Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 7

CHỦ NHẬT 7 TN

Như Cha trên trời

cau nguyen 2.jpgĐể xây dựng Vương quốc, Chúa Giê su mời gọi chúng ta canh tân toàn diện tương giao với người khác, trở nên phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa. Làm sao để canh tân xã hội trong khi các tương giao giữa con người vẫn còn đặt trên hận thù và nghi kị? Sự đòi hỏi của Ngài vượt qua sự công chính đơn thuần. Ngài mời gọi chúng ta sống như Ngài.

Sách Lê vi 19,1-2.17-18

Quyển sách nầy chứa đựng Lề luật. Các điều khoản Lề luật cũ công bố lời mời gọi nên Thánh bởi vì Thiên Chúa là đấng Thánh. Chúa Giê su đã mạnh mẽ lặp lại lời mời gọi ấy. Lòng trung tín với Thiên Chúa không thấy được diễn tả bằng tình yêu thương tha nhân mà người ta thấy rất gần.

Thánh Vịnh 102

Thánh vịnh nầy ca ngợi lòng nhân ái và thương xót của Chúa đã yêu thương chúng ta vô cùng. Ngài tha thứ mọi xúc phạm. Ngài nâng dậy và chữa lành. Ngài làm cho sống. Ngài quên hết mọi tội lỗi ta phạm và kéo ta lại gần Ngài. Những người chung quanh ta là đền thờ của Thiên Chúa.

Thư thứ 1 Cr 3, 16-23

Một Mạc khải lạ lùng và kì diệu: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ở trong anh em”. Đây không phải là một cách nói mà là một điều hoàn toàn có thật. Thiên Chúa ở trong tôi, trong anh, trong mọi người. Nếu điều ấy có vẻ điên khùng dưới cái nhìn của con người, thì đừng quên rằng sự khôn ngoan của thế gian là sự điên dại của Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Mt 5,38-48

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nằm trong bài giảng đầu tiên của Chúa Giê su, quen gọi là Bài giảng trên núi (cc 5-7). Sau khi rao giảng tám mối phúc thật, công bố tư cách người tông đồ, Chúa Giê su cho biết sứ mạng của Ngài đến trần gian là để hoàn thành Lề luật cũ (5,17-20), được khai triển qua các đối đề. Trong đoạn nầy, Chúa Giê su tiếp tục đề cập đến hai điều: chớ trả thù (5,38-42) và phải yêu kẻ thù (43-48).

TÌM HIỂU

Mắt đền mắt: Luật đền bù, theo đó làm thiệt hại điều gì, thì phải sửa chữa cho cân xứng với thiệt hại mình gây ra. Đó là thói tục cổ xưa, đã có ghi trong bộ luật Hammurabi vào thế kỉ 18 tr. CN. Theo Xh 21,24 luật nầy nhằm ngăn cản bớt và giới hạn các hậu quả thái quá do sự giận dữ gây ra khi trả thù (x. St 4,23-24).

Đừng chống cự người ác: lời nầy nói với người bị xúc phạm để mời gọi họ xử sự đúng tư cách là môn đệ Chúa Giê su, chứ không nhằm hủy bỏ nền luật pháp hiện hành. Thánh Phao lô cũng đã vận dụng luật nầy (x. Cv 25,11). Chính cách xử sự nầy cho thấy rằng các bộ luật hình sự chỉ có tính cách nhất thời, giới hạn.

Đồng loại: trích dẫn sách Lê vi 19,18: “Ngươi không được trả thù, không được óan hận những người thuộc về dân ngươi. Người phải yêu đồng lọai như chính mình. Ta là Đức Chúa”. Người đồng loại mà ta phải yêu thương dường như là người đang sống với ta. Luật không nói rõ là phải yêu thương mọi người lạ. Câu: “Hãy ghét kẻ thù” được thêm vào văn bản CƯ, ngay cả khi người ta hiểu bản văn không nhắm tới các thù địch của Thiên Chúa hay của dân Người: thì dụ Tv 137,8-9; 139,21-22. Thậm chí vào thời Chúa Giê su, những người thuộc phái Essêni cũng buộc phải “ghét tất cả con cái bóng tối”.

Cha anh em: đối đề trên nhằm mời gọi các môn đệ hãy theo gương Chúa Giê su không chống lại các bất công. Ngược lại, giờ đây phải tỏ ra quảng đại đối với những người mà chúng ta không mắc nợ gì cả. Và Cha trên trời là thí dụ. Thật vậy mọi sự được Người ban cho một cách nhưng không: như mưa nắng, sự sống.

Đáng công chi?: hoặc phần thưởng. Cùng một từ hi lạp trong 6,1.2.5.16. Chủ đề nầy chuẩn bị cho phần khai triển tiếp theo (6,1-18). Chúa Giê su nhấn mạnh rằng tình yêu thực sự phải luôn luôn có tính nhưng không, không được tùy thuộc vào một thứ trao đổi nào cả.

Anh em hãy nên hoàn thiện: kết luận chung cho tất cả các đối đề (nghe dạy rằng../ còn Thầy, Thầy dạy..). Luật nầy nhắc lại và vượt qua luật “Hãy nên thánh vì Ta là đấng Thánh” trong sách Lê vi 19.2. Chúa Giê su mời gọi các môn đệ hãy có lời đáp trả riêng cho mình trước hành vi của đấng Tạo hóa (St 1,26), bằng cách để cho Thiên Chúa Cha biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Người. Thậm chí cả khi luật công chính là điều không thể thực hiện đối với sức riêng của con người (19,26), thì nó cũng trình bày như là sự hoàn hảo của tình yêu. Một sự công chính cần phải khao khát trong tám mối phúc (5,6). Giáo hội không được xây dựng trên tinh thần duy luật, nhưng trên sự công chính mới. Lề luật độc nhất là mạc khải Thiên Chúa yêu thương, niềm cảm hứng cho cuộc sống chúng ta và cũng là động cơ đã dẫn Chúa Giê su đến thập giá.

SỨ ĐIỆP

Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giê su tiếp tục tái giải thích lề luật Mô sê, lần nầy khởi đi từ luật trả thù: “Anh em đã nghe dạy rằng: Mắt đền mắt, răng thế răng”. Vào thời đó luật nầy nhằm hạn chế việc trả thù không cân xứng. Nạn nhân hay gia đình phải bằng lòng với việc trả thù vừa đủ với thiệt hại người kia gây ra. Việc trả thù có thể bùng phát thành chiến tranh triền miên và không chấm dứt, nên Chúa Giê su muốn chấm dứt vòng xoáy bạo lực ấy.

Như thế, Chúa Giê su mời gọi chúng ta phải tiến thêm một bước nữa: đừng lấy hận thù đáp trả hận thù: hãy chận đứng cơn say trả thù chỉ làm khơi bùng ngọn lửa hận thù mà thôi. Câu chuyện của Edmond Michelet là một chứng từ rất sống động về tinh thần tinh mừng ấy. Khi ông bị vu cáo và bị bắt vào trại giam, ông đã viết thư cho gia đình: “Chúng ta phải tha thứ; đó là thái độ duy nhất thích hợp với người ki tô hữu”. Cuối cùng chính ông đã đi gặp người thanh niên đã tố giác mình và đã tha thứ cho anh ta. Chứng từ ấy lặp lại chứng từ của Đức Ki tô trên thánh giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc chúng làm”. Nhờ có Ngài và trong Ngài mà chúng ta tìm được sức mạnh tha thứ như Ngài và với Ngài.

Điều mà Đức Ki tô chờ đợi nơi chúng ta là phải yêu thương như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Khi đọc lại các đoạn tin mừng, chúng ta thấy Ngài tiếp đón tất cả những ai đến với Ngài; Ngài không do dự tiến lại gần những người phung cùi, dù điều đó đã bị luật Mô sê triệt để cấm đoán. Ngài đã đến với những người tội lỗi; Ngài đã tha thứ cho những kẻ hành hình Ngài. Tình yêu của Ngài mãnh liệt đến nỗi Ngài đã hiến thân xác và đổ máu mình để cứu độ thế gian. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Ngài dùng những lời nói mạnh mẽ để nói với chúng ta: “Anh em đã nghe dạy rằng/..Còn Thầy, Thầy bảo anh em”. Lối nói ấy cho thầy Ngài nói bằng uy quyền của Thiên Chúa. Và Ngài không chỉ nói, mà còn nêu gương cho chúng ta nữa. Ngài yêu thương những kẻ thù địch và cầu nguyện cho họ. Tình yêu chân thật thì không tính toán; Ngài trao ban cho đến tận cùng và không mức độ. Vấn đề không phải là ngừng lại ở những gì cho phép hoặc không cho phép. Điều quan trọng là yêu thương mọi nơi mọi lúc, như Đức Ki tô và cùng với Ngài.

Chúa Giê su còn dạy chúng ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện”. Nội dung câu nầy cũng được ghi lại trong bài đọc thứ nhất: “Hãy nên thánh, vì Ta, Thiên Chúa của các ngươi là đấng Thánh”. Sự thánh thiện ấy không được coi như là một toàn bộ các nghi thức và hi tế, nhưng như là sự hiệp thông vào cách hành xử của chính Thiên Chúa. Lời mời gọi ngỏ với tất cả mọi người chứ không dành riêng cho một nhóm người ưu tú. Chúa Giê su đến nhằm bổ túc  lề luật. Ngài nói với người thanh niên giàu có rằng: “Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy theo Ta”. Nên trọn lành là theo Đức Ki tô bằng cách yêu thương thù địch, cầu nguyện và tha thứ cho họ”.

Nên trọn lành là con đường dài, và chúng ta biết rõ rằng chúng ta còn ở rất xa. Nhưng một ngày nọ, Chúa Giê su nói: “Ta không đến để kêu gọi những người công chính mà là nhưng người tội lỗi”. Nếu cần phải hoàn hảo để vào Nước Thiên Chúa, thì rõ ràng là đối với sức riêng loài người thì không thể thực hiện được. Nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Tình yêu của Ngài mạnh hơn tất cả những chướng ngại cản trở việc nên hoàn thiện. Để trở nên thánh, chỉ cần tiếp nhận Đức Ki tô trong cuộc đời của mình và để cho ngài quan tâm đến chúng ta. Chỉ có Ngài mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự thù hằn, kiêu căng và ích kỉ. Ngài không ngừng kêu gọi chúng ta từ bỏ, một sự từ bỏ vượt quá sức loài người, Điều Ngài muốn cho chúng ta là sự sống, sự sống thực.

Đi theo Đức Ki tô là điều đáng cho chúng ta thực hiện, vì Ngài là đấng duy nhất mở cửa cuộc sống thần linh cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là tiếp nhận Thánh Thần và để cho chúng ta được biến đối trong tương quan với Ngài. Và một trong những cơ hội tốt nhất để thiết lập tương quan ấy là cầu nguyện. Không phải vô cớ mà Chúa Giê su mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta. Khi lắng nghe tin mừng nầy, tất cả chúng ta nghĩ đến những tin tức thời sự nóng bỏng hiện nay, và hơn bao giờ hết, chúng ta hướng về Chúa. Chính Ngài là Đấng mà chúng ta phải kêu cầu đế cho tình yêu chiến thắng hận thù.

Lạy Chúa, Chúa đã đến để ban phát cuộc sống yêu thương của Chúa trong chúng con ngang qua bí tích Thánh Thể. Chúng con cám ơn Chúa vì điều kì diệu ấy. Vâng, lạy Chúa, xin hãy đến sống trong chúng con. “Nhờ đó mà với Ngài, nhờ Ngài và trong Ngài, cuộc sống của chúng con sẽ là tình yêu cho Chúa và cho tất cả anh em chúng con. AMEN.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN VII THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN VII THƯỜNG NIÊN NĂM A-YÊU “KẺ THÙ” NHƯ THẾ NÀO ĐÂY?.Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa