Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên
ĐỪNG SỢ
HÃI
LỜI CHÚA: Mt 10, 24- 33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn
đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi
chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ
những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín
nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói
nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết
được linh hồn. Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục.
Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con
nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các
con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ
bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ
tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước
mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên
trời".
SUY NIỆM
Sự sợ hãi thường
là động cơ cho hành vi con người. Vì sợ đói khát, nghèo khổ, thiếu
thôn mà người ta trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, tham lam. Vì sợ bị coi thường, bị
khinh dể, bị chà đạp mà con người trở nên kinh kiệu, kiêu căng, độc ác.
Vì sợ mất uy tín,
mất uy quyền, mất quyền lợi thế gian mà Giáo hội, đôi khi cũng đã có những quyết
định không hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng của Chúa Kitô.
Vì sợ người ngoài,
sợ Thiên Chúa nên người Kitô hữu nhiều lần có thái độ đóng cửa, “chôn kín nén bạc
của mình” giữ đạo như giữ cửa, căng thẳng tự vệ bằng cái nhìn cảnh giác với biết
bao người chung quanh.
Sự sợ hãi làm cho
con người nói chung và con Chúa nói riêng, không còn trung thực với Chúa và với
chính mình nữa.
Chúa Giêsu hôm nay
tiếp tục dạy cho các Tông đồ về sứ mạng rao giảng Tin mừng. Ngài báo trước là
người tông đồ sẽ bị bách hại, nhưng Ngài khuyên khích họ đừng sợ:
-Lý do thứ nhất:
khi chịu bách hại là họ được vinh dự chia sẻ thân phận của Thầy mình.
-Lý do thứ hai: những
kẻ bách hại chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn họ.
-Lý do thứ ba: người
tông đồ còn được Chúa bảo vệ, bất cứ điều gì xảy đến cho họ cũng nằm sẩn trong
kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa.
-Lý do thứ tư: nếu
họ giữ được lòng trung thành và can đảm thì họ sẽ được phần thưởng, vì Chúa đã
tuyên bố và xác nhận họ là người của Ngài.
Người
ta có kể về một câu chuyện Thiền như sau: Trong làng nọ có một nhà sư đạo đức.
Một cô gái mang thai với tình nhân, vì sợ hãi, đã đổ thừa cho nhà sư kia là cha
của bào thai. Cả làng phỉ nhổ ông, nhưng ông chỉ im lặng và nói có hai chữ: “Thế
à!” và rồi khi đứa bé chào đời, người ta đem đến trao cho ông và tiếp tục với
những lời mắng nhiếc thậm tệ. Ông lại nói: “Thế à!” rồi nhận đứa bé, ông xin sữa
mà nuôi.
Một
thời gian sau vì hối hận, cô gái thú nhận sự thật. Cả làng hốt hoảng đến xin lỗi
và xin nhận đứa bé trở lại. Nhà sư lại nói: “Thế à " rồi trao đứa bé lại một
cách đơn sơ.
Vị
thiền sư quả là đã có một tinh thần “bất úy”, thế nên ông mới có được thái độ
trẻ thơ mà tha thứ và yêu thương mọi người, ngay cả khi họ vu khống, cáo gian
ông ta.
Trước
mỗi biến cố cuộc đời, người Ki tô hữu thường hay băn khoăn: “Tôi phải làm gì?
Phải cầu nguyện hay hành động, phải im lặng hay lên tiếng? Phải đấu tranh hay
chia sẻ, phải lên án hay cảm thông?” Chúa muốn chúng ta nếu trung thực thì đừng
sợ hãi. Còn ngược lại điều đó là chúng ta sẽ không có được tự do để đứng về phe
chân lý và tình yêu.
Mục
sư Wumbrant bị cầm tù nhiều năm. Ông bảo rằng trong Kinh Thánh có 365 lần lời
Chúa dạy ta đừng sợ, vì thế mỗi ngày ông đã sống một câu trong suốt năm và giữ
được tinh thần bình an hầu yêu thương những người bắt giam ông.
Các bạn thân mến,
Dù
cuộc đời còn nhiều cái xấu và người xâu. Chúng ta đừng vì sợ cái xấu, sợ người
xấu mà quên cộng tác với người lành. Đặc biệt chúng ta là tông đồ Kitô, nên hãy
can đảm rao giảng công khai bằng chính đời sống chứng nhân giữa môi trường đang
sống; và rao giảng bằng đề cao qua gương sáng của đời sông về công bằng, bác ái
và tình yêu thương.