Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

NĂM THÁNH ĐỨC TIN -10/2012 - 11/2013

ĐÔI DÒNG SUY TƯ

Buoc-Chan-Chung_Tin180_com_001.jpg

Theo thống kê ngày 31/12/2010 của Bộ Loan Báo Tin Mừng trực thuộc tòa thánh Vatican, số lượng người tin nhận vào Thiên Chúa, vào Đức Kitô trên dưới 2 tỷ bao gồm Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo và các phái Tin Lành đang cùng sinh sống và làm việc với trên dưới 7 tỷ người trên toàn thế giới. Riêng người Công Giáo khoảng 1,2 tỷ người trải rộng khắp năm châu lục. Một con số thật khiêm tốn so với tổng dân số thế giới.

Tuy chỉ chiếm phần trăm nhỏ bé, nhưng có một điều lạ lùng, vì từ sau khi Đức Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha, còn lại 11 môn đệ thân tín đồng mang tâm trạng lo âu, sợ sệt và cả thất vọng, chán chường. Thời Công Vụ Tông Đồ, tức thời Giáo Hội sơ khai được bổ sung một người thay thế vị trí của Giuđa Ítcariốt (kẻ bán Chúa) nâng tổng số lên 12 người (x.Cv.1,1-26 ). Trong số 12 con người đó, đại đa số là những người ít học, nghề nghiệp bình dị. Ấy thế mà từ 12 con người bình dị và tầm thường đó đã gieo vãi hạt giống Đức Tin, quảng bá Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô, khởi đi từ Giêrusalem rồi lan tỏa ra khắp bốn bể năm châu. Khi nhắc tới 12 con người bình dị, tầm thường đó, người thời nay thường nói về họ: “12 con người làm thay đổi cái nhìn, cách nghĩ của thế giới”. Quả là diệu kỳ!

12 con người đó là ai? Xin thưa, là những con người đã được Thiên Chúa mời gọi, dạy dỗ, huấn luyện ngang qua Đức Kitô, được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với Đức Kitô, cùng chứng kiến tất cả những gì liên quan đến Đức Kitô, khi Ngài mặc lấy kiếp phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi (x.Lc.6,12-16). Giáo hội dạy ta gọi 12 vị ấy là các thánh Tông Đồ. Sau khi Đức Kitô Phục Sinh, về trời, nhờ ân sủng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, các ngài đã gầy dựng lên gia đình Giáo Hội. Ngày nay ta thường gọi là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền.

Nhiệm vụ chính yếu của 12 thánh Tông Đồ là rao giảng Tin Mừng, gieo hạt giống Đức Tin, hướng dẫn, mời gọi mọi người tin nhận Đức Kitô. Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật, Ngài đã xuống trần mặc lấy thân phận con người nhân loại, cùng ăn, cùng ở, cùng “đồng cam cộng khổ” với con người nhân loại; Ngài hằng dạy dỗ, an ủi, nâng đỡ những ai cùng khổ; mặc khải hồng ân Cứu Độ; Ngài đã tự hiến để trở thành của ăn nuôi sống tinh thần, trở thành của lễ đền tội cho con người nhân loại. Đặc biệt, Ngài đã dùng cái chết và sự Phục Sinh để cứu độ, khơi nguồn hy vọng, nguồn sống mới cho toàn nhân loại và dẫn đưa mọi người về Vương Quốc bất diệt.

Là người Kitô hữu, người Công Giáo, ta tự hào và hãnh diện về các thánh Tông Đồ. Ta cảm ơn các ngài vì nhờ sự hy sinh, dấn thân của các ngài mà ta được Thiên Chúa ân ban cho ta niềm tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô, tin vào Giáo Hội. Đó là ơn Đức Tin, Đức Tin đó ta thường tuyên xưng mỗi khi đọc kinh Tin Kính.

