Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 14

CHỦ NHẬT 14 TN A

TIN MỪNG MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

4_ngon_nen.jpgTin mừng của Nước Trời không thể bị đồng hóa với bất cứ hệ thống tư tưởng của con người. Đó là một BÍ MẬT mà chỉ có những tâm hồn chuẩn bị mới có thể đón nhận được mà thôi. Tin mừng được loan đi khắp thế giới, khởi từ một biến cố trái ngược với những gì người ta chờ đợi nhất: thập giá Đức Ki tô. Nói về Tin mừng ư? Những người hàng xóm chúng ta có thể nói: “Hãy xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào!”. Nếu quả thật như thế thì Lời chúng ta rao giảng sẽ nẩy mầm trong lòng những người lân cận.

Sách tiên tri Dc 9, 9-10

Nhiều thế kỉ trước biến cố, Ông Da ca ria đã được xem thấy việc Chúa Giê su khải hoàn vào thành Giêrusalem một tuần trước Khổ nạn. Ông loan báo một vì Vua Hòa Vình sẽ ngự trị trên toàn Vũ trụ.

Thánh Vịnh 144

Ca tụng và chúc vinh Thiên Chúa toàn năng của chúng ta! Bởi vì Người là lòng nhân ái và thương xót, đầy yêu thương và tốt lành vô cùng. Người nâng dậy những ai té ngã, và dịu dàng đỡ nâng tất cả những người bị cuộc đời áp bức.

Thư gửi Rôma 8, 9.11-13

Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong chúng ta. Thật là một Chân lí khủng khiếp đối với lí trí con người. Tuy vậy thánh Phao lô không ngừng lặp lại: Thần khí của Chúa Giê su, đấng đã sống lại ngự trong chúng ta. Thần khí ấy ban cho chúng ta cùng một sự sống như đấng sống lại. Từ nay chúng ta sống cùng sự sống vĩnh cửu mà Cha ban cho Con yêu dấu của Người. Chúng ta phải quay lưng lại sự sống xác thịt để đi vào sự sống Thần khí, hướng về Cha nhờ Chúa Giê su là Con đường dẫn đến Người.

Tin mừng: Mt 11,25-30

NGỮ CẢNH

Trước các bài diễn từ, tác giả Tin mừng Mát thêu thường cho thấy các phản ứng thuận lợi cũng như chống đối mà Chúa Giê su gặp phải (7,28-29; 10,24-25). Lúc nầy phản ứng chống lại Chúa Giê su càng gia tăng. Các thành phố từ chối sứ điệp của Ngài (11,20-24). Người Biệt phái càng lúc càng dứt khoát hơn trong thái độ tẩy chay của họ. Vì thế, đã đến lúc Chúa Giê su quay về phía những người bé mọn và khiêm nhường.

Có thể đoạn Tin mừng theo bố cục sau đây:

1.  Lời kinh chúc tụng (25-26)

Tương quan Cha-Con (27)

Lời mời gọi những kẻ bé mọn (28-30)

TÌM HIỂU

Con xin ngợi khen Cha: Chúa Giê su tạ ơn Cha vì đã gặp thất bại nơi những kẻ khôn ngoan thông thái. Tại sao? Thưa vì sự thất bại ấy phù hợp với chính bản chất của công cuộc cứu độ là phục vụ người nghèo, hạng người bị khinh chê ruồng bỏ.

Lạy Cha: Nguyên ngữ là ‘Abba’, là tiếng gọi thân mật trong việc xưng hô trong gia đình, không bao giờ được dùng để nói với Thiên Chúa. Thế nên, kiểu xưng hô nầy cho thấy tính cách mới mẻ, độc đáo và lạ lùng: Chúa Giê su dám thân mật gọi Thiên Chúa bằng Abba mà không chút xa cách hay sợ sệt. Do đó, nó bộc lộ cho chúng ta biết mối hiệp thông sâu xa giữa Chúa Giê su và Thiên Chúa Cha.

Đã giấu:  Ai giấu? Thưa chính Thiên Chúa.

Những điều ấy: chỉ toàn bộ công trình mạc khải của Chúa Giê su. “Khôn ngoan”, “thông thái”: chỉ hạng học thức, chuyên môn, có thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo (x. Is 29,14; 1Cr 1,19); trong khi “bé mọn” chỉ những người nghèo khó trong tinh thần mà Chúa Giê su đã nói đến trong tám mối phúc, tức là đám người cùng đinh, người tội lỗi, luôn luôn bị người Biệt phái khinh bỉ.

Không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con:  Đối lại với tri thức thuần lý của các giáo sỹ, Chúa Giê su đưa ra một thứ hiểu biết khác, phát xuất từ tình thân mật và tình yêu. Kinh thánh đã không gọi cuộc gặp gỡ sâu xa nhất giữa hai vợ chồng trong tình yêu là sự “hiểu biết” đó sao ? Biết chính là yêu. Câu nầy duy nhất trong Tin mừng nhất lãm khẳng định rõ ràng nhất tử hệ thần linh của đấng Messia.

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề: gánh nặng đây chính là ách lề luật mà Biệt phái đặt trên vai người tín hữu (x. 23,4).

Hãy mang lấy ách của tôi: “mang lấy ách” là thành ngữ thông thường các giáo sỹ dùng để chỉ ách của Nước Thiên Chúa, của lề luật, của các huấn lệnh. Chúa Giê su không đến để miễn cho con người mọi ràng buộc luân lý. Trái lại, Người thay thế các Lề luật Do thái bằng những đòi hỏi Người đưa ra, còn triệt để hơn luật Mô sê. Chúa Giê su đòi hỏi nhiều hơn, nhưng tình yêu sẽ biến gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augutinô đã khẳng định: “Nơi nào có tình yêu, nơi đó không còn gian khổ nữa”,.

Hãy học với tôi: Chúa Giê su là vị Thầy hiền hậu và khiêm nhường trong lòng khác với thói khinh bạc của các giáo sỹ. Đến với Ngài, chẳng những được Ngài ban cho sức mạnh để vui tươi mang ách đó, song còn được gương sáng của Ngài nâng đỡ.

SỨ ĐIỆP

Tin mừng hôm nay gởi đến cho chúng ta một sứ điệp hi vọng. Nó gửi đến những người mang một gánh rất nặng của cuộc đời trên vai: Chúng ta nghĩ đến tất cả những nạn nhân của ông chủ tiền bạc, của bệnh tật. Rồi đến những những nạn nhân của những mọi nỗi âu lo, chán chường. Và chúng ta cũng không quên một trong những gánh nặng phải mang đó là mặc cảm tội lỗi gậm nhắm lưong tâm và kí ức. Người ta cảm thấy có tội và phải sống những ngày còn lại với cảm thức ấy. Đó quả là một điều vô cùng khổ sở. Đối với nhiều người, cuộc sống đã trở thành một hỏa ngục mà càng lúc họ càng không thể chịu đựng nỗi. Chính họ là đối tượng của sứ điệp Chúa Giê su.

 “Hãy đến với Ta, hết thảy những ai đang phải mang gánh nặng  nề!” Chúa Giê su là đấng mang tất cả trên đôi vai cùng với thập giá của Ngài, mời gọi chúng ta hãy tựa vào Ngài. Ngài chìa bàn tay cho chúng ta. Thậm chí nói một lời có thể bị hiểu lầm: “Hãy mang lấy ách của Ta”.

Các nhà khôn ngoan và những người thông thái thường hiểu sai về cách giải thích lời nói đó. Có phải đó là một gánh nặng mới không ? Để hiểu lời ấy của Chúa Giê su, cần phải biết những người nông dân thời xưa. Vì không có máy kéo, nên họ cột nhiều con bò lại với nhau chung một cái ách, tạo thành một sức mạnh có thể kéo những vật rất nặng. Một con không thể kéo nỗi gánh nặng ấy, nhưng cột lại với nhau, chúng trở nên mạnh hơn và mọi sự trở nên dễ dàng.

Đức Ki tô nhìn thấy gánh nặng mà chúng ta kéo đi trong suốt cuộc đời. Nhưng Ngài không muốn chúng ta kéo một mình, nên Ngài đề nghị chúng ta mang lấy ách của Ngài, để Ngài cùng chung vai góp sức với chúng ta. Điều đó chỉ có thể được nếu như chúng ta chấp nhận liên kết với Ngài. Điều quan trọng là lời mời gọi nầy: "Hãy đến với Ta ! » khi cơn thử thách và nỗi sợ hãi trở nên quá tải đến nỗi người ta không còn nhìn thầy ai cả. Người đau khổ thường hay giam mình trong im lặng và cô độc. Họ tưởng rằng không ai có thể hiểu và nâng đỡ họ được.

Như các môn đệ trên biển hồ Tibêriát nổi sóng, chúng ta chèo chống một mình và bị đẩy vào thế cùng đường. Và đó chính là lúc mà chúng ta phải nghe lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy đến với Ta!” Trong Tin mừng Thánh Gioan, đến và tin là hai từ có cùng một nghĩa. Lòng tìn tưởng phải đưa chúng ta đến với Đức Ki tô. Gặp gỡ Ngài trong những lúc đó là Cơ may cho cuộc đời Ta. Chắc hẳn, lời cầu nguyện thật khó khăn khi đau khổ. Nhưng nó có thể đem lại một sự an ủi lớn lao, và là cánh tay hướng về phía Chúa. Nó là sự tin tưởng và hi vọng, vì người ta không còn cô đơn nữa !

Chúa Giê su nói : “Ta sẽ ban lại cho các con sức mạnh”. Điều đó muốn nói rằng Ngài đến nâng chúng ta lên bằng một sức mạnh nội tâm mới. Ngài muốn cho chúng ta được sống lại. Khi ban cho chúng ta Thần khí của Ngài, Ngài cho chúng ta một năng lực mới để lại bước đi và lại khởi hành hướng về một giai đoạn mới. Trách nhiệm vẫn còn, ánh nặng cũng không bị lấy đi, nưng chúng không còn đè bẹp chúng ta nữa, vì chúng ta sẽ không phải gánh vác một mình.

Tin mừng hôm nay, chính là Tin mừng giải phóng bởi vì nó giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc nệ luật và cảm thức tội lỗi. Nó mang lại niềm phấn khởi, một sức mạnh lạ lùng từ niềm xác tín được Chúa yêu thương. Tin mừng cũng đòi buộc, nhưng sự đòi buộc ấy là chìa khóa giúp vượt thắng chính mình, và đem lại niềm hạnh phúc sống một đời sống hiến dâng. Nó là nguồn suối phát sinh sự triển nở đầy hân hoan.

Thánh Phao lô dạy: “Hãy mang lấy gánh nặng của nhau”. Chúa Giê su đã phản ừng mạnh mẽ chống lại sự áp chế của lề luật Mô sê theo cách giải thích của các kí lục và biệt phái thời của Ngài. Họ làm cho lề luật trở thành phức tạp đến độ không thể mang nỗi: “Các người đặt trên vai người ta những gánh nặng to lớn mà chính các người cũng không lấy ngón tay lay thử”. Chúng ta phải tránh những sai lầm đó, vì nó khiến chúng ta trở thành những người quá khe khắt đòi hỏi đối với người khác nhưng lại dễ dải đối với chính mình. Đừng đòi hỏi trẻ em, thanh niên, những người đơn sơ điều mà chúng ta không thể làm được. Đừng đòi hỏi họ điều mà chúng ta dễ dàng miễn chuẩn cho mình. Đừng chất vào khi một người nào đó đã phải vất vả bỏ xưống.

Khi đến với Thánh Thể, chúng ta trút bỏ gánh nặng cuộc đời nơi bánh và rượu được trở thành hi tế. Chúng ta tạ ơn Chúa khi chia sẻ Mình và Máu của Ngài tăng sức cho chúng ta. Chúa Giê su dọn cho chúng ta lương thực giúp chúng ta tiếp tục hành trình và sống liên kết với Ngài, để hên hoan làm chứng rằng tin mừng là một gánh nặng nhẹ nhàng mang lấy chúng ta hơn là chúng ta mang lấy nó.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Trong Kinh Thánh, ‘trái tim’ có nghĩa gì?

