CHÚA NHẬT TUẦN VII THƯỜNG
NIÊN NĂM C
SỐNG KHOAN DUNG NHƯ CHÚA DẠY
Lời Chúa Lc 6, 27-38
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
“Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho
những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện
cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột
áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy
cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì
cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các
con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu
họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì?
Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà
trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho
những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho
vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và
các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và
những kẻ gian ác.
Vậy
các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các
con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ,
thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy
đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con
đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
Suy niệm
Hôm 27
tết vừa qua (29/01) cha Phêrô Trần Ngọc Thanh, Dòng Đaminh bị sát hại tại một điểm
truyền giáo tại Kontum trong lúc ngài đang ngồi toà giải tội. Cái chết của ngài
ngay lập tức được lan toả trên khắp các trang mạng và báo đài nước ngoài với
nhiều thông tin khác nhau. Ở đây chúng ta không nói về nguyên nhân vụ sát hại,
vì điều tra vụ việc này là của chính quyền. Sau một hai ngày sự việc xảy ra khi
chưa có tiếng nói chính thức từ phía Toà Giám Mục và chính quyền, một số trang
mạng đã vội vàng kết án Đức Giám Mục giáo phận. Những trang mạng này còn mượn
danh người Công Giáo cho rằng: Vụ việc khiến cho người Công giáo căm phẫn, bức
xúc… Những kiểu mượn danh để gây bức xúc trong cộng đồng như thế không phải
là phản ứng của người Công Giáo.
Vì thực
ra vụ việc của cha Thanh bị sát hại không phải là vụ việc đầu tiên và cũng không
phải là duy nhất. Hàng năm, Giáo Hội có hàng trăm các nhà truyền giáo vẫn bị bắt
bớ sát hại như thế, nhưng Giáo hội không hề “căm phẫn”. Giáo Hội lên tiếng bênh
vực sự thật và công lý, bảo vệ cho con cái mình, nhưng không bao giờ kích động
căm phẫn hoặc bạo lực. Vì, Đức Giêsu là Thầy của Giáo hội đã dạy mọi người phải
sống khoan dung tha thứ và chính Ngài cũng đã bị giết chết cách bất công như thế.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay, một lần nữa nhắc lại đòi hỏi của Chúa là phải sống
khoan dung, nhân từ như Thiên Chúa là Cha nhân từ.
Bài đọc
sách Samuen cho ta thấy mẫu gương tha thứ, nhân từ, độ lượng của vua Đavít. Lúc
đó, Đavít vẫn còn là một cận thần của vua Saolê. Vì ông giết được nhiều quân địch
nên ông được mọi người yêu mến, ca tụng. Vua Saolê nghe những lời dân chúng ca
tụng Đavít thì sinh lòng ghen tỵ và tìm cách sát hại Đavít. Vua Saolê đã dẫn một
đội quân hùng hậu truy lùng Đavít. Đavít cùng với những người thân cận và gia đình
đã phải trốn vào rừng núi. Đêm đó vua Saolê và đoàn tuỳ tùng đã vào hang núi để
nghỉ ngơi. Vì đi đường mệt mỏi nên nhà vua và đoàn tuỳ tùng ngủ rất say. Khi Đavít
và cận thần vào trong hang thì vua Saolê và đoàn cận vệ cũng không hề hay biết.
Các cận vệ đã yêu cầu Đavít, đây là cơ hội Chúa cho để trừ khử vua Saolê. Nhưng
Đavít đã không sát hại Saolê vì ông không dám ra tay làm hại Đấng Chúa đã xức dầu.
Đavít đã
khoan dung tha thứ cho vua Saolê cho dù ông đang bị chính Saolê truy lùng. Mặc
dù có cơ hội để trả thù, tiêu diệt Saolê, nhưng Đavít đã không ra tay làm điều
bất nhân bất nghĩa. Mặc dù Saolê đã bị thất sủng trước mặt Thiên Chúa, nhưng Đavít
vẫn tôn trọng Saolê vì là kẻ đã được chính Thiên Chúa xức dầu và đặt làm vua Israel.
Thiên Chúa hài lòng về cách cư xử khoan dung của Đavít nên Ngài chúc phúc cho ông
và cho ông trở thành vua kế vị Saolê.
Bài học
về lòng khoan dung, nhân từ tha thứ, được Đức Giêsu dạy cách cụ thể trong bài
Tin Mừng hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho
kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả má bên này thì
hãy đưa cả má bên kia. Ai đoạt áo ngoài thì cho nó cả áo trong.” Con người
thường chiều theo phản ứng cảm xúc tự nhiên, buông theo sự nóng giận, tự ái để “ăn
miếng trả miếng” với những người không thích hoặc xúc phạm mình. Đòi hỏi của
Tin Mừng không phải là một đòi hỏi bất khả thi, cũng không phải là một hành vi
nhu nhược trước những sai trái, bất công của kẻ khác gây ra. Chúa muốn các môn đệ
của Chúa dám sống khác với thói tự nhiên, vượt lên trên sự trả thù, trả đũa để
cư xử với nhau bằng lòng khoan dung tha thứ.
Chúa Giêsu
còn muốn chúng ta sống tích cực và chủ động hơn nữa trong tình yêu thương. Ai
cũng muốn điều tốt, điều thoải mái nhất, có lợi nhất cho mình và gia đình. Vì
thế, người ta sẵn sàng giành giật, tìm cách chiếm về cho mình những điều tốt nhất.
Nhưng Chúa Giêsu lại dạy ngược lại với cách hành xử đó và nhắc mọi người biết
nghĩ đến anh em, quan tâm đến nhu cầu của anh em và làm điều tốt cho anh em mình
trước: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy.”
Khi mỗi người biết quan tâm, nghĩ đến nhu cầu và quyền lợi của người khác, thì
cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn và xã hội sẽ không còn tranh chấp, kiện tụng,
thù oán nhau nữa.
Tin Mừng
hôm nay còn đòi chúng ta phải dám sống khác, sống tốt hơn những người chung
quanh và hơn cả những người dân ngoại. Người đời thường cư xử với nhau theo kiểu
“có qua, có lại”. Chúa đòi chúng ta vượt qua những cảm xúc và cách cư xử
ấy, để đạt được cái nhìn và cách hành xử theo kiểu của Tin Mừng. Thông thường
người ta yêu những người yêu mình, thích những người mình thích và ghét những
người không thích không yêu. Chúa nói: Nếu anh em cư xử với nhau theo kiểu có
qua có lại như vậy, thì không có gì là đặc biệt, vì ngay đến người tội lỗi hoặc
dân ngoại cũng vẫn làm như thế. Điều Chúa muốn chúng ta phải dám sống khác đó là:
Hãy yêu kẻ thù, làm ơn và cho vay mà không hề hy vọng được đền trả. Như vậy
phần thưởng của anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao.
Thế nên,
lý do để mỗi người phải sống tốt, sống quảng đại cách vô điều kiện với những người
chung quang là vì khi làm như thế, chúng ta sẽ là con Đấng Tối Cao. Và vì Thiên
Chúa của chúng ta là người Cha Nhân Hậu với hết mọi người. Tất cả mọi người dù đã
biết Chúa hay chưa biết Chúa thì vẫn được Chúa yêu thương. Hơn nữa, vì chúng ta
là con Đấng Tối Cao, nên tất cả đều là anh chị em với nhau và phải sống với
nhau bằng tình yêu thương con cùng một Cha trên trời. Vì là con của Thiên Chúa,
nên chúng ta cũng phải có lòng nhân từ khoan dung như Thiên Chúa và chỉ khi ta
sống khoan dung nhân từ với mọi người, ta mới xứng đáng được gọi là con Thiên
Chúa.
Thưa quý
OBACE, sống nhân từ, khoan dung tha thứ như Thiên Chúa là đòi hỏi bắt buộc, mà
chúng ta không thể không thực hiện. Sống nhân từ, khoan dung tha thứ không phải
là việc dễ, nhưng cũng không phải là việc không thể thực hiện. Để thực hiện được
đòi hỏi sống yêu thương, khoan dung tha thứ, trước hết chúng ta cần khiêm tốn đặt
mình dưới sự uốn nắn của Tin Mừng, để cho Lời Chúa cắt tỉa sửa dạy mỗi ngày. Kế
đến là khiêm nhường nhìn nhận con người yếu đuối của mình, cũng đã nhiều lần phạm
tội, gây tổn thương cho anh em hoặc nhiều lần mình cũng muốn được người khác cảm
thông tha thứ. Nhưng quan trọng là phải thường xuyên cầu nguyện, xin Chúa ban sức
mạnh để mỗi người can đảm sống theo gương khoan dung tha thứ của Chúa, buông bỏ
khỏi mình sự thù oán.
Để thực
hành việc sống khoan dung, cần bắt đầu từ việc tập sống tha thứ, cảm thông cho những
người thân trong gia đình. Vì người thân trong gia đình là người cận kề mà ta
không thể yêu, không thể tha thứ, thì ta sẽ không thể tha thứ cho những người
ngoài được. Vì vậy, cần tập để cư xử khoan dung tha thứ cho người chồng say sưa
lười biếng, cho người vợ hư hỏng lắm điều, cho những đứa con ngỗ nghịch. Khoan
dung tha thứ không phải là làm ngơ hay đồng loã với cái xấu, nhưng là biết cảm
thông và giúp nhau sửa chữa, khắc phục và không để trong lòng sự giận hờn thù oán.
Hơn nữa, khoan dung tha thứ là tạo điều điện, cơ hội để cho người khác nhận ra
sai lỗi và giúp họ xa tránh những sai lỗi.
Cuộc sống
chung thường xảy ra xô xát bạo lực. Chỉ trong 9 ngày nghỉ tết vừa qua, đã có đến
hàng chục ngàn trường hợp gây gỗ, cãi cọ, bạo lực, trong đó có hàng ngàn trường
hợp vì bạo lực với nhau mà phải nhập viện. Trong số các vụ bạo lực xô xát đó,
chắc chắn có những người có đạo. Nếu mỗi người biết kiềm chế sự nóng nảy, biết cư
xử khoan dung với nhau, thì sẽ không có những vụ việc đáng tiếc như thế xảy ra
trong những ngày tết.
Xin Chúa
giúp mỗi chúng ta biết cư xử với nhau theo lòng khoan dung độ lượng của Chúa, lấy
tình yêu và sự tha thứ để giải quyết các xung khắc. Qua đó, mọi người nhận biết
chúng ta là con Thiên Chúa và tin thờ Thiên Chúa là Cha chung của hết mọi người.
Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí