Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 14

LÀ CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA - CHẤP NHẬN 

BỊ CHỐI TỪ

CHÚA NHẬT XIV TN B

 

Lịch sử Giáo Hội cho thấy, công cuộc rao giảng Tin Mừng chưa bao giờ là dễ dàng và thuận lợi, trái lại luôn gặp khó khăn cản trở. Các sứ giả của Chúa luôn bị nghi kỵ, chống đối, loại trừ và phần lớn trong số các người được sai đi đã phải chấp nhận bỏ mạng nơi cánh đồng truyền giáo của mình. Bản tin từ đài Vatican cho biết từ đầu năm đến nay có ít nhất 78 linh mục Chính Thống giáo bị sát hại tại Ethiopia. Hàng năm có hàng trăm linh mục tu sĩ và các nhà truyền giáo bị sát hại tại các quốc gia Hồi Giáo, tại Châu Phi cũng như trên thế giới. Cho dầu phải đánh đổi bằng tính mạng, vẫn có biết bao nhiêu người đang miệt mài thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình tại các vùng truyền giáo xa xôi hiểm trở, tại các nơi dầu sôi lửa bỏng nguy hiểm. Họ là những người đang thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó: “Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng… Ở giữa thế gian, anh em sẽ bị người đời chống đối…Anh em hãy can đảm lên vì Thầy đã thắng thế gian.”

Tất cả những khó khăn đau khổ, bắt bớ ngày nay mà các nhà truyền giáo hay còn gọi là các ngôn sứ của Chúa đang phải chịu cũng là điều Đức Giêsu đã trải qua và đã nói trước: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng là ở chính quê hương mình.”

Ngôn sứ là những người được Chúa sai đến với dân để truyền đạt ý Chúa cho dân. Có những lúc lời các vị là lời an ủi khích lệ khi dân chúng gặp đau khổ thất vọng, có những lúc lời ngôn sứ như răn đe cảnh báo trước những lối sống sai lạc. Đã nhiều lần trong quá khứ, Israel phản bội lại Thiên Chúa, sống theo lối sống dân ngoại. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến để cảnh cáo họ và mời gọi họ sám hối, quay trở về với Thiên Chúa, nhưng họ đã từ chối những kẻ được sai đến. Điều đó cho thấy, dân chúng chỉ thích nghe những điều họ muốn nghe mà thôi và để ngoài tai những gì họ không muốn. Israel chỉ muốn nghe những lời mị dân của đám ngôn sứ giả, còn những lời của các ngôn sứ đến từ Thiên Chúa. Họ đã từ chối và còn ra tay bách hại những người được sai đến.

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en được sai đến với Israel trong hoàn cảnh họ đang bị lưu đầy tại Babylon. Vị tiên tri đã nhân danh Thiên Chúa để nói lời an ủi khích lệ tinh thần và nuôi dưỡng niềm hy vọng về ngày hồi hương của Israel. Tuy nhiên, ngay cả những lời khuyến khích đến từ Thiên Chúa, Israel cũng bỏ ngoài tai. Qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa cho thấy sự cứng lòng của Israel đối với vị ngôn sứ, thực ra là sự chống đối cứng lòng của Israel đối với chính Thiên Chúa: “Người nói: Chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống Ta… Chúng như những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá. Chính Ta sai ngươi đến với chúng.” Vì thế, kẻ được sai đi cứ việc thi hành nhiệm vụ Chúa trao với hết khả năng, hết trách nhiệm của mình, còn kết quả như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào người nghe. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về chọn lựa của họ trước mặt Thiên Chúa: “Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.”

 Thánh Phaolô, trong vai trò là Tông đồ, Ngài ý thức rất rõ sự yếu kém, giới hạn của mình. Ngài khiêm tốn biến mình trở thành một dụng cụ để cho Thiên Chúa sử dụng cho chương trình của Ngài: “Tôi tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi.” Phaolô cho thấy với tính tự nhiên của con người, có nhiều khi ông cũng cảm thấy khó chịu, buồn bực khi bị chống đối. Ông đã có lần xin Chúa cất khỏi ông những khó khăn thử thách. Nhưng Chúa đã trả lời và khích lệ ông: “Ơn Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Nhận ra sự an ủi khích lệ này, Phaolô chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục bắt bớ vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh.”

Không chỉ các ngôn sứ thời xưa hoặc thời nay mới bị xua đuổi bách hại, chính Đức Giêsu – Vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa cũng bị dân làng Nazareth xua đuổi khước từ. Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng trong vùng, Chúa Giêsu được nhiều người biết đến và tin theo. Những câu chuyện về các phép lạ Chúa đã làm như hóa bánh ra nhiều, hóa nước thành rượu, chữa lành bệnh tật, chắc chắn cũng đã lan truyền đến Nazareth quê hương của Chúa. Hôm nay, Đức Giêsu trở về lại làng quê Nazareth, Ngài vào giảng dạy trong hội đường ngày Sabat khiến cho dân làng ngạc nhiên. Mặc dù họ ngạc nhiên về sự thông thái của Người, nhưng có lẽ họ chờ đợi một điều gì khác hơn. Họ chờ đợi được xem những phép lạ như xem một buổi biểu diễn cho vui hơn là khiêm nhường sám hối đón nhận Nước Trời.

