Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên Năm C
NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI
Lời Chúa: Lc 9,1-6
1 Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. 2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3 Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. 5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ". 6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Suy niệm
Truyền giáo là sự sống còn của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội không truyền giáo, thì Giáo Hội sẽ không tồn tại. Ngay từ buổi đầu cho cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã muốn tăng triển sự hiện diện và phổ biến sứ điệp của mình qua những người hiện thân của Ngài và cũng là những người đồng hành với Ngài. Đó là các tông đồ. Các ông đã cùng ăn, cùng uống cùng chia sẻ ngọt bùi, dong duỗi trên các nẻo đường xứ Palestine với Chúa Giêsu. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn các ông là những cánh tay nối dài của Ngài trong sứ mệnh của Đấng Mê-si-a là: rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh nhân. Trong chương 9, từ câu 1 đến câu 6, thánh sử Luca đã mô ta bài thực hành đầu tiên của các Tông đồ như chia sẻ sứ mạng của Chúa Giêsu khi Ngài còn sống trên dương thế.
Nhóm 12 được Chúa Giêsu gọi là Tông đồ. Theo tiếng Hy lạp, "Tông đồ" nghĩa là "được sai đi", được ủy phái chính thức làm nhiệm vụ truyền giáo. Với câu mở đầu: Chúa Giêsu đã tập họp Nhóm Mười Hai lại. Ngài qui tụ họ để ban năng lực và quyền phép, nhằm xua trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật (c1). Như vậy, người được gọi là Tông đồ cần phải do chính Thiên Chúa qui tụ. Họ sống thành cộng đoàn, thành nhóm. Họ đón nhận sức mạnh và uy quyền từ Thiên Chúa, chứ không do sức riêng, để họ khiêm tốn trong khi rao giảng. Cuối cùng, họ chỉ thực hiện những điều Thiên Chúa muốn nơi họ là công việc của một Tông đồ như Chúa Giêsu: đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c2). Đây cũng là sứ mệnh của Đấng Mêsia Đấng Mêsia đến trần gian với mục đích chữa lành phần hồn, phần xác cho con người theo ý Chúa cho chứ không theo sở thích, ý riêng của mình.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến các Cộng đoàn dòng tu hoặc cộng đoàn giáo xứ. Họ qui tụ lại để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa và nhất là để cho ý Chúa thể hiện qua sứ vụ của họ. Thánh lễ là một ví dụ điển hình mà qua đó, chúng ta thấy rõ nhất: "Lễ xong, chúc anh chị em ra đi ...". Ta đi loan báo Tin Mừng là sứ mệnh của từng người Ki-tô hữu, chứ không chỉ "đóng khung" trong các cộng đoàn tu sĩ, giáo sĩ...
"Người nói: Anh em đừng mang gì đi đường, đừng gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc hoặc 2 áo" (c3). Một lối sống từ bỏ, phó thác khiến chúng ta chỉ còn tin cậy vào Thiên Chúa quan phòng mà thôi: "không mang gì" giúp tâm hồn không bám víu, mà nhẹ nhàng thảnh thơi tiến bước: "Không mang gậy" như một vũ khí tự vệ hoặc gây hấn cho bản thân. "không bao bị" để khỏi cồng kềnh thu góp như một gánh nặng khiến bước chân ngại ngùng tiến bước. "Không lương thực" để hài lòng với tất cả những gì mà người ta dọn đến hoặc dành sẵn cho người tông đồ; " không tiền bạc" để lòng khỏi bận tâm vì "của cải ngươi ở đâu, lòng dạ ngươi sẽ ở đó" hoặc khi quá chú tâm về của cải, chúng ta đã tôn thờ nó, làm nộ lệ nó vì "Không ai thờ 2 chủ vì sẽ ghét chủ này và yêu chủ nọ", "không mặc 2 áo" vì khi quá xum xoe lo cho bản thân vì ích kỷ, thì không còn chỗ cho Thiên Chúa và con người.
"Khi vào nhà nào, hãy ở lại..." Chúa Giêsu dạy các Tông đồ đừng tìm kiếm nơi khác sang trọng hơn hay hèn kém hơn mà bằng lòng với sự tiếp đón của họ, với tiện nghi họ có sẵn mà không đòi hỏi, với thực phẩm họ dọn mà không kiêng khem hay từ chối làm phiền lòng họ. Tất cả là ân ban của Thiên Chúa, người ngôn sứ cứ đón nhận vì họ xứng đáng được tiếp đón như vậy, Nhưng trên bước đường loan báo Tin Mừng, mọi sự sẽ không "xuôi chèo mát máy" cả đâu. Chúa Giêsu đã thấy trước điều đó và Ngài cũng cảnh báo các môn đệ, để các ông khỏi nản lòng: "Hễ người ta không đón tiếp anh em, khi ra khỏi thành hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối" (c.5), Đây là một cử chỉ, hành vi công khai, một hình ảnh tượng trưng để nói lên rằng: vị tông đồ này không còn liên hệ với họ (những người từ chối) nữa và không còn trách nhiệm về những điều gì sẽ xảy ra cho cuộc đời của họ. Chúng ta thấy rõ điều này trong (Cv 13,51) khi Phaolô và Barnaba giũ bụi chân phản đối và đến với dân ngoại.
Câu kết thúc bài Tin Mừng hôm nay là việc ra đi truyền giảng Nước Chúa và chữa lành bệnh tật của 12 Tông đồ. Hạt men Lời Chúa đang được ủ ấp mọi ngõ ngách cuộc đời và chờ đợi ngày "dậy men". Những bệnh tật đau đớn phần xác, nay dưới uy quyền của Thiên Chúa thực hiện qua tay 12 Tông đồ, đã được xoa dịu và chữa lành. Tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa trải rộng trên thế giới qua những đôi tay, bàn chân, con tim, khối óc của những con người sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa và cho con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy biến đổi và thánh hóa chúng con thành những khí cụ bình an của Chúa, để chúng con:
Đem yêu thương vào nơi oán thù
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem an hòa vào nơi tranh chấp
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm...
Và đem Chúa đến cho mọi người để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang. Amen.
Nữ Tỳ Thánh Thể.