CHÍNH NGÀI LÀ SỰ BÌNH AN
Paolo Turturro, một linh mục chánh xứ tại Palermo , đã phát động cuộc thi cho trẻ em viết một bài thơ, hay vẽ một bức tranh về hoà bình. Có đến 120.000 em tham gia, cả một vài em ở ngoài Sicily . Tác phẩm thắng giải là một bài thơ với tựa đề ‘Vẽ Sự Bình an’ (Painting Peace):
Em có một hộp màu.
Không có màu máu đỏ cho vết thương của em.
Không có màu đen cho nỗi buồn của người yêu dấu.
Không có màu vàng cho sự ghen ghét trong thế giới.
Có màu xanh:
Em ngồi … Và em vẽ sự Bình An.
‘Painting Peace’ đã được cha Turturro dùng đặt tên cho một tổ chức ngài thành lập ở Palermo , giúp giữ gìn giới trẻ khỏi bàn tay của Mafia.
Ai cũng nói mong ước bình an. Nhưng có quá nhiều tranh chấp, xô xát hằng ngày trong bản tin thế giới, tin trong nước đăng trên báo chí, TV … . Phải chăng đó là phác họa chân dung tâm hồn của nhân loại hôm nay, một bức chân dung thiếu vắng bình an?!
Đó không chỉ là vấn đề của hôm nay, mà là vấn đề của mọi thời. Từ thuở ban đầu, sau khi lìa bỏ Chúa, lịch sử loài người trở nên đen tối với việc Cain giết chết em mình là Aben: cái chết nơi thể xác Aben được bắt đầu từ cái chết đáng sợ trong tâm hồn Cain! Phải làm gì đây?
Lời hứa về sự bình an là câu trả lời của Chúa! của Tình Yêu.
Ngay từ đầu sự bình an được ghi sẵn trong tâm hồn con người, cùng với sự hiện diện của Chúa, sự bình an đó được giữ gìn và thăng tiến bởi luật yêu thương, luật nâng con người lên tới Thiên Chúa.
ĐTC Bênêđictô 16 viết Sứ điệp hoà bình 2007 với chủ đề ‘Nhân vị là con tim của hoà bình’, vì nền hoà bình đích thực và bền vững chỉ có được khi nhân vị được tôn trọng và nhân phẩm được đề cao.
Trong chương trình cứu độ, người ta dễ dàng nhận thấy nhân vị và nhân phẩm con người được phục hồi và nâng cao đến mức tột đỉnh: Lời Chúa nên một với bản tính nhân loại trong một sự kết hợp tuyệt hảo trong đó mỗi người được nên một với Thiên Chúa của mình.
Sự kết hợp đó được bắt đầu và hoàn tất nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Thế được loan báo: “Chính Ngài là sự bình an” (Mk 5,4a) (lm. NTT).
Đức Kitô là sự bình an đích thực và bền vững vì Ngài chính là sự kết hợp đời sống con người với thánh ý Thiên Chúa, quy luật nền tảng của sự sống: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).
Chúng ta mở miệng ủng hộ, cổ võ cho hoà bình, nhưng nghĩ lại mới thấy nhiều lúc chúng ta hăng hái trong chuyện cạnh tranh, coi thương trường là chiến trường, thấy phải hạ gục đối phương để đem lại cho mình thế mạnh trong làm ăn, trong kinh doanh, trong giao tế v.v…
Ngay cả lòng tin cũng có khi bị lợi dụng cho thế mạnh trần thế của những ham muốn trần tục của nhân loại: “Khi răng chúng cắn được cái gì thì chúng hô: "Bình an", còn khi không ai bỏ gì vào miệng chúng, thì chúng lại mở cuộc thánh chiến tấn công họ” (Mk 3,5);
Thế nhưng sống yêu thương không phải là sống thụ động và nhu nhược, mà yêu thương đòi hỏi chúng ta đấu tranh với chính mình để sự sống Thiên Chúa thấm nhuần cuộc đời, để nên như Đức Kitô: “khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7)
Một cha sở nọ cho ghi một câu danh ngôn trên bảng thông báo của giáo xứ: “Sống là để yêu thương, chứ không phải là để cạnh tranh”.
Chủ nhật sau, chuông điện thoại kêu suốt ngày. Một giáo dân gọi đến phản đối: “Thưa cha, cha lầm to rồi. Cuộc sống là một cuộc tranh đấu. Cha tạo ra những châm ngôn hùng hồn như thế là việc dễ dàng, nhưng chúng con là những người sống giữa thế giới thực tế, xin cha vui lòng cho dẹp câu ấy đi, vì cuộc sống thực sự là một cuộc cạnh tranh”.
Đó có thể là những lời chúng ta dùng để biện hộ cho cách hành xử nhiều đấu đá của mình trong xã hội hôm nay trước những đòi hỏi sống tình yêu thương của Chúa, đặc biệt trong Năm Thánh này.
Lời Chúa đã nhập thể để Thiên Chúa trở nên hết sức gần gũi với cuộc sống thực tế của mỗi người chúng ta, để mọi bóng tối u uất nhất của đời chúng ta được giọi sáng bởi chính cuộc đời Ngài.
Cũng như chúng ta và hơn chúng ta, Đức Mẹ gặp nhiều gian truân thử thách, nhưng chỉ bằng hai tiếng ‘xin vâng’ trước thánh ý Chúa, Đức Mẹ đã tìm gặp và chiếm hữu được chính Vua Bình an, và đã trở nên nơi cư ngụ thích hợp cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Đức Maria đã xin vâng và sinh hạ Vua Bình An, đâu là câu trả lời của tôi trước giáo lý yêu thương của Đức Kitô?
Lm. HK