Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 2 PHỤC SINH

 71.jpgChúa Phục sinh hiện diện giữa chúng ta. Một khi đã sống lại, Chúa Giê su không bao giờ chết nữa. Ngài ở giữa chúng ta và trong chúng ta. Chỉ nhờ vào sự Hiện diện sinh động của Ngài mà chúng ta mới được qui tụ trong Đức Tin, Hi vọng và Tình yêu. Đó là điều mà Lời Chúa ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta.

 Sách Công Vụ 5,12-16

Chúa Giê su, Đức Ki tô đang hoạt động trong Hội thánh của Ngài. Quyền năng mà Chúa Giê su bày tỏ khi qui tụ các đám đông, khi dạy dỗ họ, và khi chữa lành các bệnh nhân, tiếp tục hoạt động trong Cộng đoàn các tín hữu, vì thế chúng ta phải có Đức tin.

 Thánh vịnh 117

Thánh vịnh nầy đã được hát lên trong Thánh lễ Chủ nhật Phục sinh, tán dương cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để biến đổi các tình thế tuyệt vọng nhất thành có lợi cho Dân Người. Đối với người Ki tô hữu, Chúa Giê su thực sự là Đấng, dù bị anh em mình chối bỏ, đã trở thành Nền tảng xây dựng thế giới mới.

 Sách Khải Huyền 1,9-11a.12-13.17-19

Đoạn văn mạc khải thực tại sâu xa hãy còn che khuất bởi bề ngoài. Với bẩy Hội thánh vùng Tiểu Á, biểu tượng cho Hội Thánh toàn cầu, Tác giả khẳng định chiến thắng của Chúa Giê su, chủ tể của Lịch sử. Ngay từ khởi thủy, Đức Ki tô đã nẩy mầm trong Lịch sử, hướng lịch sử đến tình trạng viên mãn, từ nay được biểu hiện qua sự Phục sinh của Ngài. Với các tín hữu của mình, ngài gởi đến lời mời gọi Hi vọng. Đừng để bị đánh lửa bởi những cái bề ngòai.

 Tin mừng Ga 20,19-31

 NGỮ CẢNH

Trong bốn sách Tin Mừng, chóp đỉnh của các trình thuật Chúa Giê su sống lại là việc Người hiện ra cho nhóm Mười Một qui tụ ở một nơi. Dù cho hoàn cảnh và các chi tiết có khác nhau, thì lời khẳng định vẫn luôn luôn là như nhau. Và lần nào cũng nhấn mạnh đến sự thử thách của đức tin.  Riêng đối với Gioan trong câu chuyện về ông Tôma, tác giả đề cao sự tiến triển đức tin vào Chúa Giê su sống lại qua khung cảnh được diễn ra trong hai giai đoạn. Và trình thuật khép lại với một vài khẳng định cốt yếu: ơn ban Thánh Thần, ơn tha tội, sai đi truyền giáo, khẳng định của niềm tin hoàn toàn vào Chúa Giê su, là Chúa và là Thiên Chúa.

 TÌM HIỂU

Vào chiều ngày ấy: bà Maria Mađalêna đi ra mồ từ « sáng sớm » (20,1). Đối với nhóm Mười Một, một ngày dài đã trôi qua trước cuộc hội ngộ nầy. Các cuộc hiện ra của đấng Phục sinh với các môn đệ diễn ra vào buổi chiều (6,16; 13-17), nhưng vẫn còn thuộc ngày thứ nhất (20,1.26).

Các cửa đều đóng kín: niềm tin của Mađalêna đầy sự ngẫu hứng và yêu mến. Bà đi thẳng đến Chúa và đã gặp được Ngài. Còn các môn đệ thì khác thì chưa hết « sốc » bởi nỗi sợ hãi người Do thái; dù có những bước chân của Phêrô và Gioan, họ vẫn còn lẩn trốn trong nhà. Vì thế Chúa Giê su cần phải ban cho họ niềm xác tín là Ngài đã sống lại. Các trình thuật nầy có lẽ phản ánh nỗi khó khăn mà Hội Thánhgặp phải: một vài người mạnh dạn đến với Chúa, trong sự đơn sơ của niềm tin; một số khác thì chậm chạp hơn vì nhiều thử thách mà cộng đoàn phải vượt qua.

Chúa Giê su đứng giữa các ông: « Đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh ta, có ta ở giữa họ » (Mt 18,20).

« Bình an cho anh em »: lời chào được lặp lại ở câu 21. Đó là câu chào hỏi bình thường trong ngôn ngữ sê mít. Tuy nhiên, bình an là một khái niệm giàu ý nghĩa bao hàm toàn bộ những gì làm cho cuộc sống hạnh phúc. Sự bình an của thời đại cánh chung là một ơn ban quí giá nhất của Thiên Chúa ban cho con người đã được các tiên tri báo trước. Ơn trên được ban cho là nhờ vào những nỗi khổ đau mà Người Tôi Tớ phải gánh chịu: «Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành » (Is 53,5).

Khi Chúa Giê su xuất hiện ở giữa các môn đệ của Ngài, không những Ngài cầu chúc, mà còn ban cho sự bình an (x.14,27; 16,33). Sau nầy Phao lô sẽ nói về Đức Ki tô rằng: Ngài qui tụ các kẻ thuộc về Ngài trong chính sự chết và sự phục sinh của Ngài: « Ngài là chính sự bình an của chúng ta » (Ep 2,14).

Xem tay và cạnh sườn: như ở Lc 24,39, Chúa Giê su muốn liên kết các nổi đau khổ mà Ngài đã chịu với cuộc phục sinh của Ngài, khi tỏ cho thấy các vết thương của Ngài. Chỉ có Gioan nói, và nói đến ba lần (ở đây và cc, 25-27), đến vết thương cạnh sườn Ngài (x. 19,34-37).

Vui mừng: giờ đây mọi sự đã thay đổi. Với sự phục sinh, lời kinh của Chúa Giê su dâng lên Cha đã được chấp nhận: « Để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con » (Ga 17,l3).

Thầy cũng sai anh em: Chúa Giê su hiện ra với các môn đệ của Ngài không chỉ để gợi lại cho họ kí ức về Ngài, nhưng còn để sai phái họ ra đi. Cả bốn tin mừng đều đồng qui về điểm đó (Mt 28,19; Mc 16,15; Lc 24,47; x. Cv 1,8).

Sứ mạng đó là một trong những điều mà Chúa Giê su cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài (17,18). Và cũng nhằm nối tiếp sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha. Chúa Giê su lặp lại « Bình an cho các con ». Ra đi vào thế gian, họ mang theo mình sự bình an của Thiên Chúa.

Thổi hơi: đối với Gioan, cử chỉ nầy là dấu chỉ đưa đến một thực tại sâu xa hơn. Hơi thở mà Chúa Giê su khi sinh thì, đã trao lại trên thánh giá (19,30) là hơi thở của Thiên Chúa, tức là Thánh Thần. Ơn ban Thánh Thần đó được liên kết mật thiết với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Luca bố trí biến cố Thánh Thần hiện xuống năm mươi ngày sau (Cv 2,1-4), cũng đặt mối tương quan đó trong một lời Chúa Giê su hứa cho các môn đệ vào chính ngày Phục sinh (24,49).

Với sự phục sinh Chúa Giê su, lịch sử cứu độ đạt đến giai đoạn cuối cùng. «Vào lúc khởi đầu: Thiên Chúa đã «thổi sinh khí » (Stk 2,7) vào lỗ mũi người nam. Chúa Giê su phục sinh ngự tại trung tâm thế giới mới, mà ngài đã tác sinh bằng cách thông truyền hơi thở của chính Thiên Chúa để cho thế giới được sống.

Tha tội: sứ mạng truyền giáo bao hồm việc tha tội (x. Lc 24,47). Từ đầu sách tin mừng Gioan là một lời mời gọi tiếp nhận sự sống ngang qua niềm tin vào Chúa Giê su; do đó, tội lỗi căn bản chính là sự từ chối tin. Gia nhập vào cộng đoàn các tín hữu, những người có niềm tin vào Chúa Giê su phục sinh, có nghĩa là xác nhận rằng tội riêng đã được tha thứ.

Cầm giữ ai: tha thứ-cầm giữ chỉ là hai mặt song đối của một tổng thể duy nhất là sứ mạng của Chúa Giê su hoàn toàn hướng về ơn cứu độ (3,16-17; 5,20-30).

Tô ma: trong khi các tin mừng khác đề cập đến sự hồ nghi nơi các môn đệ trước sự sống lại của Chúa Giê su, thì Gioan theo thói quen, nhân cách hoá câu chuyện.

Mười Hai: nhóm Mười Hai là nhóm các nhân chứng đức tin, chỉ được Gioan gợi lại ở đây và ở đoạn 6,67-71.

Chúng tôi đã được thấy: sứ điệp đi ngay vào điểm cốt yếu của lời chứng, như trong câu nói của Maria Mađalêna (20,18).

Nếu tôi không thấy: « thấy » và « tin » là hai động tác căn bản đối với Chúa Giê su phục sinh (20,8.18). Sự đòi hỏi của Tôma chuẩn bị cho giáo huấn của Chúa Giê su (20,29).

Dấu đinh: chi tiết gợi nhớ về cuộc khổ nạn được nhấn mạnh và lặp đi lặp lại (20,20.27). Chúa Giê su đã thực sự chịu đau khổ cho đến chết. Nếu Ngài sống lại thì cũng vì Ngài đã chấp nhận trao ban sự sống (x. 12,25).

Tám ngày sau: ngày này được người ki tô hữu coi như khởi đầu tạo thành mới, loan báo trước ngày của Chúa, khi tạo thành ngày thứ nhất sẽ đạt tới mức độ hoàn tất.

Cạnh sườn Thầy: đối với Gioan, vết thương ở cạnh sườn mang một ý nghĩa nghĩa quan trọng. Nó mời gọi nhận ra nơi Chúa Giê su là đấng hoàn tất Thánh Kinh.

Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!: sách Tin mừng không nói là ông Tôma đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê su và đã xỏ bàn tay vào các vết thương. Chỉ nguyên việc gặp gỡ Chúa Giê su phục sinh đã biến người cứng lòng tin số một trở thành mẫu mực và phát ngôn viên cho tất cả mọi người tín hữu. Tôma đồng hóa Chúa Giê su với Chúa của Israel,với Thiên Chúa của mọi tín hữu.

Phúc: mối phúc nầy được chuẩn bị bởi hai trình thuật đi trước. Chính việc được thấy là đặc ân dành cho một vài người, bởi vì họ đã được chọn trước làm chứng nhân cho Đức Ki tô và xây dựng Hội Thánh. Nhưng tất cả các tín hữu được mời gọi nhận biết Chúa Giê su phục sinh mà không được phúc nhìn thấy Ngài. Người môn đệ được Chúa Giê su yêu mến đã không cần nhìn mới tin (20,8). Ngài thật có phúc, và cùng với ngài tất cả những người trong Hội Thánh biết tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giê su phục sinh nhờ chứng tá của nhóm Mười Hai và nhờ lời tuyên xưng của ông Tôma (1Pr 1,8).

 SỨ ĐIỆP

Giáo Hội đã bước vào mùa Phục sinh từ chủ nhật tuần trước. Chúa Giê su Phục sinh đã từ cõi chết bước qua sự sống. Đối với các môn đệ của Ngài, chiều thứ sáu đã là một thử thách đau thương. Chính bản thân họ không còn tự hào về mình. Cảm thấy nguy hiểm gần kề, họ đã bỏ chạy hết; ông Phê rô đã ba lần khẳng định là không biết Ngài. Còn các ông khác đã phản bội lòng tin tưởng của Thầy mình.

Ngay chính lúc mà họ không còn một chút hi vọng gì thì chính Chúa Giê su đã đến gặp họ. Ngài có thể trách họ: “Tại sao anh em lại bỏ Thầy trong lúc Thầy chịu khổ nạn? Và Phê rô, tại sao con lại chối Thầy? Tại sao anh không tin vào Thầy?”. Nhưng Ngài đã không trách họ điều gì cả. Trái lại Ngài nói với họ về sự bình an, và chúc họ: “Bình an cho anh em”, Ngài muốn trấn an họ, giúp họ lấy lại can đảm và tin tưởng, để họ có thể làm lại cuộc hành trình cho một sứ mạng rộng lớn đang chờ đợi họ.

Ngày hôm nay, cũng còn những ki tô hữu thất vọng và chán nản qua cách sống của mình. Sau khi đã lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa cho cuộc sống, cuối cùng họ rời xa Ngài: họ nói: “Chán quá, tôi không còn ra trò gì nữa. Xưng tội có ích gì nữa, xưng tội rồi phạm lại, thì xưng làm gì! Trong chính lúc mệt mỏi chán chường đó mà Chúa tìm cách gặp họ. Ngài không muốn đưa ra những lời trách cứ, nhưng giúp họ tìm lại bình an và niềm vui sống. Ngài muốn có những liên hệ thân hữu và tin cậy lẫn nhau với mọi người nhằm chuẩn bị thực hiện sứ vụ mà Ngài ủy thác cho họ. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài.

Đó là sự bình an mà Chúa muốn cho ban các môn đệ của Ngài và cho từng người chúng ta. Chính vì lẽ đó mà Ngài ban quyền năng tha thứ tội lỗi. Bí tích tha thứ là cuộc gặp gỡ với Chúa không ngừng yêu thương chúng ta. Chính lúc quay trở lại với Ngài và hòa giải với Ngài mà chúng ta tìm lại sự bình an đích thực. Chỉ cần chúng ta chìm vào trong đại dương tình yêu ở trong Ngài. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn người con hoang đàng: khi một người tội lỗi trở về, Thiên Chúa mở tiệc ăn mừng.

Và đó là cuộc gặp gỡ thứ nhất của Chúa Giê su với các môn đệ của Ngài. Ngày đó, ông Tô ma vắng mặt. Khi anh em kể lại những gì đã xảy ra, thì ông đòi bằng chứng. Ông muốn thấy tận mắt và sờ tận tay. Vậy cần phải có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê su để vượt qua sự bất tín ấy. Đối với chúng ta cũng thế, chúng ta có được chứng từ của cha mẹ, thầy cô giáo lí, và của những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường. Nếu không, chúng ta sẽ rất khó lòng mà khám phá ra Đức Ki tô. Nhưng những điều đó chưa đủ, cần phải có một sự gặp gỡ thực sự với Đức Ki tô phục sinh.

Cũng như Tô ma, chúng ta cần những nơi chốn mà chúng ta có thể diễn tả sự hòai nghi của chúng ta. Đối với ông, đó là nhóm các môn đệ. Đối với chúng ta, đó sẽ là cộng đòan giáo xứ, một nhóm nghiên cứu hay cầu nguyện nào đó. Chính khi cùng với nhau, với mọi người mà chúng ta có thể như ông Tô ma “sờ” được Đức Ki tô phục sinh. Nếu bản thân chúng ta không đi đến với Ngài, nếu chúng ta không sờ vào Ngài trong lời cầu nguyện và trong các bí tích, đức tin của chúng ta sẽ tàn héo và không động lực. Làm sao chúng ta có thể là những người tín hữu mà không trở thành những người thực hành gặp gỡ thường xuyên với Đức Ki tô?

Trong cuộc lữ hành đức tin ấy, chúng ta lấy trường hợp Tôma để làm gương. Chúng ta có thói quen cười nhạo sự cứng lòng của ông. Nhưng cần phải nhìn lại cho kĩ. Thật ra, ông đã đi xa hơn anh em mình vì ông là người đầu tiên đã nói: “Lạy Chúa, và Thiên Chúa của con!” Điều đó có nghĩa là đức tin của ông đã thúc đẩy ông thờ lạy. Đức Ki tô phục sinh không chỉ là một người bạn mà ông đã biết: Ngài còn là “Chúa của tôi và là Thiên Chúa của tôi”.

Điểm cuối cùng là cả hai lần gặp giữa Chúa Giê su và các môn đệ đều xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần, nghĩa là vào ngày Chủ nhật. Cũng chính vào ngày đó mà Ngài gặp các cộng đòan nhóm họp nhân danh Ngài. Ông Tô ma đã vắng mặt lần đầu; ông phải chờ đợi tám ngày sau, nghĩa là chủ nhật sau đó để nhận ra nơi Chúa Giê su “Chúa và là Thiên Chúa của con!”

Cũng chính Đức Ki tô phục sinh ấy chờ đợi chúng ta ở nhà thờ. Rất thường, chúng ta sẵn sàng nại đủ mọi lí do để không đến tham dự. Dù sao thì sự gặp gỡ với Ngài cũng là giây phút quan trong nhất trong tuần. Ngài đến mang lại bình an cho chúng ta. Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Tiệc Thánh Thể của Ngài. Chúng ta đến kín múc nơi nguồn suối cho phép chúng ta nuôi dưỡng đức tin và làm chứng.

Ngày hôm đó, ông Tô ma đã trải qua một ngày chủ nhật rất đẹp. Còn chúng ta phải làm cho 52 ngày chủ nhật cũng đẹp như thế.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH NĂM C- CHÚA ĐÓ- Nt Madalena Nguyễn Thị Lan. O.P
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH NĂM C. Lm Đaminh Ngô Công Sứ
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM C. lm Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Lm Giuse Tạ Minh Chiến
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH- BÓNG TỐI VÀ ĐỨC TIN.Lm HK
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH- BÌNH AN VÀ SỨ VỤ- Nt. Têrêsa Ngọc Lễ
     SUY NIỆM THỨ BẢY VỌNG PHỤC SINH- Lm. Đa Minh Tiến
     LỄ VỌNG ĐÊM PHỤC SINH- THIÊN CHÚA VẪN HẰNG SỐNG- LmJos Tạ Duy Tuyền
     CHÚA NHẬT PHỤC SINH- TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI- Lm. HK