THẬP GIÁ và ĐỨC MARIA
Suy niệm về Thánh Mẫu học, chúng ta hay nghiên về các chủ đề liên quan đến những ân phúc mà Đức Maria được Thiên Chúa trao ban một cách đặc biệt. Nhưng có một qui luật tự nhiên mà chúng ta từng biết và Chúa Giêsu đã nói trong Ga 12, 24 “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Và Mẹ Maria, để đến bờ vinh quang viên mãn cũng trải qua con đường thập giá, con đường mà Người Con đã chọn lựa. Con đường ấy cũng trở thành một biểu trưng trong đời sống các Kitô hữu trên đường lữ hành về quê Trời.
Giáo hội chọn ngày 15.9 làm lễ nhớ bảy sự thương khó của Đức Maria, sau ngày 14.9 là lễ suy tôn Thánh Giá, nhằm nhắc nhở cho chúng ta sự tử đạo tinh thần của Mẹ Thiên Chúa. Đây là một dạng thức thánh giá mà Mẹ đón nhận, được bao hàm trong cụm từ “xin vâng” nổi tiếng của Đức Maria, khi đối đáp với thiên sứ Gabriel.
Những ai đã từng nhận thiên chức làm cha, mẹ chắc sẽ thấu hiểu phần nào nỗi đau của Đức Maria, nếu phải chứng kiến người con duy nhất- đầy quyền năng với vô vàn các phép lạ đã làm, bị hành hình, bị treo lên, bị sỉ nhục, bị đóng đinh cho đến chết.
ĐHY P.X Nguyễn Văn Thuận chia sẻ như sau “bằng cả cuộc sống, Mẹ Maria cũng kết hiệp với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu cho toàn nhân loại. Một lưỡi gươm đã đâm thâu tâm hồn Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn đứng vững, một mình, can đảm”.
Khi đứng vững vàng bên thập giá trên đồi Canvê dù đau đớn đến tột cùng, Mẹ trở thành một mẫu gương sống động cho đời sống của Hội Thánh. Một Hội Thánh sẽ trải qua các giai đoạn gian khổ, đau thương nhưng “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18)
Khi xã hội ngày càng có xu hướng chọn lối sống hưởng thụ, thì lí thuyết về thập giá càng trở nên xa lạ, nó đồng nghĩa với con người ngày càng đứng xa Thiên Chúa. Trong những lần hiện ra ở Fatima, Lộ Đức. . . Đức Mẹ đã nhiều lần cảnh báo lối sống thực dụng ấy, và nó trực tiếp làm trái tim Mẹ Maria phải đau đớn một lần nữa.
Chúng ta khó có thể nói yêu, kính Mẹ Maria nhưng cứ mãi sống theo những bản năng của nhục thể. Bao lâu chúng ta chưa can đảm đóng đinh các bản năng ấy, nghĩa là chúng ta trực tiếp làm trái tim Mẹ lại thổn thức và khổ đau.
Tăng trưởng đức tin là một quá trình. Trước khi có đủ sức mạnh của thần khí để rời xa các thuộc tính yếu đuối của xác thịt, chúng ta cần liên lỉ cầu xin Chúa Thánh Thần. Nhờ ơn Ngài, bản năng nhục thể ngày càng nhỏ lại. Và theo đó, thần khí sẽ được lớn lên.
Xin lấy lời kinh của ngày lễ: Đức Maria sầu bi làm lời kết:
Lạy Đức Mẹ Đau Thương, những nỗi đau đớn nhiều khi bao chiếm và làm con quằn quại. Trong những giờ phút ấy, khi con không thể làm được điều gì tốt lành – khi con không sao suy tư một cách sáng suốt – con xin gục đầu vào Trái Tim Tân Khổ của Mẹ.
G. Tuấn Anh