Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 6

PHÚC THAY NGƯỜI TIN CẬY CHÚA

Ngày 09.4.1923, báo Corispondenza và nhiều báo khác ở Âu Mỹ đưa tin :Tàu chở khách E.M.L. rời bến Belize ra khơi. Trong số hành khách có Đức Cha Hopkins, 79 tuổi, Giáo phận Honduras . Tàu đang chạy bỗng phòng máy bể, nước tràn vào. Hoa tiêu đánh điện xin cấp cứu. Mọi người trên tàu nhốn nháo hỗn loạn, riêng Đức Cha Hopkins thì bình tĩnh :

-    Hãy cố gắng cứu phụ nữ và trẻ em trước.

Mấy anh thủy thủ tìm cách cứu ngài. Ngài nhường lại phao :

-    Tôi đã sẵn sàng để gặp Chúa, cần cứu những người còn đang chới với kia.

Con tàu chìm dần. Tiếng la hét inh ỏi, thảm não, nhưng phương tiện cấp cứu chỉ có hạn. Đức Cha Hopkins giơ cao tay ban phép lành cho những người trôi nổi trên làn sóng, rồi ngước mắt lên trời cầu nguyện như bị thôi miên cho tới khi chìm xuống cùng con tàu.

Phúc âm của thánh Luca được viết cho những người tin vào Chúa, để làm cho người tin thấy được rõ ràng và vững chắc ơn cứu độ và hạnh phúc thật mà Thiên Chúa đã ban nơi Đức Kitô (x. Luca 1,1-4).

Để mọi người thấy hạnh phúc mà Đức Kitô đem đến luôn đòi hỏi sự dấn thân của niềm tin, Luca đã dùng nhiều hình ảnh đối chiếu rất tương phản với nhau : trong Phúc âm Luca, sau khi công bố bốn mối phúc, Đức Kitô đã loan báo luôn bốn sự khốn khổ thật. Đó là có tài sản, có no phỉ, có vui cười, và được ca tụng, … mà không có Thiên Chúa.

Các hình ảnh đối chiếu đó đã được giới thiệu trước bằng tâm tình của Đức Maria trong ‘Bài ca Ngợi khen’ (Magnificat) ngay từ chương đầu Phúc âm Luca, và được đúc kết lại trong sự đối chiếu cuối cùng trên Núi Sọ giữa hai kẻ trộm cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô, mà chỉ Phúc âm Luca mới kể rõ chi tiết. Câu chuyện hai kẻ trộm vừa cho thấy hạnh phúc thật không nằm ngoài tầm tay của ngay cả một tội nhân, vừa cho thấy Nước Trời thuộc về người coi niềm tin vào Đức Kitô là chọn lựa cuối cùng cho cả cuộc đời mình.

Tất cả những đối chiếu đậm nét tương phản đó nhằm cho mọi người thấy là không có con đường trung dung giữa tin và không tin. Mọi người đều phải đối diện mặt giáp mặt với câu hỏi về hạnh phúc thật, để có một chọn lựa có tính quyết định cho cả cuộc đời. Vì thế, tin hay không tin không chỉ là những lời nói mà là sự dấn thân của cả đời sống.

Nhưng thật đáng buồn, và đáng lo, khi thực tế cuộc sống cho thấy là để nói ‘tôi không tin’ đối với Đức Kitô, thì người ta cần đến nhiều suy nghĩ, đắn đo, chọn lựa hơn là để nói ‘tôi tin’. Nói cách khác, ‘tôi tin’ thường được NÓI hơn là được SỐNG!

Tại sao? Vì đức tin có những đòi hỏi ngược lại với sự khôn ngoan thế gian : “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23).

Nhưng khi đối diện với đau khổ, nhất là sự chết, người ta mới dễ nhận ra đâu là con đường dẫn đến phúc thật, như thi hào Dante đã nhận định trong tác phẩm Purgatoire : “Thánh nhân không sợ, mà yêu cái chết, vì sau cái chết sẽ rạng ngời ánh sáng của sự sống đời sau”, và ông thêm : “Sống là một cuộc chạy tới cái chết. Còn bạn, bạn cho sự chết là gì?”

Năm 1982, Đức Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh cho Cha Maximilian Kolbe, một linh mục dòng Phanxicô người Ba lan. Cha Kolbe đã tình nguyện chịu chết thay cho một tù nhân khác chỉ vì tình thương.

Một phóng viên truyền hình đã phỏng vấn cựu tù nhân này : “Ông cảm thấy thế nào khi được một người khác chết thay cho mình?”

Người đàn ông được cứu sống đó trả lời : “Kể từ hôm ấy, tôi thấy mình trở thành một người khác. Tôi được thúc đẩy sống theo tâm tình của người đã cứu tôi, theo những giá trị mà người ấy đã làm chứng bằng cuộc sống và bằng chính cái chết!”

Đó cũng chính là tâm tình của Phaolô khi nhận biết mình đã được cứu bởi cái chết của Đức Kitô : “tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (1Cr 5,14); Nơi ngài, tin là một cuộc thoát xác : “không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Ngài đã đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô vì Đức Kitô đã chết và sống lại : “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc sống này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ”.

Đứng trước cái chết, sự khôn ngoan thế gian đã phải im lặng trong sợ hãi, như nơi Néron, Tần Thủy Hoàng, … còn người tin vào Thiên Chúa thì lại ca hát hân hoan trong niềm hạnh phúc thật.

Hạnh phúc đó được tỏ ra trong sự bình an của Đức Cha Hopkins, thánh Kolbe, và thánh Phaolô : “vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21)        

Lm. HK


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Thương Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Thường Niên_Thầy Phêrô Maria. Mảnh vỡ. FVP
     ĐTC mời gọi tín hữu Buenos Aires cầu xin Đức Mẹ mở lòng để gặp gỡ người khác - Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VI Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Mùa Thường Niên

Các bài viết cũ hơn
     MÙNG HAI TẾT ÂM LỊCH - TÌNH YÊU CỦA CHA MẸ - Jos. Tạ Duy Tuyền
     MÙNG MỘT TẾT ÂM LỊCH - SỰ TÍCH CON HỔ - Jos. Tạ Duy Tuyền