Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 28

CHỦ NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, và cứu chuộc chúng ta. Điều đó quá quen thuộc đến nỗi nhiều khi chúng ta quên tạ ơn Ngài, tưởng rằng đó là điều đương nhiên. Tạ ơn Thiên Chúa là nhận rằng tất cả là hồng ân, và chúng ta không đáng được như thế, nhưng lòng Tốt của Người là vô giới hạn. Thánh Thể là đỉnh cao của hành vi tạ ơn đích thực.

Sách 2 Vua 5, 14-17

Theo luật Is ra en, viên tướng Si ri nầy, là một người ngoại giáo, bị ô uế đến hai lần: phung cùi và ngoại đạo. Nhưng trong cái nhìn của Thiên Chúa, đó là một bệnh nhân cần phải được cứu chữa, một người cần được an ủi. Đối với người ki tô hữu, tất cả mọi người đang cần được cứu giúp là một lời mời gọi của Thiên Chúa.

Thánh vịnh 97

Thiên Chúa Is ra el đã thực hiện những điều kì diệu trước mặt muôn dân. Trong Giao ước mới, các dân ngọai không chỉ là chứng nhân, mà còn là những người thừa hưởng cả những điều kì diệu của Thiên Chúa.

Thư 2 Tm 2,8-13

Trong suốt sứ vụ của mình, Phao lô luôn vấp phải những chống đối: lương dân, người Do thái, và cả các người Ki tô hữu gốc Do thái nữa vì tinh thần nệ luật và nghi thức của họ. Tuy nhiên, Phao lô được Thánh Thần thúc đẩy hướng đến thế giới Hi lạp, đã khám phá ra rằng Lời Thiên Chúa không thể bị xiềng xích. Nhờ được thấm nhuần ân sủng, nên ngài có thể đương đầu với mọi chướng ngại để truyền rao Tin mừng Tình yêu của một vì Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người đến Vinh quang.

Tin mừng Lc 17,11-19

NGỮ CẢNH

Câu 7,11 nhắc lại sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong phần nầy của tin mừng khởi đầu từ câu 9,51: Chúa Giê su đang trên đường đến Giê ru sa lem, nơi Ngài sẽ chịu khổ nạn và chịu chết (x. 13,22).

Dọc cuộc hành trình của Chúa Giê su từ Ga li lê lên Giê ru sa lem, Luca không quan tâm đến lộ trình địa lí. Ngài đặt câu truyện Mát ta và Maria ngay tại Bê ta nia, cửa ngõ vào Giê ru sa lem (10,38-42) trước khi Chúa Giê su vượt qua vùng Sa ma ri. Điều Lu ca muốn nhấn mạnh là ý nghĩa và mục tiêu cuộc hành trình nầy.

Chỉ có Luca kể lại phép lạ nầy. Tác giả chỉ lướt qua phép lạ chữa lành (17,12-15), để tập trung chú ý vào người phung cùi Sa ma ri  là người duy nhất nhận ra ý nghĩa của việc được chữa lành và nhờ vào lòng tin, đã thực sự được chữa lành (17,16-19).

TÌM HIỂU

Làng kia: x. 5,12 nói đến những người phong hủi đi vào một thị trấn nơi Chúa Giê su đang đi qua.

Những người phong hủi: họ làm thành một nhóm gồm những người Do thái và Sa ma ri: bệnh của họ không những khiến họ không còn xa cách và đối địch nữa mà còn giúp họ giao hảo với nhau.

Đằng xa: những người phong hủi đứng ở đàng xa để không lây truyền bệnh của họ và gây ra ô uế theo như lề luật buộc (Lv 13,45-46).

Lạy Thầy Giê su: chứ không lạy Chúa như ở 5,12. đầy là lần duy nhất tước hiệu chỉ uy quyền của một người đứng đầu được gán cho Chúa Giê su bởi một người không thuộc vào nhóm môn đệ của Ngài (x. 5,5).

Xin dủ lòng thương: họ không xin được thanh sạch như người phong hủi ở đoạn 5,12, mà xin được thương xót bởi lòng nhân hậu của Chúa Giê su (x. 18,38). Họ hướng về Chúa Giê su như người Do thái hướng về Thiên Chúa trong lời kinh hằng ngày của họ (Tv 51,3).

Hãy đi trình diện: lệnh truyền của Chúa Giê su mang lại một chút gì bất ngờ: Ngài không làm bất cứ một cử chỉ nào (khác với 5,13), cũng không hứa hẹn điều gì cả, mà chỉ bảo họ đến với các thầy tư tế, dường như Ngài coi họ đã được chữa khỏi. Quả thật các thầy tư tế có bổn phận phải chứng thực rằng tình trạng ô uế đã khỏi (Lc 14,2-3). Họ đã vâng lời, và như thế họ đã cho thấy có một lòng tín thác mạnh mẽ nhất.

Tôn vinh Thiên Chúa: cũng như các mục tử (2,20), người bại liệt (5,25), người đàn bà còng lưng (13,13), người mù (18,43), viên bách quan (23,47). Ở đây, Lu ca đặt thái độ tôn vinh Thiên Chúa trong tương quan với tư thế phủ phục trước mặt Chúa Giê su của người phong hủi đã được chữa lành để tạ ơn Ngài. Người ngọai quốc nầy đã biết nhận ra hành động của Thiên Chúa. Ở đây đức tin của anh được bày tỏ theo theo hướng sẽ được Chúa Giê su chấp nhận. Nơi tạ ơn không còn là đền thờ Giê ru sa lem nữa, mà là con ngừơi của Chúa Giê su.

Người Sa ma ri: x. 10,33. Lu ca nhấn mạnh đến nguồn gốc của người biết ơn nầy: những người mau mắn tiếp nhận Chúa Giê su là những người ở xa hơn đối với thế giới Do thái (x. Ga 4, và Cv 8).

Chín người kia đâu: mười người được chữa khỏi nhưng chỉ có một người duy nhất ca tụng Thiên Chúa. Chúa Giê su không trách chín người kia về sự vô ơn của họ, như một vị chữa bệnh có thể làm; Ngài chỉ than phiền rằng họ không biết nhận ra nơi Ngài là Đấng Cứu Độ của họ. Chúa Giê su không nói lên ý nghĩ  nầy cho người Sa ma ri, nhưng cho tất cả các môn đệ là những người vẫn chưa có một niềm tin đích thật (17,6). Thái độ của người Sa ma ri là một bằng chứng thúc đẩy họ tin. Người ta tin rằng câu hỏi của Chúa Giê su cho thấy Ngài quan tâm muốn qui tụ tất cả bạn bè của Ngài vào trong Giáo Hội.

Đứng dậy về đi!: Chúa Giê su đỡ người Sa ma ri đang còn phủ phục đứng dậy, bởi vì nếu lòng tin mời gọi con người tôn thờ, thì cũng giúp người ấy chỗi dậy để phục vụ.

Lòng tin: Chúa Giê su cũng nói câu nầy với những người đã được hưởng phép lạ khác (7,9; 8,48.50;18,42) cũng như đối với người phụ nữ phạm tội (7,50). Thật vậy, việc tạ ơn là một cách diễn tả đức tin, là một sự nhận biết Thiên Chúa như Ngài là: Đấng Cứu Độ cho không.

Đã cứu chữa anh: người phung hủi không chỉ được chữa lành hoặc được thanh sạch, mà còn được liên kết với Chúa Giê su, Đấng Cứu Độ, do đó trở thành một tạo vật mới nhờ Ngài.

Vậy, Chúa Giê su đặt niềm tin ở trên lề luật. Lộ trình không kết thúc khi người ta đến với các định chế Do thái; sau khi đi đến với các tư tế, cần phải nhận ra Chúa Giê su là Đấng Cứu độ. Khi tạ ơn Chúa Giê su, người ta gặp Thiên Chúa nơi Ngài và đến với ơn cứu độ.

SỨ ĐIỆP

Tuy cách nhau một vài thế kỉ, sách Các Vua và Tin mừng đều nói với chúng ta về người phung cùi. Sách Các Vua nói về viên tướng Naaman người Siri, còn Tin mừng thì kể cho chúng ta nghe tình cảnh đáng buồn của mười người kiều dân của Israen. Bệnh của họ khiến họ trở thành những người ô uế, bị gạt ra bên lề xã hội.

Người ta phải tránh họ để khỏi bị nhiểm uế, còn họ thì đi đâu cũng phải lắc chuông để cảnh báo cho người khác biết sự hiện diện của mình, để tránh xa họ. Hơn nữa căn bệnh khủng khiếp ấy còn bị coi là biểu tượng và hậu quả của tội lỗi, đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa trong họ.

Tình cảnh của họ giúp chúng ta suy nghĩ về bản thân và cuộc đời chúng ta. Những tiến bộ khoa học thời nay cho phép chữa khỏi bệnh phung cùi, và giúp người ta có đủ mọi phương tiên để tự bảo vệ khỏi những chứng bệnh lây lan ngòai da. Những nơi công cộng như hàng bán thực phẩm, nhà thương đều có những qui định vệ sinh nghiêm nhặt. Thực tại đó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về về đời sống đức tin. Chúng ta đang ở trong một xã hội lôi kéo chúng ta sống và suy nghĩ theo tất cả mọi người. Những điều thiết yếu thường được nói đến là tiền, chức vị, danh vọng. Và để đạt được những thứ đó, người ta chấp nhận làm mọi điều, kể cả những gì sai trái. Áp lực xã hội là một điều khủng khiếp vì nó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ và hành động giống như mọi người. Vì thế điều quan trọng hôm nay là chúng ta hãy để cho tin mừng mời gọi chúng ta.

Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay loan báo cho chúng ta một tin mừng: Thiên Chúa có thể chữa trị những người phung cùi, như trường hợp của  ông Naaman người Syri trong bài đọc thứ nhất. Và đó cũng là trường hợp của mười người đến tìm gặp Đức Ki tô. Nhưng điều quan trọng hơn hết không phải là phép lạ. Chúa Giê su không bao giờ phô trương quyền năng làm phép lạ của mình. Trái lại, đối với Ngài, đức tin là yếu tố mang lại phúc lành cho người bệnh: “Đức tin của con đã chữa lành con”.

Phép lạ chỉ là bước đầu mòi gọi đức tin, và con người tự do tiếp nhận hay từ chối dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho. Như trong trường hợp mười người phung cùi đã được chữa khỏi, nhưng sự chữa lành đó không phải là ơn cứu độ đích thực, nhưng chỉ là một dấu chỉ mời gọi mà thôi. Chỉ có người thứ mười đã tìm được ơn cứu độ bởi vì anh ta đã tin rằng vị thầy ấy là Đấng mang lại ơn giải thoát toàn diện cho anh, chứ không phải đơn thuần là một người chữa bệnh.

Như mười người phung cùi, chúng ta cũng có thể hướng về phía Chúa và kêu xin Ngài cứu giúp chúng ta. Chúng ta cầu xin cho mình, cho những người đau yếu và cho thế giới đang đau khổ vì bạo lực, chiến tranh và đủ mọi tai ương. Tin mừng nói rằng Chúa Giê su không im lặng trước lời kêu cứu từ sự khốn khổ của chúng ta. Người luôn luôn lắng nghe những người bé mọn, những kẻ đau yếu, những người bị xã hội lọai trừ. Ngài tiếp nhận tất cả những ai đến với Ngài. Khi sai họ đến với Thầy cả, Ngài tái hội nhập họ vào cộng đòan để họ tìm lại chỗ đứng của mình. Đó là sự ưu ái Ngài dành cho họ, và cũng muốn dành cho chúng ta.

Còn người phung cùi thứ mười. Là người Sa ma ri, bệnh nhân nầy không thể đến với vị thầy cả, vì có thể anh sẽ bị đuổi đi. Anh đành quay trở lại và đến cùng Chúa Giê su, vì nghĩ rằng mình không thể làm điều gì khác hơn. Còn chín người kia đã làm theo như những gì lề luật dạy, và họ đã không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa. Người Sa ma ri là người duy nhất đã lãnh nhận ơn Cứu độ. Lời tạ ơn của anh là chính cách diễn tả đức tin cứu thoát anh ta. Lời cầu nguyện đích thực không chỉ là lịch sự cám ơn Thiên Chúa. mà còn là lời kinh giúp chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ và cố gắng sống cho xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Vì thế ngày chủ nhật hôm nay chúng ta được mời gọi hãy sống đức tin. Thế nhưng sẽ không có cuộc sống đức tin nếu không có lòng khiêm nhường sâu xa và từ bỏ chính mình. Naaman đã bỏ tính kiêu căng. Ông đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa Israel và đã ra đi đến đó với ý muốn cương quyết là tôn vinh Thiên Chúa đã chữa lành ông. Ngày nay cũng thế, chính Thiên Chúa tiếp tục hành động với những phương tiện nghèo nàn: Cha sở Ars, Thánh nữ Bernadetta Lộ Đức, Mẹ Têrêxa và nhiều người khác.

Là người Ki tô hữu, chúng ta được sai đi làm chứng cho Ơn cứu độ của Thiên Chúa trong xã hội hôm nay, mang đậm dấu ấn bệnh phung cùi của sự lãnh đạm và duy vật. Nhiều người bị nhấn chìm trong buồn nản và lo âu bởi vì họ mất phương hướng cũng như lí do để sống. Và Thiên Chúa đã đặt trên đường chúng ta những người cần được giúp đỡ để quay bước trở về với Người và sống trong đức tin. Thế giới ngày nay đang cần những chứng nhân vui tươi và trong sáng, không sợ trả lẽ về niềm hi vọng thúc đẩy họ.

Tụ họp để loan báo tin mừng, chúng ta ca ngợi Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Người chữa lành chúng ta khỏi các chứng bệnh phung cùi; Ngài cho chúng ta chỗi dậy và sai chúng ta đi đến với người khác. Hành vi tạ ơn sau rước lễ không chỉ là một vài giây phút im lặng ngắn ngủi trước khi chấm dứt Thánh lễ, nhưng phải được kéo dài trong suốt tuần lễ bằng chứng từ vui tươi vì được giải thoát: “Chúa đã làm cho tôi nhiều điều kì diệu. Danh Ngài là Thánh”.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVIII Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVIII Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVIII Thường Niên B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên - Đa-minh Trần văn Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên_Nt . Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Các bài viết cũ hơn