Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 15

Suy niệm Chúa Nhật XV Thường niên năm C

AI LÀ ANH EM TÔI?

Dnl 30, 10-14; Cl 1, 15-20; Lc 10, 25-37

yeu thuong 2.jpg“Mến Chúa trên hết mọi sự” là giới răn thứ nhất và quan trọng nhất của người Kitô hữu. “Yêu người như mình ta vậy” là lời kinh chúng ta thuộc lòng. Thế nhưng yêu người là yêu ai? Hay nói cách khác: trong thế giới có hàng tỷ người này thì ai là người mà tôi phải yêu mến?

Đó là vấn nạn không chỉ được đặt ra hôm nay nhưng đã được đặt ra từ thời Chúa Giêsu. Thật vậy, Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc một vị luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Ai là anh em của tôi?”.

Khi hỏi như vậy, hẳn người thông luật này đứng trên quan điểm của người Do thái. Vì người Do thái quan niệm: anh em tôi phải là người bà con ruột thịt hay ít là đồng bào Do thái với tôi. Còn người ngoại quốc, nhất là người ngoại giáo là quân tội lỗi, là hạng người ô uế, không nên gần gũi, tiếp xúc.

Để trả lời cho câu hỏi người luật sĩ đặt ra, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu và mời gọi vị luật sĩ - và mọi Kitô hữu chúng ta ngày nay - rút ra kết luận cho bản thân mình.

Tại sao trông thấy người bị nạn, vị tư tế và vị trợ tế đều đi qua? Tư tế hay trợ tế là người Do thái. Theo luật, khi lên đền thờ tế lễ, họ không được tiếp xúc với người chết và người ngoại giáo. Do đó -vì luật- họ đã đi qua mà không hề cứu giúp người bị nạn. Ở đây, Chúa Giêsu nhấn mạnh thái độ của họ là làm ngơ, là dửng dưng trước nạn nhân đang cần giúp đỡ. Có thể họ giữ luật một cách rất tỉ mỉ nhưng họ lại thiếu tình yêu thương bác ái cụ thể; mà tình yêu mới là cái cốt lõi của luật.

Hơn nữa, đối với vị tư tế hay trợ tế, một người bị nạn không phải là người Do thái, cũng chẳng phải là bà con ruột thịt thì hơi đâu mà lo cho mệt! Điều này cũng giống như người ta gặp một tai nạn giao thông. Nếu người bị nạn là người nhà ta thì ta mau cứu giúp; nếu là người dưng thì ta cũng thường dửng dưng, để mặc ai giúp thì giúp! Tâm lý chung, ai cũng sợ liên lụy, sợ bị ‘vạ lây’.

Trái lại, người Samaritanô trong bài Tin Mừng hôm nay đã không hề do dự xem nạn nhân có phải là anh em, bà con với mình hay không. Anh đã mau mắn ra tay cứu giúp bất chấp những phiền hà mà anh phải chịu: mất thời gian, tốn tiền bạc, nguy hiểm đến sự an toàn cá nhân.v.v... Anh giúp nạn nhân đơn giản vì đó là một con người, là đồng loại với mình, là một người đáng thương đang cần cứu sống.

Như thế, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định: tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Vì thế, con người không được quyền tự đặt ra những giới hạn như tôn giáo, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ hay giai cấp... để tự cho phép mình thoái thác giúp đỡ tha nhân cách cụ thể.

Cuộc sống hôm nay, con người dường như ngày càng dửng dưng trước đau khổ của người khác. Trong khi ở các nước Châu phi, nhiều người đang chết đói thì tại các nước giàu có Tây phương, người ta ăn uống thừa mứa, nhiều công ty thực phẩm còn đổ hàng ngàn tấn thức ăn ‘quá đát’ chưa kịp sử dụng xuống biển!

Tại Việt Nam, mới đây, dân cư mạng, nhất là các nhà xã hội và giáo dục kinh ngạc khi xem đoạn video clip về vụ học sinh đánh bạn. Điều đáng ngạc nhiên là những học sinh xung quanh dửng dưng để mặc nạn nhân bị người khác đánh đập.

Tại sao người ta lại có thể dửng dưng và nhẫn tâm như vậy?

Trong khi yêu thương hay ‘lòng nhân ái’ là lề luật không chỉ được Thiên Chúa khắc ghi trên bia đá, được lưu truyền qua Sách thánh mà còn được ghi tạc vào lòng con người (như bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật nói rõ).

Do đó, nếu quan sát cuộc sống quanh ta và có con tim nhân ái, chúng ta sẽ nhận ra chung quanh chúng ta vẫn còn đó biết bao nạn nhân đáng thương, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Có thể họ là nạn nhân của bão lụt thiên tai; là nạn nhân của quân trộm cướp, là nạn nhân của những hình thức bất công xã hội…

Mỗi người chúng ta lúc này đây dừng lại ít phút để xét xem chúng ta có tôn trọng những nạn nhân đó với đầy đủ phẩm giá như chúng ta chưa? Chúng ta có coi họ như đồng loại, đồng bào, là người nhà của mình để nhanh chóng giúp đỡ chưa? Hay chúng ta lại có thái độ dửng dưng như vị tư tế hay trợ tế trước nỗi đau khổ của bao con người?

Phần chúng ta, biết bao lần chúng ta bị tội lỗi làm tổn thương; phải “sống giở chết giở”. Chúa Kitô, hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, không chỉ ‘chạnh lòng thương’ đã xuống ngựa mà còn “bỏ trời cao” hạ mình xuống làm người đồng hành để đỡ nâng, băng bó cho chúng ta. Nhờ người mà chúng ta được chữa lành, được giao hòa cùng Thiên Chúa (bài đọc II).

“Hãy đi và làm như vậy”. Ước gì chúng ta biết noi theo gương bác ái của người Samaritano, nhất là noi gương Đức Kitô, để yêu thương, chữa lành, mau mắn phục vụ người khác đặc biệt những nạn nhân của những hình thức bất công, nghèo đói, bệnh tật trong cuộc sống hôm nay. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ Đức Giêsu -Đấng là Thiên Chúa tình thương- và đáng hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.

Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường niên - Hoa Tâm
     Lời Chúa - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM C-TRÔNG THẤY VÀ ĐỘNG LÒNG THƯƠNG. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM C-LUẬT SAMARITANÔ- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền