CHỦ NHẬT 1 VỌNG A
Không ai biết được giờ nào
Lời Chúa hôm nay loan báo một xã hội mới sắp xuất hiện, và mời gọi chúng ta hãy tranh thủ đi vào để khỏi bị lọai. Xã hội bình an và công chính phải bắt đầu từ chính tâm hồn con người. Mùa Vọng là thời gian Giáo Hội chuẩn bị đón Đức Ki tô trở lại trong mỗi cuộc đời chúng ta.
Sách Tiên tri Isaia 2, 1-5
Hai thế kỉ trước Chúa Giê su, Giêrusalem là một thủ đô không có tiếng tăm của một đất nước nghèo khổ vì chiến tranh. Tiên tri loan báo rằng Giêrusalem sẽ tìm lại vinh quang của mình nếu toàn dân hướng về Chúa. Và Thành thánh sẽ trở thành trung tâm của vũ trụ đổi mới.
Thánh vịnh 121
Đây là Thánh vịnh hành hương được cất lên trong niềm vui tiến vào Thành Thánh. Đó là biểu tượng của thế giới hoàn hảo mà tất cả mọi người mơ ước. Thế giới bình an và công chính, là điều mà ai trong chúng ta cũng đều có bổn phận phải thiết lập.
Thư Rôma 13, 11-14a
Các ki tô hữu đầu tiên đã tin rằng nay mai Đức Ki tô sẽ trở lại. Trong đoạn nầy, Thánh Phao lô nhấn mạnh rằng chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện qua sự thay đổi tâm hồn của con người đã khám phá ra mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa của mình. Mặc lấy Đức Ki tô chính là thực hiện trong cuộc đời mình điều mà Tin mừng dạy cho chúng ta về Ngài.
Tin mừng: Mt 24,37-44
NGỮ CẢNH
Đọan tin mừng nầy nằm trong chương 24 tin mừng Mt là diễn từ cánh chung. Trong phần đầu (cc.1-36), Chúa Giê su nhấn mạnh việc Con Người chắc chắn sẽ đến và đến một cách tỏ tường, dù có nhiều người giả dạng thiên sai và ngôn sứ, do đó đừng hoang mang, sẽ có những dấu hiệu chắn chắn báo trước.
Với cc. 37-41, tin mừng chuyển sang một ý tưởng khác. Nếu Con Người đến một cách rõ ràng, thì biến cố ấy lại xảy ra một cách đầy bất ngờ, không ai có thể biết trước. Chúa Giê su nhắc lại câu chuyện Noê nhằm minh hoạ ý tưởng ấy.
Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục như sau:
1. So sánh với Đại Hồng Thuỷ (4,37-41).
2. Dụ ngôn tên trộm ban đêm (42-44)
TÌM HIỂU
Noê: mục đích của việc so sánh nầy không nhằm gây bất an cho các tín hữu, nhưng để mời gọi họ, vì không biết chắc chắn ngày giờ Chúa đến, phải có thái độ hợp lí là tỉnh thức để không bị bất ngờ khi biến cố xảy đến.
Quang lâm: Mt là tác giả duy nhất trong bốn tác giả Tin Mừng dùng từ quang lâm để chỉ việc Chúa Giê su trở lại (24,3.27.37.39). Nguyên thuỷ, từ nầy có nghĩa là “đến, hiện diện”. Trong thế giới La Hy, từ nầy được dùng để chỉ việc Hoàng đế long trọng ngự đến hay chính thức viếng thăm thành nào. Trong Kitô giáo sơ khai, từ nầy sớm được dùng để nói về cuộc trở lại vinh quang của Chúa Kitô vào ngày cánh chung để phán xét nhân loại (x. 1Tx 2,19;4,15; 2Tx 2,1.8.9; 1Cr 15,23).
Thiên hạ vẫn ăn uống: thời ông Noê, Đại Hồng thủy xảy đến là để trừng phạt con người đã hoàn toàn sa đoạ. Còn trong Mt, từ nầy chỉ đời sống bình thưởng của con người. Điều bản văn muốn nhấn mạnh là ngay cả một đời sống hoàn toàn tự nhiên, không có gì trái luật Thiên Chúa, vẫn không hề làm cho người ta tưởng nhớ đến ngày Phán xét. Chính trong những điều kiện như thế, cuộc Chung Thẩm sẽ được thực hiện.
Hai người: số phận trái ngược của hai người trong đồng ruộng cũng như hai người đàn bà đang xay cối tuỳ thuộc vào thái độ sống của mỗi người (x. 25,1-13).
Một người được đem đi, một người bị bỏ lại: được đem đi có nghĩa là được đem về Nước Trời, còn người bị bỏ lại có nghĩa là bị hư mất mãi mãi.
Vậy anh em hãy canh thức: canh thức có nghĩa là không ngủ. Đây là thái độ mà Chúa Giê su yêu cầu nơi những ai đang trông chờ Ngài đến (x. 25,13; Mc 13,33-37; Lc 12,35-40). Thái độ không ngủ, ở trong tình trạng sắp sẵn nầy đòi phải có một niềm hy vọng vững chắc
Kẻ trộm: Kinh thánh thường dùng hình ảnh tên trộm để diễn tả sự bất ngờ của ngày Chúa đền (x. 1Tx 5,2;2Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15).
Canh nào: Một đêm thường được chia làm bốn canh: chiều (từ khi mặt trời lặn đến 9 giờ tối), nửa đêm (từ 9 giờ tối đến 12 giờ đêm), khi gà gáy (từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng) và sáng (từ 3 giờ đến 6 giờ sáng).
Hẵn ông đã thức: cũng một dụ ngôn như trong đoạn 24,45-51. Của cải mà ông ta gắn bó đòi ông phải hi sinh và cố gắng tỉnh thức.
Khoét vách: vách nhà người Do thái thời Chúa Giê su thường được bệnh bằng đất với cành cây khô, nên kẻ trộm dễ dàng khoét thủng một lỗ lớn để đột nhập vào.
SỨ ĐIỆP
Với chủ nhật thứ nhất mùa vọng hôm nay, chúng ta bắt đầu năm phụng vụ mới. Trong suốt bốn tuần sắp tới, Lời Chúa sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng kỉ niệm ngày Chúa Giê su giáng sinh, đồng thời chào đón Chúa Giê su trở lại với từng người trong chúng ta.
Trong chiều hướng đó, các bài đọc chủ nhật hôm nay mời gọi chúng ta tìm lại ý nghĩa ki tô giáo của Mùa Vọng. Ngay từ đầu, Chúa Giê su ra cho chúng ta một lệnh quan trọng: “Hãy tỉnh thức”.
Để cho dễ hiểu, chúng ta có thể so sánh cuộc đời giống với chuyến đi xa. Nhiều lúc, đối diện trước một tương lai đầy bất định, với bao nguy hiểm rình rập, thế mà chúng ta lại không đủ cảnh giác. Hơn ai hết, Chúa Giê su biết rõ chúng ta yếu đuối, thường bị cám dỗ ngủ quên và để mình bị cuốn đi theo giòng đời, nên Ngài dạy chúng ta: “Hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa đến”. Ngài ân cần nhắc chúng ta nhớ lại những gì đã xảy ra thời ông Nô ê: “Người ta ăn uống,cưới vợ gả chồng..”. Những gì họ làm, không có gì là xấu cả, chỉ có điều người ta cứ sống vô tư không hề mảy may nghi ngờ gì cả cho đến ngày Hồng thủy cuốn trôi tất cả.
Lời cảnh giác ấy vẫn còn giá tri cho con người thời nay. Khi chúng ta tổ chức đời sống mà vắng bóng Thiên Chúa, khi chúng ta sống mất cảnh giác, thì đừng ngạc nhiên khi hồng thủy ập xuống đầu chúng ta. Hồng thủy ấy có thể mặc lấy nhiều hình thức: đặc biệt chúng ta nghĩ đến cả một thế giới sôi động chung quanh, nhiều khi lôi kéo chúng ta chạy theo những điều phụ thuộc, không cần thiết mà quên mất điều chính yếu, nhất là gần các ngày lễ. Và dòng thác thông tin thiếu sót và một chiều từ bốn phương trời hằng ngày ùa đến bao vây, khiến chúng ta giao động và mất phương hướng. Hồng thủy ấy còn là tiền bạc. Ngày nay, người ta coi tiền bạc là giá trị số một, nên dùng mọi cách để kiếm tiền, cả những cách bất lương. Và làm sao không nghĩ đến tất cả những hồng thủy bằng lửa gây ra bởi chiến tranh, hành vi khủng bố, diệt chủng và bạo lực đủ thứ.
Đặc biệt, đầu mùa Vọng, Chúa Giê su muốn mời gọi chúng ta chống lại cơn Hồng thủy cá nhân chủ nghĩa và ích kỉ có nguy cơ nhấn chìm chúng ta. Giữ mình trong tình trạng tỉnh thức là luôn cảnh giác trước mọi nguy hiểm, là ra khỏi sự tầm thường, là tìm lại điều cốt yếu làm nên giá trị của cuộc sống, là chú ý đến sự hiện diện của Đức Ki tô trong và chung quanh chúng ta.
Tỉnh thức không phải là một điều vô ích, vì những gì đã xảy ra thời ông Nô ê đã tái diễn trong thời Chúa Giê su giáng sinh. “Ngài đến nhà các gia nhân và nhưng người nhà của Ngài đã không nhận ra Ngài”. Người ta sống ung dung trong một cuộc sống bình thường, không hề để ý đến những dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến. Vì thế, họ không nhận ra sự hiện diện của Đức Ki tô, đấng cứu độ ngang qua cuộc đời đứa bé nầy. Chỉ có các mục đồng và các nhà chiêm tinh lên đường để tìm gặp Ngài.
Cũng chính Ngài tiếp tục đến gặp chúng ta, và mời gọi chúng ta chỉnh đốn mọi sự: Mùa Vọng không chỉ là thời gian chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, nhưng còn là cơ hội nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê su đang hiện diện, đang ở rất gần, rất thường nơi những người bé nhỏ, khó nghèo nhất.
Chúa Giê su đang ở đó, nhưng Ngài lại muốn chúng ta chờ đợi Ngài. Sự chờ đợi ấy trước tiên không phải là vấn đề thời gian mà là ước muốn. Ước muốn được gặp đấng mà chúng ta yêu thương, làm cho tình yêu của chúng ta đối với Ngài được lớn lên.
Hiều như thế thì cuộc đời chúng ta là một mùa Vọng triền miên. Chúng ta đừng tò mò tìm biết những gì sẽ xảy ra vào lúc cuối thời gian. Điều quan trọng nhất đó là giữ vững ước muốn cháy bỏng tìm và gặp Chúa Giê su. Toàn bộ phụng vụ các chủ nhật mùa Vọng thúc đẩy chúng ta đào sâu sự khao khát Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta.
Khi Chúa Giê su đòi chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện, thì đó không phải là một sự đe dọa. Nhưng là một cảnh giác chống lại nguy hiểm không nhận ra Chúa đang đi qua cuộc đời chúng ta. Ngài muốn tránh cho chúng ta mối nguy cơ để những cơ hội gặp gỡ qua đi. Đó thực sự là một thất bại khủng khiếp khi đi bên cạnh Đức Ki tô mà không nhận ra Ngài.
Thật bất hạnh, vì thiếu đức tin nên chúng ta thường rơi vào trạng thái ngủ mê về phần thiêng liêng. Chính vì thế mà chúng ta phải nghe lại sự điệp của thánh Phao lô. Thật vậy Ngài dùng những cách nói rất gợi ý để soi sáng chúng ta về cách phải tỉnh thức. Ngài mời gọi chúng ta hãy vất bỏ những hành vi của đêm tối và mặc lấy cuộc chiến đấu của ánh sáng. Vất bỏ những hành vi đen tối, tức là đẩy lui sự dữ, mạnh mẽ chống lại nó, không để cho mình bị tràn ngập bởi cơn hồng thủy đó.
Tỉnh thức trước tiên là là nhận thức điều gì phải thay đổi cuộc sống chúng ta. Mỗi người chúng ta có một góc tâm hồn cần phải sám hối. Thánh Phao lô mời gọi chúng ta “hãy mặc lấy Đức Ki tô”. Điều đó có nghĩa là chúng ta được mời gọi ở gần Ngài, cầu nguyện với Ngài, khẩn cầu Ngài trợ giúp và nhất là lắng nghe Lời Ngài phán. Mặc lấy Đức Ki tô cũng còn là làm việc để có một cái nhìn giống như Ngài và hành động cảm hứng từ hành động của Ngài. Đó là vấn đề đặt tất cả Tin mừng trong cuộc sống của chúng ta.
Từ muôn đời, Thiên Chúa luôn hiện diện trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa thì luôn hiện diện, chỉ có chúng ta là không ở đó với Người. Chúng ta luôn ở ngoài lề để hoạt động, để chạy đôn chạy đáo. Việc làm trước tiên trong mùa Vọng nầy là trở về với chính mình, trong tâm hồn chúng ta. Chúa đang đến. Chính đó là nơi mà Ngài sẽ gặp chúng ta.
1. HỎI: Tiên tri Isaia là ai?
THƯA: Isaia là vị Tiên tri lớn, thi hành sứ vụ vào khoảng năm 740 và 700 trước Công Nguyên, phần lớn dưới triều Akha, vua Giu đa từ năm 736 đến 716. Sách mang tên ông gồm 3 quyển được viết vào những thời kì khác nhau. Chỉ có 30 chương đầu tiên là của ông, còn hai quyển sau, 40-55 và 56-66 là do các đồ đệ ông biên soạn.
2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Vào thể kỉ thức 8 trước Công Nguyên, đứng trước mối đe dọa của quân Át si ri càng lúc càng gia tăng, nhà cầm quyền lúc bấy giờ chủ trương liên minh quân sự để bảo vệ Vương quốc Giu đa. Isaia lớn tiếng phản đối. Theo ông, chỉ nên cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa mà thôi. Vì thế ông loan báo một cuộc hành hương của tất cả các dân tộc về núi Chúa.
3. HỎI: Trong bài đọc một, tiên tri Isaia sử dụng hai hình ảnh nào?
THƯA: Tiên tri sử dụng hai hình ảnh nầy: trước tiên là hình ảnh đám đông đang đi, và thứ hai là hình ảnh tất cả các đạo quân trên thế giới quyết định rèn giáo mác thành dụng cụ cày bừa.
4. HỎI: Hình ảnh thứ nhất có ý nghĩa gì?
THƯA: Hình ảnh thứ nhất phát xuất từ lễ Lều của người Do thái. Vào dịp lễ hội ấy, Thành Thánh Giê-ru-sa-lem đón tiếp dông đảo người hành hương khắp nơi đổ về. Trước cảnh tượng huy hoàng đó, Isaia được Thánh Thần linh hứng đã loan báo: sẽ đến một ngày đoàn lữ hành đó sẽ qui tụ mọi dân tộc trên trái đất. Giê ru sa lem không còn là đền thánh của các chi tộc Ít ra ên nữa, mà sẽ là nơi qui tụ tất cả các dân nước. Vì cuối cùng toàn thể nhân loại sẽ tiếp nhận tin mừng tình yêu của Thiên Chúa.
5. HỎI: Các dân tộc qui tụ về Giê-ru-sa-lem để làm gì?
THƯA: Để Thiên Chúa dạy cho họ biết đường lối của Người và để họ đi theo đường Người đã chỉ. Đó chính là việc các dân được đón nhận vào trong Giao Ước của Thiên Chúa.
6. HỎI: Hình ảnh thứ hai có nghĩa gì?
THƯA: Hình ảnh thứ hai là hệ luận của hình ảnh thứ nhất. Nếu tất cả các dân tộc nghe lời Chúa dạy, thì họ sẽ đi vào trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đó là kế hoạch Bình an. Họ sẽ chọn Người làm quan án và trọng tài mang lại cho họ nền hòa bình vĩnh cửu. Bấy giờ, người ta sẽ lấy gươm đao làm cuốc làm cày, rèn giáo mác thành liềm thành hái.
7. HỎI: Dân Do thái có trách nhiệm gì không?
THƯA: Có. Câu cuối cùng là một lời mời gọi gởi đến cho dân Do thái: “Hãy đến đây, nhà Gia cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường” (2,5). Tiên tri mời gọi họ hãy làm trọn ơn gọi riêng của mình bằng hai cách: một là ‘hãy lên đền thờ Đức Chúa’, nghĩa là hãy cử hành Giao Ước, hai là ‘hãy đi trong ánh sáng Đức Chúa’, nghĩa là hãy sống phù hợp với Lề luật của Giao Ước.
8. HỎI: Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phao lô khuyên nhủ như thế nào?
THƯA: Vì Chúa sắp ngự đến, nên Thánh Phao lô khuyên người tín hữu hãy ‘mặc lấy Chúa Ki tô’ nghĩa là hãy để cho Ngài uốn nắn chúng ta theo hình ảnh của Ngài, hãy sống theo sự đổi mới của Chúa Thánh Thần.
9. HỎI: Trong bài tin mừng Chúa Giê su nói về điều gì?
THƯA: Bài tin mừng là trích đoạn diễn từ thứ năm của Chúa Giê su. Trong đó, Chúa Giê su nói về ngày Quang lâm, tức là Ngài đến trần gian lần cuối cùng. Ngài mời gọi mọi người phải tỉnh thức chờ đợi Ngài trở lại.
10. HỎI: Đoạn tin mừng được soạn tác theo thể văn nào?
THƯA: Đoạn tin mừng thuộc thể văn “khải huyền”. Đó là loại văn dùng nhiều hình ảnh kinh hoàng xảy ra trong thời cuối cùng để cho thấy thực tại mầu nhiệm cứu độ. Thực tại duy nhất cần được quan tâm đó là việc Chúa Ki tô đến. Vì thế trọng tâm của đoạn tin mừng nầy không nhằm làm cho người ta hoãng sợ mà để loan báo Chúa Giê su Ki tô sẽ đến.
11. HỎI: Việc loan báo Đức Ki tô sẽ trở lại có ý nghĩa gì?
THƯA: Việc loan báo Đức Ki tô sẽ trở lại nhắc nhở rằng chúng ta không bị nhốt trong một vòng thời gian vô tận. Nếu chúng ta chuẩn bị kỷ niệm lần đầu tiên xuất hiện của Chúa Giêsu Giáng sinh là để chuẩn bị chúng ta tốt hơn đón tiếp Ngài đến lần cuối cùng.
12. HỎI: Hình ảnh Đại lụt thời ông Nô-ê và lời cảnh giác có phải là tin mừng gửi đến cho chúng ta không?
THƯA: Chúa Giêsu dùng câu chuyện Nô-ê và Đại hồng thủy để cảnh giác mọi người hãy chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày Ngài đến. Cũng như ông Nô-ê, được cứu thoát nhờ công chính, thì bất cứ ai sống công chính cũng sẽ được cứu thoát trong ngày ấy.
13. HỎI: Hình ảnh hai người đàn ông và hai người đàn bà muốn diễn tả điều gì?
THƯA: Hình ảnh ấy nói lên việc xử án hay chọn lựa giữa người tốt và người xấu, giữa lúa tốt và cỏ lùng. Bởi vì trong mỗi người đều có sự lành và sự dữ, nên trong chính tâm hồn mỗi người mà sự lành sẽ được giữ lại và sự dữ sẽ bị loại trừ.
14. HỎI: Chúa Giêsu tự gán cho mình tước hiệu Con Người. Tước hiệu ấy có nghĩa là gì?
THƯA: ‘Con Người’ là kiểu nói Chúa Giêsu thích dùng để nói về mình: 30 lần trong tin mừng Mát thêu, và 3 lần trong bài tin mừng nầy. Trong tiếng Híp pri, ‘con người’ có nghĩa đơn giản là người. Tiên tri Đa niên trong thị kiến đã dùng kiểu nói ấy để mô tả một nhân vật hình dạng một người xuất hiện trong thế giới Thiên Chúa, được Thiên Chúa hiến thánh làm Vua muôn đời và đầy quyền năng trên toàn thể vũ trụ.