CHỦ NHẬT 3 MÙA VỌNG B
Tạ ơn Chúa vì đã ban Lời cảnh giác thức tỉnh chúng ta trong hai chủ nhật vừa qua. Ước gì sự tỉnh thức đó giúp chúng ta thực tâm sám hối, để từ nay chúng ta vững vàng tiến về Vương quốc mà Ngài đã hứa ban.
Sách Tiên tri Isaia 61, 1-2a.10-11
Được Thần khí Thiên Chúa tác động, tiên tri mang Tin mừng Cứu độ đến cho dân khiêm nhu và kính sợ Thiên Chúa. Thật vậy, Dân Chúa sắp được hồi sinh. Isaia kêu lên trong niềm vui chiến thắng và sứ điệp của Ngài vở òa trong niềm hân hoan. Người ta cảm nhận Ngài là Chứng nhân đích thực của Thiên Chúa.
Thánh ca Magnificat Lc 1
Bài ca nầy cũng tràn ngập hân hoan như lời sấm của tiên tri Isaia. Cùng với Đức Maria chúng ta hãy chung lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa đã không ngừng thực hiện những điều kì diệu cho chúng ta.
Thư thứ 1 Têxalônica 5, 16-24
Thánh Phao lô tiếp tục sứ điệp niềm Vui. Thần khí Thiên Chúa ngự trong chúng ta, chúng ta là con Thiên Chúa. Làm sao chúng ta không hân hoan, làm sao không hân hoan công bố điều đó ! Biết rằng Thiên Chúa chúng ta thật vĩ đại thúc đẩy chúng ta không ngừng cầu nguyện với Ngài và nhận lãnh từ nơi Ngài với niềm vui bởi vì Ngài yêu thương chúng ta vô cùng.
Tin mừng Gioan 1,6-8.19-28
NGỮ CẢNH
Đối với Tác giả Tin mừng thứ tư, sứ mạng của Gioan Tẩy giả đóng một vai trò quan trọng trong biến cố Chúa Giê su, nên đã không ngần ngại đưa ông vào trong Bài tựa long trọng ở đầu tác phẩm (6-8. 15) và dành một đoạn dài sau đó để tiếp tục giới thiệu nhân vật nầy (19-28). Điều đó tương xứng với sự quan tâm đặc biệt mà tác giả dành cho ông trong toàn thể sách Tin mừng của mình.
GIẢI THÍCH
Được Thiên Chúa sai đến: Tương phản lạ lùng với Ngôi Lời hướng về Thiên Chúa và là Thiên Chúa: ở đây nói đến một người có một sứ mạng trong một thời điểm nhất định. Việc tác giả nhắc đến Gioan Tẩy giả cho độc giả hiểu rằng toàn thể bài tựa không ở ngoài thời gian, nhưng muốn giới thiệu Chúa Giê su như Ngôi Lời nhập thể.
Để làm chứng: Sự cao cả của Gioan Tẩy hệ tại ở tư cách chứng nhân; tuy nhiên sứ mạng của ông tuỳ thuộc vào sứ mạng của Đức Ky tô. Lời chứng là một trong những từ khóa của Tin mừng thứ tư, một cách tổng quát là lời làm chứng cho Chúa Giê su (x. 19,35 và 21,24).
Ông không phải là ánh sáng: Tin mừng cảnh giác chống lại các phần tử của một phe phái vẫn coi Gioan Tẩy giả là Đấng Messia (Cv 19,2-8) (x. 1,20.27.30.34).
Người Do thái: Trong Tin mừng Gioan, từ nầy chỉ các thành phần của dân Israel (3,25; 4,9.22); nhưng trong phần lớn các trường hợp, từ nầy (“do thái”) chỉ những người đại diện cho một thế giới đang đi dần đến chỗ ngộ nhận rồi đối nghịch với Đấng Thiên Chúa sai đến, nghĩa là nó đặc biệt ám chỉ các quyền bính hiện hữu (2, 18;5,10-18;7,1-13;9,22).
Thầy Lêvi: Cùng với các thầy tư tế, họ là những người có trách nhiệm trong việc phụng tự và bảo vệ giáo lý.
Ông là ai?: Câu hỏi được lặp lại tới ba lần cho thấy đây là câu hỏi cốt yếu. Nhưng đối với các thầy tư tế và biệt phái, câu hỏi không thể giúp họ hiểu biết Chúa Giê su là ai bởi vì họ không chịu mở tâm hồn ra đón nhận ánh sáng. Họ tự mình phán đoán tất cả.
Ông tuyên bố: Cả ba giả thuyết đề ra ở đây (Đức Ki tô; Êlia; vị Tiên tri) cho thấy các khía cạnh khác nhau trong niềm mong đợi đấng thiên sai của Israel.
Tôi không phải: Gioan Tẩy giả trả lời cho tất cả các ba giả thuyết bằng lời phủ nhận. Câu nói “tôi không phải” hoàn toàn trái ngược với câu nói “Ta là” của Chúa Giê su.
Êlia: theo truyền thống Do thái, Êlia không chết, nhưng được cất về trời (2V2,11). Nhiều truyền thống cho rằng ông sẽ trở lại làm người loan báo Ngày của Chúa, ngày phán xử các dân tộc và thiết lập Nước Thiên Chúa (x. Ml 3,23-24).
Vị Ngôn sứ: Sách Đệ Nhị luật đặt vào miêng Mô sê lời nầy (18,15): “Từ giữa anh em Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi, để giúp anh em. Anh em hãy nghe vị ấy”. Vào thời Chúa Giê su, vị Tiên tri ấy được chờ đợi nhiều trong nhóm người Samari (4,19), người Galilê (6,14). Trong Cv 3,22; 7,37, Chúa Giê su được coi chính là vị Tiên tri ấy.
Tiếng người hô: Bản văn Isaia 40,3 được cả bốn Tin mừng dùng để định nghĩa vai trò của vị Tiền Hô. Chỉ riêng có Gioan là đặt lời sấm Isaia nơi miệng Gioan Tẩy giả, nhằm diễn tả sự khiêm nhường: ông chỉ là một chứng nhân, một tiếng kêu loan báo một người khác đến sau.
Đức Chúa: lời sấm Isaia cho thấy Chúa Giê su chính là Đức Chúa đang đến.
Pharisêu: Đối thủ của Chúa Giê su trong suốt cuộc đời sông khai của Ngài thường được tác giả tin mừng gọi là “người do thái”. Còn người Pha ri sêu thường được coi như những người hỏi ý kiến (8,3;9.13-34). Điều đó cho thấy họ là những người tò mò, và lo lắng trước thành công của Chúa Giê su (3,2;7,34; 11.47).
Tại sao: phần thứ hai của lời phỏng vấn. Sau nầy chỉ khi Chúa Giê su đến thì Gioan mới có thể trả lời tại sao ông làm phép rửa (1,31).
Trong nước; Phần kế tiếp của câu trả lời (phép rửa trong Thánh Thần) sẽ đề cập đến trong câu 33.
Một vị mà các ông không biết: Chúa Giê su chưa tỏ mình ra, nên Gioan dùng kiểu nói gợi lên sự tò mò để nói về Ngài. “Giê su là ai?” là câu hỏi căn bản được lặp lại nhiều lần trong tin mừng cho độc giả. Chính Gioan Tẩy giả trước kia không biết, nhưng giờ thì đã biết (1,31-33). Còn những người khác biết không? Bài tựa tin mừng nói một cách chung chung rằng “thế gian không biết Người” (1.10).
Tại sao ông dám thanh tẩy?: Câu hỏi nầy cho thấy điều làm cho giới lãnh đạo do thái giáo quan tâm nhất chính là phép rửa của Gioan. Vì đây không phải là nghi thức thanh tẩy thông thường, nhưng là phép thanh tẩy được ban bởi một thừa tác viên đặc biệt. Thứ đến, đây là phép rửa ban cho người do thái, chứ không phải cho lương dân để tòng giáo. Sau cùng, phép rửa của ông được liên kết với Nước Thiên Chúa mà Gioan loan báo là sắp đến nay mai.
Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan: Khó xác định địa danh nầy. Có phải là Bethabara (= chỗ lội qua được) không ? Một khúc cạn của sông Giorđanô nằm phía Bắc Biển Chết. Nếu đúng là như thế thì Tin mừng được mạc khải tại chính nơi mà ngày xưa dân Do thái vượt qua sông Giorđanô để tiến vào đất hứa.
SỨ ĐIỆP
Một từ nối kết ba bài đọc chủ nhật hôm nay là «tiên tri».
Trước hết là tiên tri Isaia, ông tuyên bố: «Thần khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo khổ, giải thoát cho những kẻ bị giam cầm..». Kế đến, Thánh tông đồ Phao lô nói với các tin hữu Tê xa lô ni ca rằng chính ngài vài năm trước đã đến như vị tiên tri để loan báo Tin mừng Chúa Giê su Ki tô. Ngài đã khuyên họ: «Anh em đừng tắt Thánh Thần đừng xua đuổi các tiên tri, hãy biện phân giá trị của mọi sự». Cuối cùng, Thánh Gioan Tẩy giả, khi được hỏi ông là ai và nhân danh quyền gì mà ông nói, đã thẳng thắng trả lời rằng ông không phải là Êlia, không phải là vị Tiên tri thiên hạ chờ mong, nhưng chỉ là tiếng kêu, một phát ngôn nhân của Thiên Chúa».
Cả ba bản văn sẽ giúp chúng ta hiểu tiên tri là ai. Hai mươi thế kỉ sau biến cố, câu hỏi ấy vẫn còn quan trọng cho chúng ta ngày nay.
Thật vậy, ngày chúng ta chịu phép rửa, chúng ta được xức dầu Thánh và linh mục nói với chúng ta: «Cha xức dầu cho con trên trán để con mãi mãi là chi thể của Đức Ki tô, Tư tế, Tiên tri và Vua». Vì thế, chúng ta phải là những tiên tri cho thế giới hiện nay. Bằng cách nào? Bằng cuộc sống như một chứng nhân, có trách nhiệm loan báo những dấu chỉ của Vương quốc đang đến. Chứng nhân cho một người là Chúa Giê su Ki tô, chứng nhân cho một chương trình mà Chúa Giê su đã bắt đầu thực hiện và chứng nhân cho sự thực hiện mà mỗi người chúng ta phải cộng tác.
Như thế, chúng ta là chứng nhân cho một người là Chúa Giê su Ki tô. Như Gioan Tẩy Giả, hôm nay chúng ta có thể nói: “Có một người giữa anh em mà anh không biết”. Những lời đó ngỏ với tất cả những người đang chờ đợi Đấng Messia. Và cũng hướng tới chúng ta hôm nay, cả khi Đức Ki tô đã tỏ hiện từ hai ngàn năm qua. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến mức độ hiểu biết cần có bởi vì sự hiểu biết ấy vượt quá một sự hiểu biết bình thường. Biết Đức Ki tô, theo ý nghĩa kinh Thánh, đòi có một sự hiệp thông mật thiết với Ngài, là cảm nghiệm ánh sáng và niềm vui trong sứ điệp Ngài, là dành cho Ngài vị trí ưu tiên trong cuộc đời chúng ta, và để Ngài biến đổi.
Lời rao giảng của Gioan Tẩy giả đã tìm được một tiếng vang rộng lớn nơi những người đang đứng trước mặt ông. Các môn đệ gặp ông và một cộng đoàn nhỏ hình thành chung quanh ông. Thành công vang dội nhưng luôn khiêm tốn và trung thành làm chứng, ông luôn xác quyết rằng mình chỉ là một người tôi tớ: “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi” (Mc 1,6). Gioan không làm việc cho cá nhân mình. Sứ mạng của ông là trở nên “cột mốc chỉ đường” trên con đường của Chúa.
Sứ mạng của chúng ta hôm nay, cũng là để mạc khải sự hiện diện của Chúa trong thế gian. Giữa chúng ta đang có một đấng mà chúng ta không biết. Chúng ta khám phá ra sự hiện diện và hành động của Đức Ki tô mỗi lần mà chúng ta chứng kiến một biến cố giải thoát con người, mang lại cho họ hạnh phúc, sức khỏe, niềm vui, một sức mạnh nâng đỡ giúp họ đứng vững. Như thăm viếng một người bệnh, phục vụ người lân cận, gia nhập một hiệp hội để chiến đấu chống lại nghèo đói. Đó là cách thức làm chứng nhân để xây dựng Nước Chúa, một thế giới bình an, công chính và huynh đệ. Qua đó, công trình của Đức Ki tô được tiếp tuc.
Thánh Phao lô dạy “Hãy phân biệt cái gì là tốt lành”. Điều tốt lành cho phép con người gặp gỡ Thiên Chúa, và nhờ đó gặp gỡ anh em mình một cách chân thành. Nngười Ki tô hữu không chỉ là người nhìn, xem xét hay phán đoán. Họ không chỉ là một người bàng quan, nhưng bắt tay làm việc cho Đức Ki tô. Làm như thế họ mới thực sự là chứng nhân.
Vậy chúng ta có thể nhận ra trong hành động, trong cuộc sống của chính mình, sức mạnh giải phóng của Đức Ki tô giúp tất cả mọi người có thể đứng vững. Điều đó phải bắt đầu trong đời sống cụ thể, trong gia đình giữa những người lân cận trong khu xóm, làng xã, nơi làm việc và bất cứ nơi nào chúng ta đang sống. Là Ki tô hữu, chúng ta có một sứ mạng làm chứng và làm tiên tri. Nếu thế giới ngày nay vẫn sống nằm trong bóng đêm, có thể là vì người ki tô vẫn còn sống quá khép kín trong tháp ngà của mình.
Trách nhiệm của chúng ta thật lớn. Chúng ta phải giúp đỡ thế giới nầy phân biệt điều tốt và mang lại cho nó niềm vui sống. Không thể có đời sống ki tô hữu đích thực mà không có niềm vui ấy đến từ tình yêu Thiên Chúa. Người ta không thể thực sự loan báo Tin mừng Chúa Giê su Ki tô Đấng Cứu độ với một bộ mặt đưa ma. Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để chúng ta thực sự là một dân tộc các tiên tri, một dân tộc các chứng nhân vui sống vì sự hiện diện và vì tình yêu của đấng đang hiện diện giữa chúng ta. Đừng dập tắt Thần Khí: những hãy để cho Ngài linh hoạt và hướng dẫn cuộc sống chúng ta để tiếp tục thực hiện những kì công cứu độ giữa lòng thế giới hôm nay.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sự cao trọng của Gioan Tẩy giả hệ tại ở điểm nào?
THƯA: Điều làm nên sự cao cả của Gioan Tẩy giả là Chứng nhân tuyển chọn cho một sự kiện độc nhất và đặc biệt nhất trong Lịch sử: “Đấng Messia mà thiên hạ đợi trông đang đến”. Gioan Tẩy giả là một chứng nhân có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì Ngài loan báo một biến cố không giới hạn trong lịch sử con người, nhưng mở rộng đến toàn bộ Lịch sử Cứu độ; một biến cố trong đó, Thiên Chúa không dừng lại ở việc nhìn từ trên cao mà đã hạ cố xuống trần gian khi hoàn toàn mặc lấy bản tính và thân phận con người (ngoại trừ tội lỗi).
2. HỎI: Tuy thế, ông chỉ là người chứng nhân đầu tiên cho Đức Ki tô, chứ không phải là Ánh sáng?
THƯA: Đúng thế, bởi vì Ánh sáng thật, soi sáng lương tâm và đời sống cho con người là chính Chúa Giê su Ki tô. Còn Gioan Tẩy giả, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giu se, các Thánh Tông đồ và tất cả các thánh khác trong Giáo Hội được gọi là “Những tấm gương” phản chiếu Ánh sáng Đức Ki tô trên thế gian.
3. HỎI: Tại sao Gioan Tẩy giả nói mình chỉ là “tiếng kêu”?
THƯA: Bởi vì ngài khiêm nhường. Trước mặt Đức Ki tô phải tỏ hiện, ngài không tự cho mình độc lập nhưng lệ thuộc Ngài. Do vậy, Gioan tự nhận mình chỉ là tiếng kêu, ngang qua đó, Lời Nhập thể được hiện diện.
4. HỎI: Nhưng lời Gioan Tẩy giả đã vang lên trên toàn cõi Palếtina?
THƯA: Trong đoạn tin mừng nầy, tiếng hô lớn của Gioan Tẩy giả là để chỉ khả năng của lời, sức mạnh rao giảng của vị Tiền hô đấng Messia. Ngoài ra nó còn chỉ hiệu năng của Lời Thiên Chúa.
5. HỎI: Người Ki tô chúng ta có thể làm gì trong hiện nay ?
THƯA: Hiện nay, người tín hữu ki tô cố gắng làm bất cứ điều gì để xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian, mỗi người tùy theo bậc sống và khả năng của mình.
6. HỎI: Làm tiên tri ngày nay như thế nào ?
THƯA: Hôm nay cũng như trong quá khứ, tiên tri là ơn ban đề hiện tại hóa Tin mừng trong mọi nơi và mọi lúc. Tiên tri là người biết đọc lịch sử bằng cái nhìn đức tin để nhận biết các cuộc can thiệp của Chúa Thánh Thần trong thế giới nầy. Người nào không lo phát triển ơn gọi đó, dù là linh mục hay người giáo dân, là khinh bỉ và dập tắt ánh sáng mà Đức Ki tô đã mang vào trần gian. Không có đặc sủng tiên tri, Giáo hội chỉ là một viện bảo tảng. Khốn cho ai biến giáo hội thành một bảo tàng, hay một xã hội con người giống như các xã hội khác.
7. HỎI: Thiên Chúa sử dụng những con người lịch sử để thực hiện chương trình Cứu độ của Ngài mà họ hề không hay biết?
THƯA: Đúng. Vua Kyrô Ba tư là một thí dụ (vào khoảng năm 528 tr. CN). Năm 558 tr CN ông kế vị Vua Cha để cai trị đế quốc; năm năm sau đó ông khai chiến chống lại, chiến thắng và bắt Vua Tiểu á làm chư hầu. Năm 546 ông tấn ông vua Lydia, bành trướng vương quốc của mình ở Tiểu Á. Năm 539 cả Babylon cũng rơi vào ách thống trị của ông. Một tron những hành động nổi tiếng của triều đại Kyrô là chiếu chỉ giải thoát dân Híp ri khỏi ách nô lệ ở Babilon và cho phép trở về Palétina.
8. HỎI: Điều đó cũng đã xảy ra cho Ki tô giáo non trẻ?
THƯA: Đúng, đó là Hoàng đế La mã Constantinô I (306-307). Tên đầy đủ là Flavio Valerio Constantino đã trở thành khí cụ của Chúa để Giáo Hội có thể loan báo tin mừng một cách hoàn toàn tự do. Ngòai ra, ông còn là hoàng đế La mã đầu tiên quay trở lại Ki tô giáo.
9. HỎI: Lời chứng cũng phát sinh từ sự hi sinh bản thân mình?
THƯA: Chắc chắn rồi. Ngày nay, sự hi sinh được hiểu là hiến thân hoạt động trên lãnh vực luân lí và bác ái hơn là tiết chế thân xác.
10. HỎI: Hiến tế biểu tượng điều gì đối với người Híp pri?
THƯA: Đối với Do thái giáo, hiến tế là một biến cố phụng tự nền tảng cho đến khi đền thờ Giê ru sa lem bị phá hủy vào năm 70 s. CN. Trong nhiều nghi thức hi tế đặc biệt có nghi thức hi tế tạ ơn và đền tội.
11. HỎI: Còn đối với Ki tô hữu?
THƯA: Trong Ki tô giáo, cái chết của Đức Ki tô trên thánh giá được coi là hi tế mẫu mực và hoàn hảo, dâng lên để xóa tội cho nhân lọai. Trong các thư thánh Phao lô, Đức Ki tô được coi như là một hiến lễ hi sinh (1 Cr 4 5,7; Ep 5,2; Hp 10,12-13). Ngay từ nguồn gốc Giáo Hội, Bí tích Thánh Thể được đặt trong tương quan với Đức Ki tô; nơi người Công giáo, nó được giải thích như là hình thức thông dự vào một hi tế của Ngài.