Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên Năm B
NGÔN SỨ BỊ TỪ CHỐI
Người
Do Thái có quan niệm giống người Việt, một người làm quan cả họ được nhờ, một
người thành công cả làng hãnh diện. Thế nhưng, Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu sau
khi đã thành công, nổi tiếng khắp vùng, khi trở về Nazareth, dân làng không những
không hãnh diện, lại còn tỏ ra coi thường khinh bỉ. Tại sao vậy?
Có
một sự thật trong cuộc sống, đó là, con người thích nghe những điều ngọt ngào,
những lời khen tặng, khó chấp nhận những lời thẳng thắn phê bình góp ý. Càng làm
lớn, càng khó để nghe những lời góp ý, càng có quyền càng khó chấp nhận nghe lời
phê bình. Ví dụ: Vua Hêrôđê thích nghe những lời rao giảng của Gioan Tiền Hô,
thế nhưng khi Gioan phê bình vua về việc vua đã cướp vợ của anh mình, thì liền
sau đó, Gioan bị tống giam và chém đầu. Xã hội ngày nay cũng vậy, ai lên tiếng
phê bình lãnh đạo, liền bị kết vào tội nói xấu lãnh tụ. Ai chân thành góp ý,
thì bị quy vào tội làm chia rẽ nội bộ. Cuối cùng trong bộ máy lãnh đạo chỉ còn
lại những người nịnh hót, bảo sao nghe vậy, không dám nói thật, không dám bênh
vực sự thật.
Từ
Cựu Ước cho đến ngày nay, các ngôn sứ luôn bị chối từ, bị coi thường, bởi vì
các Ngài luôn nói lên sự thật, các Ngài dám chỉ ra những cái sai và kêu gọi phải
đi theo đường lối của Thiên Chúa. Vì vậy, các ngôn sứ luôn bị chối từ, bị bách
hại và có khi phải thiệt mạng vì những điều các ông nói ra. Bài đọc một, tiên
tri Êzêkiel chia sẻ về ơn gọi của ông. Ông nhận được lời Chúa mời gọi và sai đến
với dân Israel. Ông cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi, nhưng Thiên Chúa đã khuyến
khích ông: “Ta sẽ làm cho chân ngươi đứng
vững. Ta sẽ sai ngươi đến với nhà Israel”.
Như thế ông xác tín rằng ông là kẻ được sai đi; và vì được sai đi, nên
ông có nhiệm vụ phải nói và làm theo ý Đấng đã sai mình. Chúa cũng cho Êzêkiel
biết trước: “Israel là một dân phản nghịch
đang nổi lên chống lại Ta…Chúng như những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ
đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng”. Dù biết trước sứ mệnh khó khăn, biết
trước sẽ bị phản đối, nhưng vì lệnh truyền của Chúa, vị tiên tri vẫn can đảm
vâng theo. Vị tiên tri cũng ý thức rằng, cho dù dân có nghe hay không nghe, thì
việc ông đến với họ là vì Chúa, do Chúa, nói lời của Chúa. Nếu dân nghe lời vị
ngôn sứ và điều chỉnh lại đời sống, họ lại đón nhận được tình thương của Chúa. Nếu
từ chối, họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về thái độ của họ.
Chúa
Giêsu là Ngôn Sứ Chúa Cha sai đến trần gian để nói Lời và ý định của Chúa cho
dân. Tuy nhiên, Tin Mừng cho thấy, khi Chúa trở về Nazareth, dân làng đã tỏ ra
dửng dưng và khinh bỉ Ngài. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã có một nhóm môn đệ đi
theo, Ngài đã giảng dạy và thu hút được nhiều người tin tại các vùng lân cận như
Caphacnaum. Khi trở về Nazareth, Chúa vào giảng trong hội đường. Mọi người ngạc
nhiên về sự khôn ngoan thông thái của Chúa và về các phép lạ Chúa Giêsu đã làm.
Tuy nhiên sự ngạc nhiên này lại không dẫn đến sự cảm phục và tin kính, trái lại,
các người Nazareth đã để cho thành kiến, nếp nghĩ coi thường người khác cản trở,
khiến họ không đi xa hơn được trong việc tin Chúa Giêsu.
Họ
bị cản trở bởi nghĩ rằng vùng Nazaret chẳng thể nào có được một ngôn sứ, vì
Kinh Thánh không hề nói đến tên làng Nazareth bao giờ. Suy nghĩ này cũng ảnh hưởng
trên ông Nathanael khi được Philipphê nói về Đức Giêsu, vị ngôn sứ thành
Nazareth, ông đã trả lời: Ở Nazareth nào có cái chi hay? Ngôn sứ làm gì có ở
Nazareth! Hơn nữa, người Nazareth còn mang một cái nhìn hẹp hòi thành kiến và
khinh thường thế giá gia đình của Chúa Giêsu. Họ nói rằng: Con anh thợ mộc có
gì đâu mà thông thái? Anh em nhà bà Maria có gì đâu đặc biệt? Chính những suy
nghĩ này đã cản trở những người Nazareth đón nhận Chúa Giêsu và lời giảng dạy của
Ngài. Cũng từ đó họ không thể chấp nhhận Đức Giêsu là một ngôn sứ được Chúa sai
đến.
Nếu
những người Nazareth có một tâm hồn khiêm nhường, họ đã có thể nhận ra ý Chúa
qua lời của Vị Ngôn Sứ Giêsu; Nếu họ bỏ qua được thành kiến, họ đã có thể nhận
ra Chúa Giêsu là niềm vinh dự cho cả dân làng và dân tộc của họ; Nếu họ đừng có
cái nhìn khinh miệt về gốc gác, nghề nghiệp của gia đình Ngài, thì họ đã nhìn
thấy nơi Đức Giêsu là ngôn sứ được sai đến; Nếu họ đừng có thái độ coi thường
người khác, họ đã nhận ra việc Chúa làm qua con người của Đức Giêsu. Chúa Giêsu
lấy làm tiếc cho những người Nazareth vì họ đã cố tình bỏ qua cơ hội Thiên Chúa
dành cho họ: Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương của mình,
hay bà con thân thuộc và trong gia đình mà thôi.
Chính
vì họ khép lòng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, họ từ chối sứ giả của Thiên
Chúa, nên Tin Mừng ghi lại: “Chúa Giêsu
không thể làm được phép lạ nào tại đó…vì họ không có lòng tin”. Chúa Giêsu
là Thiên Chúa, Ngài có thể làm được mọi sự. Tuy nhiên, ở Nazareth Ngài không thể
thể hiện quyền năng Thiên Chúa qua các phép lạ được vì những người ở đó thiếu một
điều kiện tiên quyết đó là lòng tin. Lòng tin là chìa khóa để ta đi vào trong
trái tim và khai mở lòng thương xót của Chúa. Trái lại sự cứng lòng không tin
hoặc cố tình từ chối Thiên Chúa sẽ khiến cho lòng thương xót của Chúa không thể
đổ vào lòng chúng ta được. Thiên Chúa chỉ có thể đổ tình yêu vào lòng chúng ta
khi chúng ta mở lòng đón nhận. Ngài chỉ có thể cứu chúng ta khi chúng ta đưa
tay cho Ngài nâng ta chỗi dậy. Thiên Chúa chỉ có thể ôm chúng ta vào lòng khi
chúng ta như một đứa trẻ sà vào vòng tay Chúa.
Thái độ từ chối Chúa Giêsu vẫn đang diễn ra
trong thế giới và xã hội hôm nay. Các nhà cầm quyền đang muốn tìm cách loại trừ
Chúa Giêsu và ảnh hưởng của Ngài trong xã hội, vì họ sợ Giáo lý và Tin Mừng của
Chúa chạm đến lương tâm của họ. Họ sợ Chúa có ảnh hưởng trên cộng đồng, sợ nhiều
người tin theo, do đó họ tìm nhiều cách đề đàn áp, kìm hãm, gây khó khăn cho những
người tin theo Chúa. Nhìn chung, vì xã hội đầy những gian dối và bóng tối, vì
thế họ sợ ánh sáng và sự thật của Chúa. Không chỉ ở những quốc gia độc tài,
Chúa Giêsu cũng đang bị loại trừ nơi các quốc gia có truyền thống Kitô giáo như
tại Châu Âu. Các nhà lập pháp Châu âu đã từng đòi loại bỏ dấu hiệu Kitô Giáo
như tượng đài, thánh giá ra khỏi nơi công cộng nhân danh sự tự do tôn giáo.
Nguyên
nhân sâu xa của tình trạng này là vì con người ngày nay đã loại trừ Chúa ra khỏi
lòng mình hoặc tách biệt giữa đức tin và đời sống. Khi trong lòng chứa đầy tội
lỗi, vật chất, sự gian dối và hành động bất chính, thì không thể có Chúa trong
lòng. Những người khác tuy vẫn còn tin Chúa, nhưng Chúa không còn ảnh hưởng gì
trên cuộc sống của họ. Đời sống đạo của những người này chỉ còn là một thói
quen vô hồn, hoặc Chúa chỉ còn là vật trang trí hoặc khi gặp khó khăn họ khấn
vái như khấn các thần linh khác.
Trước
đây, người công giáo mạnh dạn hiên ngang mang thánh giá Chúa hoặc tràng hạt
trên cổ để thể hiện mình là người có đạo; vào quán ăn, họ không ngại ngùng khi
làm dấu thánh giá. Nhưng nay, thánh giá chỉ được đeo trên tai như đồ trang sức,
nhiều người không còn cảm thấy tự hào vì mình thuộc về Chúa Kitô. Nhiều người
còn tìm cách làm mờ nhạt dấu vết của Chúa trong cuộc sống của mình, không dám
khai mình là công giáo trong giấy tờ, lý lịch để có thể thăng tiến trong xã hội.
Có người lý luận: “Tôi chỉ khai như thế
nhưng tôi có bỏ đạo đâu?” Hành động như thế cho thấy sự gian dối trong suy
nghĩ là dấu hiệu cho thấy có sự khác biệt hoàn toàn giữa lối sống bên ngoài và
đời sống đạo. Nhiều người, trong đó các bạn trẻ từ chối Chúa Giêsu qua việc từ
chối hoặc lười biếng học hỏi giáo lý, Tin Mừng để biết về Chúa Giêsu và những
đòi hỏi của Tin Mừng. Vì thế, Chúa Giêsu vẫn mãi như người xa lạ đối với họ.
Xin
Chúa thêm đức tin để chúng ta tin chắc chắn vào Chúa Giêsu, đón nhận giáo lý
Tin Mừng của Ngài và mạnh dạn sống những đòi hỏi của Tin Mừng trong xã hội hôm
nay. Amen
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí