CHỦ NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN B
Chúa thiết lập cho chúng ta hai bàn tiệc trong mỗi thánh lễ: Bàn tiệc Lời Chúa để chúng ta được nuôi dưỡng bằng Thánh ý Thiên Chúa Cha và Bàn tiệc Thánh Thể nơi chúng ta nhận lãnh bảo chứng sự sống đời đời. Hai bàn tiệc chỉ là một vì Lời đã hóa thành XÁC PHÀM. Chúa Giê su là sự sống của người tín hữu, vì Ngài ban cho họ chứa chan hi vọng hưởng một đời sống không bao giờ qua đi.
Sách Châm Ngôn:
Sự khôn ngoan mà Thánh Kinh loan báo, đó là Lời Thiên Chúa tức là Đức Giê su Ki tô, Ngôi Lời nhập thể. Bánh Rượu Ngài ban, chính là Thịt Máu Ngài biến đổi chúng ta, đưa chúng ta từ cơn điên cuồng của tội lỗi đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Thánh Vịnh 33:
Sự giàu có đời nầy chỉ là ảo tưởng. Điều duy nhất có thể thỏa mãn mọi mơ ước hưởng sự sống là được sống trong Lề luật theo tinh thần Thiên Chúa dạy.
Thư Ê phê sô:
Trong đoạn nầy, thánh Phao lô đưa ra qui luật cho các việc cử hành và đời sống chúng ta, đó là CẦU NGUYỆN và CHÚC TỤNG Thiên Chúa với hết cả tâm hồn và tạ ơn Người bằng cách sống theo Thánh ý Người. Thánh nhân mời gọi đừng sống theo sự khôn ngoan trần gian, nhưng hãy để cho sự KHÔN NGOAN của Thiên Chúa làm chủ chúng ta. Rồi ngài nhấn mạnh đến sự đoạn tuyệt giữa một vũ trụ mà Ngài gọi là “xác thịt” và một vũ trụ thiêng liêng nơi mà toàn thể cuộc sống trở thành niềm vui, là một lời ca tụng đích thực dâng lên Thiên Chúa.
Tin mừng: Ga 6,51-58
NGỮ CẢNH
Đoạn văn nầy kết thúc giáo huấn về Bánh ban sự sống (6,16-59). Trước phản ứng tiêu cực của người Do thái, Chúa Giê su khẳng định một lần nữa bằng cách giải thích rộng rãi cho họ hiểu Ngài chính là Bánh ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Ngài.
Có thể đọc theo cấu trúc sau đây:
- c. 51: Lời khẳng định của Chúa Giê su: Ngài là Bánh hằng sống từ trời xuống.
- c. 52: Phản ứng của người do thái làm tiền đề cho khai triển tiếp theo.
- cc 54-58: Chính Chúa Giê su là bánh ban sự sống cho những ai tin và ăn Ngài.
TÌM HIỂU
Thịt: Chúa Giê su xác định Ngài là bánh theo nghĩa nào: ngang qua xác thân Ngài hiến ban cho chúng ta. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, thịt là thành phần làm nên con người, dấu chỉ sự mỏng giòn của con người, nghĩa là số phận phải chết. Ngôi Lời hoá thân thành nhục thể đã mặc lấy thân phận con người cho đến tận cùng.
Dù bất lực, nhưng thịt là nguyên lí của sự hiệp thông. Thánh Gioan nói về Ngôi Lời trở thành nhục thể như sau: “Ngài đến cư ngụ giữa chúng ta” (1,14). Con người đầu tiên nói về người đàn bà mà Thiên Chúa giới thiệu: “Phen nầy, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (Stk 2,23). Lời ấy không chỉ nói đến sự gần gủi liên hệ huyết thống mà còn nói đến một cội nguồn, một số phận, một bản chất chung. Khi nhận lấy sự yếu hèn của chúng ta, kết hiệp với chúng ta, Chúa Giê su trở nên bánh nuôi chúng ta.
Thế gian: hành động nầy mang một tầm mức phổ quát (Ga: “trong thế gian”; Mc 14,24; Mt 26,28: “cho muôn người”).
Làm sao?: ngắt đọan cuối cùng: người do thái luôn luôn hiểu sai, bởi vì họ không thể tự đặt mình trên bình diện đức tin. Theo thói quen, Chúa Giê su sẽ không trả lời: giáo huấn nầy sẽ được cộng đoàn ki tô hữu của Gioan hiểu, nhưng không thể quan niệm được rằng người Do thái trước khi Chúa Giê su chết lại có thể hiểu và chấp nhận một diễn từ như vậy.
Nếu các ông không ăn thịt: Chúa Giê su hiến ban chính mình thì chưa đủ. Còn cần phải được tiếp nhận với đức tin. Một chiếc bánh chỉ có thể có ích lợi nếu được ăn. Việc Ngôi Lời đi vào trong xác thịt của chúng ta chỉ ban cho chúng ta sự sống nếu chúng ta tin rằng Ngài thông hiệp sâu xa với sự yếu hèn của chúng ta và ngang qua cái chết của Ngài ban cho chúng ta sự sống.
Máu: “Thịt và máu” là bản thể con người xét theo toàn bộ. Tác giả tin mừng có lẽ muốn diễn tả rằng cần phải chấp nhận Chúa Giê su trong tất cả những gì mà cuộc sống nhân loại của Ngài mạc khải.
Nhưng máu còn là sự sống (Stk 9,4-5). Thánh Kinh không những cấm đổ máu, mà còn cấm dùng máu như lương thực bởi vì sự sống thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi. Sự cấm đoán đã được bãi bỏ bởi sự đảo ngược hoàn toàn do Chúa Giê su thực hiện: toàn bộ sự sống không chỉ phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng sự sống của Thiên Chúa còn đổ xuống trong chúng ta và trao ban cho chúng ta.
Chúa Giê su đòi hỏi các môn đệ của Ngài đi vào trong sự thông hiệp với sự sống của Ngài được trao ban với máu Ngài đổ ra, và biến thành lương thực nuôi dưỡng sự sống, nền tảng của lòng tin. Ngài đòi hỏi phải được đồng hoá giống như người ta tiêu hoá bánh và rượu cho sự sống đời đời.
Ăn: động từ dùng ở đây theo một ý nghĩa đặc biệt, mang tính thực tiển và có nghĩa là “nhai”. Bản văn không sợ tính cách thực tế của các dấu chỉ. Các dấu chỉ nầy được biến thành nghi thức chính yếu của Bí Tích Thánh Thể.
Thật của ăn: chúng ta được mời gọi vượt qua các dấu chỉ để đạt tới một ngôi vị sống trao ban chính mình. Chúa Giê su là “ánh sáng thật” (1,9), “là cây nho thật” (15,1). Cũng bằng cách ấy, Ngài ngự trong Bí Tích Thánh Thể như “bánh thật” (15,1). Bánh ấy đích thị là bánh và có khả năng nuôi sống hơn bánh mà ta vẫn dùng hằng ngày.
Ở lại: Ai cho thấy đức tin của mình khi ăn bánh nầy, thì được kết hợp với Đức Ki tô trong suốt cuộc sống hằng ngày và sau đó trong cuộc sống vĩnh cửu. X. 14,23;15,4.
Chúa Cha: “Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (5,26). Sự sống mà Chúa Giê su thông ban cho loài người bắt nguồn từ nơi Cha. Ai nuôi sống bằng thịt và máu Ngài sẽ sống chính sự sống của Thiên Chúa.
Bánh: Chúa Giê su quay trở lại sự so sánh với manna như trong đoạn 6,49-50. Ngài là bánh. Nhưng bánh nầy có chỉ có nghĩa và hiệu nghiệm với người nhận lãnh với đức tin và hoàn toàn chấp nhận sự sống được Con Người trao ban. Bấy giờ, khác với người Híp pri trong sa mạc, người ấy sẽ được sống muôn đời.
SỨ ĐIỆP
Các bài đọc chủ nhật hôm nay nói với chúng ta về sự khôn ngoan. Đây không phải sự khôn ngoan của những bậc hiền triết. Khi nói về một người rằng anh ta là một người khôn ngoan, người ta muốn đề cập đến kinh nghiệm, đến tài năng, đến sư suy tư sâu sắc chính xác của người ấy. Trái lại, các bản văn Thánh Kinh hôm nay đề cập đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và hoàn toàn ngược lại với những cách suy nghĩ của con người.
Thế giới chúng ta ngày nay có khuynh hướng tránh xa sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nó thích nghe những lời mời gọi của các thần tượng. Các thần tượng đó là ai thì tất cả chúng ta cũng đều rõ: đó là vinh quang, tiền bạc, giải trí, ích kỉ, bạo lực. Trước những hậu quả thê thảm mà chúng để lại, ai trong chúng ta cũng xác nhận rằng tinh thần thế gian luôn đi ngược lại thần khí của Thiên Chúa. “Người không có trí khôn” mà bài đọc thứ nhất nới với chúng ta, chính là mỗi người trong chúng ta khi chúng ta cậy dựa vào sức riêng của mình. Chúng ta chỉ tiếp cận sự khôn ngoan qua một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa mà thôi. Điều quan trọng là đón nhận lời mời gọi của Ngài: đó là “đừng ngây thơ khờ dại nữa để bước đi trên đường khôn ngoan”.
Đó cũng là lời khuyên của thánh Phao lô trong bài đọc thứ hai: “Đừng sống như những kẻ khờ dại, nhưng như những người khôn ngoan”. Đúng y với những gì mà bài đọc thứ nhất phân biệt giữa “người nữ khôn ngoan” và “người nữ dại khờ”. Thánh Phao lô biết rằng người ki tô hữu thành Êphêsô còn nhiều điều phải làm để rời bỏ những thói quen cố hữu của họ. Điều quan trọng là chỉ khi nào chịu để cho Thần Khí Thiên Chúa ngự trị thì họ mới trở nên những người “khôn ngoan đích thực”. Vậy mỗi người hãy cố gắng sống theo “thánh ý Chúa” và để cho Ngài dùng tình yêu mà biến đổi.
Bài Tin mừng còn đi xa hơn nữa. Sau khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê su được đám đông dân chúng nhận ra là “vị tiên tri phải đến”. Nhưng họ vẫn còn ở xa chân lí. Tiên tri là một người nói nhân danh Thiên Chúa và thay cho Ngài, nhưng Chúa Giê su còn hơn một vị tiên tri nữa, vì Ngài chính là Lời Thiên Chúa nhập thể; Ngài là đấng mang lại lương thực cho cơn đói thiêng liêng của con người. Ngài là đấng ban sự sống đích thực. Dĩ nhiên, vào thời ông Mô sê đã có man na, nhưng đó chỉ là hình ảnh mờ nhạt của những gì mà Chúa Giê su sắp công bố: “Trong sa mạc, cha ông các người đã ăn man na và đã chết; còn bánh nầy từ trời xuống, ai ăn sẽ không chết”.
Tiếp đến, Chúa Giê su cho biết Ngài nuôi sống thế gian bằng cách nào. Ngài nói: “Bánh mà Ta sẽ ban chính là thịt Ta ban để cho thế gian được sống. Trước phản ứng mạnh mẽ của người Do thái: “Làm sao mà ông nầy lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”, Chúa Giê su không giải thích mà chỉ khẳng định: “Nếu các người không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các người sẽ không có sự sống”. Ngài không giải thích vì điều ấy chỉ có thể đón nhận bằng đức tin mà thôi.
Những lời của Đức Ki tô đưa chúng ta trở lại thứ năm tuần thánh. Chiều hôm đó, Chúa Giê su cầm lấy bánh và nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, vì nầy là Mình Ta”. Như thế, các tông đồ được mời gọi làm một hành vi đức tin vào sự hiện diện của Đức Ki tô dưới hình bánh và rượu. Đó cũng chính là hành vi đức tin mà chúng ta được mời gọi phải làm mỗi khi tham dự thánh lễ.
Lời Chúa phán thật khó hiểu, nhưng đó lại là những lời đem lại sự sống đời đời. Cuộc sống đời đời mà Chúa Giê su đề nghị với chúng ta là một cuộc sống trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta rước lễ, đón nhận Mình Thánh Chúa, là mỗi lần chúng ta đi vào một tương quan tình yêu mạnh mẽ và mật thiết với Ngài. Nhờ đó, cả cuộc sống chúng ta trở thành vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Cuộc sống đời đời chính là sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa giúp chúng ta sống mối tương quan tình yêu đích thật với tất cả mọi người.
Khi cử hành Thánh lễ nầy, chúng ta hãy cầu nguyện trong mối hiệp thông với tất cả các Ki tô hữu trên toàn thế giới. Xin Chúa giúp chúng ta được luôn sẵn sàng tiếp nhận với trọn vẹn niềm tin lương thực mà Ngài ban cho chúng ta mỗi tuần. Xin ngài dạy chúng ta yêu mến tất cả mọi người chung quanh như Ngài và với Ngài.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách Châm ngôn là sách gì?
THƯA: Sách Châm Ngôn là quyển sách cổ xưa nhất của Cựu Ước, được xếp vào loại văn chương Khôn ngoan. Dù được gán cho vua Salomông (Cn 1,1), quyển sách thực ra là một sưu tập có lẽ được hình thành từ đời vua Salomông đến đời Alexandrô Đại đế. Lúc đầu, là những câu ngắn gọn, dần dần khai triển thành dụ ngôn hay ẩn dụ hoặc đoạn nghị luận. Nhờ ngắn gọn, súc tích, giúp cho người nghe dễ học dễ nhớ, sách nầy thường được dùng cho việc dạy dỗ, như cha mẹ dạy con cái (Cn 1,8; 4,1;31,1). Sách được chia làm 8 phần, bài đọc hôm nay trích từ phần dẫn nhập gọi là “Khai tâm vào sự Khôn ngoan”.
2. HỎI: Bài đọc thứ nhất sách Châm ngôn nói về điều gì?
THƯA: Bài đọc thứ nhất nói về sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa như một vị thần linh đến ở với con người. Vì yêu thương loài người và không nỡ bỏ họ đi trong lầm lạc, nên Ngài sai các sứ giả kêu mời mọi người đến nghe Ngài dạy dỗ để nên khôn ngoan mà được sống. Đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, và nhất là sự mạc khải của Ngài trong sách thánh. Có thể coi đó là lời tiên báo Ngôi Lời Thiên Chúa sẽ đến ở giữa loài người, sai các tông đồ đi kêu mời mọi người đến dự tiệc Ngài đã dọn.
3. HỎI: “Ta là bánh hằng sống” có nghĩa gì?
THƯA: Chúa Giê su là bánh hằng sống có nghĩa là Ngài là Đấng có sự sống thần linh trong mình, là chính sự sống nên Ngài có thể ban sự sống thần linh cho những ai tin và đến với Ngài.
4. HỎI: Chúa Giê su muốn nói về sự sống nào?
THƯA: Khi nói: “Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống đời đời”, Chúa Giê su muốn nói đến sự sống đích thực, sung mãn. Đó không phải là sự sống thể xác nhưng là sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho con người khi tạo dựng, và được Đức Ki tô ban lại sau khi con người đã đánh mất vì bất phục tùng.
5. HỎI: Điều kiện nào để được lại sự sống đời đời ấy?
THƯA: Chúa Giê su nói đến điều kiện ấy qua khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. Như thế, để được lại sự sống thần linh, sự sống đích thực, con người phải ăn thịt và uống máu Chúa Giê su. Qua đó, Ngài muốn ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập vào cuối đời như là dấu chứng tình yêu cứu độ.
6. HỎI: Người Do thái phản ứng ra sao trước những lời Chúa Giê su nói?
THƯA: Người Do thái thắc mắc và phản đối dữ dội vì họ không thể nào hiểu được “làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Họ cảm thấy chướng tai lắm vì Lề luật cấm uống máu bất cứ loài vật nào: “Bất cứ ai [..] ăn huyết bất kì thứ nào, thì Ta sẽ quay lại chống kẻ đã ăn huyết ấy, và Ta sẽ khai trừ nó khỏi dân nó” (LV 17,10).
7. HỎI: Thánh Gioan đã nghĩ đến điều gì khi viết đoạn tin mừng nầy?
THƯA: Chắc chắn Thánh Gioan đã nghĩ đến bí tích Thánh Thể. Ngài tin rằng bánh và rượu trong tiệc Tạ Ơn chính là Thịt và Máu của Chúa Giê su. Ai đến lãnh nhận Mình và Máu Ngài sẽ được sống đời đời.
8. HỎI: “Ở lại trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy” có nghĩa là gì?
THƯA: Chúa Giê su muốn nói đến sự kết hiệp mật thiết giữa Ngài và người tiếp rước Ngài. Khi ăn thịt và uống máu Ngài nơi bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu đón nhận sự sống của Ngài tuôn chảy trong tâm hồn họ, và Chúa Ki tô lưu lại nơi người ấy như người bạn thân tình chia sẻ yêu thương. Hạnh phúc ấy là bước khởi đầu cho cuộc sống vĩnh cửu.
9. HỎI: Tại sao Chúa Giê su lại tự so sánh mình với man na?
THƯA: Đây là lần thứ ba Chúa Giê su tự so sánh mình với Man na (x. cc. 31-32; 49). Chúa Giê su có ý so sánh như thế để cho người Do thái hiểu rõ giá trị cao vời của Bánh Thánh Thể. Cả hai cùng có một nguồn gốc, đều từ trời xuống, nhưng hiệu năng khác xa: man na nuôi sống nhưng không ban sự sống đời đời, còn Bánh Thánh Thể mang lại sự sống đời đời, sự sống mà loài người ao ước.