Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 22

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 14,1.7-14

Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

[wallcoo.com]_2560x1600_Widescreen_GreenLeaves_wallpaper_da035043e.jpgTừ ngàn xưa, trong nhân gian từ cổ chí kim đến ngày nay, đức khiêm tốn đã được đề cao và là nhân đức quan trọng trong tất cả các nhân đức mà bất kỳ một ai cũng phải học và thực hành. Khiêm tốn được xem như là chìa khoá để thành công trong đường đời, trong đối nhân xử thế. Trong Kinh Dịch có câu: Thiên đạo thường làm khuy tốn chỗ dinh kiêu mà ích bồi nơi khiêm hư, địa đạo làm biến cải chỗ dinh kiêu mà lưu nhận nơi khiêm hư, quỷ thần thường làm hại trừ chỗ dinh kiêu mà tăng phúc nơi khiêm hư, nhân đạo thường chán ghét chỗ dinh kiêu mà ưa chinh nơi khiêm hư. Thế nên trong một quẻ Khiêm mà sáu hào đều tốt. Và Kinh Thư cũng đề cao sự khiêm tốn : người tự kiêu tự mãn thường bị nạn, kẻ khiêm nhượng hư tâm thường đắc ích.

Thông điệp trong dụ ngôn của Đức Giê-su gởi đến chúng ta hôm nay là bài học giá trị của sự khiêm tốn. Bài học của Đức Giê-su xem ra có vẻ không thuận theo lẽ tự nhiên trong tâm lý, không phù hợp với những động lực từ bên trong của con người, khi mà chẳng ai muốn chọn cho mình một chỗ cuối trong bàn tiệc, ai cũng muốn được tôn trọng và muốn khẳng định mình. Thăng tiến bản thân, làm cho mình nổi trội giữa đám đông là chuyện mà con người ta luôn cố đạt cho kỳ được. Dụ ngôn của Đức Giê-su củng cố thêm lời dạy trong sách Châm ngôn “Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo “Xin mời ông lên trên cho!” Còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25,6-7).Hãy ngồi chỗ cuối”, chọn cho mình một vị trí khiêm hạ trong bữa tiệc để được cất nhắc lên một cách vinh dự giữa muôn người không phải là một “chiêu”, hay một nghệ thuật để được nổi đình đám. Nhưng thông điệp mà Đức Giê-su dạy cho con người không phải là những nghệ thuật, những phương cách giả tạo, nhưng là sự khiêm tốn thực sự, có giá trị.

Sự khiêm tốn là nữ hoàng của các nhân đức bởi vì sự khiêm tốn giúp chúng ta nhận định, đánh giá chính mình trong lối nhìn của Thiên Chúa. Sự khiêm tốn thực sự không phải là cảm nhận tệ hại về bản thân, hay cho mình một vị trí thấp kém so với người khác. Khiêm tốn thật giải phóng chúng ta khỏi những bận tâm về chính mình, khỏi những ràng buộc suy tư, cái nhìn tập trung vào chính mình. Khiêm tốn là sự thật trong việc hiểu bản thân và hành động. Nhìn nhận bản thân bằng sự đánh giá nghiêm túc, nghĩa là chúng ta nhìn chính mình trong cách Thiên Chúa nhìn chúng ta. Người khiêm tốn sẽ đánh giá mình đúng như họ là mà không ảo tưởng hoặc bằng một lớp vỏ khác họ. “Khiêm tốn thật sự không có nghĩa là không biết đến những giá trị của mình mà chính là biết nhận những chân giá trị ấy “( J.C.Hare)

Sự khiêm tốn thật giải thoát chúng ta khỏi những thất vọng và những kiêu hãnh. Người khiêm tốn không mang mặt nạ hoặc chỉ có một lớp vỏ tốt bên ngoài khiến người khác không biết thực họ là ai. Những cái tuỳ phụ của cuộc sống như: tiếng tăm, danh vọng, thành công hay thất bại không ảnh hưởng đến người khiêm tốn. Sự khiêm tốn cũng giải phóng chúng ta khỏi tình yêu vị kỷ, nhưng hướng đến một tình yêu quảng đại, nghĩ đến người khác hơn là bản thân mình. Sự khiêm tốn sẽ đưa con người đến sự khôn ngoan, đến chân lý và đến một tình yêu đích thực, hoàn hảo. Nhờ đó, họ sẽ cảm nhận hạnh phúc trong chính mỗi phút giây của cuộc sống, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Đức Giê-su chính là mẫu gương tuyệt hảo về đức khiêm nhường, Ngài mở lối và muốn mỗi người chúng ta tiếp bước theo Ngài trên con đường khiêm hạ, để sống và phục vụ, để hạnh phúc và đạt được sự bình an, khôn ngoan trong cuộc sống hiện tại, giữa muôn ngàn những thách đố của thời đại mới.

“Đức Giê-su Ki-tô, 

vốn dĩ là Thiên Chúa…

nhưng đã hoàn toàn

trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi,

bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự…

( Pl 2,7-8)

Lạy Chúa Giê-su, Ngài đã trở nên một người tôi tớ để cứu độ, để giải thoát chúng con khỏi những sự độc ác của ích kỷ, khỏi sợ hãi và sự kiêu hãnh. Xin giúp chúng con học biết và sống sự khiêm nhường của Ngài, biết yêu và phục vụ anh chị em mình cách quảng đại hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng con.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa - Thứ Năm Tuần XXII - Mùa Thường Niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXII - Mùa Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXII Thường niên B - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên B - Lm Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên - Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông