VỌNG VÀ HY VỌNG
Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng 2010
“ Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng” (Is.35, 1-2).
Hạnh Phúc, Bình An và Hy Vọng, luôn là điều mà ta mơ ước đạt được trong nhịp sống hằng ngày. Đặc biệt là Hy vọng.
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:
Trong một căn phòng nhỏ khang trang và ấm cúng. Vào một buổi tối, chủ nhân căn phòng thắp lên 3 ngọn nến. Ngọn nến thứ nhất sắc màu đỏ, mang tên Hạnh Phúc, ngọn nến thứ 2 sắc màu vàng mang tên Bình An, và Hy Vọng mang sắc màu xanh là tên của ngọn nến thứ 3.
Sau khi đã thắp sáng ba ngọn nến và đặt chúng gần nhau, chủ nhân lui ra. Điều đầu tiên là cả ba ngọn nến đều cảm thấy tự hào vì với ánh sáng tuy nhỏ bé, nhưng rọi sáng cả một gian phòng, hơn nữa hơi nóng từ ánh sáng của chúng làm ấm lên giữa tiết trời đông giá. Sau niềm tự hào đó, ba ngọn nến cùng tâm sự, kể cho nhau nghe những điểm nổi bật của bản thân.
Đầu tiên, ngọn nến Hạnh Phúc cất tiếng tâm sự với hai bạn rằng:
- Này hai bạn, đối với cuộc sống của con người, mình rất quan trọng, vì không có mình thì những nước mắt và khổ đau, luôn đi theo con người. Hơn nữa mình rất mạnh mẽ, không có gì có thể dập tắt mình được. Vì thế chủ nhân đã cho mình mang sắc màu đỏ.
Ngọn nến Hạnh Phúc vừa dứt lời, ngọn nến Bình An tiếp lời:
- Cuộc sống của con người, nếu không có mình, họ luôn cảm thấy bất an, lo lắng...đời sống của họ như chìm vào bóng tối, mình cũng như bạn rất khỏe và rất mạnh mẽ, mình có thể chịu đựng và luôn sáng tỏ dẫu có phong ba bão táp ập đến. Mình mang màu sắc vàng là vì thế.
Cả hai ngọn nến Hạnh Phúc và Bình An đều cảm thấy tự hào về những gì mình bộc bạch, tâm sự. Riêng ngọn nến Hy Vọng, sau khi nghe hai bạn tâm sự. Ngọn nến Hy Vọng cất tiếng nhỏ nhẹ rằng.
- Hai bạn ơi! Hai bạn đều ngang tài ngang sức với nhau, riêng mình thì chỉ là bóng mờ mà thôi, nhưng mình nghĩ, trong nhịp sống của con người, nếu vắng bóng hai bạn, mà không có mình kề bên thì chắc có lẽ sẽ tồi tệ biết là dường nào phải không? Tuy mình yếu ớt và mờ nhạt, nhưng mình tin chắc mình sẽ chịu đựng được, khi gặp phải những làn gió nhẹ cũng như mạnh, màu sắc xanh của mình muốn nói lên điều đó.
Ngọn nến Hy Vọng vừa dứt lời, hai ngọn nến Hạnh Phúc và Bình An cảm thấy đắc ý với những gì mình đang có, cùng cất lên tiếng cười sảng khoái. Bỗng một làn gió thổi ngang, đầu tiên là ngọn nến Hạnh Phúc vụt tắt chỉ còn lại làn khói mỏng manh, kế đến là ngọn nến Bình An cùng chung số phận, riêng ngọn nến Hy Vọng, tuy chao đảo nhưng ánh sáng vẫn cứ leo lét rồi bừng sáng khi cơn gió đi qua.
Sau khi được chủ nhân thắp sáng lại nhờ ánh sáng của ngọn nến Hy Vọng, ngọn nến Hạnh Phúc và Bình An quay sang cám ơn ngọn nến Hy Vọng và nói: “Cám ơn bạn rất nhiều, may mà có bạn, tụi này lại được thắp sáng ”.
Vâng! Chính niềm hy vọng là động lực giúp ta vượt qua những nghịch cảnh của cuộc sống.
Trong cuộc sống thường nhật, dù là ai, lứa tuổi nào; trình độ cao, thấp, giàu hay nghèo, đời sống tận hiến, hay giữa đời thường...Đều nuôi và dưỡng niềm hy vọng như:
Nơi những bậc làm cha làm mẹ, luôn hy vọng gia đình ấm êm, hạnh phúc, con cái khôn lờn, khỏe mạnh và nên người.
Với tuổi trẻ, luôn hy vọng một tương lai rực sáng, với những thành công cả về tri thức, công việc, tình yêu.
Những bậc cao niên, sau một thời bương chải, giờ gối mỏi tay run, luôn hy vọng có sức khỏe, con cháu sum họp kề bên, để vui hưởng tuổi già trong bình an và hạnh phúc.
Với những hoàn cảnh như: Thất nghiệp, nợ nần, thiếu thốn, bệnh tật hiểm nghèo, bất hòa, chia rẽ... luôn hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”.
Khi những cám dỗ của tiền, quyền, danh lợi, lạc thú...đánh gục những thành viên trong gia đình, và ngay như chính bản thân, luôn hy vọng một ngày nào đó, người ngã quỵ sẽ đứng lên để vượt thắng cám dỗ.
Đời người hữu hạn, luôn hy vọng sau khi từ giã cuộc đời trần thế, được vui hưởng phúc Thiên Đàng…
Tất cả những niềm hy vọng đó, đều được thắp sáng nhờ một Đấng mà khi xưa dân Do Thái đã ngày đêm ngóng đợi, không chỉ dân Do Thái xưa, nhưng toàn thể nhân loại qua mọi thời đại, trong đó có ta vẫn luôn khắc khoải mong chờ. Đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng khơi nguồn hạnh phúc, bình an và luôn thắp sáng niềm hy vọng cho những ai đón nhận Ngài là Cứu Chúa của mình. Đây chính là tâm tình sống mùa vọng.
Nhưng để thực sự nhận ra Thiên Chúa qua Đức Kitô là Cứu Chúa, Đấng thắp sáng niềm hy vọng cho ta trong cuộc sống, là điều không phải dễ, những lúc yên hàn đã khó, gặp phải những lúc đắng cay, thử thách, điều này còn khó gấp vạn lần. Hình ảnh của ông Gioan Tẩy Giả minh chứng cho ta thấy.
Là một ngôn sứ vĩ đại và cuối cùng của thời Cựu Ước, một Ngôn Sứ mà chính Đức Kitô đã nói về ông: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt11, 11). Nơi dòng sông Giođan, chính ông Gioan Tẩy Giả đã hân hoan, mạnh dạn, giới thiệu một con người mang tên Giêsu, xuất thân từ làng quê Nararét, sinh trưởng trong một gia đình nghèo hèn là Đấng Kitô, là Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian, đây chính là Đấng mà các Ngôn Sứ khi xưa đã tiên báo, là niềm đợi trông và hy vọng của toàn dân Do Thái.
Như ta đã biết khi ông Gioan Tẩy Giả bị cầm tù, niềm đợi trông, hy vọng, những gì ông Gioan Tẩy Giả đã từng giới thiệu như bị xáo trộn và chợt lu mờ, ông không dám chắc lời giới thiệu của mình đúng hay sai, qua việc ông sai đệ tử đến gặp và hỏi Đức Kitô như Tin Mừng đã trình thuật: “Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt.11,2-30).
Để thắp sáng lên niềm đợi trông và hy vọng nơi ông Gioan Tẩy Giả, Đức Kitô đã không trả lời đúng hay sai Ngài trả lời theo như những gì mà trước đây Ngôn Sứ Isaia đã tiên báo: “Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt11,4-6). Câu trả lời bao hàm sự nhắc khéo ông Gioan hãy mạnh dạn và đừng sợ, hãy làm chứng cho sự thật dù có phải hy sinh tính mạng, niềm mong đợi và hy vọng của dân Do Thái và của chính ông đã và đang thành sự nơi Đức Kitô
Tuy không giáp mặt, chỉ bằng lời nhắn gởi, Đức Kitô đã thắp sáng niềm hy vọng nơi ông Gioan Tẩy Giả, để rồi ông mạnh dạn bảo vệ sự thật, bảo vệ luân lý và tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô. Điều này đã đưa ông đến cái chết qua việc trả thù của người phụ nữ lăng loàn Hê-rô-đi-a (Mt14,3-12).
Ta đang sống trong mùa vọng, đặc biệt trong tuần lễ thứ 3, với phẩm phục màu hồng của vị chủ tế, Thiên Chúa qua Giáo hội mời gọi ta hãy sống trong tâm tình vui lên và hy vọng Đức Kitô đã đến, sẽ đến và đang đến, chính Ngài sẽ đem lại cho ta Hạnh Phúc và Bình An, ban tặng cho ta hạnh phúc Nước Trời, Ngài sẽ thắp sáng niềm Hy Vọng cho ta, dẫu ta đang phải bị những cám dỗ bủa vây và ngã quỵ; hay ta đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất; đang phải chống trả với những khổ đau của bệnh tật, nợ nần, đói nghèo, thất nghiệp, bất hòa chia rẽ. Chính Ngài là chất xúc tác là sức mạnh, là động lực cho ta đứng lên và tiến bước.
Ngày xưa ông Gioan Tẩy Giả tuy sống cảnh tù đày, không có cơ hội chứng kiến, giáp mặt Đức Kitô, nhưng Lời của Đức Kitô đã giúp ông lấy lại tất cả sức mạnh, niềm hy vọng tưởng chừng vụt tắt giữa quyền lực của thế gian. Đây chính là bài học cho ta trong cuộc đời Kitô hữu, đặc biệt trong bổn phận và trách nhiệm làm chứng và giới thiệu Đức Kitô cho mọi người, nhất là những người chưa có khái niệm gì về Đức Kitô. Chính Đức Kitô luôn ở bên ta, với ta nơi bí tích Thánh Thể, Lời Ngài nói với ta qua Tin Mừng, Ngài hiện diện quanh ta qua những người anh em.
Để nhận ra Đức Kitô và lời của Ngài, Như ông Gioan xưa, trước tiên là ta lui vào cõi lặng, lui vào hoang địa, sống đời sống khiêm hạ, đơn sơ. Hình ảnh của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse là tấm gương sống động nhất cho ta noi theo, trong việc đón nhận và lắng nghe Lời của Đức Kitô trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, kế đến là ta sống trong tâm tình mà Thánh Giacôbê nhắn nhủ ta qua thư của ngài: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm... Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa. Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Gc.5,7-11).
Ước chi nhờ ơn Chúa giúp, ta có được đức tin sắt đá, sự tỉnh thức, lòng kiên nhẫn, niềm hy vọng. Đây chính là những điều cần thiết giúp ta hân hoan đón nhận tất cả những phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên ta, như viễn cảnh mà Ngôn Sứ Isaia xưa đã giới thiệu: “Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng” (Is.35, 1-2).
Lạy Chúa! Con đang sống trong tuần lễ mà Giáo Hội là Mẹ mời gọi con hãy vui lên, hãy hy vọng vì Chúa đã đến gần. Xin Chúa giúp con biết dành thời gian tâm sự với Chúa nơi bí tích Thánh Thể, chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa nơi Tin Mừng. Nhờ đó mà niềm vui và niềm hy vọng của con luôn được Chúa thắp sáng bằng tình yêu của Chúa ngay bây giờ và mãi về sau. Amen.
Sài Gòn ngày 8/12/2010
An-tôn Lương Văn Liêm