CHỦ NHẬT 3 PHỤC SINH
Đức Ki tô đã vượt qua cõi chết để bước vào cõi sống. Tin Mừng là con đường thành công, nhưng cũng như mọi thành công khác, nó phải đi qua thử thách và kiên trì. Nó là con đường của sự sống, và cũng như mọi sự sống đúng nghĩa, nó đòi hỏi sự phục vụ và tình yêu trong đó con người tự hiến. Chúa Giê su đã trải qua đau khổ, thất bại và sự chết để bước vào Cõi sống.
Sách Công vụ 5,27b-32.40b-41
Vui mừng vì được chịu đau khổ. Các Tông đồ là những Chứng nhân cho Đức Ki tô. Theo chân Ngài, có vô số tín hữu trong dòng Lịch sử, sẽ đối đầu với những kẻ không muốn chấp nhận sự thật, công lí. Chúng ta cũng thế, chúng ta là những Chứng nhân cho Chúa. Nhưng bằng cách nào?
Thánh Vịnh 29
Thánh Vịnh nầy là một Thánh ca mừng chiến thắng hát dâng Thiên Chúa vì Người đã phục hồi sự sống sau thử thách. Có lẽ nó đã được sáng tác ngay sau khi từ Lưu đày trở về. Đặc biệt, nó thích hợp để diễn tả niềm vui ki tô giáo sau Phục sinh. Một cuộc sống mới bắt đầu.
Sách Khải Huyền 5,11-14
Thị nhân trong sách Khải Huyền diễn tả niềm xác tín sâu xa của mình: người ki tô hữu phải nắm bắt tầm quan trọng của biến cố Phục sinh. Đức Ki tô, Con Chiên đã chiến thắng. trong Ngài tỏ hiện một cách sung mãn hạt giống vinh quang chờ đợi tất cả mọi người ki tô hữu còn đang đối đầu với mãnh lực của thế gian và Ma quỉ.
Tin mừng Ga 21, 1-19
NGỮ CẢNH
Các câu 30-31 của chương 20 tạo thành kết luận cho toàn bộ sách Tin Mừng. Tuy nhiên trong chương 21, trình thuật lại tiếp tục: dấu vết rõ ràng của một giai đoạn khác trong việc soạn thảo. Chương 21 nầy đã được thêm vào sau khi toàn bộ các chương 1-20 đã được soạn tác, hay thuộc về một trong những nguồn khác của sách tin mừng, trong đó còn nhiều đoạn khác nữa ? khó mà trả lời cho chính xác. Dù sao thì Hội Thánh công nhận tất cả 21 chương sách Tin mừng Gioan là Lời Thiên Chúa.
Chương cuối cùng nầy là một chứng từ tuyệt vời về Đức Ki tô phục sinh và về tương quan giữa các tín hữu và Người. Nó được chia ra làm hai đoạn : mẻ cá lạ lùng (21,1-14) và cuộc đối thoại giữa Chúa Giê su và ông Phê rô (21,15-23); để sau cùng kết thúc với lời kết luận thứ hai của Tin mừng (21,24-25).
TÌM HIỂU
Biển hồ Tibêria: câu chuyện xảy ra ở Galilê, sau khi Phê rô và các bạn chài lui về quê trở lại nghề cũ. Việc nầy chứng tỏ ngay từ đầu nhóm môn đệ phân tán, mỗi người mỗi ngã (x. Mt 26,31; Mc 14,27). Còn Luca thì ngược lại nói rằng họ vẫn còn nán lại tại Giêrusalem (Lc 24,53; Cv 1,12-14).
Simon Phêrô: đây là bản danh sách môn đệ duy nhất được Gioan lưu lại. Cũng như trong các bản danh sách khác, Phê rô là người được gọi tên trước hết. Con số bẩy mang một ý nghĩa. Trong khi con số 12 chỉ toàn bộ dân Israel, thì số 7 lại chỉ tính phổ quát, gợi lên các dân ngoại mà việc rao truyền tin mừng đang nhắm đến (x. Mc 8,5; Cv 6,3). Nhóm môn đệ nầy, có lẽ đại diện cho nồng cốt của Hội Thánh sắp ra đi rao giảng tin mừng cho các dân ngoại.
Cùng đi với anh: các môn đệ qui tụ chung quanh ông Phê rô. Chính Chúa Giê su hiện ra cho nhóm người nầy.
Họ không bắt được gì cả: cùng một lời khẳng định như thế trong Luca 5,5 về công việc suốt đêm của các môn đệ và sự thất bại của họ gợi lên những khó khăn mà Hội Thánh đang gặp phải trong thời của Gioan.
Đức Giê su đứng trên bãi biển: dịch sát: « Chúa Giê su đang đứng đó » (x. 20,14.19.26).
Không nhận ra đó chính là Đức Giê su: chúng ta thấy ở đây, cũng như ở 20,14 trường hợp của Maria Mađalêna hay ở Luca 24, 16 trong trường hợp các môn đệ làng Em mau, chủ đề về « sự nhận biết ». Nó cho thấy cái nhìn của Đức tin lúc đầu tiên luôn luôn là do dự, thậm chí mù quáng nữa.
Này các chú: x. Ga 2,14.18... Đây là nơi duy nhất trong tin mừng cho thấy Chúa Giê su hỏi các môn đệ bằng từ: « các chú ».
Không có gì ăn ư ?: nhiều lần Chúa Giê su đã khởi sự đối thoại bằng cách hỏi một điều gì đó: nước với chị phụ nữ Samaria (4,7), bánh với Phi líp (6,5). Liền sau đó, ngài tự mạc khải như là đấng ban phát.
Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi: ở đây biểu lộ quyền uy của Chúa Giê su khiến các môn đệ vâng lời người lạ mặt mà không nói lời nào. Chúng ta gặp lại hình ảnh lưới cá trong dụ ngôn của Mt (13,47-50).
Đầy những cá: sự phong phú thường có trong các phép lạ của Chúa Giê su trong tiệc cưới Cana (2,6) và bánh hóa nhiều. Đó là dấu chỉ cho thấy sự rộng lượng của Thiên Chúa và sự vô hạn nơi quà tặng mà Người ban cho ngang qua Chúa Giê su.
Chúa đó !: Đây là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê su, như đã thấy nơi miệng của bà Mađalêna (20,18), nhóm Mười Một (20,25) và Tôma (20,28). Như trong 20,4.8 người môn đệ Chúa Giê su yêu mến là người đầu tiên và sớm nhất đã đến gần mầu nhiệm. Tình yêu trung thành của cộng đoàn các tín hữu là động lực thúc đẩy đức tin tiến triển.
Ông Simon: ông nhảy xuống biển bằng tất cả sức mạnh của niềm tin. Nhưng ông đã phải cần đến lời của một môn đệ khác để nhận ra Chúa. Ông mặc áo vào để tỏ lòng kính trọng Chúa.
Có sẵn than hồng: trong toàn bộ Tân Ước, từ hi lạp trong nguyên bản chỉ xuất hiện duy nhất một lần ở đây và ở câu 18,18. Nó nhắc lại khung cảnh mà Phê rô ba lần chối Chúa Giê su, trước khi Ngài giúp cho ông ba lần nói lên tình yêu của mình: « Lạy Chúa, Ngài biết con yêu mến Ngài » (21,15-17).
Cá – Bánh: sau khi lưới cá, người ta dọn bữa. Như trong Luca 24,30, Chúa Giê su phục sinh cho các môn đệ của Ngài ăn (x.21,13). Theo Gioan, thì chính Chúa chuẩn bị và mời họ ăn. Hội Thánh biết tìm gặp Chúa Giê su phục sinh nơi bàn tiệc Thánh thể và nơi tiệc sự sống vĩnh cửu.
Đem lại dây: xem ra đây là một lời mời thừa thãi vì Chúa Giê su đã chuẩn bị tất cả và tất cả đã được Ngài ban cho. Nhưng mầu nhiệm của Hội Thánh vẫn còn đó: Chúa hoàn thành mọi sự, nhưng ngài đòi chúng ta phải cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài.
Một trăm năm mươi ba con: dường như con số nhằm nói lên ý nghĩa phổ quát. Thánh Hiêrônimô nói rằng các nhà nghiên cứu sinh học thời cổ đại tính trong thiên nhiên có đến 153 loài cá.
Lưới không bị rách: chỉ có hai lần Gioan dùng động từ nầy, ở đây và trong câu 19,4 nói về chiếc áo dài không có đường chỉ khâu. Lưới không rách dù đang chứa một lượng cá khổng lồ như thế, là hình ảnh chỉ Giáo Hội. Ngang qua mọi thử thách nối dài cuộc khổ nạn của Chúa Giê su nơi các tín hữu, Thiên Chúa muốn gìn giữ sự duy nhất. Như thế loài người mới có thể được hướng dẫn đến với Người (17,21.23).
Ông là ai ?: đây là câu hỏi được đặt ra trong suốt quyển sách Tin Mừng. Đối với các môn đệ đã nhìn thấy Ngài sống lại và cả những ai « đã biết rằng đó là Chúa », sự hiện diện của Chúa vẫn còn bị bao phủ bởi một màng che mầu nhiệm luôn luôn vượt ra ngoài sự hiểu biết của họ. Vẫn luôn có một khoảng cách giữa Đức Ki tô và những người tin vào Ngài.
Cầm lấy bánh: kiểu nói gần như y hệt cách thức mô tả cử chỉ của Chúa Giê su trong khi hóa bánh ra nhiều (6,11). Cũng kiểu nói đó nhưng chi tiết hơn trong bữa ăn làng Emmaus (Lc 24,30). Tất cả các trình thuật nầy qui chiếu đến nghi thức Tiệc Tạ ơn.
Lần thứ ba: ghi chú nầy nối kết trình thuật ở c. 20 kể lại hai lần hiện ra của Chúa Giê su cho các môn đệ.
SỨ` ĐIỆP
Bài tin mừng hôm nay đưa chúng ta trở lại môi trường đánh cá; ai đã từng sống bằng nghề nầy đều biết rằng đó là một nghề cực nhọc, đòi hỏi nhiều công sức, nhưng nhiều lúc chẳng lưới được con cá nào. Chính trong bối cảnh đó mà Chúa Giê su đã tỏ mình cho các môn đệ của Ngài sau khi sống lại. Ngài còn biến mẻ cá thành biểu tượng cho sứ mạng “đánh cá người”.
Vậy sau khi Chúa Giê su chết, ông Phê rô quyết đi trở về nghề cũ. Các Môn đệ khác cũng theo ông. Họ quay trở lại căn nhà, con thuyền và chiếc lưới mà trước kia các ông đã bỏ lại cách đây hai năm rưỡi. Đối với họ, đó là một sự thất bại. Họ đánh cá thâu đêm mà không được gì. Trong tâm hồn vẫn còn nặng trĩu nỗi đau của ngày thứ sáu: họ đã mất tất cả: Chúa Giê su đã bị bắt và bị lên án; ông Phê rô đã chối Thầy mình ba lần và chưa được tha thứ.
Bài tin mừng nầy đã được viết vào cuối thế kỉ thứ nhất cho các ki tô hữu đang bị bách hại ghê gớm. Một vài người đã sợ cho cuộc sống họ nên đã chối bỏ Đức Ki tô. Làm sao mà sống đức tin trong một thế giới thù nghịch như thế? Nhiều khi bản thân chúng ta cũng cảm nghiệm một cách nào đó những nỗi khó khăn tương tự. Như ông Phê rô và những tông đồ khác, chúng ta mang gánh nặng của một khuyết điểm, một thất bại, một sự hèn nhát. Ngày nay, người ta chứng kiến các gia đình chia rẽ, xã hội bị chế ngự bởi quyền lực của đồng tiền, bạo lực tràn lan khắp nơi khiến chúng ta thất vọng. Chúng ta vẫn tiếp tục chèo chống đi ngược dòng để loan báo Tin mừng Đức Ki tô, nhưng lưới vẫn trống không. Nhiều lúc các linh mục, Giáo lí viên, các nhà giáo dục, và cha mẹ thất vọng vì kết quả việc làm của họ.
Giữa hoàn cảnh đen tối ấy, Thánh Gioan loan báo cho chúng ta tin mừng: Chúa Giê su đứng trên bờ, mà các môn đệ lại không nhận ra Ngài. Không phải vì khoảng cách hay sương mù buổi sáng. Khó khăn phát xuất từ trong tâm hồn “chậm tin” của họ. Sương mù giăng kín trong tâm trí u ám của họ. Thật ra, họ tìm Chúa Giê su không đúng chỗ. Đức Ki tô phục sinh đã đi vào một thế giới khác hẳn. Để nhận ra Ngài, cần phải có bước đức tin phục sinh. Đối với chúng ta, khó khăn cũng giống như thế: nếu chúng ta quá để tâm đến những lo lắng vật chất và tất cả những gì khiến chúng ta xa rời Ngài, không thể nhận ra Ngài.
Còn Chúa Giê su, Ngài luôn hiện diện. Ngài đến gặp chúng ta để sưởi ấm niềm hi vọng. Như Phê rô, chúng ta được mời gọi nhảy xuống nước để gặp Ngài và tin vào lời của Ngài. Ngài không ngừng kêu gọi chúng ta tiến về phía trước và thả lưới. Có Ngài, kết quả sẽ rất tuyệt vời. Tin mừng nói đến 153 con cá lớn. Con số ấy mang một biểu tượng đầy ý nghĩa: nó chỉ tòan bộ các giống cá mà thời đó người ta biết được. Đó là một cách nói rằng lưới cá phải đầy mọi thứ trên trần gian.
Con số ấy đặt biệt quan trọng đối với Phê rô là người đã lãnh nhận sứ mạng “đánh cá người”: nó nói cho chúng ta biết rằng tất cả mọi người trên tòan thế giới thuộc mọi thời đại đều được Đức Ki tô kêu gọi. Tin mừng dành cho tất cả mọi người, kể cả những ai bị gạt bên lề xã hội, những kẻ bị lọai trừ, những người đang kéo lê một quá khứ nặng nề, những kẻ mà người ta coi như là không thể chữa lành. Tất cả đều chiếm vị trí ưu tiên trong trái tim của Thiên Chúa. Giáo hội lãnh nhận sứ mạng dẫn đưa tất cả vào phía bờ nơi Đức Ki tô đang chờ đợi. Để được thế, Giáo hội cần đi đến với từng thành phần của mình.
Trang tin mừng nầy là tin mừng sống lại của các môn đệ. Chúa Giê su sống lại làm cho họ sống lại; Ngài đã đem họ ra khỏi mồ đức tin chao đảo và thất vọng của họ. Ngài đã mang Phê rô vào đời sống mới. Ông đã nhận ra Chúa Giê su phục sinh trong ơn tha thứ mà Ngài ban cho ông và niềm tin tưởng đã được khơi lại nơi ông. Từ nay, ông nhận lãnh trách nhiệm chăn dắt các con chiên mẹ và chiên con của Ngài. Đối với Phê rô và đồng bạn của ông, đó là một khởi hành mới, sẽ được tiếp sức mạnh trong làn gió Hiện xuống. Ngày đó họ sẽ ra đi rao giảng tin mừng Cứu độ khắp nơi. Dù là hăm dọa hay bạo lực, không gì có thể ngăn cản bước chân của họ.
Chính Chúa Giê su hiện diện trên bờ chúng ta. Ngài đến gặp gỡ chúng ta. Nhưng rất thường chúng ta không nhận ra đó là Ngài. Ngài đến tha thứ cho chúng ta và giúp chúng ta tái sinh trong niềm tin cậy. Chính niềm tin cậy đó cho phép chúng ta tiếp tục trong đời sống mới. Không còn là cá nướng hay bánh để bồi bổ sức lực của chúng ta, nhưng là Mình và Máu Ngài. Trong bí tích Thánh thể, Ngài củng cố chúng ta trong đức tin và trong tình ỵêu của Ngài. Ngài đến để trấn an chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình và hoàn thành sứ mạng. Bấy giờ, đừng than van trước những khó khăn của chúng ta và của Giáo Hội. Như ông Phê rô, chúng ta đừng do dự gieo mình xuống nước để đi gặp Ngài.
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông