” (11) đến “một vị Ngôn sứ !” (17), rồi “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (33). Sau cùng khi đã được Đức Giê-su mặc khải mình là Con Người (35), là Tôi Trung của Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, thì anh mù đã tuyên xưng đức tin: “Thưa Ngài, tôi tin” và anh thể hiện lòng tin bằng việc khiêm hạ sấp mình thờ lạy Người (37). Quả thật, chỉ những ai thực tâm muốn đi tìm Chúa mới được Người cho gặp và mới nhận được ơn Chúa chiếu soi ánh sáng để đạt được đức tin. Trái lại, những ai tự kiêu lại tưởng mình sáng mắt, có sự hiểu biết sự vật bề ngoài lại trở nên mù tối về đức tin, như Người đã nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !" (39).
4) Sám hối canh tân trong Mùa Chay thánh:
- Những nguyên nhân của bệnh mù tinh thần: Thói ích kỷ làm chúng ta ra mù tối không nhìn thấy nhu cầu của tha nhân bên cạnh mà chỉ tìm kiếm thỏa mẫn các quyền lợi của mình như người giàu trong dụ ngôn anh La-da-rô nghèo khổ. Thói vô cảm làm chúng ta bị mù tình thương nên dễ làm ngơ trước những anh chị em đang cần được trợ giúp; Thói tự kiêu làm chúng ta bị mù không nhìn thấy thói hư bản thân mà chỉ thấy những điều xấu nơi tha nhân mình không thích. Mỗi người chúng ta đều đeo hai cái túi: Túi trước mặt là các ưu điểm và thành tích của mình, còn túi sau lưng đựng những thói hư tật xấu. Thường chúng ta chỉ thấy ưu điểm của mình và khuyết điểm của tha nhân. Để biết mình ra sao, chúng ta cần phải biết hồi tâm sám hối. Mùa Chay là thời kỳ thuận tiện để nhận biết thói hư của mình và quyết tâm tu sửa nên hoàn thiện hơn.
- Cần xét đoán dưới ánh sáng của Lời Chúa: Ngày xưa Đức Chúa đã hướng dẫn ngôn sứ Sa-mu-en chọn một trong các con của Giét-sê để xức dầu tấn phong làm vua như sau: “Đừng xét theo hình dáng và voc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm. Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (Sm 16,7). Hãy năng tham dự các buổi tĩnh tâm, hiệp sống Tin Mừng và chọn đọc những câu Lời Chúa phù hợp tinh thần sám hối trong các giờ kinh tối gia đình hằng ngày.
- Cần tập hành xử khiêm tốn: Trong bất cứ việc gì, cần ý thức mình chỉ thấy chỉ biết một phần sự thật, nên phải khiêm tốn tìm hiểu và học hỏi nơi tha nhân. Điều ta biết chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng nổi lên trên mặt biển. Còn những điều chưa biết thì to lớn và chìm sâu bên dưới mặt nước. Do đó, thay vì tranh cãi nhau như năm anh mù đi xem voi cãi nhau về những điều mình không biết rõ, chúng ta hãy khiêm tốn lắng nghe tha nhân. Hãy chấp nhận sự giới hạn của mình, chấp nhận những điều mình biết là chưa đầy đủ, chưa phải là chân lý để tiếp thu thêm kiến thức của tha nhân; Cần ý thức các ưu điểm của mình cũng chỉ có giới hạn như người xưa đã dạy: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (Một người giỏi chắc chắn sẽ có người khác giỏi hơn đánh bại). Do đó chúng ta cần hành xử khiêm tốn để luôn tôn trọng tha nhân, biết lắng nghe ý kiến của người khác và sẵn sàng tiếp thu các góp ý để nhận ra con người thật của mình, vì “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!” và đó là phương thế giúp thành công trong mọi việc: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”. Cần biết lắng nghe tha nhân: Nghe không những lời khen mà cả những lời phê bình chê trách, và tránh xa những lời nịnh hót như người xưa dạy: “Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải là thầy ta. Còn ai nịnh hót ta đó chính là kẻ thù của ta vậy”.
4. THẢO LUẬN:
Trong Mùa Chay này, Bạn sẽ làm gì để có thể nhận biết về con người thực của mình và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày càng nên hoàn thiện giống như Đức Giê-su hơn ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU: Xin đừng để sự ác cảm và thành kiến che mắt, làm cho chúng con không nhìn thấy những ưu điểm của người khác. Xin cho chúng con luôn khiêm tốn nhận ra khuyết điểm lầm lỗi của mình để sửa sai. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thiên nhiên, nơi bản thân con và nhất là nơi anh em con để sẵn sàng yêu mến và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa hầu xứng đáng nên môn đệ thực sự của Người.
- LẠY CHÚA: hiện nay còn biết bao người đang mù chữ, mù kiến thức, mù giáo lý… Nhất là đang bịt tai nhắm mắt vì sự cứng lòng tin như những người Pha-ri-sêu khi xưa. Trong Mùa Chay này, xin cho chúng con biết dành thì giờ tham dự những cuộc tĩnh tâm để duyệt xét lại con người của mình. Xin cho chúng con ngày một hiểu biết Chúa để yêu mến Chúa, biết rõ con để không dám tự mãn và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày một nên giống Chúa hơn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
ÁNH SÁNG ĐỨC TIN
Cuối thế kỷ 18 là thời kỳ được các triết gia gọi là Thời Kỳ Ánh Sáng, vì vào giai đoạn này nền triết học được hồi sinh và đem đến nhiều tư tưởng mới cho nhân loại, đồng thời đây cũng là thời kỳ khoa học kỹ thuật bắt đầu phát triển mạnh, nhiều người cho rằng với sự phát triển của cả lý trí và khoa học như thế, thế giới và con người được khai sáng khỏi những u mê lạc hậu, và nhất là những người cực đoan còn cho rằng đây là thời kỳ con người thoát ra khỏi sự ràng buộc của các tư tưởng tôn giáo, được giải thoát, được bay bổng trong bầu trời của ánh sáng tự do. Tuy nhiên những ước mơ và dự đoán đó không như con người dự tính, chính khoa học và cả triết học các thời kỳ sau đó đã để lại những khoảng trống tăm tối cho con người, và thay vì con người được khai sáng tự do, thì nó lại trói buộc con người vào những hình thức nô lệ mới của khoa học và công nghệ, nó mãi mãi cho thấy sự giới hạn và bất lực của con người.
Trong khi đó Lời Chúa của Chúa nhật thứ IV mùa chay lại giới thiệu cho chúng ta về Đức Giêsu là ánh sáng, Ngài đem ánh sáng đến thế gian để giải thoát con người khỏi sự mù tối của u mê lầm lạc, Ngài đem ánh sáng của Tin Mừng đến để giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của bóng tối thế gian và vật chất, giúp con người sống đúng với địa vị phẩm giá mà Chúa trao ban.
Qua câu chuyện Chúa chữa người mù từ khi mới sinh, Thánh Gioan cho thấy Chúa đã khai sáng không chỉ cho người mù, mà còn cho mọi người chung quanh anh nữa. Người Do Thái thời Đức Giêsu bị bao trùm bởi rất nhiều những quan niệm sai lạc, kể cả các tông đồ cũng thế, các ông vẫn nghĩ rằng người thanh niên kia bị mù là do tội của anh ta hoặc tội của cha mẹ anh ta, nên họ mới hỏi Chúa Giêsu: “Anh bị mù do tội của anh hay tội của cha mẹ anh?” Nhưng Chúa Giêsu đã thay đổi suy nghĩ cổ hủ của các tông đồ, khi Ngài khẳng định với các ông: “Anh bị mù không phải vì tội của anh, cũng không bởi cha mẹ anh, nhưng là để mọi người được thấy công trình của Thiên Chúa được thể hiện nơi anh”. Cùng một sự kiện, nhưng Chúa muốn các tông đồ nhìn theo chiều hướng tích cực và trong cái nhìn tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải cái nhìn mang tính kết án.
Đối với người mù, Chúa Giêsu đã chạm đến mắt anh, tức là động chạm đến cả con người của anh, không chỉ chạm bằng tay, mà còn là sự đụng chạm gặp gỡ của trái tim, của tình yêu của một vị Thiên Chúa làm Người, dành cho một con người bất hạnh, bị xã hội loại bỏ, bị gán cho muôn vàn thứ tội. Ngài không chỉ mở mắt thể xác cho anh, mà Ngài còn mở mắt linh hồn để anh nhìn thấy Đức Giêsu là một vị ngôn Sứ, trong khi những người Biệt Phái bị bao trùm bởi bóng tối của sự tự cao tự phụ, cho mình cái quyền kết án người khác, họ bị thành kiến che mờ mắt, khiến họ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu là một người vi phạm ngày Sabat. Sau khi được sáng mắt, thì người trước đây bị mù được khai sáng đã trở thành người hết sức bênh vực cho Đức Giêsu, anh khẳng định: “Ngài là một vị Ngôn Sứ”.
Với đám đông người Do Thái cũng thế, họ bị trói buộc trong những tập tục của mình, khiến họ khó lòng đón nhận được ánh sáng mới từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, họ đến để gây áp lực với cha mẹ của anh mù: “Đây có phải là con ông bà không? Có phải nó bị mù từ khi mới sinh không? Tại sao bây giờ nó lại thấy?” Vì sợ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng, nên cha mẹ anh mù đã để cho bóng đêm của sự sợ hãi giam giữ khiến họ không dám tuyên xưng Đức Giêsu là một Ngôn Sứ, mà họ đã nói tránh rằng: “Con tôi nó lớn rồi, các ông cứ hỏi nó.”
Còn đối với người mù đã được chữa lành, anh đã hoàn toàn thoát ra khỏi bóng đêm của sự sợ hãi cho dù người Do Thái đã nhiều lần chất vấn anh, lần này họ muốn anh nhân danh Thiên Chúa để vu cáo cho Đức Giêsu là người tội lỗi. Nhưng câu chuyện cho thấy anh đã bước một bước dài trong đời sống đức tin, anh không chỉ tin Đức Giêsu là một Ngôn sứ, mà giờ đây anh còn can đảm làm chứng và bênh vực Ngài, anh lặp lại việc Chúa Giêsu đã chữa anh và anh tuyên bố: “Trước đây tôi bị mù nhưng nay ông ấy đã chữa cho tôi được sáng.” Anh còn trở thành người giải thích về quyền năng của Thiên Chúa cho những người chung quanh:” Ai kính sợ Thiên Chúa, luôn làm theo ý Người thì Người nhậm lời kẻ ấy… nếu không phải bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ấy sẻ chẳng làm được gì.”
Trước một đức tin non nớt lại gặp thử thách bởi những thành kiến, quan niệm và tập tục của những người chung quanh, nên khi gặp lại anh, Chúa Giêsu đã dẫn anh lên một bước cao hơn, củng cố đức tin cho anh, khi Ngài mời gọi anh tuyên xưng đức tin: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh thưa: “Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu xác nhận với anh: “Chính Đấng ấy đang nói với anh đây”. Và anh đã tuyên xưng: “Thưa Ngài tôi tin và sấp mình xuống trước mặt Ngài”. Đó là thái độ thể hiện sự vâng phục của đức tin nơi anh mù, anh sấp mình để thờ lạy Ngài.
Như thế, ánh sáng của đức tin khác với ánh sáng của khoa học, của triết học và khác hẳn với ánh sáng của tự nhiên, để nhìn thấy được ánh sáng này đòi phải có một con mắt của linh hồn thật trong sáng, vì cái nhìn của con mắt loài người bên ngoài có thể lầm lẫn, có thể đánh lừa và dẫn đến sai lạc, còn ánh sáng của Tin Mừng của Đức Giêsu thì chiếu dọi vào trong tâm hồn, những ai mở cửa tâm hồn, thì đón nhận được ánh sáng này, và những ai khiêm nhường thì sẽ được ánh sáng này dẫn lối và đưa đến hạnh phúc. Sách Samuel cũng cho thấy sự khác biệt giữa cái nhìn của Thiên Chúa và cái nhìn của con người trong việc Samuel được sai đi xức dầu chọn Đavít làm vua Israel. Con người chỉ nhìn và đánh giá sự việc theo cái nhìn và tiêu chuẩn bên ngoài, còn Thiên Chúa lại nhìn thấu tâm hồn và Ngài đánh giá tuyển chọn một con người là tùy ở thái độ tâm hồn của người đó sẵn sáng đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Thưa quý OBACE, thánh Phaolô đã quả quyết rằng: “Nhờ ơn của Bí tích Thánh tẩy chúng ta đã trở nên con cái của ánh sáng, con cái của Tin Mừng và vì thế, chúng ta phải ăn ở, phải sống cho xứng đáng là con cái của ánh sáng, tức là phải sống công chính, ngay thẳng lương thiện, và không bao giờ được tán đồng, làm ngơ hay cộng tác với sự dữ và bóng tối”.
Mặc dù đã là con cái sự sáng, nhưng chúng ta vẫn bị ma quỷ lôi kéo chúng ta vào bóng tối hoặc vì để mình sống trong tình trạng tội lỗi gian dối, nên chúng ta sợ ánh sáng, sợ những gì là minh bạch. Còn rất nhiều những bóng tối đang bao trùm trong các gia đình, đó là bóng tối của bất hạnh, cãi vã, đổ vỡ, của sự bạo hành, bóng tối của gian dối, của việc làm ăn lươn lẹo, bất công. Giống như những người Do Thái, nhiều người đã sống trong sự cố chấp, bảo thủ trong sự sai lầm của mình, không dám đón nhận ánh sáng sự thật của Đức Kitô và Tin Mừng và vì thế, họ dùng nhiều lý do để gạt bỏ Đức Giêsu ra khỏi tâm hồn, ra khỏi công việc và đời sống của gia đình. Chúa Giêsu là Đấng đem đến cho chúng ta ánh sáng cứu độ, chỉ cho chúng ta con đường giải thoát, mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu và sự săn sóc của Chúa, song nhiều người đã nhất định từ chối Ngài, và muốn tự mình bước đi trong bóng tối của thế gian, của ma quỷ và của dục vọng.
Trong xã hội ngày nay còn nhiều những bóng tối và sự mù lòa khác, sự mù lòa của những kẻ nhân danh khoa học để từ chối không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, xã hội ngày nay bị che phủ bởi bóng tối của sự gian dối, của bất công, khiến cho nhiều người bị lầm lạc và lẫn lộn không thể phân biệt đúng hay sai; sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng kéo theo nó bóng tối của sự ích kỷ, dửng dưng khiến cho nhiều người quên mất sự hiện diện của người bên cạnh. Bên cạnh đó còn bao nhiêu những triết lý, học thuyết sai lạc đang dẫn con người đi vào ngõ cụt, đang hủy hoại tâm hồn của nhiều thế hệ, biến nhiều tâm hồn trở nên khô cằn sỏi đá không còn nhạy bén trước lời mời gọi của Tin Mừng nữa.
Những loại bóng tối mù lòa này đang ảnh hưởng và bao trùm trên nhiều người trẻ, khiến cho nhiều bạn trẻ lạc đường mất hướng, sống một cuộc sống không có mục đích, không lý tưởng, hoặc biến nhiều người trẻ khác lao vào những hình bóng, ảo ảnh của danh vọng, địa vị, tiền bạc, và đoạn cuối của con đường này là sự bế tắc và trống rỗng. Chỉ có Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài mới là ánh sáng thật soi rọi cho chúng ta, giới răn và lề luật của Ngài sẽ chữa chúng ta khỏi sự mù lòa của thể xác và tâm hồn, tình yêu của Ngài sẽ dẫn lối chúng ta bước đi trong ánh sáng của tự do, của sự thật, của công lý.
Xin Chúa giúp chúng ta noi gương Mẹ Maria mạnh dạn mở tung mọi cánh cửa của tâm hồn để cho ánh sáng của Tin Mừng chiếu dọi vào mọi góc khuất của cuộc đời, biến chúng ta nên con cái của ánh sáng, giúp chúng ta loại trừ bóng tối của chết chóc, giúp mỗi người sống và hành động như là con cái của ánh sáng. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Con cái sự sáng
(1S 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Yn 9,1-41)
Suy Niệm:
Chúa Nhật IV Mùa Chay A
1S 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Yn 9,1-41
Bài Thánh thư và bài Tin Mừng cho phép ta nếu muốn, có thể gọi Chúa nhật hôm nay là Chúa Nhật Ánh Sáng; nhưng như vậy phải tách riêng bài sách Samuel. Và cũng là dịp để ta thấy: không tất nhiên các bài đọc bao giờ cũng phải chung một đề tài. Tuy nhiên Phụng vụ luôn có chủ ý khi chọn những bài đọc khác nhau. Như hôm nay, đang Mùa Chay, cần giáo huấn tân tòng và tín hữu, Phụng vụ có thể đề xuất nhiều đề tài khác nhau để tiến hành việc giáo huấn mau lẹ và đầy đủ hơn. Chúng ta thử nắm hết các lời giáo huấn trong Chúa nhật này.
A. Bài Sách Samuel
Samuel được sai đi xức dầu phong vương cho Ðavít. Câu truyện đơn sơ, dễ hiểu và có vẻ thuộc loại văn lịch sử. Nhưng trong Kinh Thánh, nhất là trong Kinh Thánh Cựu Ước, nhiều khi "vẻ" văn lịch sử chưa chắc đã là văn sử. Người xưa thích kể chuyện khi dạy dỗ. Ở đây có lẽ cũng thế. Tác giả kể việc xức dầu phong vương cho Ðavít thật rõ ràng. Cả nhà Ðavít đều chứng kiến. Thế mà ở đoạn sau đó, tức chương 17,28 sách 1Samuel lại cho ta thấy Eliab, người anh cả của Ðavít, lại cư xử với em như với một đứa nhỏ chẳng có giá trị gì. Rồi trong 2Samuel đoạn 2,4 và 5,3 lại nói đến việc xức dầu cho Ðavít làm vua Yuđa và Israel như đã không biết gì về việc Samuel đã xức dầu cho Ðavít. Như vậy nếu coi bài đọc chúng ta vừa nghe như một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện lịch sử, mượn câu chuyện lịch sử Ðavít đã được xức dầu làm vua một lần nào đó (và việc này có thật) để đưa ra một lời dạy dỗ, thì ý của tác giả thánh thế nào?
Ông muốn nói rằng: Ðavít đã được một tiên tri xức dầu làm vua. Vương quyền Ðavít nhận được có ơn tiên tri. Uy quyền của ông bởi Thiên Chúa. Vua Israel là người được Thiên Chúa chọn, là đấng xức dầu của Người, là người được Thần trí Chúa hướng dẫn. Như vậy, trong lịch sử Dân Chúa sẽ có một sự tiếp nối liên tục giữa thời các Thẩm phán và thời các Hoàng đế. Các hoàng đế tuy làm vua nhưng cũng được như các thẩm phán, là những bậc được Chúa chọn để ban Thần trí hầu cứu dân trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của lịch sử. Nói tóm lại, Ðavít được nhà tiên tri xức dầu làm vua, thì vua Ðavít sẽ có Thần trí của Thiên Chúa hướng dẫn và ngài sẽ cứu thế, cứu dân.
Do đó Phụng vụ Mùa Chay thật có lý để dùng bài Cựu Ước này. Ðức Kitô Con Vua Ðavít, là Ðấng đã được xức dầu, thì cũng là Ðấng Cứu Thế. Và nếu được phép suy nghĩ tỉ mỉ hơn nữa, dường như Phụng vụ còn muốn nói thêm: như Ðavít là em út trong nhà, có bộ mặt khôi ngô sáng sủa đã được chọn một cách chẳng ai ngờ, thì Ðức Kitô cũng sẽ cứu thế theo phương thức chẳng ai đoán được. Người sẽ sống khiêm nhu, bé nhỏ và sẽ chết trên Thập giá. Nhưng nhìn vào sự thánh thiện trong sáng của Người, muôn dân đã thấy bừng lên ơn cứu độ.
Một bài học như thế đáng cho chúng ta, tín hữu cũng như tân tòng, suy nghĩ trong Mùa Chay và suốt cả cuộc đời. Chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên Tri và là Cứu Thế. Và chúng ta hãy xem trong bài Tin Mừng hôm nay Người đã cứu thế cách nào?
B. Bài Tin Mừng
Người là Ðấng, như Chúa nhật trước đã cho ta biết, lấy công việc làm theo Ý Ðấng đã sai Người, làm lương thực hàng ngày. Hôm nay Người cũng khẳng định như thế, và nói bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công vào các việc của Ðấng đã sai chúng ta (c.4). Hiện giờ thì còn là ngày, vì "khi Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian" (c.5).
Và sự sáng thì phải soi sáng. Vậy có một người mù từ thuở mới sinh đang đứng đó. Môn đồ không hiểu vì sao có sự kiện ấy. Còn Ðức Kitô ý thức mình là sự sáng, nên thấy ngay đây là công việc Chúa Cha gửi đến cho mình. Người chữa anh ta khỏi.
Câu truyện có thể đến đó là xong. Nó đã đủ để chứng minh: Ðức Kitô là sự sáng. Nhưng khốn nỗi, không những Người là sự sáng nhưng còn là sự sáng thế gian, sự sáng đến trong thế gian; khiến Yoan phải viết thêm: thế gian đón nhận sự sáng ấy như thế nào? Và đó là ý nghĩa của phần còn khá dài trong bài Tin Mừng hôm nay.
