THỨ NĂM TUẦN IV MÙA VỌNG
CÓ CHÚA PHÙ HỘ
Lời Chúa Lc 1,57-66
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con
trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và
thân thích đều chia vui với bà.
59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên
cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không được ! Phải đặt tên cháu là
Gio-an.” 61 Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy
cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là
gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều
bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng
Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp
miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế
nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
Suy niệm
Hôm
nay là ngày cuối cùng của Mùa Vọng chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Đây là một
niềm vui không do tổ chức, trang trí hay những sinh hoạt bên ngoài. Nhất là
trong bối cảnh mà đại dịch vẫn đang hoành hành khắp nơi. Thế nhưng, không vì thế
mà chúng ta, những người con của Chúa lại thiếu đi niềm vui đáng phải vui. Bởi
đó là niềm vui của Ơn Cứu Độ mà Con Thiên Chúa đến với loài người mà chỉ có ai
tin mới cảm nhận được. Vì thế mà Tin mừng
hôm nay như đang loan báo về niềm vui lớn lao mà cả nhân loại đang chờ đón. Một
niềm vui diễn ra trong khung cảnh gia đình ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét đón
trẻ Gioan chào đời.
Thật vậy, không ai vui bằng cha bằng mẹ khi một người
con được sinh ra. Niềm vui này thật quá nhiệm mầu đối với gia đình ông
Da-ca-ri-a. Theo Thánh sử Luca miêu tả “cả
hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa…không ai chê trách được
điều gì” (Lc 1,6). Có thể nói hai ông bà là người có đời sống đạo, đời thật
tuyệt vời. Song vẫn còn đó nỗi buồn của kẻ không con, nhất là khi đã đến tuổi
già xế bóng (x.Lc 1,7). Đối với bà Ê-li-sa-bét thì không chỉ là nỗi buồn mà còn
là một nỗi tủi nhục. Bởi với người Do-thái, người phụ nữ không sinh được con là
một nỗi bất hạnh lớn. Hơn nữa, con cái đông đúc là một sự chúc lành của Thiên
Chúa. Vì thế, chắc chắn cả hai ông bà đều ước mong có một đứa con. Thiên Chúa
đoái thương chúc phúc cho ông bà khi mà dưới con mắt thế gian khó trở thành hiện
thực. Với ông bà đây là niềm vui khôn cùng của niềm hy vọng. Niềm vui vỡ òa
trong hạnh phúc của cõi lòng khi đã được đong đầy. Chính bà không ngần ngại thốt
lên “Người
thương cất nỗi hổ nhục của tôi” (Lc 1,25) còn ông thì hoan ca trong niềm cảm
tạ, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa (x.Lc 1, 67-79).
Niềm vui riêng của gia đình ông Da-ca-ri-a trở thành
niềm vui chung cho cả họ hàng, láng giềng chung quanh. Chắc hẳn khi nhìn vào cảnh
già vắng tiếng trẻ con của hai ông bà họ cũng thương và mong ước điều tốt lành
đến cho người thân của mình. Chính vì thế, hôm nay họ đã đến chia vui và vui với
gia đình ông bà.
Đằng sau niềm vui đó chúng ta khám phá ra một niềm tin
mãnh liệt nơi Dân Chúa. Đó là họ nhận ra trong mọi biến cố đều có Chúa hành động
và quan phòng. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà sau khi biết mình có thai bà
Ê-li-sa-bét ẩn mình năm tháng (x.Lc 1,24) hay việc ông Da-ca-ri-a bị câm không
nói được (x.Lc 1,20), đây không phải là một hình phạt mà trên hết, cả hai ông
bà đang đi vào chiều sâu nội tâm để cảm nghiệm được Ơn ban của Chúa, cũng như
chính Chúa đang hoạt động trên cuộc đời mình. Cũng không phải tình cờ mà cả hai
đều nhất định đặt tên cho con là Gioan trong khi họ hàng phản đối, ngạc nhiên.
Hơn hết, cả hai ông bà cảm nhận được tình thương của Chúa dành cho mình thì như
muốn gửi gắm nơi người con mình sinh ra một niềm xác tín vào Chúa vì Gioan có
nghĩa là “Chúa đoái thương”.
Tin Mừng không nói rằng khi nghe biết bà Ê-li-sa-bét
sinh hạ con trai họ đến chúc mừng. Đây cũng là lẽ thường trong cuộc sống chúng
ta: chúc mừng khi vui, sớt chia khi buồn. Nhưng Tin Mừng lại nói “Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy,
láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1, 58). Khi con trẻ chịu
phép cắt bì, họ bỡ ngỡ trước cái tên lạ xuất hiện trong dòng tộc do hai ông bà
đặt cho con và việc ông Da-ca-ri-a nói được, ai nấy đều để tâm suy nghĩ và khẳng
định “Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ
em” (Lc 1,66). Không dừng lại ở việc vui của niềm vui rất con người mà cao
hơn, sâu hơn là vui trong Chúa: nghe Chúa, thấy Chúa và nhận ra Chúa trong mọi
biến cố cuộc sống của mình và của người khác. Đó chính là sứ điệp mà Chúa muốn nhắn
gửi mỗi người chúng ta hôm nay.
Quả thật, cuộc sống hôm nay không thiếu nỗi buồn nhưng
cũng không ít niềm vui. Con người còn tạo ra rất nhiều thứ, nhiều cơ hội, nhiều
dịp, nhiều phương tiện giải trí…nhằm mục đích làm cho cuộc sống vui tươi, nhộn
nhịp…hơn. Nhưng có mấy ai nhận ra đâu là những niềm vui mang lại giá trị làm
người hay chỉ là thú vui vô bổ, đâu là điều giúp con người gắn kết với nhau hay
chỉ là những trò mua vui giả tạo, đâu là cái làm cho bản thân nên gắn bó với
Chúa hay chỉ là bỏ quên Chúa …Chúng ta vẫn cần và rất cần tìm kiếm niềm vui có
Chúa và trong Chúa.
Khi xưa, niềm khát mong cũng như sự chờ đợi của gia
đình Da-ca-ri-a đã thật sự trở thành niềm vui lan tỏa cho những người xung
quanh. Ngày nay, niềm vui mà chúng ta đang chờ đợi còn lớn lao gấp bội khi
chính Con Chúa Giáng trần. Thế nhưng niềm vui chúng ta đón chờ Người có sức lan
tỏa hay chỉ là chóng qua còn tùy vào chính sức mạnh của niềm tin nơi mỗi người.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa cho con niềm vui được là con
Chúa. Xin cho niềm vui Giáng Sinh mà chúng con đã, đang và sẽ lãnh nhận trở nên
sức sống cho đức tin mỗi ngày trong đời chúng con được lớn lên. Để rồi cuộc sống
dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, đau khổ hay hạnh phúc… chúng con đều
nhận ra có Chúa luôn ở bên. Amen
M. Nhật Nguyệt