CHÚA NHẬT 20 TN
ĐỂ CÓ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Sống và chết là hai mặt thiết thân của một hữu thể, gần nhau nhưng lại đối nghịch nhau hơn cả. Ai cũng muốn sống, chẳng ai muốn chết. Thế nhưng, cái chết của thân xác là một quy luật tất yếu của con người. Có sinh ắt phải có tử, là bụi đất giới hạn nên không thể mãi trường tồn. Nó luôn là một thách đố sừng sững trước mặt không thể vượt qua. Nó to lớn đến độ làm người ta quên mất sự sống khác, cao cả và giá trị hơn nhiều, đó là sự sống linh hồn. Bởi vì, đời người không thể đồng hóa như cuộc sống của các sinh vật khác. Con bò, con heo, con chó, con gà sống đó nhưng rồi bị đưa vào nồi, chấm dứt một đời. Con người sau cái chết, chôn xong, liệu còn hay hết. Nếu hết đời người quả là vô nghĩa, vô duyên. Nếu còn thì bây giờ đang ở đâu? Hítle, Napôlêông, Từ Hy Thái Hậu, Tần Thủy Hoàng…những con người vang bóng một thời, xin được hỏi bây giờ ở đâu? không thể bị chiếc hố định mệnh dài 2 mét, rộng 7 tất phủ lấp xong đi một đời? nhưng nếu còn bây giờ ở đâu? Nếu chết là hết, thì ăn ngay ở lành quả là thua thiệt, công bình chỉ là dại dột, yêu thương thật là lãng phí. Nếu đời này là tất cả, thì cuộc sống đáng yêu sẽ biến thành đáng ghét. Bởi vì, có biết bao vụ án bất công, bao cảnh bốc lột tàn nhẫn, bao chênh lệch phi lý giữa kẻ giàu và người nghèo, bao cách biệt đến mức ‘mầu nhiệm” giữa em bé chào đời trong khỏe mạnh và an vui, với em bé phải cam phận khóc vào đời trong thân phận nghèo đói và khuyết tật. Những bất công đó trần gian không thể xử lý được, thì cần phải có một quyền năng nào xét xử chứ. Vì thế, ở cuối con đường trần gian, phải có cái gì đó, để kẻ thiệt thòi được bù đắp là một điều hợp lý. “Cái gì đó” chính là cuộc sống vĩnh cửu.
Cho nên, để sống cho đúng ý nghĩa của một con người, người ta vừa phải lo cho sự sống thân xác, vừa phải lo cho sự sống linh hồn. Một người sống trong thân xác khỏe mạnh mà linh hồn đang chìm trong cái chết của tội lỗi thì là một người đang bị “ bán thân bất toại”. Vì thế, ai muốn biết chắc là mình sẽ được một sự sống đời đời, thì đây có một nguồn lương thực hoàn hảo, có thể bảo đảm nuôi sống linh hồn trong hiện tại và kéo dài tới tận cõi vĩnh cửu đó là Mình và Máu Chúa Kitô. Chỉ khi nào đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô thì con người mới có thể an tâm, mới có thể biết nơi về an toàn khi cánh cửa hẹp của gã thần chết khép lại sau lưng.
Quả vậy, trong tin mừng hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu xác định cho chúng ta về một thứ lương thực có thể nuôi sống cho linh hồn, đó là Thịt và Máu Chúa: “Mình Ta thật là của ăn, và Máu ta thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời”. Tuy nhiên, Mình và Máu Chúa không phải là bùa chú hay phù phép, cứ việc lãnh nhận nuốt vào bụng là tự động sinh hiệu quả mong muốn. Mà điều quan trọng để được sự sống đời đời là phải hòa nhập, phải đón nhận sứ mệnh và ý nghĩa cuộc đời của Chúa Giêsu để hoạ lại ý nghĩa của cuộc đời và sứ mạng đó trong chính cuộc sống của chúng ta. Như vậy, có nghĩa là lãnh nhận Thánh Thể không phải chỉ là ăn uống Thịt Máu của một Giêsu Nagiaret đã sống cách đây hơn 2000 năm, không phải là lãnh nhận một Đấng Kytô đi mây về gió, mà thiết yếu là phải dần dần thay thế “chất tôi” đầy ích kỷ, tham lam, ghen ghét thành “chất Ngài” đầy vị tha, không vương một chút vị kỷ nào, để biến “tôi” thành “Ngài”. Nếu lãnh nhận Thánh Thể mà chúng ta không để cho cuộc đời mình nên một như Chúa Giêsu, không dùng lời của Ngài, dùng gương mẫu đời sống Ngài, để suy niệm, thực hành, bắt chước hầu càng ngày càng trở nên “có chất Giêsu” hơn trong lối sống, hành vi, lời ăn tiếng nói, cách cư xử của mỗi người chúng ta với anh chị em đồng loại. Trái lại còn có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét thì việc đón nhận Thánh Thể sẽ trở nên vô ích và vô nghĩa. Nếu lãnh nhận Thánh Thể mà chúng ta không để cho cuộc đời mình nên giống Chúa Giêsu, mà chỉ để chứng tỏ ở nhà thờ chúng ta là những con chiên ngoan đạo, nhưng khi bước xuống lòng cuộc đời, chúng ta vội lột xác thành một loài lang sói, luôn oán ghét, thù hận, gầm gừ và cắn xé lẫn nhau, thì dù cho chúng ta có rước lễ cả chục lần một ngày cũng chẳng có ích chi.
Vậy, ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta, khi được đón rước Chúa, biết nhận ra ở đây một tình thương yêu muốn chia sẻ; một tình yêu thương biết quan tâm đến người khác; một tình yêu thương chấp nhận bẻ cuộc đời mình ra cho tha nhân. Để đến lượt mình, chúng ta cũng biết hiến dâng chính mình làm quà tặng mang lại cho tha nhân niềm vui và hạnh phúc. Sống được như thế, hay ít nhất là cố gắng hết sức để sống như thế, thì chắc chắn chúng ta sẽ được sự sống đời đời. Nguyện xin Chúa chúc lành cho những cố gắng sống tốt đẹp ở đời này để bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc đời sau. Amen.
Lm Paul Nguyễn Nguyên