CHỦ NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN B
Chúa Giê su đã cống hiến trọn cuộc đời cho lòai người chúng ta. Sự đau khổ có thể cứu thoát khỏi tội lỗi, một cuộc sống có thể hiến dâng làm hi tế đền tội, đó là chân lý không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Tuy nhiên, Đức tin của chúng ta lại không phát sinh từ Thập giá và sự Phục sinh của Ngài sao?
Sách Tiên tri Isaia:
Tiếc rằng bài đọc quá ngắn. Nên đọc cả chương 53 trong sách Isaia, nhất là các câu 2-12. Như thế chúng ta sẽ hiểu rõ hơn rằng Đức Ki tô đau khổ, đã mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu mọi nỗi cực hình để chữa lành chúng ta.
Thánh vịnh 32:
Thánh vịnh nầy là một bài ca hi vọng nơi Thiên Chúa cứu thoát chúng ta. Trong cơn thử thách, hãy giữ vững Đức tin vì Thiên Chúa chăm sóc những ai kính sợ Người và đặt trọn niềm hi vọng vào Tình yêu của Người. Lạy Chúa, ước gì Tình yêu của Chúa ngự trên chúng con như niềm hi vọng của chúng con đặt ở nơi Chúa.
Thư Híp pri:
Chính trong sự thất vọng ê chề, sự đau khổ, sự chết, một cái chết ô nhục, mà vị Thượng Tế tuyệt vời đã chia sẻ những nỗi yếu đuối của chúng ta. Do đó, Ngài đã biết đến những khó khăn của chúng ta và đã cầu bầu cho chúng ta. Sự đau khổ không đến từ Chúa, nhưng Ngài muốn cứu giúp chúng ta trong những nỗi khó khăn và biến những thử thách đi ngang qua cuộc đời trở thành ích lợi lớn nhất cho chúng ta.
Tin mừng: Mc 10,35-45
NGỮ CẢNH
Lần thứ ba, trên đường tiến về Giêrusalem, Chúa Giê su loan báo cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ (x.8,31;9,31). Cấu trúc của trình thuật vẫn rập theo cùng một khuôn mẫu: lời loan báo (10,33-34), tiếp theo là thái độ không hiểu của các môn đệ (10,35-37) và sau cùng là lời giáo huấn của Chúa Giê su về cách thức đi theo Người (10,36-40).
TÌM HIỂU
Giacôbê và Gioan: sau ông Phêrô, đến lượt hai ông Giacôbê và Gioan tỏ ra không hiểu biết gì về con đường thập giá mà Chúa Giê su phải đi qua. Là ba nhân chứng được ưu tiên nhìn thấy cuộc phục sinh đứa bé cũng như biến hình (x. 5,37; 9.2), nhưng cả ba ông cũng không tỏ ra hiểu biết gì hơn mấy ông khác. Qua đó, Mác cô muốn cho thấy rằng không một người nào ngay cả những người thân tín nhất có thể tiếp cận mầu nhiệm của Chúa Giê su. Theo Mt 20,20, thì chính bà mẹ đã ngỏ lời xin cho hai con mình.
Khi Thầy được vinh quang: theo hai ông, thì vinh quang đây có lẽ ám chỉ đến sự biến hình. Cảnh sắc huy hoàng tráng lệ, đáp ứng những ước mơ thiên sai của con người, nhưng hoàn toàn xa lạ với điều mà Chúa Giê su muốn huấn giáo các môn đệ.
Chén: thường chỉ chén mời chào khách vào nhà, dấu chỉ sự ân cần tiếp đãi mà chủ nhà dành cho khách. Nhưng ở đây, thuật ngữ nầy rõ ràng chỉ chén đau khổ trong cuộc Khổ nạn, như những gì đã xảy ra trong vườn Giết sê ma ni xác nhận (14,36).
Phép Rửa: hình ảnh phép rửa hỗ trợ cho hình ảnh chén ở trên. Trong Hội Thánh thời sơ khai, phép Rửa chỉ một sự dìm toàn thân trong nước, mang ý nghĩa một sự đoạn tuyệt. Chúa Giê su sắp bị tràn ngập bởi khổ đau và sự chết. Chính đó là phép Rửa mà người ki tô hữu phải lãnh nhận để thông phần với Chúa Giê su. Thánh Phao lô xác nhận: “Anh em không biết rằng, khi chúng ta được dìm mình vào dòng nước thanh tẩy để thuộc về Đức Ki tô, chúng ta cũng được dìm vào trong cái chết của Người sao?” (Rm 6,3).
Anh em cũng sẽ uống: Chúa Giê su loan báo cho những kẻ xin ân huệ với Ngài rằng họ cũng sẽ chết cùng một cái chết như Người (x. Cv 12,1-2).
Thầy không có quyền cho: ở đây cũng như trong trường hợp anh chàng giàu có kia (10,27) Chúa Giê su muốn nhấn mạnh rằng ơn cứu độ không do Ngài định đoạt. Ngồi bên phải hay bên trái có nghĩa là ngồi ngang hàng với Ngài, có cùng một quyền năng như Người. Phần thưởng ấy sẽ ban cho các môn đệ, nhưng không bởi công lênh cá nhân (10,41-45), mà là ân huệ nhưng không của Chúa Cha. Những người ki tô đầu tiên được gọi “ở bên tay hữu và bên tả” Ngài chính là hai tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê su (15,27).
Mười một môn đệ kia: Như trên chúng ta thấy hai ông Giacôbê và Gioan tỏ ra hoàn toàn mù tịt về ý nghĩa lời loan báo Khổ nạn, bây giờ đến lượt các môn đệ khác cũng không hơn gì. Sự bực tức của các ông tỏ ra các ông vẫn còn bận tâm đến việc xem ai là người lớn nhất (9,34).
Những người làm lớn: Chúa Giê su nói đến các thủ lãnh dân ngoại đang cai trị Palestina và các dân tộc khác. Nguyên tắc lãnh đạo mà Người vừa đưa ra hoàn toàn tương phản với những gì xảy ra trong lãnh vực cầm quyền trên thế giới. Các vua chúa trần gian thì bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi của mình và không bao giờ quan tâm đến công ích. Còn nơi Vương quốc của Người thì khác hẳn, quyền bính không có mục đích nào khác hơn là phục vụ mọi người.
Làm đầy tớ mọi người: hình ảnh mà Chúa Giê su dùng ở đây để minh hoạ cho giáo huấn của Người thật rõ ràng. Cũng như Con Người tự nguyện làm nô lệ cho mọi người, như khi quì xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-17), và chết bằng khổ hình thập giá dành cho các nô lệ, người ki tô hữu bắt chước Chúa Giê su cũng phải trở nên nô lệ phục vụ cho anh em mình.
Con Người: ý nghĩa của kiểu gọi nầy được ghi lại trong các câu 2,10; 8,31;14,62. Câu nầy rất quan trọng để hiểu vai trò của Chúa Giê su trong mầu nhiệm cứu độ loài người.
Hiến mạng sống: Chúa Giê su coi quà tặng sự sống của Người chính là sự phục vụ thiết yếu cho chúng ta. Người diễn tả điều đó bằng thuật ngữ nhắc đến hình ảnh người Tôi tớ đau khổ trong sách tiên tri Isaia (Is 53,10-12). Khi mạc khải ý nghĩa thâm sâu của sự sống và cái chết của Người, Chúa Giê su cho ta thấy Cha của Người là ai: Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi đã phục vụ họ theo cung cách một người đầy tớ, và sẵn sàng để cho mình bị sỉ nhục và bị giết đi. Và cũng qua đó, Người cho chúng ta biết người môn đệ phải như thế nào. Dấu chỉ đặc trưng của người ki tô phải là sự phục vụ, thậm chí có thể bị giết chết bởi những người mình phục vụ, trong sự hiệp thông với Đức Ki tô, người Tôi tớ của Thiên Chúa và loài người.
Làm giá chuộc cho muôn người: kiểu nói đầy hình tượng nầy gợi lại phong tục thời Cựu Ước. Nếu một phần tử trong gia đình bị giết, bị bỏ tù, bị bắt làm nô lệ, thì một người thân thuộc gần nhất (gọi là go’el) bắt buộc phải trả thù cho nạn nhân hoặc giải thoát họ. Tiên tri Isaia đã trình bày Thiên Chúa như là go’el của Israel: Thiên Chúa đã giải thoát dân Người chính vì qua giao ước, dân ấy có liên hệ mật thiết, liên hệ máu với Người.
Khi nhắc lại điều ấy, Chúa Giê su xác định rằng Người là go’el, là Đấng Giải thoát. Không những cho riêng dân người mà thôi, mà cho muôn người. Vì thế Người không ngần ngại hiến cuộc sống mình để mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
‘Muôn người’ là kiểu nói đặc thù sê mít chỉ toàn thể mọi người. “Nầy là máu ta, máu giao ước, đổ ra cho nhiều (= muôn) người” (Mc 14,24). Người ki tô cũng phải hiến mạng sống mình phục vụ tất cả mọi người, không loại trừ ai.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng Gia cô bê và Gio an xin một chỗ tốt nhất trong Vương quốc.
Họ tin thật rằng Chúa Giê su là một vì Vua trần thế và họ lo lắng xây dựng tương lai. Qua lời xin của người mẹ, họ định dành một chỗ tốt, bên phải và bên trái của Chúa Giê su. Họ sẽ biết rằng bên phải và bên trái của Chúa Giê su đã được dành cho hai tên trộm đóng đinh với Người.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Chạy đua tranh giành quyền lực là điều thường thấy trong thế gian. Và để đạt được mục tiêu, người ta sẵn sàng dùng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu xa nhất.
Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giê su muốn giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng cặp mắt khác. Ngài bắt đầu bằng cách điều chỉnh lời cầu xin của Bà Sa lô mê: “Bà có biết điều mà Bà xin không?”. Lời cầu xin không nhằm bắt Thiên Chúa chiều theo ý muốn chúng ta. Người biết rõ hơn chúng ta điều gì tốt cho chúng ta trước khi chúng ta cầu xin Người. Nếu chúng ta cầu xin Người, ấy là để cho chúng ta biết khuôn mình theo tình yêu của Thiên Chúa đang muốn ban cho chúng ta điều quan trọng hơn. Và nếu Chúa Giê su đòi chúng ta phải tha thiết cầu xin, ấy là để lời cầu xin được thanh luyện, để phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.
Vì thế chúng ta được mời gọi ra khỏi những cách nhìn và ước muốn quá phàm trần của chúng ta. Với Nhóm Mười hai, Chúa Giê su cho họ hiểu rằng Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian nầy, chỉ gồm những người tranh giành quyền lực bằng bất cứ phương tiện nào, hay những kẻ tìm mọi cơ hội để lợi dụng. Trái lại, trong Giáo Hội, quyền hành được định nghĩa như là phục vụ. Không có chuyện đánh bóng bản thân mình, nhưng là tự xóa mình đi. Để hiểu điều đó, chỉ cần nhìn xem cách Chúa Giê su đã sống; chính Ngài nói với chúng ta rằng Ngài không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến ban sự sống để chuộc lại cho mọi người.
TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA
Tin vào tình yêu Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.
Nên chúc tụng Chúa trước khi xin điều cần thiết cho chúng ta và trong ĐỨC TIN cám ơn Người trước. Chúng ta thường nói với Chúa rằng chúng ta tin vào TÌNH YÊU của Người đối với chúng ta. Nhưng cũng nên kiểm điểm lại trong cuộc sống của mình, xem chúng ta có chấp nhận lời mời gọi của Chúa bằng cách tuân giữ điều răn của Người không.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng cai trị trước tiên là phục vụ.
Người ta dễ dàng hiểu sự tức giận của các môn đệ khác đối với hai ông Gia cô bê và Gio an mà họ cho là những kẻ mánh mung. Chúa Giê su lợi dụng cơ hội đó để soi sáng họ về cách nhìn của Thiên Chúa. Cách nhìn của Thiên Chúa hòan toàn khác biệt cách nhìn của lòai người. Ở trần gian, người làm lớn bắt người khác phục vụ mình, nhưng để làm lớn trên Nước Trời phải trở thành người đầy tớ phục vụ tất cả mọi người.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Chính sự phục vụ tạo nên sự cao cả của người ki tô hữu
Đức Giáo Hoàng, người ki tô hữu thứ nhất trên thế gian, tự gọi là ĐẦY TỚ CỦA CÁC ĐẦY TỚ của Thiên Chúa. Khi được Thiên sứ báo tin rằng ngài sẽ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria trả lời rằng: “Tôi là nữ tì của Chúa”. Vào thời Chúa Giê su, ai làm Chủ là làm Chúa, có trọn quyền sinh sát trên các nô lệ và con cái họ. Đối với người môn đệ Đức Ki tô, không có gì hèn hạ trong việc phục vụ. Trái lại, đó là sự cao cả vì được trở nên giống thầy mình: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Phục vụ đem lại sự cao cả đích thực cho con người. Trọn cuộc đời Chúa Giê su là một sự Phục vụ mọi người trong bất cứ nhu cầu nào. Hình ảnh đậm nét nhất cho sự phục vụ ấy là khi Ngài mặc áo của người nô lệ, quì gối rửa chân cho các môn đệ vào chiều thứ năm trước khi Ngài bị nộp. Phản ứng mãnh liệt của ông Phê rô cho thấy trước mắt người đời, hành vi ấy nhục nhã như thế nào.
TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA
Phải phục vụ những người ở gần chúng ta.
Dù diễn đạt bằng những từ ngữ chọn lựa nhất, thì Tin mừng chỉ là Tin mừng khi được cảm nghiệm và được sống. Trong thế giới nhỏ bé của chúng ta, hãy cố gắng phục vụ anh em chúng ta, bắt đầu bằng những người gần nhất: vợ chồng, con cái, bạn bè..
Lm. Phao lô Nguyễn Văn Đông.