CHỦ NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN B
Phần cuối chu kì phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư về lúc tận cùng của Lịch sử, mục tiêu cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Chúng ta biết rằng lời nói cuối cùng của Lịch sử thuộc về một mình Thiên Chúa. Qua Đức Giê su Ki tô, Thiên Chúa đã tha thứ và đã giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi khốn cùng. Đến lượt mình, chúng ta cũng được mời gọi hãy tha thứ và giúp đỡ tha nhân.
Sách Tiên tri Đa ni ên:
Tin vào một Thiên Chúa tốt lành và công chính là khẳng định rằng sự bất công không phải là tiếng nói cuối cùng của Lịch sử. Đó là cách tuyên xưng rằng Án xử của Thiên Chúa, sự Công chính của Người và Lòng Tốt của Người thắng vượt tội lỗi mà con người đã phạm trong Lịch sử.
Thánh vịnh 15 :
Tác giả Thánh vịnh đã lựa chọn : Ông nói KHÔNG với các bụt thần thế gian và nói CÓ với Thiên Chúa. Sự lựa chọn ấy giúp cuộc sống của ông trở nên phong phú. Ông không lo lắng cho tương lai nữa vì tâm hồn đã được bình an.
Thư Do thái :
Trước Chúa Giê su, người ta cần phải lặp đi lặp lại các hi tế thanh tẩy mỗi ngày để lãnh nhận lòng từ ái tha thứ của Thiên Chúa. Còn Chúa Giê su, chỉ bày tỏ Lòng Thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta một lần là đủ và đã vĩnh viễn thiết lập địa vị ưu tiên của TÌNH YÊU. Ngài không cần phải lặp lại ơn cứu độ qua nhiều hi tế. Hi tế thập giá là ơn Cứu độ cho tất cả mọi người. Việc còn lại của chúng ta là đi vào trong vũ trụ của sự thánh thiện mở ra cho chúng ta.
Tin mừng: Mc 13, 24-32
NGỮ CẢNH
Đoạn Tin Mừng nầy thuộc thành phần diễn từ Cánh Chung khởi sự từ câu hỏi của các Môn đồ (13, 4). Họ hỏi Chúa Giê su về thời điểm nào thì sự tàn phá sẽ xảy ra và đâu là điềm báo trước. Bài diễn từ dài của Chúa Giê su xem ra không phải là câu trả lời cho câu hỏi ấy. Các câu 5-13 nói về các dấu hiệu nguy hiểm đi trước và kết luận bằng lời khuyên hãy kiên nhẫn đến cùng. Các câu 14-23 mô tả cơn thử thách khủng khiếp xảy đến cho các tín hữu: quyền lực Satan sẽ nắm ưu thế khiến Thiên Chúa phải ra tay. Trong bối cảnh đầy tối tăm và tuyệt vọng ấy, đoạn tin mừng hôm nay (24-32) diễn tả cuộc chiến thắng cuối cùng và trở lại câu hỏi đã đặt ra ở câu 4: Bao giờ điều đó xảy ra?
Như các học giả Do thái thời đó, dường như Chúa Giê su đã dùng lối văn Khải Huyền trong Cựu Ước, đặc biệt trong sách Đa niên, để triển khai giáo huấn của Ngài về Cánh Chung.
TÌM HIỂU
Mặt trời: đây là một trong các yếu tố của diễn từ cánh chung: sự đảo lộn của các mãnh lực trên trời. Ở đây tác giả dùng lối diễn tả biểu tượng giống như đoạn mô tả các tai hoạ lịch sử ở các câu 14-23. Các dấu chỉ nói đến ở đây xảy ra sau các biến cố trên mặt đất, dẫn ta vào một giai đoạn mới, lần nầy siêu vượt lịch sử. Ta có thể tìm thấy nét tương đồng trong sách tiên tri Giô ên mà Phêrô đã trích dẫn trong ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2.19-21).
Con Người: Xem câu Mc 2,10. Việc gợi lại quang cảnh huy hoàng ấy (như Con Người, đám mây, quyền năng và vinh quang, các thiên sứ) lấy hứng từ thị kiến của tiên tri Đa niên (7,13-14). Theo đó, trong một ngữ cảnh bách hại, tiên tri chỉ cho thấy một nhân vật ở trên trời là Con Người xuất hiện trên đám mây, nơi mà Thiên Chúa vừa ẩn mặt vừa mạc khải cho lòai người. Đám mây nầy được dùng như cỗ xe đưa Ngài từ trời xuống, tạo thành một dấu chỉ nối liền trời và đất. Nhân vật Con Người ấy là chính Đức Giê su Ki tô vinh hiển, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trên trời, hướng về lúc cuối thời gian.
Lời xác quyết ấy của chính Chúa Giê su sẽ được lặp lại một lần nữa khi đứng trước toà (14,62): sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê su có liên hệ mật thiết đến sự tận cùng của thời gian: ở trong hoàn cảnh nầy hay ở trong hoàn cảnh đó Chúa Giê su tỏ hiện với quyền năng của Thiên Chúa.
Tập họp: sách Đệ Nhị Luật ghi lại Lời Thiên Chúa hứa cho con cái Israel qua ông Mô sê: “Đức Chúa Thiên Chúa của anh em, sẽ đổi vận mạng anh em, sẽ chạnh lòng thương và sẽ lại tập trung anh em về từ mọi dân, từ nơi mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã phân tán anh em. Dù anh em có bị đuổi xa đến tận chân trời, thì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em cũng sẽ tập trung anh em từ đó về, và từ đó Người sẽ đón anh em” (Đnl 30,3-4).
Cây vả: Chúa Giê su dùng một hình ảnh khác: như cây vả đâm chồi báo cho biết mùa Hè sắp đến, thì cũng thế, tất cả các dấu chỉ kể trên đây là điềm báo trước Đức Ki tô đã gần đến. Vậy cần phải sắp sẵn chờ Ngài trở lại.
Thầy bảo thật: bản văn dùng từ Híp pri: Amen nhằm nói lên tính cách long trọng của lời tuyên bố theo sau. X 8,12.
Thế hệ nầy: truyền thống Mác cô đã trung thành gìn giữ câu nói khó hiểu nầy. Nó gây không ít khó khăn lúng túng cho những người đương thời với ông, thuộc về dòng dõi đã qua đi mà thấy chẳng có gì xảy ra cả. Đây là dấu vết cho thấy người Do Thái và các Ki tô hữu đầu tiên chờ đợi một tận cùng gần kề của thế gian. (x. thêm 9.1).
Khi thấy những điều đó: dường như Chúa Giê su cũng tưởng rằng ngày cuối cùng sắp đến? Chúng ta phải hiểu như thế nào đây? Câu trả lời tuỳ thuộc vào ý nghĩa mà chúng ta gán cho cụm từ: “những điều đó”. Chúa Giê su muốn nói gì với cụm từ đó ? Về việc Giêrusalem điêu tàn chăng? Về các tai ương giáng xuống nhân loại trong các thế kỉ chăng? Hay về hình ảnh mô tả việc đảo lộn lớn lao trong vũ trụ vào lúc cuối thời gian? Khó mà xác định một cách chắc chắn. Nhất là trong văn mạch câu 32 theo sau xác định về việc không thể biết chính xác ngày giờ nào sẽ xảy ra. Có lẽ Mác cô muốn gửi đến các tín hữu đầu tiên thông điệp ấy nhằm trấn an sự khắc khoải tò mò muốn biết thời khắc Thiên Chúa thiết lập vương quốc vĩnh viễn của Người. Thái độ tò mò ấy vừa vô ích lại vừa nguy hiểm, chỉ có một thái độ duy nhất đúng là thức tỉnh chờ đợi (x.13, 33.35.37).
Trời đất: chương trình của Thiên Chúa vượt quá lịch sử và thời gian. Các “Lời” Chúa Giê su nói mạc khải cho chúng ta biết điều ấy. Trong Cựu Ước Thiên Chúa nói qua các tiên tri. Nhưng giờ đây chính Chúa Giê su là Lời mà ngay từ nguyên thuỷ Người đã dùng để tạo dựng trời và đất. Thế nên trời đất nầy không là gì cả so với Lời ấy. Vững bền hơn, vô cùng bền vững hơn trời và đất. Lời ấy “không qua đi”.
Về ngày đó: Tin Mừng Luca cũng chia sẻ giáo lý nầy: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt..” (Cv 1,7).
Người Con: ở đây, Chúa Giê su tự cho mình là “Người Con”, tước hiệu dùng một cách tuyệt đối, không có xác định gì thêm. Lời xác quyết nầy chắc hẳn là của chính Ngài, vì ngoài Ngài, không ai biết được chân lí ấy. Chính Con cũng không biết ngày giờ. Điều ấy có thể gây khó khăn cho việc chú giải, nhưng lại là một dấu chỉ chắc chắn cho chúng ta biết câu nói ấy là do chính Ngài nói ra (ipsissima vox Jesu). Khi thuật lại lời nầy, Mác cô muốn cho thấy rằng Con hoàn toàn phó thác cho Cha, cả cuộc sống trần gian, cả giờ quyết định cho vinh hiển của Ngài. Một phần nào bí mật tương quan giữa Cha và Con được tỏ lộ.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng Chúa Giê su loan báo các dấu chỉ đi trước cuộc trở lại của Ngài trong vinh quang. Thiên Chúa đã xếp đặt mọi sự trong trật tự. Để loan báo cuộc trở lại của Chúa, toàn thể tạo vật sẽ xáo trộn.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng Chúa Giê su sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết.
TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA
Phải sống trong tình trạng tỉnh thức.
Ngọn đèn của chúng ta phải luôn cháy sáng để chờ đợi Chúa Giê su trở lại như người kẻ trộm đến. Chúng ta sẽ không bao giờ hòan toàn sẵn sàng tiếp đón Ngài, nhưng chúng ta có thể cậy dựa vào lòng thương xót vô cùng như vào Tình yêu không điều kiện của Ngài.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng cuộc trở lại của Chúa Giê su gần kề.
Chỉ cần mở mắt và tâm hồn để nhận biết rằng Chúa Giê su luôn đứng ở ngòai của nhà chúng ta, đang gõ và chờ đợi, vì cửa tâm hồn chúng ta chỉ mở từ bên trong, nghĩa là Ngài không thể bẻ khóa mà vào. Ngài kiên trì chờ đợi chúng ta.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng một vài dấu chỉ cho thấy Cuộc trở lại của Chúa Giê su đã rất gần.
Chúng ta hiện sống trong bầu khí “tận thế”: bạo lực lan tràn khắp nơi trên thế giới, nỗi lo sợ chiến tranh nguyên tử, bệnh tật và sợ hãi dày xéo thế giới trong thế kỉ 21, sự lan tràn của nhiều giáo phái gieo rắt sai lầm vào trong chân lí như cỏ lùng giữa lúa tốt. Làm sao để sống trong thời khắc khó khăn nầy?
Người Ki tô hữu chúng ta cần phải được soi sáng trong ánh sáng của Giáo Hội, sống trong sự tin tưởng và hi vọng vì THIÊN CHÚA yêu thương chúng ta. Hãy học nơi trường học của Đức Maria, mời gọi chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa, thường xuyên đến với các bí tích, nhất là bí tích hòa giải và Thánh Thể, cầu nguyện và hãm mình. Phương pháp không mới nhưng chắc chắn.
TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA
Phải phát triển và trở về với lòng sùng kính Đức Maria.
Vì Chúa Giê su đã đến trần gian ngang qua cung lòng của Mẹ Maria, nên Mẹ mãi mãi là con đường chắc chắn nhất để đi đến với Chúa. Hãy trở về với tràng hạt mân côi cho phép chúng ta ôn lại trong tâm hồn những thời khắc quan trọng trong Tin mừng. Mẹ Maria khuyên lần hạt mỗi khi hiện ra với lòai người.
SỨ ĐIỆP TIN MỪNG HÔM NAY
Bài Tin mừng hôm nay là một sứ điệp mang lại niềm hi vọng an ủi những người trong cơn thử thách. Thiên Chúa không bỏ dân Người và sẽ không bao giờ bỏ rơi. Đức Ki tô đã sống lại và mãnh lực sự dữ không còn quyền lực nào nữa trên Ngài. Điều quan trọng nhất là hãy đề phòng và thật tỉnh thức. Nhờ thế, khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ không bị bất ngờ. Điều mà Lời Chúa tỏ cho chúng ta biết, đó là một thế giới mới xuất hiện. vì Thiên Chúa không ngừng làm phát sinh sự sống, phát sinh cái Mới. Tạo thành mới nầy, thế giới mới nầy, là điều mà Thiên Chúa đã nhắm đến từ muôn đời: sẽ có động đất lớn, tất cả mọi người và mọi dân tộc sẽ giao hòa trong Chúa Giê su Ki tô, trong sự sung mãn của sự sống Thiên Chúa.
Vì thế, các bài đọc hôm nay không nhằm chuẩn bị cho chúng ta đón ngày tận thế, nhưng ngày tận cùng của những “thế giới nhỏ” mà chúng ta đang tạo ra cho mình. Chúng ta đang sống trong ảo tưởng cho rằng mọi sự đều chung cuộc. Thật ra chúng ta đang sống trong thế giới tạm thời. Chỉ cần một vài chuyện nhỏ thì tất cả mọi sự sẽ xáo trộn trong đời sống chúng ta: cái chết của một người thân, mất việc làm, một tai nạn, một căn bệnh hiểm nghèo, một thất bại. Và chúng ta cũng không chắc cho ngày mai. Do vậy, lời mời gọi tỉnh thức của Chúa phải được nghiêm chỉnh tiếp nhận
Người Công Giáo Việt Nam chẳng những có quyền hãnh diện là “con rồng cháu tiên” mà còn có một niềm hãnh diện lớn lao hơn là « con cháu các thánh», vì “con rồng cháu tiên” chỉ có nghĩa biểu trưng, trong khi “con cháu các thánh” là một chân lý có thực không thể bác bỏ được. Thật vậy, chứng tá kiên cường của 118 Thánh Tử Đạo (kể cả Chân Phước An-rê Phú Yên) và của hàng ngàn các Anh Hùng Tử Đạo đã đem lại cho người Công Giáo Việt Nam một niềm vinh dự vô cùng lớn lao, cũng như đã tô điểm lịch sử hào hùng của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.
Mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta không chỉ khơi lên lòng tự hào mà còn phải thể hiện ý thức trách nhiệm bằng những dấn thân cụ thể cho Giáo Hội cũng như cho quê hương, đồng bào thân yêu của chúng ta, để xứng đáng với Tổ Tiên của chúng ta là các Thánh Tử Đạo Việt Nam!
Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông