Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

NỖI SỢ CỦA CON NGƯỜI.

untitled.bmpSợ là hiện tượng tâm lý, là cảm xúc đau buồn từ việc con người nhận thức các mối đe dọa xung quanh mình. Sợ hãi là một cơ chế tồn tại cơ bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể, ví dụ như đứng trước một mối hiểm nguy đe dọa tính mạng, trước cơn đau của cơ thể. Sợ hãi thuộc về một nhóm nhỏ các cảm xúc cơ bản hoặc bẩm sinh như : vui, buồn, tức giận của con người [1][1]. Sợ hãi là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc ngược lại, người ta sẽ chiến đấu chống lại sự sợ hãi[2][2].

 Nghiên cứu khoa học cho thấy trong não của con người có một vùng gây nên sợ hãi, được gọi là “ vùng não tạo cảm giác sợ hãi”. Vùng não này nằm ngay trong vùng não trung tâm – hippocampus, bên trong thuỳ thái dương và chính là vùng não có liên quan đến khả năng kiểm soát trí nhớ cũng như khả năng nhận thức của con người. bất cứ khi nào, cảm giác sợ hãi xuất hiện, vùng não trung tâm hippocampus lại hoạt động và biểu hiện trên hình ảnh là các vùng phát sáng giống như một đám pháo hoa. Mỗi khi cảm giác lo lắng, sợ hãi xuất hiện, con người có xu hướng trở nên “cứng đờ” cơ thể. Một hiện tượng mà khoa học gọi là sự ức chế hành xử (behavioural inhibition) do một vùng thuộc não bộ điều khiển. Điều này giải thích tại sao một số người trở nên bị “đơ người” khi sợ hãi hoặc khi đối mặt với một nguy hiểm, số khác thì vẫn có khả năng giữ được bình tĩnh để đối mặt với mối đe doạ và xử lý được nó[3][3]. Do đó, có những người bị ám ảnh một nỗi sợ nào đó suốt đời, chi phối đến ý thức, hành vi của họ trước một tình cảnh tương tự họ đã gặp.

Người khác nữa cho rằng sợ hãi là một phần của cuộc sống[4][4],  xuất hiện khi ta còn là đứa trẻ. Đứa trẻ mới chào đời, lớn dần lên đã biết sợ : sợ người lạ, sợ bóng tối, sợ con vật, sợ vắng cha vắng mẹ, sợ đến trường đến lớp. Lớn lên, con người tích thêm những nỗi sợ khác, đủ kiểu, đủ màu. Nỗi sợ có nhiều định dạng và muôn mặt kích thước. Cứ như thể, con người sống chỉ biết có mỗi nỗi sợ, mà chẳng biết gì khác ngoài nó nữa.

Sợ hãi cũng lây nhiễm, lôi kéo, mang tính bầy đàn. Người ta có thể ngửi được mùi sợ hãi của người khác, và nếu không vững đủ, cũng dễ ăn theo vào cái chốn sợ hãi của người khác bằng sự vô thức của mình[5][5].

Con người hôm nay đang ở trong một thế giới của nhiều nỗi sợ hãi.

Có người mở mắt ra đã sợ. Đêm về, chợp mắt rồi, mà sợ hãi vẫn vây quanh.

Người ta sợ đủ thứ. Từ cái nhỏ đến cái lớn. Sợ từ ở trong nhà ra ngoài phố ngõ. Sợ từ ở bên ngoài, và đi vào miền tâm hồn.

Từ nỗi sợ con dán nhỏ xíu ở đời thường, cho đến nỗi sợ con hổ dữ tợn trong tranh vẽ.

Nỗi sợ không ở số ít, trong phép cộng. Nhưng gia tăng theo lũy thừa.

Sợ đến từ ngoại cảnh: sợ thiên tai, động đất, sợ chiến tranh, sợ ly tán, sợ tai nạn giao thông

Sợ mất nhà, mất đất. Sợ tăng giá. Sợ hàng giả. Sợ thất nghiệp. Sợ mất chức.

Sợ nghèo. Sợ đói. Sợ bệnh tật. Sợ chết.

Nhưng mấy nỗi sợ ấy, có thể khống chế được, vượt qua được nó để sống và tồn tại. Nhưng có những nỗi sợ mà người ta biết mình khó lòng thoát ra được, như những ký sinh trùng đáng gờm xâm nhập cơ thể, làm cho con người chết dần chết mòn, khó tìm ra bệnh hoặc không có thuốc chữa.

Sợ cái xã hội huênh hoang, ra chiều đạo đức, nhưng lại ẩn chứa cả một sự xuống cấp luân lý, đạo đức, nhân cách của một số đông con người đang nắm vị thế. Sợ cái cán cân công lý xã hội đã bị kẻ gian “ phù phép”, khó lòng tìm lại được. Sợ những con người “ trình độ chỉ có vậy”, bất chấp sinh mạng của người khác, để nói bừa, làm bậy[6][6].  Sợ cái qui luật “ cá lớn nuốt cá bé” trong xã hội loài người.  Sợ cái xã hội mà ta đang tồn tại, sống chung với nó. Một xã hội với nhiều vết thâm đen.

Mà xã hội đó là gì. Nó không đơn thuần là một khái niệm về ngôn ngữ,  nhưng là cái hình dạng được con người làm ra nó. Xã hội tốt hay xấu là do con người đúc kết. Cái xã hội trắng đen ấy đâu tự nó hình thành, mà do chính con người nhúng màu vẽ ra, nhào nặn ra nó.

Hóa ra con người lại sợ chính mình… chủ thể của xã hội. Ở nơi đó, con người chạm đến những nỗi sợ ẩn giấu bên trong.

Sợ mất ảnh hưởng. Sợ mất thanh danh. Sợ đụng chạm.

Sợ “tai bay vạ gió” nên từ chối sống nhân ái. Sợ bị trả đũa, nên ngậm miệng không nói lời chân lý. Sợ giáng chức nên nín thở qua cầu, sống kiểu hai mặt, khôn ngoan kiểu con rắn.

Để chống chọi với nỗi sợ, nhiều người đã tìm nhiều phương thức để “ vượt qua” sự sợ hãi bằng những chiêu bài ích kỷ. Họ không ngần ngại đạp đổ tha nhân để vượt qua nỗi sợ. Thay vì chiến đấu “chính nghĩa” để chống lại sợ hãi, họ lại bị “cứng đờ”, khiếp đảm và mặc kệ tất cả. Cái tập hợp cảm xúc từ sợ hãi vẫn có nhưng đã trở nên những cảm xúc vô nghĩa của một sự đầu hàng, ăn theo một thứ chủ nghĩa cá nhân, hưởng lợi, dần dà đến sự vô cảm.

Ta bắt đầu sợ sự vô cảm của con người thời đại. Sợ nhân cách, đạo đức giả. Sợ sự chai lì cảm xúc. Sợ khuôn mặt vô cảm. Sợ kiểu sống thực dụng, vơ vét. Sợ gặp gỡ… sợ tương giao, vì nơi đó, ta cảm thấy bất an, không tin nổi.

Đến cái sợ của tâm lý. Sợ cô đơn. Sợ bị quên lãng. Sợ bị coi thường...

Đến một lúc nào đó, ta chợt nhận ra và khiếp đảm sợ hãi cái “ rách nát” trong tương quan với tha nhân. Một nỗi sợ nặng ký, không cần phân tích, vì nó đã bẻ gãy tương quan giữa con người với nhau, tạo nên một hố sâu ngăn cách.

Không có yêu thương. Sẽ  chỉ là một thế giới vô nghĩa, đầy dẫy những nỗi sợ, khủng hoảng. Nó sẽ lý giải cho cái xã hội thực dụng, mà nơi đó, con người không ngần ngại bóc lột tha nhân, biến anh em mình thành dụng cụ, hàng hóa phục vụ cho mưu cầu riêng. Và người ta không còn biết gì nữa về khái niệm nhân nghĩa, bác ái, yêu thương. Con người cân đong đo đếm nhau dựa trên giá trị vật chất, trình độ, vi bằng, chức vụ. cướp mất giá trị đích thực quí giá, căn bản vốn có mà Thiên Chúa đã trao ban nơi mỗi người.

Và ta sẽ còn hoảng hốt,

sợ hãi tột cùng,

đổ toát mồ hôi, run rẩỷ…

…khi phải sống cùng kẻ “ nghèo”  tâm linh, nhưng lại “ giàu thói kiêu căng”, kẻ đã hái trộm - nuốt vội trái cấm để thực hiện khát vọng được bằng Thiên Chúa , sẵn sàng quay lưng lại với tình yêu của Thiên Chúa, chối từ và xô đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình.

Ta sợ hãi khiếp đảm. Bởi biết đó là nỗi bất hạnh tột cùng của con người khi chính con người dùng tự do của mình để chọn lựa một cuộc sống không có Thiên Chúa.

Bởi nó sẽ lý giải được biết bao thảm họa đau thương, những khốn cùng chất chồng, những phi lý, những bất công, bạo lực, giả dối, vô tâm, suy đạo đức … mà con người đang phải hứng chịu.

Một thế giới của sự chết…

… một thế giới mà con người phải xa cách Thiên Chúa mãi mãi.

Một nỗi sợ khủng khiếp nhất!

Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



 



[1][1] Theo các nhà tâm lý học John B. Watson, Robert Plutchik, và Paul Ekman

[2][2] . Định nghĩa của Wikipedia

[3][3] Nghiên cứu của TS.Adam Perkins – nhà khoa học chuyên ngành thần kinh học tại bệnh viện Maudsley – London - Anh

[4][4] X. Jacqueline Girard-Frésard, bác sỹ tâm lý, tác giả cuốn sách ‘‘Nỗi sợ hãi của trẻ’’ (Nhà xuất bản Odile Jacob, 2009) 

[5][5] một nhóm chuyên gia của Đại học Utrecht tại Hà Lan thực hiện thử nghiệm, Livescience đưa tin, được công bố trên tạp chí Psychological Science

[6][6] x. Bài “ Nhân bản nỗi sợ hãi” báo Tuổi Trẻ - thứ Bảy 29/09/2012

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     TRONG KHỐN CÙNG, CON TIN, NGÀI LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ CON. Nt Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     Hoang địa mới. MM Tân S.J.
     Chuyện dưới đất. MM Tân, S.J.
     SỐNG CHO SỰ THẬT: CON ĐƯỜNG TỬ ĐẠO. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     NĂM THÁNH ĐỨC TIN -10/2012 - 11/2013: ĐÔI DÒNG SUY TƯ. Antôn Lương Văn Liêm
     THẬP GIÁ và ĐỨC MARIA. G. Tuấn Anh
     THẬP GIÁ- ĐAU KHỔ hay VINH QUANG? G. Tuấn Anh
     SỨC MẠNH CỦA SỰ CẦU NGUYỆN. G. Tuấn Anh
     CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA BẰNG ÂM NHẠC. G. Tuấn Anh
     LỀ LUẬT LÀ DẤU CHỈ TÌNH YÊU HIỀN PHỤ CỦA THIÊN CHÚA.Linh Tiến Khải.