MỘT TRẺ THƠ ĐÃ CHÀO ĐỜI ĐỂ CỨU TA
Tại Haminski, một ngôi làng nhỏ bé của Hà lan, có một thanh niên tên là Hans Feken. Anh rất xấu xí, xấu đến nỗi ai nhìn thấy anh cũng quay mặt đi. Anh lầm lũi kéo lê cuộc sống nơi thân xác, nhưng tâm hồn dường như đã chết từ lâu, trong tủi hổ vì bị khinh miệt, bị bỏ rơi.
Rồi anh chết … trong cô đơn và thinh lặng như anh đã sống. Nhưng sau khi an táng cho anh, người ta tìm thấy tờ di chúc của anh. Anh để lại một gia tài lớn đến 40.000 đôla cho một em bé gái chẳng có liên lạc bà con ruột thịt gì với anh. Tên em là Amatin.
Trong tờ di chúc, anh đã nói lên cái lý do mà anh muốn nhường tất cả gia tài cho cô bé: “Tất cả các ông, các bà, các cô, các cậu đều đã cau mày hoặc quay mặt nhìn đi nơi khác mỗi lần gặp tôi. Nhưng một ngày kia, tôi đã gặp Amatin, em đã âu yếm tặng tôi một nụ cười khả ái đầy tình thương. Đó chính là nụ cười chân thành và duy nhất mà tôi đã nhận được trong suốt cuộc đời đau thương và ngắn ngủi của tôi”.
Là một con người mà không được sống như một con người, nên Hans Feken đã gửi 40.000 đôla, tất cả những gì anh có, cho một nụ cười vì nụ cười đó làm cho anh được sống như một con người.
Thế giới hôm nay đang bị giam hãm trong ách nô lệ tội lỗi, làm cho nhân loại đánh mất sự tự do của người con Chúa mà làm nô lệ cho sự ác. Người Syria và Assyria, rồi đến đế quốc La mã, thay nhau áp bức Dân Chúa diễn tả phần nào sự khốn đốn nhân loại phải chịu dưới ách thống trị của Satan, của tội lỗi: “Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi” (St 4,7)
Tội lỗi một mặt thoả mãn người ta, thoả mãn đến tự hào: “chúng khoe tội mình như Xơ-đôm, chứ không giấu giếm” (Is 3,9), mặt khác lại ràng buộc, xiềng xích người ta vào sự ác. Tội lỗi hứa sự tự do nhưng lại dẫn người ta đến nô lệ cho cảnh hư vong (x. 2Pr 2,19). Phận nô lệ không thể nói đến hai chữ bình an, dù có ở lầu son gác tía.
Tội lỗi tách lìa nhân loại xa khỏi Thiên Chúa nên nhân loại không thể tự mình dứt ra khỏi ách nô lệ tội lỗi. Nhưng Chúa đã nhìn đến con người với tình yêu vô biên của Ngài, để cứu nhân loại thoát ách nô lệ tội lỗi và đưa người ta vào sự sống của chính Ngài: “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.” (Is 9,5).
Đang chịu áp bức bỗng sao được tự do. Còn gì vui mừng hơn!
Trong Đức Kitô, Tin Mừng cứu độ được thực hiện: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,10-11).
Chính Chúa đã nhập thể, “đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính” (Tt 2,14), đã ôm lấy nhân loại tội lỗi để đem chúng ta về với sự tự do của một người con Chúa.
Đúng thế, bất cứ ai tin vào Đức Kitô sẽ được giải thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi và được hưởng sự tự do thực sự của người con Chúa. “Những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,1-2).
Sau khi chịu chức linh mục, cha Vianney đã được sai đến xứ Ars, một xứ đạo khô khan, nguội lạnh, từ lâu không có Thánh lễ. Có người nói với cha Vianney : “Ở đấy chẳng có việc gì để làm cả”, nhưng cha Vianney trả lời : “Như vậy là có nhiều việc phải làm rồi đó”.
Với cái nhìn của một ‘Kitô-khác’, cha Vianney thấy được cái đói và sự tối tăm trong tâm hồn đang hoành hành ở Ars, như ở bất cứ nơi nào không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì thế, việc đầu tiên cha Vianney đã làm là tìm cách đưa Chúa vào đời sống dân chúng. Ngài đã bắt đầu từ chính ngài: Thức dậy từ hai giờ sáng để cầu nguyện, rồi dâng Thánh lễ, và sau Thánh lễ, cha còn quì lại cám ơn và cầu nguyện đến trưa, gối quì trên nền nhà, mắt hướng về Nhà Tạm.
Rồi sau đó, … người ta dần dần kéo nhau đến làm cho ngôi nhà thờ cũ kỹ lại trở nên chật chội với những hối nhân …?!
Chúa luôn là nỗi khao khát sâu thẳm trong tâm hồn con người, nhà thờ Ars trước bị bỏ hoang mà nay người người tuôn đến. Sự hiện diện của Chúa làm cho tâm hồn mọi người bừng sáng lên: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).
Niềm vui đó thật lớn lao! Để Chúa đến trong cuộc đời, tôi còn tiếc gì mà không “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12)?
Đèn sáng khắp nơi trong đêm Giáng sinh, nhưng tâm hồn tôi chỉ thực sự sáng bừng lên khi có sự hiện diện của Chúa.
Lm. HK