Phần này quảng diễn một khẳng định mà Yoan đã viết ngay ở đầu cuốn Tin Mừng của người: sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được sáng (1,5). Quả thật, việc Ðức Yêsu mở mắt người mù đã như ánh sáng bùng lên trước mặt mọi người. Ai ai cũng bàn tán hỏi nhau (c.8), chẳng làm sao hiểu được. Người ta phải đưa vấn đề trình lên các Biệt phái. Tòa làm việc nhộn nhịp, hỏi cung người mù, đòi chứng của cha mẹ anh ta, hỏi lại anh ta một lần nữa, nỗ lực vùi dập vụ này đi... nhưng đã không triệt được sự sáng. Rõ ràng Yoan muốn ám chỉ: Biệt phái đang mưu mô hại Chúa, nhưng họ sẽ thua. Cuộc tử nạn mà họ muốn Người phải chịu sẽ làm cho họ phải bẽ bàng vì biến cố Phục sinh. Bài Tin Mừng hôm nay, như thế, còn nói lên mầu nhiệm Chúa sống lại của Phụng vụ ngày Chúa nhật và của đích điểm Mùa Chay Thánh.
Chưa hết! Tác giả Yoan còn tiếp tục. Người mù bị các Biệt phái tống cổ ra ngoài. Ðức Yêsu được tin. Người đi tìm anh ta, ban cho anh ta được ơn nhận ra Người và thờ lạy Người. Còn các Biệt phái vì tự phụ là người sáng mắt, nên tội lỗi còn nguyên. Ðúng như lời Chúa nói: "Ta đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù".
Tác giả Yoan muốn cảnh tỉnh chúng ta đó. Công việc của Thiên Chúa đã hiện tỏ (c.3); mầu nhiệm Phục sinh đã sáng rực. Ai khiêm cung sẽ được soi sáng; còn ai tự phụ sẽ lại đui mù.
Như thế bài Tin Mừng cũng là một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện. Ðoạn văn trong sách 1 Samuel đã cho chúng ta thấy Ðức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên tri, là Cứu thế. Bản Tin Mừng Yoan nói thêm: Người đã đến trong thế gian như sự sáng, mà tối tăm không triệt được, để ai mù được thấy, ai sáng sẽ mù; để ai tin Con Người thì được rỗi (c.35) và ai không tin sẽ còn nguyên tội lỗi.
Riêng chúng ta đã tin Chúa rồi thì thế nào?
C. Bài Thánh Thư
Thánh Phaolô đáp: "Xưa kia anh em là tối tăm nhưng nay, trong Chúa, anh em là sự sáng; anh em hãy đi đứng như con cái sự sáng. Mà hoa quả của sự sáng là mọi việc nhân lành, công chính và chân thật".
Những lời ấy đủ để đưa hết thảy chúng ta đi vào con đường của sự sáng. Nhưng không biết chúng ta có nên khiêm tốn hơn không và thú nhận có lẽ mình cũng còn cần phải được soi sáng? Câu cuối cùng trong bài thư Phaolô có vẻ gợi lên điều đó. Và tác giả khuyên chúng ta hãy đứng lên để được Ðức Kitô chiếu soi.
Kìa xem người mù, sau khi được Chúa mở mắt cho, đã dần dần trở thành con người có giá trị đến nỗi xứng đáng được Chúa đi tìm để ban thêm ơn đức tin. Anh ta đã biết nói sự thật với tất cả mọi người, và dần dần biết biện phân phải trái, khiến các Biệt phái phải bực tức thốt ra lời thú nhận tự ti mặc cảm.
Chúng ta cũng sẽ tăng thêm giá trị cho chúng ta khi chúng ta để Người chiếu soi. Mà Người thường làm công việc này qua Sách Thánh, qua giáo huấn của Hội Thánh, qua cả việc học tập và suy nghĩ trong yên lặng vì con người có học mới sáng, và có sáng mới làm được những công việc nhân lành, công chính và chân thật.
Như vậy, chúng ta hãy đến xin Ðức Kitô soi sáng cho chúng ta không những trong Thánh lễ này, mà còn trong mọi lúc chúng ta suy nghĩ, học hành, đọc sách vở và nhất là Sách Thánh.