THƯA: Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “trái tim” chỉ trung tâm của con người, nơi phát xuất ra mọi tâm tình và ý hướng.

2. HỎI: “Thánh tâm” có ý nghĩa gì? Thờ lạy Thánh Tâm có ý nghĩa ra sao?

THƯA. Thánh Tâm là trái tim rất thánh của Chúa Giê su. Nơi trái tim của đấng Cứu thế, chúng ta thờ lại tình yêu của Thiên Chúa đối với lòai người, ý muốn cứu độ toàn thể nhân lọai và lòng thương xót vô biên của Ngài. Do đó, tôn thờ Trái tim rất thánh của Chúa Giê su có nghĩa là tôn thờ Trái tim đã yêu thương chúng ta đến cùng, đã bị một lưỡi đòng tâm thâu qua, làm vọt ra nguồn suối ban sự sống mới không bao giờ cạn (ĐGH Bênêđictô 16, Kinh Truyền tin ngày 5 tháng 6 năm 2005).

3. HỎI: “Lễ Thánh Tâm” được hình thành như thế nào?

THƯA. Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã có từ thế kỷ 11, nhưng đến thế kỷ 16, đó vẫn là lòng sùng kính riêng tư, thường liên kết với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành ngày 31-8-1670 ở Rennes, Pháp, nhờ nỗ lực của linh mục Gioan Eudes (1602-1680). Trong lần hiện ra với thánh nữ Margarita Maria ngày 16 tháng 6 năm 1675, Chúa Giê su yêu cầu thánh nữ xin mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh, để đền tạ những sự xúc phạm của con người đối với sự hy sinh của Chúa Giêsu. Sau khi thánh nữ qua đời năm 1690, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trở nên phổ biến, nhưng vì Giáo hội còn nghi ngờ tính hợp lệ đối với thị kiến của thánh nữ nên mãi đến năm 1765 thì lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới chính thức được cử hành ở Pháp. Gần 100 năm sau, tức năm 1856, ĐGH Piô IX yêu cầu các giám mục Pháp mở rộng lễ này ở mức toàn cầu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được cử hành vào thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, hoặc 19 ngày sau Chúa Nhật Hiện Xuống, như Chúa Giêsu mong muốn.

4. HỎI. Tại sao Chúa Giê su chúc tụng Thiên Chúa Cha?

THƯA. Bởi vì chúc tụng Thiên Chúa là cách thức cao cả nhất để nói lên sự vâng phục với Ngài. Là cách thi hành thánh ý của Ngài và hoạt động của Ngài. Chúa Giê su hân hoan bởi vì chương trình của Cha đang được hoàn thành thành, được hiểu biết và tiếp nhận bởi những người bé nhỏ. Quả thật, Thiên Chúa, là chủ tể của trần gian, đã mạc khải ngang qua Chúa Giê su, cho những kẻ bé nhỏ và đơn sơ.

5. HỎI. Vì thế, người ki tô hữu để hiểu biết Thiên Chúa, phải đạt tới “tầm mức thiêng liêng” của những trẻ nhỏ và bé mọn sao?

THƯA. Đúng là như vậy. Tin mừng của Chúa Giê su nhắc cho chúng ta nhớ rằng Mạc khải của Ngài nhắm đến những kẻ bé mọn, những kẻ “không tính toán”, những người không thuộc vào tầng lớp xã hội của chúng ta. Bí mật thâm sâu nhất của Thiên Chúa được mạc khải cho những ai mà Thiên Chúa Cha lôi kéo đến Người.

6. HỎI. Những người được Thiên Chúa Cha lôi kéo đến với Người là những ai?

THƯA. Đó là những người sống thực sự tự do nội tâm, đẩy xa ách nô lệ của xác thịt. Thiên Chúa Cha kéo đến với Người tất cả những người tỏ ra sẵn sàng chấp nhận hành động của Thiên Chúa và có hai đức tính quan trọng: “Khiêm nhường” và “hiền lành”, hai từ đang mất dần chỗ đứng trong từ vựng của chúng ta.

