Thứ Năm Tuần VI Thường Niên
“HỆ LUỴ”
Lời
Chúa Mc 8, 27-35
27 Đức Giê-su và
các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường,
Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? " 28 Các
ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a,
kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." 29 Người lại hỏi
các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời:
"Thầy là Đấng Ki-tô." 30 Đức Giê-su liền
cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt
đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục,
thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32 Người nói rõ
điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách
Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông
Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là
tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ
rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả
vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì
tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy’’.
Suy niệm
Phật giáo có câu: “Đời là bể khổ”,
nên họ tránh đời, tự mình rèn luyện để đạt đến “Niết bàn” nơi hạnh phúc của họ.
Những việc họ làm sẽ tạo nên nghiệp tốt hay xấu cho chính mình chứ không hề có
hệ luỵ đến người khác.
Còn Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm
nay, thì ngược lại. Ngài báo trước cho các môn đệ: Ngài sẽ phải đón nhận đau khổ,
đón nhận cái chết vì Thánh ý Chúa Cha để cứu nhân loại này: “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều,
bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày,
sống lại.’’ (Mc 8, 31). Ngài không chịu đau
khổ để tìm đường giải thoát chính mình nhưng Ngài đón nhận để con người được
hạnh phúc. Tính hệ luỵ cũng là nét đặc trưng của người Ki-tô hữu. Điều mình làm
dù tốt hay xấu, nó cũng đều ảnh hường đến tha nhân và đến vạn vật.
Khi chúng ta phạm tội thì không
chỉ riêng mình chịu những hậu quả sau đó mà tất cả mọi người cùng liên đới
trong hậu quả đó. Như xưa, Ađam và Evà phạm tội, rồi toàn thể nhân loại cho đến
ngày nay vẫn chung hệ luỵ đó : tội nguyên tổ, và các án phạt kéo theo tội.
Thêm nữa, Chúng ta cũng đã đóng góp vào tội chung của nhân loại qua những tội
riêng của mình.
Nhưng chúng ta cũng không quá thất
vọng, Chúa Giê-su đã đến trần gian này, chịu nhiều đau khổ, Ngài không hề phạm
tội, nhưng lại gánh vác tội chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta được tha thứ, được
giao hoà cùng Thiên Chúa. Ngài được Thánh Phêrô tuyên xưng:
"Thầy là Đấng Ki-tô." (Mc 8, 29). Một mình Ngài hy sinh nhưng tất
cả mọi người đều được hưởng ơn cứu độ.
Mỗi người chúng ta đều liên đới
với nhau, vậy chúng ta cũng noi gương Thầy Giê-su luôn sống vì mọi người. Dù
đôi khi phải trả giá đắt, phải hy sinh, phải chịu nhiều đau khổ; nhưng chúng ta
cùng vác thập giá với Đức Giê-su hầu mong mọi người được gắn kết với nhau hơn
và được hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn
xác tín rằng đau khổ giúp chúng con gần Chúa và liên đới với anh chị em của
chúng con hơn. Phận người mong manh và yếu đuối, xin cho chúng con biết sống vì
nhau, cùng giúp nhau đi trên hành trình lữ thứ này, và cùng nhau tiến về quê
trời bình an. Amen
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến,
OP