Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 14

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

“Có hoán cải thì mới có thể được giải thoát”

T4 TUẦN 14 TN C.jpg

BÀI ĐỌC I: Hs 10, 1-3. 7-8. 12

Israel là cây nho xanh tốt, hoa trái xứng hợp với nó. Đất càng màu mỡ, thì càng thêm các tượng thần. Lòng dạ chúng phân đôi, giờ đây chúng sẽ đền tội. Chúa sẽ đánh vỡ các tượng thần và phá tan các bàn thờ của chúng. Bấy giờ chúng sẽ nói: "Chúng ta không có vua, vì chúng ta không kính sợ Chúa: và nhà vua sẽ làm gì cho chúng ta?"

Samaria đã làm cho vua mình qua đi như bọt nước. Những nơi cao dựng tượng thần sẽ bị phá huỷ: Đó là tội lỗi của Israel! Cây ké và gai góc sẽ mọc trên bàn thờ chúng. Chúng sẽ nói với núi non rằng: Hãy che lấp chúng ta đi. Chúng sẽ nói với đồi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta cho rồi! Các ngươi hãy gieo rắc sự công chính và sẽ gặt mùa nhân từ. Các ngươi hãy khai khẩn những khu đất mới: Đây là lúc phải tìm kiếm Chúa, khi Người đến, Người sẽ dạy dỗ sự công chính cho các ngươi.

BÀI TIN MỪNG: Mt 10, 1-7

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.

Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".

Suy niệm

Sống trong bối cảnh xã hội văn minh hiện đại ngày nay, người ta ít khi phải chứng kiến cảnh nô lệ như trong xã hội thời xa xưa. Cảnh nô lệ giữa người với người như trước có thể không còn trước mắt chúng ta. Tuy nhiên, lại có một cảnh nô lệ vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời, đó chính là cảnh con người bị nô lệ cho các đam mê, nết xấu và tội lỗi. Cảnh nô lệ này tinh vi, khéo léo đến nỗi người ta có thể đang bị nô lệ mà chính họ có thể biết, không biết hoặc làm ngơ. Để có thể thật sự là người tự do, chúng ta cần đáp lại lời Chúa dạy hôm nay là thật tâm hoán cải mới có thể được giải thoát.

Bối cảnh Chúa gọi và sai mười hai tông đồ ra đi thi hành sứ mạng Chúa trao gợi lên trong chúng ta một viễn cảnh đáng buồn của thế giới. Đó là một thế giới đang bị thống trị bởi các quyền lực của ma quỷ, của sự dữ. Để đối diện với sức mạnh tăm tối ấy, Chúa Giêsu “ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền” (Mt 10,1). Trong cuộc gọi và chọn mười hai tông đồ, những người sẽ là nền móng mà Chúa thiết lập Hội Thánh nơi trần gian, như thánh Matthêu thuật lại, chúng ta thấy các ngài cũng chỉ là những con người bình thường như chúng ta, những con người yếu đuối trước các thế lực tăm tối nên họ cần có sức mạnh của Chúa để trước là chính họ được giải thoát khỏi sự dữ và sau là có khả năng để mang lại cho người khác ơn giải thoát mà chính họ đã nhận được và có sứ mạng loan truyền cho tha nhân. Để có được điều đó, các tông đồ đã có một chọn lựa quyết liệt để thay đổi hoàn toàn cuộc sống trước đây của họ. Mười hai con người ấy, ngoại trừ thánh Gioan, đều đã yên bề gia thất và có công việc ổn định trong xã hội thời bấy giờ. Vậy mà khi gặp Chúa Giêsu, ta hình dung rằng có một sức mạnh nội tâm mãnh liệt phát ra từ Chúa Giêsu đã tác động lên tâm trí họ và chính họ cũng đã bị đánh động để nhận ra sứ điệp Thiên Chúa gởi đến. Quả thế, họ nhận ra Thầy Giêsu chính là Đấng mà xưa nay dân Do Thái vẫn hằng mong đợi. Họ là những người đã cảm nhận Nước Trời đã đến để từ đó họ theo lời dạy của Thầy Giêsu mà rao giảng cho tha nhân: “Nước Trời đã gần đến” (Mt 10,7). “Nước Trời” ấy chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người ở giữa trần gian để mang ơn giải thoát cho toàn nhân loại. Những ai tin nhận Người và chấp nhận sống theo lời Người dạy thì sẽ được trở thành công dân Nước Trời, trở thành những con người thật sự tự do trước sức mạnh của ma quỷ, tội lỗi và thế gian.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu chính là sự hoàn thành lời đã được báo trước trong Cựu ước, cụ thể là nơi sách tiên tri Hôsê mà chúng ta đọc thấy trong bài đọc thứ nhất: “Các ngươi hãy gieo rắc sự công chính và sẽ gặt mùa nhân từ. Các ngươi hãy khai khẩn những khu đất mới: Đây là lúc phải tìm kiếm Chúa, khi Người đến, Người sẽ dạy dỗ sự công chính cho các ngươi” (Hs 10,12). Chúa đã đến và cũng đã đến lúc con người phải tìm đến với Chúa. Nói như thế không phải Chúa tránh chúng ta nhưng là chính chúng ta phải thay đổi lối sống cũ với những đam mê tội lỗi thì mới có thể gặp được Người. Thật vậy, Chúa đã đến hơn hai ngàn năm nhưng nhân loại vẫn cứ đầy những cảnh chiến tranh, cụ thể như cuộc chiến tại Ukraine; vẫn đầy những đau khổ và giết chóc như cuộc nã súng vào những người dân thường tại Mỹ trong dịp lễ Quốc Khánh của nước này vừa qua; vẫn đầy lo lắng vì dịch bệnh Covid còn chưa kết thúc; vẫn đầy những tranh chấp hơn thua dẫn đến cảnh gia đình đổ vỡ, tan nát, ly biệt;…Đó quả là cảnh nô lệ khủng khiếp cho các đam mê, tội lỗi và tính mê nết xấu. Chúng làm tha hóa tâm hồn của con người, giam hãm trái tim và lý trí con người trong sự ích kỷ, bạo lực và vô số những cảm xúc tiêu cực khiến họ không thể làm chủ bản thân, không có sức để làm điều thiện hoặc tệ hơn là sẵn sàng chấp nhận sống theo sự dữ để rồi gây tổn thương cho chính bản thân và cho biết bao người xung quanh. Thật đáng sợ thay cảnh con người bị nô lệ cho sự dữ trong chính lòng trí của mình vì nó khiến con người đánh mất chính mình. Thật vậy, dù vẫn là con người, vẫn là con Chúa nhưng cuộc sống của họ hoàn toàn đi ngược lại với chất người và chất Chúa. Kết quả cho cảnh nô lệ của sự dữ thì luôn là sự bất hạnh, là đau khổ, là cái chết trong tâm hồn và nếu không hoán cải sẽ đánh mất cái gọi là hạnh phúc và bình an của cõi lòng và đánh mất luôn hạnh phúc đời đời!

Lời Chúa hôm nay quả là lời cảnh tỉnh chúng ta: “Israel là cây nho xanh tốt, hoa trái xứng hợp với nó. Đất càng màu mỡ, thì càng thêm các tượng thần. Lòng dạ chúng phân đôi, giờ đây chúng sẽ đền tội. Chúa sẽ đánh vỡ các tượng thần và phá tan các bàn thờ của chúng” (Hs 10,1-2). Lời ấy vang lên cách khẩn thiết cho chúng ta, những con người sống trong thời đại văn minh. Như dân Israel xưa tự phụ cho mình là “cây nho xanh tốt” vì được đón nhận muôn phúc ân của Chúa thì đáng lý cây nho ấy phải sinh những “hoa trái xứng hợp” là sự công bình và liêm chính. Thế mà kết quả là nó lại cho ra hoa trái là sự gian tà và bất chính. Chúa càng vun xới cho “đất” màu mỡ để nuôi cây ấy thì trái lại nó càng sinh hoa trái bất trung và phản trắc khi bỏ Chúa để chạy theo các tà thần. Đúng như Chúa cảnh tỉnh: “Lòng dạ chúng phân đôi”: bề ngoài thì mang danh là dân của Chúa nhưng thật tế thì lòng họ chẳng có Chúa, coi thường lời Chúa dạy và sống thờ ơ với Người.

Như thế, rõ ràng trong mọi thời đại, kể cả thời đại chúng ta đang sống đây, Thiên Chúa vẫn luôn ban mọi phúc lành cho con người. Tuy nhiên, chính cách thức con người đón nhận ơn Chúa mới làm cho các ân phúc ấy sinh hoa kết trái tốt đẹp. Đó cũng là sự lý giải cho nguồn gốc phát sinh ra những đau khổ và khốn khó mà chúng ta gặp thấy trong cuộc đời này. Muốn hết cảnh đau khổ ấy, con người phải thoát ra khỏi sự kiềm chế của tội và sự dữ. Muốn thoát ra thì chỉ có cách thay đổi đời sống cũ bằng cách cậy dựa vào Chúa thay vì cậy vào bản thân, vào sự an toàn giả tạo của vinh hoa lợi lộc trần thế hoặc những thú vui chóng qua của đam mê thân xác. Đó là con đường của sự hoán cải từ tận thâm tâm. Sự hoán cải ấy được biểu lộ qua đời sống hằng ngày khi chúng ta biết cậy vào Chúa để tạo cho mình một lối sống lành mạnh, một con tim biết yêu thương chân thành, một đời sống khiêm nhường giản dị, một lý trí biết suy nghĩ về những giá trị cao đẹp, một môi miệng biết nói những lời tế nhị, cảm thông và tha thứ,…Đó là chúng ta đã giải thoát trái tim và tâm trí khỏi cảnh nô lệ để được hưởng sự tự do của tâm hồn trong sự bình an, thanh thản và hạnh phúc.

Bài học lời Chúa dạy chúng ta hôm nay càng thêm ý nghĩa khi chúng ta cùng với Giáo Hội kính nhớ thánh Maria Goretti, trinh nữ tử đạo. Vì một lòng yêu mến Chúa, ngài đã không để bản thân bị nô lệ cho những cám dỗ về ham muốn xác thịt. Ngay cả khi phải chịu chết để giữ đức khiết trinh, ngài vẫn can đảm đón nhận dù chỉ mới là một thiếu nữ 12 tuổi! Ngài đối mặt với người thanh niên mang tên Alessandro Serenelli, một người mà lúc bấy giờ mang trong mình sự nô lệ cho đam mê nhục dục. Vì say mê vẻ đẹp của thánh nữ và không làm chủ được bản thân, anh đã ra tay sát hại người thiếu nữ ấy khi cô kiên quyết không làm theo đòi hỏi đồi bại của anh ta. Sự hy sinh của thánh nữ được Giáo Hội nhìn nhận là một cuộc tử đạo anh hùng và chính cái chết ấy cũng đã làm thức tỉnh lương tâm của người thanh niên đồi bại kia. Quả là ân phúc đã phát sinh từ sự tha thứ của thánh nữ cho người đã làm hại mình: “Con muốn kẻ giết con cũng được như con trên Thiên Đàng”. Sau khi chịu án tù, người thanh niên ấy đã đến gặp mẹ của thánh nữ để xin ơn tha thứ. Người mẹ ấy cũng đã có cùng một lòng quảng đại như con mình để tha thứ cho anh. Chính anh cũng đã cùng bà tham dự lễ tuyên thánh cho Maria Goretti và sau đó còn tự nguyện xin vào dòng Phanxico để sống cuộc đời hoán cải. Anh đã thực sự thay đổi theo lời dạy của Chúa và nhờ đó đã thoát khỏi cảnh nô lệ cho sự dữ và đau khổ mà chính anh đã từng làm nô lệ cho chúng!

Sự nô lệ vẫn xảy ra khi chúng ta chối bỏ những gì Chúa dạy để sống theo những đòi hỏi và đam mê bất chính. Ước mong qua lời Chúa dạy hôm nay, nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Maria Goretti, chúng ta can đảm soi vào lòng mình một cách chân thành và khiêm tốn để nhận ra những điều xấu đang len lỏi và ẩn sâu trong tâm trí và con tim của chúng ta. Hãy can đảm lôi chúng ra ngoài ánh sáng, đừng khéo che đậy, đừng cố biện minh, kẻo chúng ta cứ phải sống mãi trong cảnh nô lệ! Chúa đã chết để giải thoát chúng ta khỏi sức mạnh của ma quỷ và tội lỗi. Phần chúng ta, chúng ta hãy cậy dựa vào Chúa, hãy sống thân tình với Chúa hơn, hãy làm nhiều sự lành sự tốt cho nhau để chúng ta thật sự được giải thoát mà sống bình an trong cuộc đời trần thế này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con biết rằng sự dữ và tội vẫn luôn vây phủ lấy con. Nhờ sức mạnh và lời Chúa dạy, xin thêm sức cho con để con biết vùng lên khỏi sự kiểm soát của sự xấu, can đảm và trung thành thực thi điều tốt Chúa dạy mỗi ngày. Nhờ vậy, lòng con sẽ luôn sống trong bình an và hạnh phúc với Chúa, với mọi người và với chính mình. Amen.

Thực hành: Dành ít phút trước khi đi ngủ để xét xem điều gì đang làm chủ đời tôi hầu quyết tâm thay đổi để sống tốt hơn.

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên - Lm. J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIVThường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV - Thường niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường niên - Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIV - Thường niên- Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV - Thường niên-Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên B - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM