THỨ SÁU TUẦN III MÙA VỌNG NĂM A
Mt 1,1 – 17
Chuyến du hành đầu tiên ra thăm quê hương miền Bắc, ấn tượng trong nhất trong tôi là khi bước vào ngôi Từ đường thờ kính tổ tiên của dòng họ. Những người họ hàng thuộc ngành bên bên kia, thuộc tôn giáo thờ kính tổ tiên của chúng tôi nhìn chúng tôi với ánh mắt lạ lẫm, tò mò, nhưng cũng rất hồ hởi, sởi lởi khi biết rằng mình cùng gốc tổ. Họ vui vẻ và trân Trọng giới thiệu cho chúng tôi “Bản Gia Phả Họ Trần” với tất cả niềm tự hào. Từ bản gia phả đó, những người xa lạ quanh tôi trở thành gần gũi. Tôi thấy mình với họ là một nhà, và chúng tôi thuộc về nhau. Dù họ chưa được biết, được làm con cái Chúa, nhưng nhìn tấm lòng trân trọng thờ kính, hiếu thảo đối với tổ tiên của họ, tôi biết rằng, bằng cách nào đó Chúa cũng sẽ ban cho họ được ơn cứu độ.
Trong phần mở đầu của sách Tin mừng thánh Matthêu hôm nay – qua bản gia phả, tuy đơn sơ mộc mạc, minh chứng Đức Giêsu là con của Abraham, con của Đavit – tác giả trình bày cho chúng ta thấy mầu nhiệm tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa dành cho con người: mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.
“Thiên Chúa làm người”, ai cũng biết chỉ vì Ngài quá yêu con người, để con người thuộc về Thiên Chúa, và qua đó, mỗi người “chúng ta thuộc về nhau”. Đó quả là một mầu nhiệm mà theo lẽ thường, trí khôn con người không thể suy thấu !
Tuy nhiên, việc Con Thiên Chúa đến “ở với” con người cũng có nghĩa là Ngài sẵn sàng chấp nhận sự cùng khổ như một con người: sinh ra trong hang của gia súc, sống đơn sơ khó nghèo, cuộc sống lao động vất vả, lại còn bị chống đối và bị kết án phải chết như một tên tử tội… Những điều đó cho tôi thấy gì? Phải chăng đó là một mầu nhiệm?
Chưa hết, trong gia phả của Đức Giêsu - Con Thiên Chúa làm người - còn cho chúng ta thấy một điều lạ lùng khác nữa, đó là bốn người phụ nữ đầu tiên được kể, lại là những người có lí lịch không mấy tốt lành: loạn luân, gái điếm, ngoại đạo, ngoại tình… Tuy nhiên, chính ở nơi đó đã mặc khải cho tôi tình yêu của Người, nghĩa là bản gia phả này biểu tượng cho một dòng giống tội lỗi chúng ta, mà chính Người đã mang lấy nơi thân thể Người, để thực hiện một cuộc giải phóng, cứu con người ra khỏi tội lỗi và sự chết như lời tác giả Thánh vịnh có viết:
“Ôi lạy Chúa! con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm.
Ấy con người khác chi hơi thở
Thấp thoáng trên đường tựa bóng câu”
Mùa vọng đang mời gọi chúng ta hướng lòng mình chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu cao cả này, đó chính là Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu vớt con người, và chia sẻ cho con người hồng phúc được làm con Thiên Chúa. Để nhờ đó, con người biết tôn thờ, cảm tạ, tri ân Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của mình, một cuộc sống biết yêu thương, biết chia sẻ và cho đi. Đặc biệt là xin cho mỗi người chúng ta biết quan tâm đến những nhu cầu cơ bản của người anh em bất hạnh, nghèo khổ… để xoa dịu nỗi đau của họ, như Thiên Chúa đã đến để xoa dịu, xua tan những nỗi đau của chính chúng ta. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh, OP