Bước vào tháng Mân Côi, tháng mà mọi người tín hữu Công Giáo hướng về Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Tháng Mân Côi năm 2012 cũng là tháng khởi đầu toàn thể Giáo Hội bước vào năm thánh Đức Tin. Theo ước nguyện và lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ XVI và của toàn Giáo Hội: “Mọi thành phần dân Chúa nhìn lại hành trình Đức Tin của mình giữa thời đại hôm nay. Nhìn lại sứ vụ, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và tìm ra phương thế hữu hiệu nhất trong việc vun trồng và tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô giữa lòng thế giới”. Giờ ta dừng lại đôi chút để nhìn lại đời sống Đức Tin dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Qua đó ta cùng với nhau sống Năm Thánh như lòng Chúa ước mong.

 Đức Tin là gì, từ đâu ta có? Đức Tin đem lại cho ta điều gì? Ta phải sống Đức Tin ra sao? Xin thưa:

ĐỨC TIN - LÀ ÂN BAN, LÀ QUÀ T ẶNG CỦA THIÊN CHÚA:

Đức Tin là ân ban, là quà tặng mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho ta như lời minh định của Đức Kitô khi Ngài phán với ông Phêrô: “ Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt.16,17).

 ĐỨC TIN - HOA TRÁI VÀ ĐẶC SỦNG:

Đức Kitô đã quả quyết: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: Nếu có ai nói với núi này: Dời chỗ đi, nhào xuống biển! Mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý” (Mc.11,22)

Kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai” (Rm.3,22). Vâng! Nhờ Đức Tin soi đường chỉ lối mà ta tin và xác tín Thiên Chúa là chủ thể, là Đấng tác dựng lên vũ trụ, vạn vật. Ngài nắm quyền sinh tử của con người nhân loại, Ngài là Cha luôn yêu thương con cái mình. Nhờ Đức Tin, ta tin thật Đức Kitô là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, Ngài cũng là người thật đã đến và ở giữa thế gian; tin Ngài đã chết và đã Phục Sinh Vinh Hiển, ta tin có cuộc sống mai hậu… Nhờ Đức Tin và sống Đức Tin giúp ta luôn sống trong hy vọng, lạc quan và yêu đời hơn, giúp ta sống nhân bản, vị tha và bác ái đối với mọi mối tương quan trong gia đình trần thế… Soạn giả Thuần Đức (đạo Cao đài) đã giới thiệu Đức Tin qua mấy vần thơ sau:

Ðức Tin là cái làm sao,

Ðức Tin là cái đắp cao Ðạo Trời.

Ðức Tin chở núi như chơi,

Mới hay thần lực muôn người khó đương.

Ðức Tin bày rõ Thiên đường,

Phân rành Ðịa ngục đôi đường khác xa.

Ðức Tin gầy dựng Ðạo nhà,

Ðường ngay chỉ tới, nẻo tà chỉ dang.

Ðức Tin đánh đổ dị đoan,

Khỏi điều lãng phí tiền ngàn bạc muôn.

Ðức Tin kềm chế trẻ con,

Giữ gìn Thánh chất, linh hồn sạch trong.

Ðức Tin quí hóa vô cùng,

Ai ơi ghi tạc vào lòng đừng sai.

Ðức Tin chớ để lung lay,

Một phen lầm vấp, ngàn ngày ăn năn.

ĐỨC TIN - ĐƯỢC TÔI LUYỆN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH:

Trong lịch sử Kinh Thánh đã để lại cho ta những tấm gương và lời nhắc nhở về sự tôi luyện Đức Tin qua những thử thách, gian truân:

Mẹ Maria đã từng chịu thử thách trong đời sống Đức Tin:

Sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh nghèo nàn (x.Lc.2,1-20).

Thinh lặng lắng nghe lời tiên báo của ông Simêon (x.Lc.1,33-35).

Vội vã cùng Thánh Cả Giuse đem con trốn sang Ai Cập (x.Mt.2,13-18).

Lạc mất con khi trẩy hội Đền Thờ (x.Lc.2,41-50).

Đau đớn đứng dưới chân Thập Giá Chúa (x.Ga.19,25-27).

Qua đời sống được tôi luyện trong thử tthách và khổ đau của đời sống Đức Tin. Mẹ đã trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế, Nữ Vương trời đất và là Mẹ của những kẻ tin.

Thánh Cả Giuse được tôi luyện đời sống Đức Tin qua việc từ bỏ ý riêng để thuận theo ý Chúa đón nhận Mẹ Maria về chung sống khi Mẹ đã mang thai Chúa Cứu Thế bởi quyền năng của Chúa Thánh thần. (x.Mt.1,18-25). Thánh Cả đã được Kinh Thánh gán cho mệnh danh là “Người Công Chính” (x.Mt.1, 19)

Thánh Gioan Tẩy Giả đã từng sống trong đêm tối của Đức Tin qua việc ngài bị cầm tù, chặt đầu khi ngài mạnh dạn bảo vệ Đức Tin và làm chúng cho sự thật (x.Mc,6, 17-29). Thánh nhân đã được Đức Giêsu khen tặng: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lc.7, 28).

Trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam ta còn đó những tấm gương đã được tôi luyện đời sống Đức Tin qua những bách hại, tù đày, tra tấn và cả cái chết. Điển hình là 117 vị đã được Giáo Hội tôn phong lên bậc hiển thánh. Còn rất nhiều những tấm gương: Ông Môsê, Ông Ápraham, Vua Đavít… và rất nhiều vị thánh đã được Giáo Hội tuyên phong lên hàng hiển thánh, á thánh.  

Quả thật, trong đời sống thường nhật, để có những thành quả, những chiếc huy chương trong các kỳ thi đấu, các vận động viên phải bỏ rất nhiều công sức trong quá trình tập luyện; những mong đạt được những tấm bằng cử nhân, cao học….các thí sinh phải hy sinh thời gian, tiền của và công sức để trau dồi. Trong lĩnh vực đời sống Đức Tin, ta có khác chi những vận động viên, khác chi nhưng thí sinh. Để Đức tin thực sự bền vững, thực sự trưởng thành thì Đức Tin đó phải được tôi luyện trong thách, gian truân, đôi khi phải lần mò trong đêm tối, khổ đau. Nói theo ngôn ngữ của thánh Giacôbê: “Đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc.1, 3).

Thánh Phêrô đã từng trải nghiệm trong đời sống Đức Tin và truyền đạt lại kinh nghiệm đó cho các giáo đoàn qua thư thứ 1 của ngài: “Giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện Đức Tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, Đức Tin đã được tô luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr,1-7).

ĐỨC TIN - HÀNH ĐỘNG VÀ ĐƯỢC LAN TỎA:

Con người được Thiên Chúa sinh dựng có nam, nữ, có gia đình và được đặt để sống chung giữa xã hội và Giáo hội, không ai sống đơn lẻ, không là những ốc đảo, không là những dòng sông tù - đọng- chết…. Để dòng sông nước luôn trong xanh, là nơi sinh sống tốt của các loài cá, dòng sông đó phải được thông thương, liên đới, đón nhận và cho đi, nó phải được hòa nhập với các nhánh, kênh, rạch và cả biển khơi, nó cùng gánh chịu, chuyển mình khi bị phong ba bão táp. Dòng sông nào bị cô lập, thì điều tất yếu nó trở thành dòng sông chết, nước đục, là nơi không đem lại vẻ đẹp, sự sống cho chính nó và các loài sinh vật cần đến nguồn nước.

Trong mối tương quan giữa con người với con người, ta khác chi những dòng sông, đặc biệt là trong mối tương quan đời sống Đức Tin. Đức Tin là ân ban, là quà tặng từ nơi Thiên Chúa, đã là quà tặng, sự ân ban, việc đầu tiên ta chia sẻ với và cho mọi người. Quà tặng và ân ban đó không chỉ đóng khung với mình ta hoặc với những cá nhân “đồng hội đồng thuyền” nhưng phải được lan tỏa ra cho tất cả mọi người, từ những người đồng chí hướng cho tới những người luôn chống đối, là kẻ thù…qua lời nói, hành động. Thánh Giacôbê đã nói: “Đức Tin không hành động là Đức Tin chết” (Gc.2,17). Qua hành động và sự lan tỏa với và dến mọi người trong Đời sống Đức Tin sẽ đưa đến điều diệu kỳ mà thánh Phaolô đã mô tả: “Vì có được một lòng tin, một ân ban, như đã chép: Tôi tin nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi cũng nói” (2Cr.4,13).

ĐỨC TIN - ÂN ĐỀN, NGHĨA TRẢ:

Là những người lãnh nhận ân ban, quà tặng Đức Tin từ nơi Thiên Chúa, những người được thừa hưởng ơn Đức Tin từ các thánh Tông Đồ. Vì thế, “Ân đền, nghĩa trả” là đạo làm người, dẫu biết rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng nhân ái, Ngài không bắt ta phải hàm ơn Ngài, nhưng qua việc đền ơn, đáp nghĩa giúp ta xác tín hơn về niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Trình thuật Tin Mừng của thánh sử Luca giới thiệu cho ta tấm gương của người Sa-ma-ri, anh ta là trong số mười người phong hủi được Đức Kitô chữa lành. Sau khi được chữa lành, anh đã đến bái lạy, cảm tạ Đức Kitô, hành động của anh đã làm Đức Kitô ngạc nhiên khi Ngài hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này. Rồi Người nói tiếp: Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc.17,17-19).

Việc đền ơn đáp nghĩa cũng minh chứng ta là hậu duệ của các thánh Tông Đồ. Riêng đối với ta là hậu duệ của các thánh Tử Đạo Việt Nam, ta ghi ơn, đền ơn các ngài, vì nhờ sự hy sinh, nhờ những giọt máu của các ngài đổ ra mà hạt giống Đức Tin được triển nở và lan tỏa trên khắp quê hương. Đặc biệt, qua việc đáp đền ân nghĩa nhắc nhở ta ý thức hơn việc nuôi dưỡng và làm cho trưởng thành, nhất là việc ta tuyên xưng Đức Tin của mình cho mọi người và ở mọi nơi. Đây là trách nhiệm, là bổn phận của ta. Để rồi trong từng ngày sống ta luôn dâng lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa, ta cám ơn các vị tiền bối và luôn biết noi gương của các ngài trong đời sống Đức Tin.

Mẹ Maria, Mẹ của những kẻ tin, vì thế trong tháng Mân Côi, tháng khởi đầu Năm Thánh. Ta hướng về Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi, để nhờ Mẹ giúp ta ý thức hơn nữa về đời sống Đức tin, ý thức hơn trong tâm tình tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa đã ban tặng nhưng không cho ta ơn Đức Tin. Đặc biệt, ta xin Mẹ giúp ta tuyên xưng niềm tin, trau dồi và làm lan tỏa đời sống Đức Tin của ta cho hết mọi người, nhất là những người chưa nhận biết Chúa qua cách sống hằng ngày, qua công việc và bổn phận bình thường của ta.

Kính mừng Maria, Mẹ đầy ơn Chúa! Kính Mừng Maria, Mẹ đầy đau khổ! Kính mừng Maria, Mẹ tin trong thử thách. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời! Xin giúp chúng con bây giờ và mãi mãi. Amen.

Sài Gòn, ngày 27/09/2012

Antôn Lương Văn Liêm


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     THẬP GIÁ và ĐỨC MARIA. G. Tuấn Anh
     THẬP GIÁ- ĐAU KHỔ hay VINH QUANG? G. Tuấn Anh
     SỨC MẠNH CỦA SỰ CẦU NGUYỆN. G. Tuấn Anh
     CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA BẰNG ÂM NHẠC. G. Tuấn Anh
     LỀ LUẬT LÀ DẤU CHỈ TÌNH YÊU HIỀN PHỤ CỦA THIÊN CHÚA.Linh Tiến Khải.
     VẤP NGÃ.Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
     TÌM NGHE TIẾNG CHÚA: HẠNH PHÚC TRONG CUỘC ĐỜI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     YÊU THÍCH TĨNH LẶNG: XƯA…VÀ NAY. Nt. T. Ngọc Lễ, ĐMTT
     CON ĐÃ SỐNG XA CHÚA. MM Tân, SJ.