Ngày 14 tháng 07
THÁNH CA-MI-LÔ LEN-LI (CAMILLE DE LELLIS)
Linh mục
Sinh tại Bucchianico vào năm 1550
Qua đời tại Roma ngày 14/07/1614
Camilo sinh năm 1550 tại Buchianico, thuộc giáo phận Chieti. Khi lên 17 tuổi, ngài cùng cha đăng ký vào quân đội của Tây Ban Nha để chiến đấu chống người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo. Chiến thắng ở vịnh Lepante, quân Công Giáo thắng Hồi Giáo, không có mặt ngài, chỉ vì ở trận chiến, ngài bị một vết thương ở chân, phải bỏ cuộc và bị thọt suốt đời.
Trở về quê nhà, ngài đã tiêu pha hết tiền bạc qua các trò chơi đỏ đen, thế rồi đi làm phu và cuối cùng xin gia nhập vào dòng Capuchino ở Venise. Ngài phải bỏ dòng tu vì chân đau.Ngài nhập viện ở Roma trong nhà thương mang tên thánh Giacobe; tại đây ngài được chữa lành.Thế là ngài xin ở lại làm nhân viên chăm sóc bệnh nhân. Chính qua công tác này, ngài thấy được thực tế của bệnh viện: những bệnh nhân bị bỏ rơi, không ai chăm sóc, không ai tắm rửa cho, có khi bị bỏ đói, có khi bị đánh đập, bị nằm trong quan tài chờ chết….Chính nơi đây, nhờ thánh Philipphe Neri hướng dẫn, ngài tìm thấy được con đường nội tâm và ơn gọi thật sự.
Năm 1582, ngài thành lập công đoàn những người chăm sóc bệnh nhân, dần dần trở thành dòng Camille; bên Pháp gọi là “les Frères du bien mourir”.Ngài gởi họ đến những nơi lưu đày, trong nhà tù, trên các chiến trường.Năm 1584, ngài nhận chức linh mục, sống trọn vẹn cho người nghèo và tử tội; ngài canh tân cách tổ chức bệnh viện và mục vụ chăm sóc bệnh nhân.Ngài qua đời ngày 14/07/1614 tại Roma.
TRÍCH HẠNH CÁC THÁNH CAMILO
DO MỘT ĐỒNG NGHIỆP SOẠN
“Tôi phải bắt đầu bằng nhân đức bác ái vì là căn nguyên mọi nhân đức và là đặc sủng quen thuộc hơn hết của Camilo. Tôi phải nói rằng ngài cháy lửa nhân đức này không chỉ đối với Thiên Chúa mà còn đối với tha nhân và nhất là đối với bệnh nhân, đến nỗi chỉ cần nhìn thấy họ là lòng ngài đã mềm chảy ra , khiến ngài quên hết mọi lạc thú, vui thỏa và dính bén ở đời này, khi săn sóc một bệnh nhân nào, ngài tỏ ra hoàn toàn bị thu hút và thiêu hủy trong sự yêu thương phục vụ người ấy hết mình. Ngài muốn mang vào mình mọi đau đớn và khổ sở của họ để làm nhẹ bớt đau thương hay chữa khỏi tật nguyền của họ.
Ngài như nhìn thấy con người Đức Kitô nơi họ một cách mãnh liệt đến nỗi nhiều khi lúc cho họ ăn, ngài tưởng họ là chính Đức Kitô nên nài xin họ ban ơn và tha thứ tội lỗi cho mình.Ngài đứng trước mặt họ một cách cung kính như thật sự ở trước mặt Chúa.Trong lúc chuyện trò không có gì được ngài năng pha vào và sốt sắng chêm vào bằng những câu về đức ái, mà ngài muồn gieo vào lòng hết thảy mọi người.”
(CGKPV trang 259-260)
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã ban cho thánh linh mục Camilo lòng bác ái phi thường đối với người ốm đau bệnh tật. Vì công đức của thánh nhân, xin tuôn đổ vào lòng chúng con tinh thần bác ái của Cha, để chúng con biết phụng sự Cha nơi anh em, và trong giờ lâm tử, chúng con được đến cùng Cha thật vững dạ an lòng. Chúng con cầu xin
THÁNH PHANXICO XOLANO (1549-1610)
LINH MỤC, DÒNG I
TÔNG ĐỒ NAM KỲ, BỔN MẠNG XỨ PERU
Thánh Phanxico Xolano sinh tại Mongtila (Tây Ban Nha) năm 1549.Lúc thiếu thời, học tại trường của các cha dòng Tên.Năm 20 tuổi ngài gia nhập dòng Phan Sinh nhóm Tuân Thủ tại tu viện tỉnh nhà.Sau khi thụ phong linh mục Xolano hoạt động tông đồ đắc lực tại các tỉnh miền nam Tây Ban Nha.Nhưng lòng nhiệt thành thúc đẩy ngài xin phép Bề Trên để đi truyền giáo ở Tucuman và Paraguay, Nam Mỹ.
Năm 1589, Xolano lên tàu đi Nam Mỹ; tàu bị bão tố, may thay ngài lên được đất liền ở Lina. Nghỉ ngơi ít hôm, ngài đi Tucuman, từ đó, công cuộc tông đồ của cha Xolano vươn sang những miền rộng lớn của xứ Paraguay. Cha đã đem không biết bao nhiêu người về với Chúa; nhưng ngài cũng gặp nhiều sự chống đối của thực dân lẫn dân bản xứ. Ngài lôi kéo người da đỏ theo đức tin Công Giáo bằng đời sống gương mẫu và lòng yêu mến Phúc Âm. Ngài bênh vực họ chống lại sự áp bức của những người thực dân.
Kiệt sức vì mệt mỏi và hãm mình, ngài qua đời tại Lima ngày 14/07/1610. Đức Thánh Cha Clemente X tuyên dương công trạng của thánh Xolano: “ Thánh Phanxico Xolano đã làm một mùa hoa Đức Tin trên Châu Mỹ La Tinh”.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã dẫn đưa nhiều dân tộc Mỹ Châu vào Hội Thánh nhờ trung gian của thánh Phanxico. Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của ngài, xin Cha nối kết con tim chúng con với Cha cách bền chặt và xin đoái thương đến những dân tộc chưa biết Cha, biết kính sợ Danh Thánh. Chúng con cầu xin
BÀ THÁNH INÊ LÊ THỊ THÀNH (BÀ INÊ ĐÊ)
Giáo dân, tử đạo
(1781-1814)
Bà Thành sinh tại Bái Điền, tỉnh Thanh Hóa.Vì người cha quá khô khan, bà mẹ đã đem hai đứa con gái về Phúc Nhạc, thuộc tỉnh Ninh Bình để làm ăn và giữ đạo cho vững.
Khi lên 17 tuổi, Cô Thành kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, sinh được năm người con. Người con cả tên là Đê, do đó người ta gọi bà là bà Đê. Bà thật là tấm gương sáng cho các bà mẹ Công Giáo vể lòng đạo đức và dạy dỗ con cái. Bà thường khuyên con cái năng xưng tội, tránh thói hư nết xấu. Bà làm gương cho các con về đức hiền hòa, nhịn nhục và thương yêu.
Trong khu đất riêng nhà mình, bà cho làm một nhà đặc biệt để các linh mục có thể đến trú khi gặp nạn.Thời vua Thiệu Trị, dù không ra một chiếu chỉ bắt đạo nào, nhưng quan quân ghét đạo vẫn tìm cách bách hại.Khi được một giáo dân phản bội chỉ điểm, quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh cho quan quân bao vây làng Phúc Nhạc vào ngày Đại Lễ Phục Sinh 14/04/1841. Cha Galy Lý bị bắt tại nhà bà Đê, thế nên quan quân cũng bắt bà theo, giải về Nam Định.
Khi mới bị bắt, bà Đê tỏ ra rất sợ hãi, nhưng khi ra khỏi làng bà không còn sợ gì nữa. Tại tòa án bà bị tra khảo tất cả là ba lần, nhưng bà vẫn kiên vững đức tin. Các con bà đến thăm, đứa lên 5, đứa lên 7, bà an ủi; chồng đến thăm, bà khuyên hãy trông cậy vào Chúa.
Vì chịu nhiều cực hình, bà chết rũ tù ngày 14/07/1841.
Đức Thánh Cha Piô X đã phong chân phước cho bà ngày 02/05/1909.Bà là người phụ nữ Việt Nam được phong hiển thánh ngày 19/06/1988.