LỄ THĂNG THIÊN
Chúa cả trời đất
Cuộc Thăng thiên của Chúa Giê su mà Phụng vụ mừng kính nhớ hôm nay nói đến việc Chúa Giê su biến mất khỏi thế giới lòai người. Nhưng sự biến mất nầy, sau khi Thánh Thần đến trở thành sự hiện diện không gì có thể tiêu hủy được. Ngài đã biến mất khỏi mắt các môn đệ, nhưng Ngài vẫn hiện diện, thực sự hơn bao giờ hết. Từ nay, họ sẵn sàng đi đến tận cùng thế giới để loan báo Tin mừng.
Sách Công vụ 1, 1-11
Mở đầu sách Công vụ. Tác giả Luca nhắc cho chúng ta nhớ rằng sự ra đi của Chúa Giê su vì Vinh quang của Cha mở đầu thời gian Sứ Vụ của Giáo Hội. Từ nay, chính Giáo Hội sẽ tiếp nối công việc của Chúa Giê su. Và Giáo Hội, chính là anh, là tôi, là tất cả chúng ta.
Thánh Vịnh 46
Chúa chúng ta, đấng Cứu độ mặc lấy Vinh Quang. Cùng với tất cả các dân tộc, chúng ta hãy reo hò mừng Ngài bằng một tiếng rao vui hòan vũ! Vì Cha đã đặt Ngài làm Chúa và là Vua chúng ta.
Thư gửi Êphêsô 1, 17-23
Trong thư nầy, thánh Phao lô suy niệm về bí mật cuối cùng của vũ trụ mà ngài gọi là “Mầu nhiệm”. Ngài nhận ra rằng tòan thể tạo thành được nâng lên hướng về Thiên Chúa bằng tình yêu hiện diện trong Đức Ki tô. Người Ki tô hữu đã được tham gia vào tiến trình nầy. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta sự Khôn Ngoan cần thiết để hiểu rằng Chúa Giê su là Đấng Cửu độ của tất cả mọi người.
Tin mừng: Mt 28,16-20
NGỮ CẢNH
Đây là đoạn văn cuối cùng trong Tin mừng Mt. Sau khi gặp các phụ nữ ở Giê ru sa lem (28,9-10), giờ đây Đức Ki tô Phục sinh long trọng gặp gỡ tất cả các môn đệ ở Ga li lê. Phần nầy tạo thành phản đề đối với đoạn đi trước (11-15)
Có thể đọc đoạn văn theo bố cục như sau:
1. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê su và nhóm Mười Một (16-17)
2. Tuyên bố của Chúa Giê su (18-20)
- Mạc khải về quyền năng (18)
- Lệnh truyền giáo (19-20a)
- Sự hiện diện thường xuyên (20b)
TÌM HIỂU
Ga li lê: theo lời dặn của thiên sứ và của Đức Ki tô (28,7.10) và được các phụ nữ truyền lại, các môn đệ đã đi về vùng đất mở ra thế giới ngoại giáo. Ở đó họ sẽ được nhận từ nơi Đức Ki tô sứ mạng sai họ ra đi đến “với mọi dân tộc”.
Ngọn núi: các môn đệ đã nghe lời các phụ nữ; các ông đã bỏ lại phía sau kinh thành Giê ru sa lem thù địch để gặp gỡ Đức Ki tô sẽ tỏ mình trên núi. Cũng như người Híp pri đã làm khi bỏ lại Ai cập thời Xuất hành.
Trên ngọn núi nào? Mt không gọi tên để nhấn mạnh đến tính cách biểu tượng: đây là cuộc gặp gỡ thứ năm của Chúa Giê su trên núi: với Sa tan (4,8) và rồi với các môn đệ vào những lúc quyết định cho đức tin của họ (5,1; 15, 29;17,1). Chúng ta đã ghi nhận nhiều điểm tương đồng giữa Chúa Giê su và ông Mô sê (các chương 5-7) trong đó “núi” là một. Tuy nhiên ở đây người ta nghĩ đến núi Nê bô hơn là núi Si nai, vì Nê bô là điểm cuối cuộc hành trình dài của Mô sê và là vọng lâu của đất hứa. Chúa Giê su đã đi vào vinh quang ngang qua sự chết, như dân của Ngài đã vượt qua sông Gióc đa nô. Ngài đã lãnh lấy mọi quyền hành không những trên Israel mà còn trên toàn thế giới. Giờ đây Ngài nối kết các môn đệ của Ngài vào trong quyền năng của mình.
Các ông bái lạy: x. câu 28,9. Bái lạy là cử chỉ phụng vụ diễn tả niềm tin vào Chúa Ki tô là Thiên Chúa. Chúa Giê su đã đến nơi hẹn trước. Con đường của các ông dừng lại dưới chân Ngài, trong tư thế thờ lạy Ngài.
Hoài nghi: trong toàn bộ TƯ, từ nầy chỉ được dùng có hai lần (ở đây và trong câu 14,31). Chúa Giê su thường phàn nàn về đức tin yếu ớt nơi các môn đệ của Ngài (x. 6,20). Ở đây ít nhiều họ được châm chước bởi vì họ vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cái chết của Chúa Giê su. Tâm trạng đó dễ dẫn đến nghi ngờ: có đúng là Ngài không? Hơn nữa trong tất cả các lần hiện ra của Chúa Giê su sau khi chết, việc nhận ra đấng Phục sinh không bao giờ là một chuyện dễ dàng. Nhóm Mười Một là và vẫn là những con người như chúng ta; tuy nhiên họ nhận lãnh một sứ mạng với những con người như thế.
Chúa Giê su đến gần: các phụ nữ đã đến gần Chúa Giê su và đã sờ Ngài (28,9). Đức Ki tô vinh quang trên núi thoát khỏi mọi ảnh hưởng của con người. Nhưng Ngài đến gần con người, như Ngài đã làm ngay từ lúc Nhập thể và tiếp tục làm như thế. Ngài vẫn muốn luôn luôn ở với họ.
Nói với các ông: có hai khẳng định: “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất”; “Thầy ở cùng anh em” khép lại lệnh truyền giảng dạy (có thể dịch là: hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy). Dịch sát chữ: “Vậy hãy đi… giáo huấn… làm phép rửa….giảng dạy họ”.
Toàn quyền: trước kia trên núi, Sa tan đã cám dỗ bằng cách đề nghị ban cho Chúa Giê su toàn quyền, một điều vốn chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi (4,8-10). Ở đây chúng ta đứng trước một chân lí hoàn toàn đi ngược sự dối trá của Sa tan. Chúa Giê su đã không chinh phục quyền hành nầy bằng sức riêng mình, nhưng đã được Cha ban cho. Động từ hi lạp ở đây cho thấy đây không chỉ các quyền hành mà Chúa Giê su đã có từ muôn thuở mà Ngài đã thủ đắc và đã sử dụng (9,6; 21,23-37), nhưng còn chỉ quyền tối thượng mà Ngài lãnh nhận trong sự Phục sinh. Tuy nhiên Ngài không còn nói như một vị Thầy nữa, mà với uy quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Trên trời dưới đất: hai từ nầy nối kết lại chỉ toàn thể các sinh linh tạo thành (Stk 1,1). Do đó quyền thống trị của Đức Ki tô có tính phổ quát.
Anh em hãy đi: lời sai đi truyền giáo tiếp sau sự tôn vinh Đức Ki tô là nền tảng, củng cố và đảm bảo cho việc truyền giáo của Giáo Hội. Trong CƯ các trình thuật ơn gọi có tính cách cá nhân với lời sai đi trong một sứ mạng cá nhân. Ở đây, lời sai đi dành cho một tập thể. Bao gồm nhóm Mười Một mà Chúa Giê su đã biến thành thân thể của Ngài sau khi đã nuôi dưỡng bằng Lời và Mình Ngài (26,26). Do vậy, Chúa Giê su đã không kết thúc nhiệm vụ của mình, nhưng từ nay trở đi, Ngài sẽ tiếp tục hành động ngang qua các môn đệ của Ngài vì Ngài ở với họ.
Làm cho muôn dân trở thành môn đệ: hãy làm cho mọi người trở thành môn đệ Đức Ki tô. Không phải những người môn đệ chỉ đi theo Đức Ki tô cho đến lễ Lá rồi trốn chạy hết, mà như những môn đệ đã đi vào trong tương quan mới sau Phục sinh.
Muôn dân: trải nghiệm truyền giáo đầu tiên đã được dành riêng cho các con chiên lạc nhà Israel (10,5-6), theo hình ảnh cuộc truyền giáo của Chúa Giê su trần thế. Cuộc sai đi nầy hướng đến tất cả mọi dân tộc (không loại trừ Israel), không phân biệt, không độc quyền, theo hình ảnh của vương quốc phổ quát được giao phó cho Đức Ki tô phục sinh. Giáo Hội sẽ không ngừng sống theo lời truyền nầy.
Làm phép rửa cho họ: phép rửa của Chúa Giê su trong sông Gióc đa nô là cửa ngõ dẫn người Híp pri vào đất hứa, là lời loan báo trước về sự dìm mình trong cái chết, được Ngài gọi là phép rửa của Ngài (x. Mc 10,38) và đã đưa Ngài đến vinh quang. Một khi đã sống lại, Đức Ki tô truyền lệnh cho các môn đệ làm phép rửa trong Thánh Thần (3,11). Nghi thức khai tâm và gia nhập cộng đoàn ki tô giáo nầy đưa những ai muốn làm môn đệ của Đức Ki tô vào trong sự chết-sống lại của Ngài.
Người làm phép rửa và người được rửa, cả hai đều được đưa vào trong năng động của Thánh Thần và tạo thành phần tử của Giáo Hội.
Nhân danh Cha..: công thức độc nhất trong TƯ để diễn tả đức tin trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Mt đã lấy lại từ thói quen sử dụng trong các cộng đoàn thời của ông. Có lẽ ở thời đầu người ta rửa tội nhân danh Chúa Giê su (Cv 2,38). “Nhân danh” diễn tả sự khởi đầu liên kết cá nhân và mới mẻ với một ai đó.
Ngang qua công thức nầy Đức Ki tô phục sinh đặt Ba Ngôi Thiên Chúa trên cùng một bình diện. Việc qui chiếu đến Ba Ngôi dần dần được qui định vì trung thành với việc đọc lại để đào sâu Thánh Kinh: sự tỏ hiện của Thiên Chúa trong phép rửa của Chúa Giê su (3,16-17), giáo huấn của Chúa Giê su về Cha (7,21; 10,32..), về Con (11,27; 17,5; 21,37) và về Thánh Thần (10,20; 12,28). Và như thế công thức phép rửa nhắc lại việc tuyên xưng đức tin của người được rửa tội trong Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giê su mạc khải.
Dạy bảo họ: việc giáo huấn được liên kết với phép rửa. Ở đây chúng ta chờ đợi trình tự đảo ngược: trước tiên phải có giáo huấn dẫn đến đức tin, rồi mới có phép rửa. Nhưng bổn phận giáo huấn phải đi trước (dạy dỗ) và theo sau phép rửa. Đối với Mt được rửa tội để được cứu độ là chưa đủ. Còn cần phải học lối sống theo Tin mừng và các giới răn của Chúa Giê su đã mang lại cho Mười điều răn những phần khai triển mới (các chương 5-7). Không được bỏ điều gì cả, nhưng phải tiếp nhận tất cả.
Thầy ở cùng anh em: khi truyền cho các môn đệ các lời nầy, Đức Ki tô đã đưa lời hứa của Thiên Chúa xuyên suốt CƯ kể từ Xh 3,12 đến chổ hoàn tất quyết định. Đấng Phục sinh không ở bên ngoài hay bên cạnh, mà trong cuộc sống hiệp thông với thân thể sống động của mình. Các ông không cô đơn, không bị bỏ mặc cho sức riêng mình: khi trao ban cho họ các quyền cần thiết, Đức Ki tô giao cho họ quyền năng của Ngài (9,8). Ngài sẽ rrở nên một với họ. Và đây là cách lặp lại danh Chúa Giê su: “Emmanuel” (1,23).
“Anh em”: bao gồm toàn thể Giáo Hội, nhóm Mười Một, và tất cả các cộng tác viên và các môn đệ, cùng với các đồ đệ của họ. Ngày nay, mỗi người chúng ta phải nhận ra mình trong từ “anh em” nầy, phải tháp nhập bản thân mình trong thân thể Giáo Hội của Đức Ki tô, và trong Ba Ngôi qua trung gian của Ngài. Được kết hợp như thế với Đức Ki tô và qua Ngài, với Thiên Chúa Ba Ngôi, cả chúng ta nữa cũng sẽ được sai đi “vào thế gian để chiêu tập môn đệ”.
Như thế, toàn thể Giáo Hội cuối cùng được thiết lập để phục vụ Vương quốc. Trong lời hứa nầy, cũng như lời hứa với ông A bra ham và vua Đa vít (1,1-16), luôn có bảo đảm rằng Đức Ki tô hiện diện với những người được kết hợp trong danh của Ngài (18,20), với những người mà Ngài gọi là anh em (28,10). Việc Chúa Giê su luôn làm những gì Ngài đã hứa bảo đảm lời hứa được thực hiện.
SỨ ĐIỆP
Bốn mươi ngày sau Lễ Phục sinh, chúng ta mừng lễ Chúa Giê su Thăng thiên. Đó là ngày mà Ngài biến đi trước mắt các tông đồ.
Như các ngài, chúng ta hướng về trời, nhưng đồng thời, chúng ta không được phép quên trần gian: đó là sứ điệp của thiên thần gửi đến cho các tông đồ; “Sao các ông còn đứng nhìn lên trời?”. Nói cách khác, chúng ta là những “công dân nước trời”. Đôi chân đạp đất, nhưng ánh mắt và tâm hồn phải luôn hướng về trời cao, nơi Thiên Chúa ngự trị, và là quê hương vĩnh cửu của chúng ta. Sức mạnh và hi vọng nâng đỡ chúng ta chính là niềm tin vào Đức Ki tô phục sinh. Nhưng đồng thời, chúng ta không được phép lãng quên sứ mạng mà Đức Ki tô giao phó cho chúng ta: “Hãy đi khắp muôn dân, chiêu tập các môn đệ”.
Trong suốt năm mươi ngày mùa Phục sinh, chúng ta đã truyền cho nhau niềm vui Đức Ki tô sống lại. Đó là một cơ hội tốt để hâm nóng lại và củng cố đức tin vào cuộc vượt qua tuyệt vời của Chúa Giê su. Điều đó cần thiết cho các môn đệ. Tin mừng nói cho chúng ta biết trong giây phút cuối gặp gỡ và từ biệt Chúa Giê su, một ít người trong họ vẫn còn hoài nghi. Đức Ki tô sống lại vẫn ân cần hiện đến với họ trong bốn mươi ngày, chính là để giúp họ chiến thắng nghi ngờ và vững tin rằng Ngài đã sống lại thật. Thật vậy, họ đã trải qua cơn ác mộng ngày thứ sáu tuần thánh. Tận mắt họ đã chứng kiến Thầy mình bị bắt, bị tra tấn, bị hành hạ, bị giết chết, bị treo trên thập giá và được mai táng trong mồ. Đối với họ, tất cả đều đã sụp đổ tan tành. Nhưng rồi ba ngày sau, thật bất ngờ họ đã gặp Chúa Giê su sống lại. Lời đầu tiên của Ngài là sứ điệp bình an.
Đức Ki tô đã sống lại: đó là niềm tin và sứ điệp hi vọng mà chúng ta có bổn phận phải loan truyền cho thế giới hôm nay. Một thế giới đang có nhiều người dửng dưng với tôn giáo, thậm chí thù nghịch với đức tin ki tô. Và rất nhiều người đang phải vất vả vì gánh nặng cuộc đời, chịu đau khổ vì bệnh tật, hoặc không còn hi vọng để sống. Chúng ta phải tryền cho họ niềm hi vọng mà chúng ta đã nhận được từ sự phục sinh của Đức Ki tô. Rồi cần phải có thời gian tái nạp sức sống mới bằng cách cầu nguyện, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và bí tích Thánh Thể. Đặc biệt phải nhớ rằng Chúa Thánh Thần đến trước chúng ta trong tâm hồn của những người đang trên đường chúng ta đi
Theo chân các tông đồ, chúng ta được sai đi để rao truyền tin mừng cho mọi tạo vật. Ngày Chúa Giê su Thăng Thiên về với Thiên Chúa Cha là lúc Giáo Hội bắt đầu sứ mạng. Những gì mà Chúa Giê su đã làm, Giáo Hội phải tiếp tục. Ngài đã tha thứ, thì giờ đây Giáo Hội sẽ tiếp tục tha thứ nhờ bí tích giao hòa. Chúa Giê su đã trao ban Thánh Thần, thì Giáo Hội sẽ tiếp tục trao ban Thánh thần qua bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền Chức. Nhưng Giáo hội không cô đơn vì được Chúa Giê su trợ giúp bằng sự hiện diện của Ngài. Công việc chính yếu, Ngài đang thực hiện trong tâm hồn mỗi người.
Vì đã được thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa, nên chúng ta phải để cho tình ỵêu ấy lan tỏa chung quanh. Phải làm sao để người khác có thể khám phá trong chúng ta một nét gì đó về tình yêu say mê của Thiên Chúa cho mọi người. Điều quan trọng là tâm hồn chúng ta phải thấm nhuần lòng yêu mến bao la của Ngài đối với nhân lọai.
Vậy lễ nầy nhắc chúng ta nhớ đến mục đích đời sống của chúng ta. Chúng ta có thói quen nói đến “chiếc cầu thăng thiên”. Với Chúa Giê su, Thăng thiên là một cây cầu cho phép chúng ta đi từ bờ bên nầy sang bờ bên kia; chúng ta đang tiến về thế giới mới mà Ngài gọi là Nước Trời; chính nơi đó Ngài muốn qui tụ tất cả mọi người. Đó chính là tin mừng mà chúng ta phải loan báo cho mọi người thời đại chúng ta. Không gì có thể chận đứng điều đó. Dù là bạo lực, chiến tranh, tai ương sẽ không phải là tiếng nói cuối cùng. Đức Ki tô sống lại muốn nối kết chúng ta tất cả vào trong chiến thắng của Ngài trên sự chết và tội lỗi.
Còn một tuần lễ đến Lễ Hiện xuống. các Tông đồ đã lợi dụng thời gian nầy để tĩnh tâm. Lạy Chúa, cùng với các ngài, chúng con xin Chúa gửi Thánh Thần Chúa đổi mới mặt địa cầu.
ĐÀO SÂU
1. HỎI. Khi cử hành lễ Chúa Giê su Thăng thiên , chúng ta kính nhớ biến cố nào?
THƯA. Chúng ta kính nhớ sự kiện cuối cùng xảy ra trong cuộc đời Chúa Giê su được các sách tin mừng (Mc 16,19; Lc 24,50-53) và sách Công vụ mô tả (Cv 1,6-11): sau khi lên cùng Cha, Đấng Phục sinh đã không còn xuất hiện trên trần gian nữa cho đến khi Ngài trở lại vào lúc cuối thời gian.
2 HỎI. Sau khi thăng thiên, Chúa Giê su sẽ không còn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài nữa sao?
THƯA. Có chứ! Chính Chúa Giê su sẽ hiện diện trong Giáo Hội, qua Ngôi Ba Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ trong ngày Hiện Xuống và trong Mình Máu Thánh Ngài trong bí tích Thánh Thể.
3 HỎI. Có gì khác biệt giữa Phục sinh và Thăng Thiên không?
THƯA. Trong lễ Phục sinh chúng ta kính nhớ việc Chúa Giê su sống lại, còn trong lễ Thăng thiên, chúng ta kính nhớ việc Ngài trở về với Cha. Tuy nhiên, Thăng Thiên cũng là Phục sinh. Trong những thế kỉ đầu tiên, Phục sinh, Thăng Thiên và Hiện xưống được cử hành trong cùng một ngày. Thật vậy, tất cả là một lễ, một biến cố được nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Một đỉnh cao được chiêm ngắm bằng những cái nhìn khác nhau. Phục sinh nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê su đang sống: Chúa Giê su không chỉ đã chết, mà đang sống, Ngài đã sống lại. Thăng Thiên nhắc chúng ta nhớ rằng chính Chúa Giê su đang sống trong chiều kích thần linh chứ không còn ở trần gian nữa: Ngài đã lên “Trời” nghĩa là Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, với Thiên Chúa. Hiện xuống nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê su đang ở đây, hiện diện trong mỗi người “thiện chí”. Chúa Giê su vẫn còn lưu lại trần gian nhờ vào hành động của Chúa Thánh Thần, hiện diện trong con người của Vị Đại diện của Ngài: Đức Thánh Cha và các thừa tác viên của Ngài: Giám Mục, Linh Mục và Phó tế. Ngài còn hiện diện trong khi công bố Lời của Ngài và khi chủ tọa các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể.
4 HỎI. Chúng ta có thể đọc đoạn tin mừng Mt 28,18-20 như thế nào?
THƯA. Như một khung cảnh từ biệt: Chúa Giê su ra đi và để lại những lời cuối cùng của Ngài, những lời quan trọng nhất, gần giống với một người sắp ra đi để lại những lời nói cuối cùng tóm kết tòan thể cuộc đời và những mong ước cũng như những quan tâm dành cho những người thân còn ở lại. Trong câu 17, chúng ta để ý chi tiết có một vài người phủ phục thờ lại Ngài, trong khi một số khác thì “còn hoài nghi”. Đó là hai khuôn mặt của Giáo hội của thời đó và của mọi thời. Có những những người cảm nghiệm Thiên Chúa ở gần, đang sống, đang hiện diện và trong đời sống của họ, trong khi có những người khác, hòai nghi, do dự, không dấn thân. Các Tông đồ ngày xưa cũng thế! Chúng ta đừng ngạc nhiên về điều đó: Giáo Hội là Thánh bởi vì là Thân thể mầu nhiệm của Đức Ki tô, có linh hồn là chính Chúa Thánh Thần, có nhiều vị thánh trong số các con cái của mình. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn còn nhiều tội nhân, bởi vì được hình thành từ những con người: những tạo vật mang dấu ấn xác thịt và những vết thương vì Tội Nguyện tổ.
5. HỎI. Câu Mt 28,18 dường như trích từ Cựu Ước. Tại sao Chúa Giê su xử dụng trong trường hợp nầy?
THƯA. Đúng, đó là câu trong sách Tiên tri Đa ni ên: “Đã được ban cho ta mọi quyền năng trên trời dưới đất”. Chúa Giê su dùng lại câu đó vì nói lên căn tính và quyền năng của Ngài: Ngài là Đức Chúa của vũ trụ. Câu: “Đã được ban cho ta mọi quyền năng trên trời dưới đất” được Chúa Giê su nối dài thêm bằng các chi tiết: “mọi dân nước”, “tất cả những gì Thầy đã ban cho anh em”, “mọi ngày”. Tất cả những chi tiết đó nhằm cho thấy rằng Chúa Giê su là Chúa tuyệt đối của mọi sự, mọi biến cố và mọi người. Nhưng Chúa Giê su phải là một nhà độc tài, nhưng là đấng được ban cho mọi quyền hành là nhằm mang lại ơn Cứu độ cho toàn thể nhân lọai. Bởi vì Ngài không phải là vị Thầy thần linh độc tài, nên con người tự do chấp nhận hay không chấp nhận quyền uy của Ngài.
6. HỎI. Chúa Giê su lên “trời” rồi, thì trách nhiệm rao giảng thuộc về ai?
THƯA. Thuộc về các tông đồ, môn đệ và qua họ mọi người ki tô hữu. Các môn đệ Đức Ki tô không thể dửng dưng trước một trách nhiệm to lớn như thế; các ngài đã nhận lãnh những “nén bạc” cần phải được làm lợi, bởi vì Thiên Chúa đã cho họ được hiểu biết đầy đủ về bản tính Ba ngôi. Một ngày kia, chúng ta sẽ được kêu gọi trả lẽ về những “tài năng” đã lãnh nhận. Đức Ki tô ở bên cạnh chúng ta, không bỏ rơi chúng ta; Ngài đã nói với chúng ta rằng chúng ta còn có thể làm những việc còn lớn lao hơn những gì Ngài đã làm, miễn là chúng ta làm trong Danh của Ngài và trong sự hiệp thông với Ngài như cành liền với thân cây.
7. HỎI. Chúa Giê su nói với chúng ta: “Hãy đi”; là môn đệ của Ngài, chúng ta không thể không vâng phục, vậy tất cả chúng ta phải trở thành những nhà truyền giáo cả sao?
THƯA. Đúng thế. Ki tô hữu bản chất là nhà truyền giáo, nhưng điều đó không muốn nói rằng tất cả chúng ta phải ra đi đến những vùng đất xa xôi và bỏ lại sau lưng những người thân yêu; mỗi người ki tô hữu phải là người truyền giáo theo bậc sống của mình, theo ơn gọi của mình. Lời mời gọi “Anh em hãy đi” ngỏ với chúng ta. Thật vậy, một đức tin đóng kín là một đức tin chết. Tin là ra đi. Đức tin là rộng mở, thay đồi và tiến bộ với thời gian. Giống như tình yêu vợ chồng, muốn được hạnh phúc tình yêu cần phải rộng mở.
8. HỎI. Chúa Giê su đã từng hứa: “Thầy sẽ gửi đến cho anh em một Đấng Phù trợ khác”. Lời ấy chưa đủ sao mà Ngài còn thêm: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)?
THƯA. Đúng, nhưng chúng ta phải sống lại biến cố Đức Ki tô hằng ngày một cách mới mẻ; chúng ta phải được nuôi sống bởi Đức Ki tô mỗi ngày. Lương thực vật chất ngày hôm qua được dùng cho ngày hôm qua. Ngày hôm nay dùng lương thực của ngày hôm nay, bởi hôm nay là một ngày khác. Ngày nào có lương thực cho ngày đó. Đức tin sẽ tốt, nếu mỗi ngày mối tương quan được nuôi dưỡng, được tái sinh. Có nhiều người hỏi: “Tại sao phải đi nhà thờ mỗi ngày chủ nhật, tại sao phải cầu nguyện mỗi ngày..” Cũng như về phần xác, ngày nào tôi không ăn, tôi sẽ chết, thì đức tin cũng vậy. Nếu tôi không cầu nguyện, thì vấn đề không phải là sợ Thiên Chúa giận dữ, nhưng con tim tôi, tâm hồn tôi, đức tin tôi sẽ gầy mòn và một thời gian sau sẽ chết.