7. HỎI. Theo giáo huấn của Chúa Giê su, ta phải hiểu sự khiêm nhường như thế nào?

THƯA. Khiêm nhường nhìn nhận rằng tất cả những gì đang có đều bởi Thiên Chúa Cha ban cho. Chúa Giê su là đấng khiêm nhường đích thật, vì không bao giờ Ngài so sánh với người khác để đánh giá bản thân mình. Trái lại, Ngài luôn đặt mình trước mặt Thiên Chúa Cha, với điều mà Thiên Chúa Cha hòan thành nơi Ngài. Người khiêm nhường là người luôn chăm chú quay hướng về Thiên Chúa. Sống khiêm nhường là sống chân thực, là chân thành sống với chính chúng ta và những gì chung quanh chúng ta.

8. HỎI. Theo giáo huấn của Chúa Giê su, ta phải hiểu sự dịu hiền như thế nào?

THƯA. Đức dịu hiền bao gồm con người toàn bộ trong sức sống . Nó chỉ  “một tâm hồn” (trung tâm của con người) của người phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Tâm hồn dịu hiền sẵn sàng để cho Thiên Chúa ngư trong tâm hồn. Ngòai ra nó còn bao hàm sự sẵn sàng từ khước mọi bạo lực trong tương quan với người khác, vì chỉ tin cậy vào hành động công chính của Thiên Chúa. Chúa Giê su chúc phúc cho những người có tâm hồn dịu dàng hứa ban cho họ phần thưởng Nước Trời (Mt.5,5). Thánh Phao lô coi sự dịu dàng như là thái độ sống phải có bên trong cộng đòan (Gl 6,1; Ep 4,2), cũng như nơi tha nhân (Tt 3,2). Sự dịu hiền đòi phải có đức tin can trường, thần trí mạnh mẽ và là một hoa trái của Thánh Thần.

9. HỎI. Vậy ai là kẻ bé mọn của Nước Trời?

THƯA. Đó là nhũng người biết nắm lấy cuộc đời mình trong tay, hoàn toàn phó thác cho Chúa Giê su; đó là những người không biết tính tóan theo cái lô gíc của người đời nhưng sẵn sàng tạo không gian cho sự ngạc nhiên, lòng ngưỡng mộ trước những điều kì diệu của tình yêu. Những người bé mọn có tâm hồn khiêm nhu và dịu hiền không nghi ngờ về Thiên Chúa, nhưng để cho tâm trí của mình được uốn nắn theo Mạc khải của Mầu nhiệm và được biến đổi bởi sự hiểu biết do Thánh Thần ban xuống.

10. HỎI. Sự dịu hiền và khiêm nhường sinh hoa trái gì?

THƯA. Sự dịu hiền và khiêm nhường trong tâm hồn là nguồn phát sinh niềm vui và tự do, vì đã tìm được an nghỉ nơi trái tim của Chúa Cha.

11. HỎI. Chúa Giê su nói đến luật và ách nào?

THƯA. Ách là Lề luật của Thánh Thần. Đó là lề luật được ghi khắc trong tâm hồn, là sức mạnh của tình yêu thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta sống theo thánh ý Thiên Chúa và những giá trị mà Ngài đã đặt trong bản tính nhân lọai của chúng ta.

12. HỎI. Chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường được không?

THƯA. Có thể. Vì đã có nhiều ngừoi thành công và nhiều vị thánh bắt chước gương Chúa Giê su. Chúng ta có thể thành công miễn là chúng ta nỗ lực từng ngày, cải thiện cách sống, coi người khác như quà tặng Thiên Chúa ban, chứ không như đối thủ hay những người cấp dưới; sau cùng chúng ta phải cố gắng sống tương quan với tạo vật như là của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên - Lm. J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIVThường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV - Thường niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường niên - Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIV - Thường niên- Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM A - HÃY ĐẾN VỚI TA. Lm Gioan B Phan Kế Sự
     CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM A-CHÚ GIẢI CỦA NOEL QUESSON
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM A- Ở HIỀN GẶP LÀNH. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Phê rô Nha Phan
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Nt. Anna Xuân Dung
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C- Lm HK
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C- Lm Jos Tạ Duy Tuyền.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. lm Phao lô Nguyễn Văn Đông