THẬP GIÁ- ĐAU KHỔ hay VINH QUANG?
Trong lời cầu nguyện hay lời kinh hàng ngày, chúng ta rất ít hoặc thậm chí không bao giờ xin được vác thánh giá theo chân Chúa. Trong khi ấy, Chúa Giêsu lại yêu cầu với các môn đệ như sau: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mẫu tin 16, 24).
Giữa làn ranh của hai thế giới nhục thể và thần khí, chúng ta tự chọn lựa cho mình một vị trí đứng sâu trong thế giới của xác thịt, vì thế thập giá là khái niệm xa lạ trong các lời cầu kinh. Chúng ta cũng như nhiều người ngoài cuộc, xem thập giá là một loại khổ hình, một cái chết thảm khốc, chen lẫn cả sự hỗ thẹn. Trong khi đó thập giá là dụng cụ mà Thiên Chúa sử dụng để cứu chuộc con người, gợi lên sự vinh hiển của Đức Giêsu, nơi mà Ngài chiến thắng sự chết. Thánh Phaolô trong Ga 3, 13 viết “Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! Như thế là để nhờ Đức Giê-su Ki-tô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí”.
Hàng ngày luôn xảy ra các cuộc chiến đấu cam go của mỗi cá nhân trong việc chọn lựa lối sống theo nhục thể hoặc thần khí, ở một nghĩa khác, chúng ta theo hay từ chối thập giá? Thánh Phao lô bàn về vấn đề này như sau “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được. Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa” (Rm 8, 5).
Thập giá là công cụ, nhờ nó thuộc tính nhục thể nơi con người bị nhỏ lại và bị chết đi để thuộc tính thần khí ngày càng lớn mạnh. Với góc nhìn như thế, cây thập giá trở thành cây của sự sống. Thập giá là đau khổ với những đặc trưng của nhục thể, là vinh quang với đời sống thần khí.
Xu hướng của nhục thể thì trái chiều với xu hướng của thần khí.
Nhục thể mong muốn giàu sang, thần khí thì lôi kéo về nghèo khó.
Nhục thể không ngần ngại tranh chấp, thần khí lại ngã về hiền lành.
Nhục thể cầu mong cười cợt, thần khí lại nghiên về khóc than.
Nhục thể yêu thích gian trá, thần khí lại hỗ trợ đời sống chính trực.
Nhục thể phục vụ chính mình, thần khí thì kêu gọi lòng thương xót người khác.
Nhục thể chạy theo ham muốn xác thịt, thần khí thì lôi kéo cuộc sống trong sạch.
Nhục thể sẵn sàng gây chiến tranh, thần khí lại ưa chuộng hòa bình.
Nhục thể chọn lối sống cuốn theo chiều gió, thần khí thì chấp nhận bị ngược đãi vì lẻ công chính.
Suy tôn Thánh giá, chúng ta cùng nghe lại câu nói nổi tiếng của thánh Phaolô trong Ga 6, 14 “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.
Lạy Chúa Giêsu, “xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập Gía trên đường đời con. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống vơi Ngài vinh quang”.
G. Tuấn Anh