Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 23

CHỦ NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

love_of_god1.jpg

Làm sao đồng hành với Chúa Giê su, làm sao dám tự xưng là môn đệ của Ngài khi không yêu mến Ngài “hơn” tất cả mọi sự, kể cả mạng sống mình ? Đó là một sự lựa chọn đòi nhiều dấn thân, một sự lựa chọn đầy khó khăn mà người ta không thể thực hiện một cách hời hợt. Làm sao có thể sống sự sống của Đức Ki tô mà không để tình yêu của Ngài đảo lộn các mối tương quan xã hội của chúng ta đến chỗ tiếp nhận một người nô lệ như một người anh em yêu quí? Chỉ có Thánh Thần mới có thể mở rộng tâm hồn chúng ta trước những đòi hỏi của tin mừng để cho chúng ta hiểu biết đường lối và Thánh ý của Chúa.

Kn 9,13-18

Người Hi lạp coi sự Khôn Ngoan như là kết quả của cố gắng con người; còn người Do thái lại coi đó là hoa trái ơn ban của Thiên Chúa dành cho người mở rộng tâm hồn đón tiếp Người. Thánh Phao lô sẽ có một suy tư tương tự, đã không ngần ngại nói rằng cách thức hoạt động của Người là điều điên rồ đối với lòai người, không thể hiểu được đối với những người tự cho có thể đạt được sự khôn ngoan.

Thánh Vịnh 89

Thánh vịnh nầy là một lời cầu nguyện dâng lên Chúa xin Người chấp nhận đưa con người vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Plm 9b-10.12-17

Bức thư nầy được sánh ví như hạt trân châu của lòng từ tâm đầy tế nhị. Thánh Phao lô viết cho một người bạn Ki tô hữu để xin ông tiếp nhận lại một người nô lệ đã trốn thoát, đang ẩn náu nơi nhà của Phao lô, đã được Phao lô rửa tội để trở thành Ki tô hữu.

Tin mừng Lc 14,25-33

NGỮ CẢNH

Ở đây bắt đầu phân đọan dài, trong đó Lu ca gom lại các giáo huấn của Chúa Giê su về một vài chủ đề đặc biệt hướng tới nhiều lọai thính giả khác nhau:

- nói với đám đông về điều kiện để làm môn đệ của Ngài (14,25-35).

- nói với người Pha ri sêu về sự cần thiết phải hoán cải để tiếp nhận những tội nhân (15,1-32).

- với các môn đệ, về việc sử dụng tiền của (16,1-13)

- với người Pha ri sêu về giá trị và giới hạn của Lề luật (16,14-31).

- một lần nữa với các môn đệ, về cuộc sống huynh đệ, đức tin và phục vụ (17,1-10).

Đọan đầu tiên gồm ba lời dạy của Chúa Giê su, dùng hình thức phủ định để trình bày các đòi hỏi dành cho người muốn đi theo Ngài:

- ỵêu mến Chúa Giê su hơn tất cả và chính mình (14,26; Mt 10,37),

- vác thập giá (14,27),

- từ bỏ tất cả (14,33).

Đòi hỏi cuối cùng được chuẩn bị và minh họa bằng hai dụ ngôn ngắn (14,28-32) và tất cả kết thúc bằng một lời cảnh giác qua hình ảnh muối (14,34-35).

TÌM HIỂU

Rất đông người:  đám người nầy đang đi theo Chúa Giê su (x. 11,29) trên đường lên Giê ru sa lem (9,51). Nhưng Ngài muốn họ suy nghĩ về điều mà Ngài chờ đợi nơi các môn đệ. Ngài nói những lời nầy với tất cả mọi người, vì không dành riêng cho một ơn gọi đặc biệt nào cả.

Nếu ai đến với tôi: kiểu nói “nếu ai..” (14,26), “ai” (14,27), “bất cứ ai” (14,33), được Cựu Ước dùng để diễn tả lề luật Is ra el, được Chúa Giê su xử dụng để cho thấy ý muốn của Ngài khi qui định luật mới.

Không ghét (dứt bỏ): kiểu nói dễ gây hiểu lầm trong thời Chúa Giê su và ngày nay, thậm chí trong ngữ cảnh, động từ nầy có nghĩa là “yêu mến ít hơn” hoặc “chuộng hơn”, như trong thư Phao lô: “Khi các con bà (Êsau và Gia cóp) chưa sinh ra, và do đó chưa làm gì tốt hay xấu, thì Thiên Chúa đã nói với bà: ‘Thằng anh sẽ làm tôi thằng em’. Như vậy là để giữ vững kế họach Thiên Chúa đã tự do chọn lựa, mà chọn không dựa vào việc người ta làm, nhưng dựa vào ý muốn của Thiên Chúa là Đấng kêu gọi. Như có lời chép: ‘Ta yêu Gia cóp mà ghét Ê xau’” (Rm 9,12-13).

Ở đây, sự ưu ái dành cho Chúa Giê su chỉ ngầm ý chứ không được giải thích rõ bằng ở Mt 10,37.

Để giải thích kiểu nói nầy, xin đọc lại Ga 12,25: “Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. X. thêm Lc 16,13.

Cha mẹ: Mt (10,37) chỉ nói tới cha mẹ và con cái; còn Lc kể ra tất cả những liên hệ gia đình. Dù chính đáng (18,20), những liên hệ ấy nhiều khi tạo nên một tình cảm quá mật thiết đến nỗi không còn chỗ dành cho sự ưu tiên của Nước Trời và của đức tin.

Tuy nhiên, Lc nghĩ đến nhóm xã hội hơn là các cá nhân. Lời nói của Chúa Giê su có thể được soi sáng bằng ví dụ ông Abraham, đã bỏ đất đai và người nhà của mình, vì được Chúa kêu gọi (St 12,1-4). Và nhiều vị tử đạo đã làm chứng cho sự ưu ái đối với Chúa Giê su. Có lẽ cũng có một ám chỉ đến sự đoạn tuyệt cần phải có trong sứ mạng nơi người dân ngọai: cần phải chấp nhận đoạn tuyệt với thế giới quen thân Híp pri (x. 12,51-53).

Cả mạng sống mình: “Không ai có một tình yêu nào lớn hơn là thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Điều mà Chúa Giê su đã làm gương, Ngài đề ra cho các môn đệ của Ngài bắt chước. Phục vụ Nước Trời đòi hỏi người ta quan tâm tới Thiên Chúa hơn là chính bản thân mình.

Vác thập giá mình: x. c. 9,23. Kiểu nói chỉ có ý nghĩa nếu qui chiếu đến thập giá Chúa Giê su: do đó nó được tác giả sách tin mừng xử dụng cho các độc giả mới học biết các mầu nhiệm Vượt qua. Người môn đệ dấn thân với Chúa Giê su phải chấp nhận đi đến cùng là thập giá. Đây còn là một lời mời gọi có tính cách tín lí hơn là một lời khuyên luân lí: chấp nhận chướng kì thập giá Chúa Giê su, tin rằng thập giá là con đường đưa đến sự sống. Từng người môn đệ được mời gọi dấn thân vào mầu nhiệm ấy (x. Gl 2,19; 1Cr 1,23;2,2).

Chúng ta còn có thể dùng kiểu nói của Phêrô để giải thích kiểu nói ngược lại: “mang lấy ách” lề luật (Cv 15,10). Trong trường hợp nầy, chấp nhận thập giá Chúa Giêsu cứu độ có thể là đi ngược lại với sự gắn bó với lề luật không thể cứu độ. Ách của chúng ta không phải là ách của lề luật, mà là ách của thập giá Đức Ki tô.

Môn đệ: kiểu nói “không thể là môn đệ của ta” được lặp lại đến ba lần (14, 26.27.33).

Xây: cả hai dụ ngôn đều mời gọi suy nghĩ trước khi hành động. Cách diễn tả vay mượn từ kho từ vựng Kinh Thánh, hoặc từ cách phòng thủ tự vệ riêng (tháp canh trong vườn nho hoặc tự vệ trong xưởng thợ, x. Mc 12,1), hoặc từ quân đội (áo giáp, vua).

Trong cả hai trường hợp, vấn đề là phải bắt đầu đo lường trước tầm mức công việc trước khi thực hiện để đảm bảo thành công. Nhưng trở thành môn đệ Chúa Giê su vượt xa tất cả những gì thuộc thế giới con người và đòi phải gặp Chúa Giê su trong mầu nhiệm thập giá của Ngài. Khác với cách suy nghĩ bình thường, không phải khí giới cứu sống con người, nhưng là chính đức tin vào Thiên Chúa (x. Tv 33,16-20); điều quan trọng không phải là sở hữu, nhưng là bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Chúa Giê su đến độ trút bỏ hết mọi sự trên thập giá (x. Pl 3,7). Cả hai thí dụ trên đòi phải từ bỏ những dự định sử dụng quyền lực, cũng mang nhiều ý nghĩa.

Những gì mình có: điều nầy cho thấy tính cách tuyệt đối trong giáo huấn của Chúa Giê su theo Luca: đây là việc bỏ tất cả, không chỉ là những của cải vật chất, mà tất cả mọi khả năng của con người. Người ta không chinh phục sự cứu độ bằng chính sức mạnh của trí khôn của mình hoặc trả giá bằng tiền bạc, nhưng lãnh nhận sự cứu độ bằng sự khó nghèo và trong ý thức mình bất lực hòan toàn. Kiểu nói trên là một tổng hợp các điều kiện đi trước. Đây là việc đoạn tuyệt với một cuộc sống được điều khiển bằng ý muốn riêng của mình, chấp nhận để Chúa Giê su hướng dẫn và gắn bó với Ngài cho đến thập giá. X. Ga 21,18.

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng chủ nhật hôm nay phải được gọi theo thánh Phao lô là “sự điên rồ của Thiên Chúa”. Sự điên rồ đã thúc đẩy Người đến độ hóa thân làm người và chết cho tất cả nhũng người tội lỗi. Những ai chọn theo Đức Ki tô không còn có thể ở lại trong bình diện lí luận nữa, mà phải đi vào tình yêu. Và chỉ như thế chúng ta mới thể lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của Đức Ki tô hôm nay:

Nếu ai muốn theo Thầy mà không yêu mến Thầy hơn cha, me, vợ con và ngay cả cuộc sống riêng của mình thì không thể làm môn đệ Thầy”.

Nghe lời ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ muốn so sánh Chúa Giê su với một người độc tài áp đặt những đòi hỏi phi lí.

Nhưng để hiểu lời mời gọi ấy của Đức Ki tô, chúng ta phải thay đổi cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa. Tòan bộ Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là tất cả cho con người. Chính vì thế mà Đức Ki tô có thể đòi hỏi nơi chúng ta một đức tin tuyệt đối và một tình yêu không giới hạn. Anh em Hồi giáo nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa thật vĩ đại”. Người vĩ đại hơn vũ trụ tạo thành, vĩ đại hơn tất cả mọi quyền hành con người. Thiên Chúa là Tuyệt đối. Ngài luôn luôn siêu vượt mọi hình ảnh mà chúng ta có thể có về Người và tất cả những gì mà chúng ta có thể nói về Người. Người xứng đáng được con người tặng ban tất cả và hiến dâng trọn vẹn cuộc sống.

Vì thế mà bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta yêu thương Đức Ki tô hơn hết mọi sự. Nếu Ngài đã hiến dâng cuộc sống mình trên thập giá ấy là bởi vì Ngài muốn cứu chuộc chúng ta và giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, và vì chúng ta có giá trị nhất trong ánh mắt của Ngài. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu điên dại. Một lời đáp trả lời cân xứng với tình yêu ấy mà Ngài chờ đợi nơi chúng ta chỉ có thể là: “Chỉ có Chúa mới đáng kể”. Tình yêu điên dại ấy đã gợi lên trong suốt nhiều thế kỉ những lời đáp trả  và dấn thân cũng mãnh liệt như thế. Như suốt đời giam mình trong bốn bức tường cao trong một tu viện kín hoặc hiến thân phục vụ những người nghèo khổ nhất ở Calcutta hoặc ở các nơi khác.

Chấp nhận để cho Chúa Giê su vượt lên trên tất cả không phải là điều dễ dàng. Dành cho Ngài ưu tiên trên những của cải mà chúng ta đang có thì tương đối còn dễ, nhưng làm sao chấp nhận để tình yêu Chúa Giê su lấn át mọi tình yêu đối với những người thân yêu nhất, như một người chồng, một người vợ và con cái? Thế mà, đó lại là lời dạy trong Tin mừng.

Chúng ta là những người Ki tô hữu, chính Chúa Giê su là đấng mà chúng ta phải dành ưu tiên. Nhưng tình yêu ưu tiên ấy không lọai trừ tình yêu mà chúng ta dành cho những người thân cận. Đức Ki tô không đòi chúng ta phải ghét họ, nhưng đặt tình yêu dành cho họ đúng chỗ. Yêu thương tha nhân không phải là thần thánh hóa họ hay biến họ thành thần thánh. Nhưng là cho phép họ thực hiện chính mình, trở nên chính mình. Chúng ta được mời gọi yêu thương người khác vì họ chứ không vì chúng ta. Ngang qua những ngưới khác, chính Thiên Chúa đang hiện diện. Khi chúng ta đã khám phá điều đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng Ngài trở nên “con đường sáng đưa ta tới khám phá vô biên”.

Trong bài tin mừng hôm nay, chúng ta có hai dụ ngôn ngắn hỗ trợ cho lời mời gọi ấy: khi muốn xây một tháp canh, phải tính tóan mọi phí tổn xây dựng. Trong tư tưởng của Is ra el, muốn xây dựng một tháp canh là toan tính của người muốn chế ngự. Nếu không làm xong, thì xấu hổ biết bao. Rồi Chúa Giê su kể cho chúng ta nghe câu chuyện của nhà vua muốn đi giao chiến chống lại vua khác. Chính ông cần phải lượng định cho đúng sức mạnh quân sự của mình và của đối phương nếu không muốn thất trận.

Ai chọn theo Chúa Giê su thì cũng phải tính tóan, nhưng không giống như thế. Ngài đòi chúng ta phải yêu Ngài hơn tất cả những của cải trần gian và tất cả những gắn bó gia đình của chúng ta.

Dành cho ngài chỗ nhất trong cuộc sống, điều đó không lọai trừ các phần tử trong gia đình chúng ta; nhưng chỉ có nghĩa là dành cho họ vị trí thứ hai. Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa; điều răn thứ hai là yêu thương tha nhân. Tình nầy không thể có nếu thiếu tình kia. Khi chúng ta đặt những tình yêu của chúng ta vào đúng chỗ, thì chúng ta có thể mở ra cho tình yêu hoàn toàn không tính tóan dành cho Đức Ki tô. Ngài trở thành người thứ nhất được yêu thương, được mong muốn, được phục vụ.

Theo Chúa Giê su là đi ngược lại những cách sống của thời đại chúng ta. Sự chọn lựa của tin mừng có thể kéo theo những đoạn tuyệt đau đớn. Nó sẽ quấy rầy chúng ta trong các thói quen, tiện nghi chúng ta. Đó là trường hợp của những người sẵn sàng hi sinh thời giờ để giảng dạy giáo lí, coi sóc một nhóm trẻ hoặc tham dự vào các hội đòan và làm việc phục vụ giáo xứ. Vị trí ưu tiên dành cho tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, đặc biệt cho những người bé nhỏ, những kẻ đau yếu, những người bị lọai trừ. Ngài mời gọi tất cả chúng ta đi theo Ngài để trở thành chứng nhân trong thế giới hôm nay.

Nếu chúng ta yêu thương Chúa Giê su thì hãy để Ngài đi vào trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiện diện của Ngài là một luồng Ánh sáng đến ở trong cuộc đời chúng ta và biến đổi từ bên trong. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta có thể múc tận nguồn để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta đi theo Đức Ki tô. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành nhân chứng nhiệt thành cho tình yêu của Người trong cuộc sống hôm nay.

ĐÀO SÂU

KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT

Kn 9,13-18 Chính Thiên Chúa sẽ ban cho sự khôn ngoan đích thực

Tv 90,3-4, 5-6, 12-13, 14+17 Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân từ đời nọ trải qua đời kia

Plm 9b-10, 12-17 Người nô lệ của con sẽ trờ thành người anh em với con   

Lc 14,25-33 Sự khôn ngoan đích thực chính là từ bỏ mọi sự đi theo Đức Ki tô cho đến cùng

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT LÀ TỪ BỎ MỌI SỰ ĐI THEO CHÚA. Xin được sự khôn ngoan để có thể biết Thiên Chúa muốn gì (Bđ1). Chúa đã đi con đường thập giá, ai muốn đi sau Người, cũng phải vác lấy thập giá (BTM). Phao lô xin Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-si-mô như người anh em (Bđ2).

2. HỎI: Khôn ngoan trong Kinh Thánh có nghĩa gì?

THƯA: Khôn ngoan theo Kinh Thánh là biết và sống những gì mang lại hạnh phúc cũng như tránh xa những gì mang lại bất hạnh cho cuộc đời. Tắt một lời, đó là nghệ thuật sống hạnh phúc.

3. HỎI: Bản sắc kho tàng khôn ngoan của Ít-ra-ên hệ tại ở điều gì?

THƯA: Dân Ít-ra-ên kể từ đời vua Sa-lo-môn cũng có kho tàng khôn ngoan riêng của mình như các dân tộc khác. Tuy nhiên, nhờ Thiên Chúa mạc khải mà họ biết được hai điều làm nên bản sắc khôn ngoan của mình: một là chỉ có mình Thiên Chúa biết được bí mật đem lại hạnh phúc cho con người. Thế nên, khi con người tự hào chính mình khám phá ra những bí mật đó, thì đã rơi vào con đường lầm lạc. Bài học vườn Địa đàng vẫn còn đó. Hai là Thiên Chúa mạc khải bí mật hạnh phúc đó trước tiên cho dân Người, và sau đó cho toàn nhân loại.

4. HỎI: Trong chiều hướng đó, bài đọc một dạy ta sự gì?

THƯA: Trước tiên là bài học về sự khiêm nhường. Ai có thể hiểu được suy tư của Thiên Chúa, ai có thể biết được ý muốn của Người. Con người không ai có thể biết những gì Thiên Chúa suy tính, ngoài những gì Người phán qua lời các Tiên tri. Vì thế phải khiêm tốn nhìn nhận rằng, Thiên Chúa là Đấng vượt trên mọi sự hiểu biết của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tỏ cho chúng ta biết về mầu nhiệm của Người mà thôi (Ep 1,9).

5. HỎI: Tác giả sách Khôn ngoan muốn nhắn gửi gì cho các thức giả?

THƯA: Sách Khôn ngoan được biên soạn vào khoảng thế kỉ thứ 1 trước Công nguyên ở A-lê-xan-dria, được coi là thủ đô tri thức, nơi nhiều ngành khoa học cũng như triết học được phát triển rực rỡ. Làm như thế, tác giả muốn nhắc các thức giả nhớ rằng sự hiểu biết của con người là vô cùng giới hạn: ‘Tư tưởng của loài người phải chết thì không sâu, lí luận không vững’ (Kn 9,14).

6. HỎI: Qua câu 16, tác giả muốn khẳng định điều gì?

THƯA: Tác giả muốn khẳng định rằng: có một vực thẳm phân cách giữa Thiên Chúa và con người. Con người chỉ là phàm nhân còn Thiên Chúa là Đấng Siêu việt, Đấng Hoàn toàn khác nên con người không thể nào đạt tới.

7. HỎI: Như thế Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn xa lạ với con người?

THƯA: Không phải thế. Thiên Chúa là đấng hoàn toàn Khác, nhưng Rất Gần với con người. Thật vậy Người là Đấng Siêu việt: ‘Nào ai có thể biết được những ý định của Thiên Chúa? Ai có thể hiểu được những đường lối của Người?’ Nhưng đồng thời, rất gần gủi với con người: ‘Ngài đã ban sự Khôn Ngoan và từ trời cao, gửi xuống Thần khí của người. Nhờ đó con người biết được điều đẹp lòng Ngài và nhờ sự Khôn Ngoan đã được cứu độ’ (x. c. 18).

8. HỎI: Bài đọc 2 (Plm 9b-10.12-17) có nội dung như thế nào?

THƯA: Phao lô xin Phi-lê-môn đón nhận Ô-nê-si-mô như một người anh em trong đức tin và hy vọng Phi-lê-môn sẽ vì lòng tốt mà làm việc đó.

9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (14, 25-33) như thế nào?

THƯA, Sau khi khuyên dạy phải vào cửa hẹp (13, 22-30), sống khiêm tốn (14,7-11) và quan tâm đến những người nghèo hèn và yếu đuối (14,12-14) Chúa Giê su còn đòi phải từ bỏ chính mình để được Chúa Giêsu làm Thầy (14,25-33). Có 2 ý chính: 1. Điều kiện để đi theo Chúa Giê su (14,25-27). 2. Hai dụ ngôn (28-33).

10. HỎI: Chúa Giê su có dạy các môn đệ phải coi thường tất cả những gắn bó gia đình không?

THƯA: Không. Vì như thế chẳng những bất công và độc ác với những người chung quanh, mà còn đi ngược lại với giáo huấn tình yêu và điều răn thứ tư mà Thiên Chúa đã dạy: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’ (Xh 20,12).

11. HỎI: Vậy lời dạy của Chúa Giê su có nghĩa gì?

THƯA: Chúa Giê su dạy rằng, những gắn bó gia đình là tốt, nhưng đừng để nó gây trở ngại cho việc đi theo Đức Ki tô. Phải làm sao đặt mối dây liên kết với Đức Ki tô trên mọi mối dây liên kết trần gian.

12. HỎI: Chúa Giê su dạy: ‘phải ghét cha mẹ mình’, kiểu nói ấy có nghĩa gì?

THƯA: Chúng ta đang đứng trước nét đặc thù trong ngôn ngữ Do thái. Để mô tả: ‘Thiên Chúa thích Gia cóp hơn Ê-sau’ thì Kinh thánh dùng kiểu nói: ‘Ta thương Gia cóp và ghét Ê-sau’ (Ml 1,2-3). Ghét có nghĩa là bị kể vào hang phụ thuộc, thứ yếu. Vì thế lời dạy của Chúa Giê su có nghĩa là: ‘Nếu ai đến với Ta mà yêu cha mẹ, yêu bản thân hơn ta thì không thể làm môn đệ Ta’ (Mt 10,37).

13. HỎI: Hai dụ ngôn đi sau đó muốn dạy gì?

THƯA: Dụ ngôn thứ nhất nói về người xây một tháp canh, và dụ ngôn thứ hai về ông vua xuất quân giao tranh với quân thù. Hai dụ ngôn khác nhau nhưng chung một bài học: cần phải thấy trước và khôn ngoan tính toán thật kĩ trước khi bắt tay thực hiện.

14. HỎI: Câu đầu tiên và cuối cùng trong bài Tin mừng dạy về sự gì?

THƯA: Câu đầu tiên cũng như cuối cùng bài Tin mừng dạy phải từ bỏ mọi sự, ngay cả những liên hệ thân thiết và chính đáng nhất, để có thể làm môn đệ Chúa Giê su.

15. HỎI: Như thế, thì điều Chúa Giê su muốn dạy là gì?

THƯA: Chúa Giê su dạy rằng trước khi ra tay làm việc gì (như xây một tháp canh, đi giao chiến với quân thù, nhất là đi theo Ngài) lòng nhiệt thành không thôi chưa đủ, nhưng cần phải biết khôn ngoan, suy nghĩ chín chắn mọi sự liên quan để không uổng công và bị thất bại.

16. HỎI: Cách cụ thể khôn ngoan như thế nào?

THƯA: Người xây tháp, người đi đánh trận và người đi theo Đức Ki tô đều phải tính toán trước, nhưng không phải cùng một cách như nhau. Đặc biệt, dấn thân theo Đức Ki tô phải biết khôn ngoan từ bỏ tất cả những gì có thể làm trở ngại việc phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội, kể cả những ràng buộc tình cảm chính đáng nhất. Và trên hết mọi sự, phải khôn ngoan cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

17. HỎI: Phải thấy trước những nguy hiểm trên đường đi theo Chúa, đó là những nguy hiểm nào?

THƯA: Đó là biết chấp nhập bị hiểu lầm và đôi khi bị bách hại, biết từ chối lợi lộc ngay tức thời. Sự tính toán cần thiết, sự khôn ngoan đích thực đối với người môn đệ Đức Ki tô đó là không cậy dựa vào uy thế trần gian, mà chỉ biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa: ‘Ơn ta là đủ cho con’ (2 Cr 12,9).

18. HỎI: Điều ấy xem ra có vẻ mâu thuẩn với sứ điệp không?

THƯA: Thoạt nhìn thì dường như lời khuyên mà hai dụ ngôn đưa ra không có gì là khôn ngoan và quân bình cả: yêu cầu thứ nhất, để làm môn đệ Đức Ki tô, phải yêu mến Ngài hơn bất cứ ai khác, dấn thân trọn vẹn đi theo Ngài. Thế mà sự khôn ngoan và thậm chí sự công chính lại dạy phải kính trọng cha mẹ và những người thân. Yêu cầu thứ hai, phải vác thập giá mình mỗi ngày và phải từ bỏ tất cả mọi của cải của mình. Tắt một lời, từ bỏ mọi bảo đảm an ninh về tình cảm và vật chất: đó có thật là khôn ngoan không? Rõ ràng chúng ta ở xa những tính toán mà hai dụ ngôn đòi buộc.

19. HỎI: Như vậy, sự khôn ngoan Chúa Giê su dạy được gọi là sự khôn ngoan gì?

THƯA: Suy luận như trên là theo lối khôn ngoan của trần gian, còn điều Chúa Giê su dạy là sự khôn ngoan của Thập giá. Bài đọc thứ nhất xác định đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, khác hẳn với sự khôn ngoan của loài người. Điều mà con người gọi là điên rồ thì là sự khôn ngoan duy nhất đối với Thiên Chúa. Tức là trong lô gic hạt lúa mì, chấp nhận vùi trong lòng đất, nhưng chỉ bằng cách đó thì hạt giống mới nẩy mầm và sinh nhiều bông hạt.

20. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Sống hy sinh và từ bỏ: Trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng như trong đời sống nhân bản và tâm linh, tôi có tự nguyện khước từ không chỉ những cái xấu làm hại mình mà cả những cái tốt, để cho đời sống được nhẹ nhàng, tự do và thánh thiện hơn không? 2. Vác thập giá mình mà đi theo Chúa: Trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng như trong đời sống nhân bản và tâm linh tôi có vui vẻ chấp nhận những hy sinh và thiệt thòi do đức tin và tư cách người môn đệ Chúa Giê-su đòi hỏi không? 

GLCG 2544 (544) Ðức Giê-su dạy các môn đệ yêu mến Người trên tất cả mọi người, đồng thời mời gọi họ từ bỏ mọi sự (Lc 14,33) vì Người và vì Tin mừng (Mc 8,35). Ít ngày trước khi chịu tử nạn, Người đã đề cao gương bà góa nghèo ở Giê-ru-sa-lem; trong hoàn cảnh nghèo túng, bà đã cho tất cả những gì để nuôi sống mình (Lc 21,4). Muốn vào Nước Trời không được ham mê của cải. (x. Liên kết với Chúa Kitô ưu tiên hơn tất cả các liên kết khác trong gia đình, ngoài xã hội 1618. Yêu mến Đức Ki tô hơn tất cả mọi thứ khác 2544-2547. Đời sống thánh hiến: Trước tiên tìm kiếm Nước Chúa 914-919, 925-927. 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên_Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Lm. JP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ SáuTuần XXIII Thường Niên -Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN (C)
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên B. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên B: "THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG CỦA THA NHÂN VÀ CHÍNH MÌNH"Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang_
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên B: "ĐỨC ÁI TRỌN HẢO"_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên B: "Phúc cho anh em…"_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên B: Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên B: "Vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh"_Thiên An
     Các Bài Đọc Chúa Nhật Lễ Suy Tôn Thánh Giá
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên A: TẠI SAO ANH EM GỌI THÀY: LẠY CHÚA LẠY CHÚA! MÀ ANH EM KHÔNG LÀM ĐIỀU THÀY DẠY?. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 04-10/09/2014 - Bài ca Magnificat