Điều ngăn cản khiến cho dân làng Nazareth không đón nhận Tin Mừng của Chúa là vì họ mang trong mình sự tự mãn, ghen tị và sự khinh miệt. Họ không dễ dàng chấp nhận con của ông thợ mộc trong làng lại có thể thông thái như thế. Họ ghen tị vì thấy một chàng trai trẻ cũng như bao chàng trai khác, nay lại thành công nổi tiếng hơn họ. Vì thế họ đặt vấn đề: “Bởi đâu ông ta được như thế? Bởi đâu ông ta khôn ngoan như vậy? Bởi đâu ông ta làm được phép lạ như thế? Ông ta không phải con bác thợ mộc, con bà Maria sao?” Tin Mừng cho thấy sự kiêu căng tự mãn, thành kiến đã khiến những người làng Nazareth không thể đón nhận được Tin Mừng của Đức Giêsu, trái lại họ còn xúc phạm đến Người. Đức Giêsu đã tiếc cho dân làng Nazareth vì họ cố tình không tin, lại còn khinh thường rẻ rúng Người: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương của mình, hay giữa bà con thân thuộc gia đình mình mà thôi.”

Thưa quý ông bà anh chị em, sống và làm chứng cho Tin Mừng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thế giới của bóng tối và sự dữ chưa bao giờ dễ dàng để đón nhận Đức Giêsu. Vì thế, trở nên ngôn sứ đích thật của Chúa luôn bị người đời khước từ. Vì người đời chỉ yêu những gì thuộc về nó, chỉ muốn nghe những điều vừa tai nó và đón nhận những ai cùng phe với nó mà thôi. Chúng ta là những người thuộc về Đức Kitô và là ngôn sứ của Người, chúng ta được mời gọi nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người cho thế giới hôm nay, cho môi trường chúng ta đang sống. Cho dù họ đón nhận hay từ chối, chúng ta không nản lòng, vì ta không làm theo ý riêng, nhưng chúng ta làm theo ý Đấng đã sai mình.

Chúng ta sẽ trở nên ngôn sứ của Chúa nơi xóm giềng, từ ngoài đường đến công ty xí nghiệp. Chúng ta sẽ là ngôn sứ qua lời nói, việc làm, nhất là qua cuộc sống thường ngày của mình. Trong một xã hội gian dối lừa đảo, chúng ta được mời gọi sống ngay thẳng, chân thật và công bằng; trong một xã hội đầy dẫy bất công, bất bao dung, vô cảm, chúng ta được mời gọi sống cảm thông, quảng đại và quan tâm đến anh chị em chung quanh. Sống như thế, là chúng ta đang sống vai trò ngôn sứ trong xã hội hôm nay.

Chúng ta sẽ thực thi sứ mạng ngôn như trong vai trò là cha mẹ trong gia đình. Chúng ta cũng sẽ gặp và rao giảng về Chúa Giêsu cho những đứa con ngoan ngoãn và những đứa chưa ngoan, ngỗ nghịch quậy phá, nghiện ngập. Chúa muốn chúng ta kiên trì nhẫn nại trong sứ mạng, không nản lòng thất vọng và luôn tin tưởng vào lời hứa của Chúa: Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày. Chúng ta không chỉ rao giảng cho con cái bằng những lời nhủ khuyên, nhưng quan trọng hơn là bằng đời sống gương sáng của cha mẹ. Những bài giảng bằng gương sáng sẽ có sức lay động nhiều hơn bằng những lời cằn nhằn, to tiếng.

Các bạn trẻ sẽ là ngôn sứ của Chúa trong nhà trường, trong công ty, siêu thị, quán xá. Chúng ta sẽ nói cho mọi người bằng một đời sống vui tươi, chân thành, đáng tin và đáng mến. Chúng ta sẽ nói về sự ngay thẳng thật thà và bằng một cuộc sống trong sạch, trưởng thành.

Để có thể làm chứng cho Tin Mừng, trở thành ngôn sứ của Chúa, trước hết, chúng ta phải là những người sẵn sàng mở lòng đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Chúng ta khiếm tốn đón nhận những vị ngôn sứ mà Chúa sai đến để nhắc bảo chúng ta, đó là cha mẹ, là các vị chủ chăn trong Giáo Hội, là bạn hữu, đồng nghiệp. Đón nhận sự sửa dạy của các bề trên, sự góp ý chân thành của bạn hữu là những ngôn sứ đang ở bên chúng ta, là chúng ta đón nhận ý Chúa.

Xin Chúa ban sức mạnh giúp chúng ta can đảm sống và thi hành sứ mạng ngôn sứ mà Chúa đã trao phó, trung thành với Đức Giêsu và Tin Mừng của Người trong xã hội hôm nay, cho dù được đón nhận hay bị từ chối nghi kỵ. Đồng thời, xin Chúa giúp chúng ta biết khiêm tốn mở lòng để cho Tin Mừng của Chúa biến đổi và bén rễ sâu trong cuộc đời chúng ta, nhờ đó đời sống chứng tá của chúng ta trở nên đáng tin trước mặt mọi người. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 



Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên - Lm. J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIVThường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV - Thường niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường niên - Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIV - Thường niên- Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên-Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên -Lm. J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên- MM Tân, SJ.
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên Năm C- LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên Năm C- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên-Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên