TÌM NGHE TIẾNG CHÚA: HẠNH PHÚC TRONG CUỘC ĐỜI
Một thế giới đầy dẫy những tiếng ồn.
Có lẽ phải nói rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới của tiếng ồn, một nhận định có lẽ không sai đối với những cư dân sinh sống trong các thành phố, trong các vùng đang bị đô thị hóa, được san lấp mặt bằng bởi các khu công nghiệp mọc lên như nấm.... Đi đến đâu, những tiếng ồn, những âm thanh được tăng volume đến cực đại cũng vây quanh mỗi người, và thống trị khắp nơi. Dù có cả quy chuẩn về độ rung, tiếng ồn của luật pháp đối với các công ty, tập thể, hay cá nhân … nhưng dường như nó không có hiệu lực là bao khi cuộc sống bị tra tấn bởi hàng ngàn âm thanh khó chịu. Con người thời đại đang bị ô nhiễm bởi những tiếng ồn: từ âm thanh nghe được,
và cả những tiếng ồn “ không âm thanh” trong tâm hồn…
Tiếng ồn “bên ngoài”: những hệ lụy phiền toái.
Thời đại của kinh tế thị trường, của ngành sản xuất công nghiệp hiện đại, của nền văn minh nửa chừng, của những niềm vui giả, của nhận thức hạn chế trong cái nhân bản, cái văn hóa … đã làm nên những tiếng ồn, những âm thanh khó chịu. Dù muốn dù không, con người thời đại hôm nay đang bị ảnh hưởng và có thể đang nô lệ hóa cho những tiếng ồn ào của cuộc sống.
Từ tiếng ồn thực – âm thanh vượt trên mức cho phép- có những người không hề cảm nhận ra đó là tiếng ồn, là âm thanh “ chói” đối với đôi tai của mình, có thể do họ đã quá quen, nhưng cũng có thể đó là sở thích, là cái “ gu”, là cảm giác mạnh phù hợp với con người của họ, và chẳng xem đó là chuyện đáng phải bàn. Thiếu tiếng ồn quen thuộc, họ cảm thấy lạc long, dường như mất chân không, cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó trong cuộc đời, cảm thấy đời hình như quá tẻ nhạt. Phải ồn ào. Phải là âm thanh với đề-xi-ben cực đại mới thể hiện đẳng cấp ! Nhưng cái đẳng cấp ấy, một ngày nào đó, sẽ dẫn đến triệu chứng “ không nghe rõ “ mà bệnh lý chỉ rõ đó là tình trạng của “ điếc”, một triệu chứng mà tự họ chuốc lấy!
Nhưng cũng là tần suất volume ấy, đối với người khác, lại là một sự khó chịu, bởi họ không là “ tín đồ” của dòng âm thanh “ dị biệt” này. Nó gây nên một sự căng thẳng, một cuộc sống khó chịu, một dòng đời thật mệt mỏi. Bởi tiếng ồn , thứ âm thanh hỗn hợp của cả mức độ cao của âm thanh, và cường độ âm thanh không hài hòa đã chấn động đến tâm lý, thể lý con người, khiến cho họ dễ buồn bực và phương hại tới sức khỏe. Và rồi họ trở thành “ nạn nhân” của tình trạng đôi tai bị tật bệnh về khả năng nghe, bị khiếm thính.
Những tiếng ồn thực làm nên một thế giới, một cuộc sống xô bồ, vội vã, nóng nảy và thiếu kiên nhẫn. Tiếng ồn chi phối âm lượng trong câu nói, khiến con người phải tăng thêm tần suất âm thanh của giọng nói, mới có thể truyền tải được ý của mình cho người khác. Cố gắng để nói, để gào trong thế giới đầy tiếng ồn, khiến con người bị hao tổn sức lực, bị căng thẳng, dễ nổi giận và rất dễ bị mất sự tự chủ trong giao tiếp với người khác.
Tiếng ồn “ bên trong” : cuộc sống bất an, thiếu vắng hạnh phúc.
Rất dễ nghe thấy tiếng ồn “ bên ngoài”, nhưng không dễ để nghe được tiếng ồn” bên trong” của đời sống. Tiếng ồn “ bên trong” cũng hình thành từ cuộc sống của con người và tùy thuộc vào đời sống nội tâm của từng người. Tiếng ồn đó là gì, ra sao, thế nào… không phải là cái mà người ta có thể dùng kỹ thuật để đo được độ rung, tần số đề-xi-ben của nó, và quy kết đó tiếng đó có ồn hay không ồn. Nó không dễ bị nhận ra…và được sống “chung hòa bình” trong cuộc đời, trong nhận thức, trong nhân cách, và trong cả đời sống tâm linh của con người.
Tiếng ồn của “cái tôi”.
Tiếng ồn của cái tôi ích kỷ làm cho con người ta trở nên điếc, khiếm thính, bẻ gãy mối tương quan với tha nhân và với cuộc đời. Tiếng ồn là sản phẩm của tôi - “made in myself”- nên tôi vừa là ông chủ, nhưng cũng là “nạn nhân”.
Tôi nói, tôi nói và tôi nói. Phần anh: nghe. Một kiểu thống trị của tiếng ồn “độc tôn” trong tương giao làm cho người ta trở nên khiếp sợ. Không có đối thoại, chỉ có áp lực, ích kỷ và kiêu căng.
Anh nói. Tôi không nghe rõ. Vì tôi chỉ nghe được mình Không nghe, không biết anh nói gì. Tôi điếc. Tôi là số một. Anh chỉ là thứ yếu.
Tôi điếc nên tôi tẩy chay anh. Yêu thương không có chỗ đứng trong tôi.
Tôi điếc nên tôi không biết thông cảm vì tôi chỉ nghe được chính mình, không bén nhạy và kém khả năng nghe được xúc cảm của anh.
Tôi cố tình tăng volume cái tôi, để tranh giành ảnh hưởng, để tìm vinh quang, để đánh bóng hình ảnh mình. Tôi làm anh nhức đầu, mệt mỏi bởi cái vị kỷ nhỏ nhoi của mình.
Tôi tăng âm lượng để trục lợi, lừa dối anh và lừa gạt cả chính mình.
….
Cuối cùng, tôi chỉ là con người đáng thương, tội nghiệp trong cái thế giới tiếng ồn của chính mình.
Không chỉ trong tương quan với tha nhân,
Và trong đời sống đạo đức, có những “ tiếng ồn của thế gian” khiến con người không thể nghe được tiếng Chúa nói với họ trong cuộc đời.
NGHE TIẾNG CHÚA - HẠNH PHÚC CHO CUỘC ĐỜI.
Chúa nói với con người mỗi giây, mỗi phút và mỗi ngày, trong mỗi biến cố vui buồn, trong thành công và trong thất bại. Tiếng Ngài không thể được nghe thấy nếu đôi tai tâm hồn đang bị chi phối bởi muôn vàn âm thanh ồn ào khác. Những yếu tố tác động gây ra tiếng ồn không chỉ đến từ thế giới bên ngoài, nhưng còn hình thành từ thế giới nội tâm của con người, gây nên một cản trở và dễ làm cho con người trở không thể nghe được Lời của Thiên Chúa. Cách này hay cách khác, con người tự tạo ra tiếng ồn đối nghịch với tiếng tình yêu của Thiên Chúa. Những tiếng ồn của sự dữ, của bất công, của bạo lực, của chiến tranh, của ganh ghét, của hiềm thù, của chiếm hữu, của ích kỷ, của kiêu căng, của cố chấp, của độc tài, của một trái tim không biết yêu thương.
Không phải vì Ngài bất lực, hay thua yếu trước những “ âm thanh ồn ào” của thế gian, đến nối không thắng vượt được những tiếng ồn của cái xấu, của sự dữ , của những ích kỷ, của sự tham lam, của sự thụ hưởng, của chủ nghĩa cá nhân… Nhưng Thiên Chúa, Đấng là Chủ mọi thọ tạo, Đấng dựng nên vũ trụ và con người luôn có sáng kiến yêu thương, và kế hoạch cho chương trình cứu độ con người. Thiên Chúa, Đấng luôn biểu lộ yêu thương bằng sự kiên nhẫn, chờ đợi con người nhận ra những lầm lỗi, sám hối và quay trở lại với Ngài. Lịch sử cứu độ nhân loại là những minh chứng cho kế hoạch yêu thương: Ngài vẫn thầm thì, vẫn nói, vẫn trao ban sứ điệp của Ngài cho con người qua muôn thế hệ, cho dẫu con người cố tình giả điếc làm ngơ.
Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do để lựa chọn, để tìm cho mình một con đường hạnh phúc: làm cách nào đó để nghe thấy được tiếng của Ngài. Đó là quyền của con người để tìm cho mình một đời sống hạnh phúc hay đau khổ. Tự do của con người mà Thiên Chúa ban tặng, hoàn toàn là một sáng kiến tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Họ có quyền để tự quyết cuộc đời của mình qua việc lắng nghe hay không muốn nghe tiếng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Tự do mà Thiên Chúa trao ban cho con người là một quà tặng quý giá, xứng với nhân phẩm, giá trị của con người thọ tạo trước Đấng Tạo Hóa. Đó không phải là một thứ tự do giả. Nhưng là một tự do đích thực. Với sự tự do của ân ban Thiên Chúa dành tặng, con người sẽ dễ dàng vượt ra khỏi thế giới của ồn ào, để đi vào một thế giới của thinh lặng, nghe được tiếng của Ngài, nếu con người biết tìm đến Thiên Chúa và nhờ Ngài trợ giúp. Điều này cho thấy, chính Thiên Chúa mới là sức đỡ nâng, là nguồn trợ giúp mạnh mẽ để con người có thể thắng vượt được những “ tiếng ồn nguy hại” , và nghe được tiếng Thiên Chúa. Ngài sẽ dẹp những ồn ào xao động trong tâm hồn của con người, và giúp họ đi vào một khu vườn của thinh lặng, nơi đó, chỉ có tiếng của Thiên Chúa nói, và tiếng của con người đáp trả với Đấng Yêu Thương.
Tiếng của Thiên Chúa, Lời của Ngài đưa con người đến hạnh phúc, đến sự sống đích thực, đối với những ai khát khao, chờ mong nghe được tiếng của Ngài. Chỉ cần khát khao, yêu thương và khiêm tốn đặt cả cuộc đời trong tay Thiên Chúa, Ngài sẽ gạt đi những ồn ào vô bổ, những âm thanh hỗn tạp…để chỉ còn tiếng Ngài cho những ai để Ngài hướng dẫn, như “ trẻ thơ nép mình long mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui “ ( Tv 131, 2b), để cuộc đời được hạnh phúc trong Thiên Chúa, và được Ngài cứu độ.
Nghe được tiếng của Ngài, thi hành thánh ý Thiên Chúa đưa đến một cuộc đời hạnh phúc tuyệt vời cho con người “ Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” ( Lc 11,28)
“Lạy Chúa con dâng lời ca tụng,
Thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
….
Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng.
Hơn là được tiền rừng bạc bể.
…
Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay,
Nên hồn con tuân giữ.
Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng,
Cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường.”
( Tv 119, 129-130)
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT