Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 7

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên Năm A

YÊU KẺ THÙ – CẦU NGUYỆN CHO KẺ GHÉT ANH EM

 chua nhat VII.jpg

Hơn một tháng qua, cả thế giới lo sợ trước đại dịch cúm Corona đang lan tràn nhanh chóng. Cho đến nay, số người mắc bệnh và con số người chết ngày càng gia tăng. Có nhiều thông tin khác nhau về nguồn gốc và mức độ lan truyền của loại virus này, nhưng tựu chung vẫn là nỗi lo sợ trước một con virus siêu nhỏ này. Trong lúc con người có thể chế tạo bom nguyên tử, có thể chế tạo phi thuyền bay vào không gian và khả năng chế tạo của con người thật phong phú, đa dạng, thì con người vẫn sợ sức tàn phá huỷ diệt của con virus mà mắt thường không thấy.

Nhưng trong lúc này người ta còn sợ một thứ virus khác đó là virus vô cảm đang lan tràn trong tâm hồn nhiều người. Có nhiều người bị nhiễm thứ virus vô cảm, biến họ thành kẻ trục lợi trước nỗi lo sợ của anh em, ví dụ những người bán khẩu trang với giá cắt cổ. Một Linh mục Sơn Nhân tại Vũ Hán đã cho biết: “ở Trung Hoa sự thật rất đau lòng, những người từ Vũ Hán bị các nơi khác xua đuổi như ‘loài chuột cống’, còn ngay tại Vũ Hán, hàng xóm lấy gỗ bịt cửa không cho người nhà có bệnh đi ra ngoài. Sau đó rào cản dựng lên khắp nơi: người ta đóng dấu đỏ khắp nơi; người ta vác kiếm đi tuần; người ta đặt biểu ngữ trước nhà của người khác; một số người thậm chí còn đóng ván gỗ để chặn lối ra vào của hàng xóm. Đối với nhiều người, những bệnh nhân của Vũ Hán không còn là người nữa, nhưng đồng nghĩa với virus. Thật là đau lòng, bởi vì ngay cả Chúa tuy Ngài ghét tội, nhưng vẫn yêu thương mọi người. Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hoá tàn bạo từ một chế độ Vô Thần đang để lộ khuôn mặt thật sự ghê tởm cuả nó!” Khi Con người không hành động theo lương tâm, khi người ta để cho bản năng điều khiển, thì họ sẽ cư xử với nhau như con vật.

Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta đòi hỏi quyết liệt của giới răn yêu thương. Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Đấng Thánh, tình yêu thương và sự thánh thiện của Ngài bao trùm toàn thể nhân loại, mọi vật mọi loài. Ngài muốn chúng ta là con của Ngài cũng phải sống thánh và trải rộng tình yêu đến với tất cả mọi người, không giới hạn, không phân biệt giàu hay nghèo, thân quen hay xa lạ. Ngài không muốn chúng ta nuôi dưỡng những điều xấu xa oán hận hoặc làm bất cứ điều gì tổn hại đến sự thánh thiện và sứt mẻ tình yêu thương. Vì vậy, sách Lêvi đã nhắc lại lời của Thiên Chúa: “Ta là Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. (Vì thế) ngươi không để lòng ghét người anh em… ngươi không được trả thù, không được oán hận. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. (Vì) Ta là Đức Chúa.” Với lời quả quyết này cho thấy việc sống yêu thương vừa là một đòi hỏi của những người con Chúa, vừa là để tôn vinh Danh Chúa.

Người Do Thái dường như không sống triệt để những đòi hỏi này của Chúa, họ để cho bản năng điều khiển và nuôi dưỡng sự trả thù. Vì thế, Môsê đã chấp thuận cho họ áp dụng luật: “Mắt đền mắt, rằng đền răng”, để chiều theo bản năng và sự trả thù của mình. Với luật này, Môsê cho phép trả đũa cách ngang bằng, tương xứng với hành động xấu do người khác gây tổn hại cho mình. Cũng vậy, vì muốn bảo vệ sự thuần nhất của chủng tộc, luật cũ cũng đã cho phép người Do Thái phân biệt rõ ràng bạn và thù. Vì thế, họ chỉ bị đòi buộc: “Ngươi phải yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Đồng loại ở đây được hiểu trong giới hạn là người Do Thái mà thôi.

Chúa Giêsu đến rao giảng một giáo lý mới, Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đến với nhân loại, tình yêu của Ngài không bị giới hạn hoặc ngăn cản bởi bất cứ rào cản nào. Ngài mời gọi mọi người tin theo Ngài phải chấp nhận thực hiện luật mới với những đòi hỏi rộng lớn hơn luật cũ. Đối với Chúa Giêsu, việc trả oán trả thù phải huỷ bỏ, luật đáp trả tương xứng: “mắt đền mắt răng đền răng”, phải được thay thế: “Thầy bảo anh em: đừng chống cự với người gian ác, nếu bị vả má bên phải, hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn đoạt áo trong thì hãy cho nó cả áo ngoài nữa. Ai muốn con đi với nó một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Ai xin thì hãy cho, ai vay mượn thì đừng từ chối.” Dạy như thế, Chúa muốn chúng ta không lấy ác báo ác, không trả đũa trả thù, nhưng dám sống quảng đại, yêu thương và tha thứ, lấy nhu đáp lại cương, lấy yêu thương đáp lại hận thù, lấy tha thứ đáp lại oán hờn. Hơn thế nữa, Chúa còn muốn chúng ta biến những người thù ghét ta, nên những người yêu thương ta, biến những người ta không thích thành những kẻ ta quý mến.

Luật xưa giới hạn: “Hãy yêu thương đồng loại và ghét địch thù.” Nhưng luật Tin Mừng đòi hỏi quyết liệt hơn: Thầy bảo anh em: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái Cha anh em Đấng ngự trên trời.” Đòi hỏi “yêu thương kẻ thù” là một đòi hỏi rất quyết liệt. Vì trong tự nhiên người ta dễ dàng yêu kẻ yêu mình, thích người mình thích và yêu kẻ mình yêu ghét kẻ thù mình. Nhưng một khi đã trở nên môn đệ Đức Kitô, trở nên con Thiên Chúa, chúng ta phải xoá bỏ hoàn toàn các giới hạn trong tình yêu và loại bỏ hoàn toàn khái niệm “ghét” và “kẻ thù”. Sẽ không còn tình cảm ghét bỏ người này người khác và sẽ không còn ai trở thành kẻ thù trong mắt ta, vì tất cả chúng ta đều là anh em, con của Chúa, là người nhà trong gia đình của Chúa, tất cả đều đáng yêu.

Đòi hỏi này của Tin Mừng khiến chúng ta trở nên khác với người khác và khác với các tôn giáo khác. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài không loại trừ bất cứ ai ra khỏi tình yêu thương của Ngài, cho dù đó là kẻ tội lỗi hay kẻ phản nghịch, Thiên Chúa vẫn yêu thương và quan phòng chăm sóc cho họ. Do đó, là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng phải mở lòng ra với tất cả mọi người như vậy. Vì “nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có công gì? Ngay cả những người thu thuế cũng làm như vậy. Nếu anh em chỉ chào hỏi những người anh em mình thôi thì nào có công gì. Những người dân ngoại cũng làm như thế.” Chúa muốn người Kitô hữu phải dám sống khác với lối sống của người đời, dám lội ngược dòng, dám đáp lại những đòi hỏi cao hơn những tình cảm và tương quan thông thường, để có cái nhìn và cách cư xử yêu thương, mở rộng với tất cả mọi người. Chúng ta được mời gọi sống như thế chỉ vì một lý do duy nhất: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Thưa quý Ông bà anh chị em, càng ngày người ta càng thấy xã hội Vô Thần sẽ biến con người trở nên những con vật hoặc như cỗ máy vô hồn, cư xử với nhau như ác thú. Xã hội Duy Vật đang cướp mất lương tâm của nhiều người, biến con người trở thành như một thứ hàng hóa, vật chất. Vì thế nhiều người đã bất chấp tất cả, để có được nhiều của cải vật chất, kể cả việc loại bỏ lương tâm của mình, chà đạp trên anh chị em khác để thu lợi. Khi xã hội đánh mất nền tảng Đạo Đức làm người hoặc không quan tâm vun đắp cho các giá trị đạo đức tốt đẹp, thì con người trong xã hội đó sẽ trở thành giang hồ, du côn, cư xử với nhau theo kiểu côn đồ.

Là người Công Giáo, là Kitô hữu, chúng ta phải dám sống khác với dòng chảy của xã hội hôm nay. Trong xã hội đang ngập tràn bạo lực, chúng ta phải là người gieo rắc tình yêu và tha thứ. Trong xã hội ngập tràn tư tưởng vô thần, chúng ta phải là những người giới thiệu về Thiên Chúa toàn năng là Cha yêu thương là Đấng thánh, Ngài mời gọi chúng ta sống thánh, sống yêu. Trong xã hội chạy theo vật chất, chúng ta được mời gọi tìm kiếm các giá trị thiêng liêng và hạnh phúc nước trời, hơn là chỉ tìm kiếm của cải trần gian. Trong xã hội vô đạo đức, bất nhân, bất công, chúng ta phải là những người vun đắp đời sống đạo đức, nhân ái, công bằng cho mình, cho con cháu và gia đình.

Cùng với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự nâng đỡ của Đức Maria, thánh Giuse, chúng ta loại bỏ khỏi mình tất cả những giới hạn trong tình yêu, loại bỏ khỏi mình sự nóng nảy, tức giận, trả oán, trả thù để có thể yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai. Yêu thương tất cả mọi người không phải là một khẩu hiệu chung chung, mà phải là yêu những con người cụ thể, ví dụ: yêu thương và tha thứ cho người chồng bạc tình; cảm thông và tha thứ cho cô vợ lăng loàn, lắm điều; yêu thương, đón nhận và cầu nguyện cho đứa con ngỗ nghịch, quậy phá; yêu thương cha mẹ già lẩm cẩm khó tính, lắm điều; cầu nguyện cho người hàng xóm khó tính hay chửi bới…

Sống cách quảng đại đối với những con người cụ thể như thế, là chúng ta thực hành đòi hỏi của luật Tin Mừng hôm nay. Xin Chúa giúp chúng ta dám thực thi những đòi hỏi này vì Thiên Chúa của ta là Đấng Thánh, Ngài luôn muốn và chờ đợi ta nên thánh. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên -Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII Thường Niên_ NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VII Thường Niên Năm C- LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên- Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên- Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Thường Niên_Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