CHỦ NHẬT 14 TN A
TIN MỪNG MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN
Tin mừng của Nước Trời không thể bị đồng hóa với bất
cứ hệ thống tư tưởng nào của con người. Đó là một BÍ MẬT mà chỉ có những tâm
hồn được chuẩn bị mới có thể đón nhận được mà thôi. Tin mừng được loan đi khắp
thế giới, khởi từ một biến cố trái ngược với những gì người ta chờ đợi nhất:
thập giá Đức Ki tô. Nói về Tin mừng ư? Những người chung quanh chúng ta có thể
nói: “Hãy xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào!”. Nếu quả thật như thế
thì Lời chúng ta rao giảng sẽ nẩy mầm trong lòng những người lân cận.
Sách tiên tri Dc 9,
9-10
Nhiều thế kỉ trước biến cố, Da ca ria đã được xem
thấy việc Chúa Giê su khải hoàn vào thành Giêrusalem một tuần trước Khổ nạn.
Ông loan báo một vì Vua Hòa Vình sẽ ngự trị trên toàn Vũ trụ.
Thánh Vịnh 144
Ca tụng và chúc vinh Thiên Chúa toàn năng của chúng
ta! Bởi vì Người là lòng nhân ái và thương xót, đầy yêu thương và tốt lành vô
cùng. Người nâng dậy những ai té ngã, và dịu dàng đỡ nâng tất cả những người bị
cuộc đời áp bức.
Thư gửi Rôma 8,
9.11-13
Thánh Thần của
Thiên Chúa ngự trong chúng ta. Thật là một Chân lí khủng khiếp đối với lí trí
con người. Tuy vậy thánh Phao lô không ngừng lặp lại: Thần khí của Chúa Giê su,
đấng đã sống lại ngự trong chúng ta. Thần khí ấy ban cho chúng ta cùng một sự
sống như đấng sống lại. Từ nay chúng ta sống cùng sự sống vĩnh cửu mà Cha ban
cho Con yêu dấu của Người. Chúng ta phải quay lưng lại sự sống xác thịt để đi
vào sự sống Thần khí, hướng về Cha nhờ Chúa Giê su là Con đường dẫn đến Người.
Tin
mừng: Mt 11,25-30
NGỮ CẢNH
Trước các bài diễn từ, tác giả Tin mừng Mát thêu
thường cho thấy các phản ứng thuận lợi cũng như chống đối mà Chúa Giê su gặp
phải (7,28-29; 10,24-25). Lúc nầy phản ứng chống lại Chúa Giê su càng gia tăng.
Các thành phố từ chối sứ điệp của Ngài (11,20-24). Người Biệt phái càng lúc
càng dứt khoát hơn trong thái độ tẩy chay của họ. Vì thế, đã đến lúc Chúa Giê
su quay về phía những người bé mọn và khiêm nhường.
Có thể đoạn Tin mừng theo bố cục sau đây:
1. Lời kinh chúc tụng (25-26)
2.
Tương quan Cha-Con (27)
3.
Lời mời gọi những kẻ bé mọn
(28-30)
TÌM HIỂU
Con xin ngợi khen Cha: Chúa Giê su tạ ơn Cha vì đã gặp thất bại nơi những kẻ khôn ngoan thông
thái. Tại sao? Thưa vì sự thất bại ấy phù hợp với chính bản chất của công cuộc
cứu độ là phục vụ người nghèo, hạng người bị khinh chê ruồng bỏ.
Lạy Cha: Nguyên ngữ là ‘Abba’, là tiếng gọi thân mật trong việc xưng hô trong
gia đình, không bao giờ được dùng để nói với Thiên Chúa. Thế nên, kiểu xưng hô
nầy cho thấy tính cách mới mẻ, độc đáo và lạ lùng: Chúa Giê su dám thân mật gọi
Thiên Chúa bằng Abba mà không chút xa cách hay sợ sệt. Do đó, nó bộc lộ cho
chúng ta biết mối hiệp thông sâu xa giữa Chúa Giê su và Thiên Chúa Cha.
Đã giấu: Ai giấu? Thưa chính Thiên Chúa.
Những điều ấy: chỉ toàn bộ công trình mạc khải của Chúa Giê su. “Khôn ngoan”, “thông thái”: chỉ hạng học thức, chuyên môn, có thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo
(x. Is 29,14; 1Cr 1,19); trong khi “bé mọn” chỉ những người nghèo khó trong
tinh thần mà Chúa Giê su đã nói đến trong tám mối phúc, tức là đám người cùng
đinh, người tội lỗi, luôn luôn bị người Biệt phái khinh bỉ.
Không ai biết rõ Chúa
Cha trừ người Con:
Đối lại với tri thức thuần lý của các giáo sỹ, Chúa Giê su đưa ra một
thứ hiểu biết khác, phát xuất từ tình thân mật và tình yêu. Kinh thánh đã không
gọi cuộc gặp gỡ sâu xa nhất giữa hai vợ chồng trong tình yêu là sự “hiểu biết”
đó sao? Biết chính là yêu. Câu nầy duy nhất trong Tin mừng nhất lãm khẳng định
rõ ràng nhất tử hệ thần linh của đấng Messia.
Tất cả những ai đang
vất vả mang gánh nặng nề: gánh nặng đây chính là ách lề
luật mà Biệt phái đặt trên vai người tín hữu (x. 23,4).
Hãy mang lấy ách của
tôi: “mang lấy
ách” là thành ngữ thông thường các giáo sỹ dùng để chỉ ách của Nước Thiên
Chúa, của lề luật, của các huấn lệnh. Chúa Giê su không đến để miễn cho con
người mọi ràng buộc luân lý. Trái lại, Người thay thế các Lề luật Do thái bằng
những đòi hỏi Người đưa ra, còn triệt để hơn luật Mô sê. Chúa Giê su đòi hỏi
nhiều hơn, nhưng tình yêu sẽ biến gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augutinô
đã khẳng định: “Nơi nào có tình yêu, nơi
đó không còn gian khổ nữa”.
Hãy học với tôi: Chúa Giê su là vị Thầy hiền hậu và khiêm nhường trong lòng khác với
thói khinh bạc của các giáo sỹ. Đến với Ngài, chẳng những được Ngài ban cho sức
mạnh để vui tươi mang ách đó, song còn được gương sáng của Ngài nâng đỡ.
SỨ ĐIỆP
Tin mừng hôm nay
gởi đến cho chúng ta một sứ điệp hi vọng. Nó nhắm đến những người mang một gánh
rất nặng của cuộc đời trên vai: đó là tất cả những nạn nhân của ông chủ tiền
bạc, của bệnh tật. Rồi đến những những nạn nhân của những mọi nỗi âu lo, chán
chường. Và chúng ta cũng không quên một trong những gánh nặng phải mang đó là
mặc cảm tội lỗi gặm nhấm lưong tâm và kí ức. Người ta cảm thấy có tội và phải
sống những ngày còn lại với mặc cảm ấy. Đó quả là một điều vô cùng khổ sở. Đối
với nhiều người, cuộc sống đã trở thành một hỏa ngục càng lúc họ càng không thể
chịu đựng nỗi. Chính họ là đối tượng của sứ điệp Chúa Giê su.
“Hãy đến với Ta, hết thảy những ai đang phải
mang gánh nặng nề!” Chúa Giê su là đấng mang tất cả trên đôi vai cùng với thập
giá của Ngài, mời gọi chúng ta hãy tựa vào Ngài. Ngài chìa bàn tay cho chúng
ta. Thậm chí nói một lời có thể bị hiểu lầm: “Hãy mang lấy ách của Ta”.
Các nhà khôn ngoan và những
người thông thái thường hiểu sai về cách giải thích lời nói đó. Có phải đó là một
gánh nặng mới không? Để hiểu lời ấy của Chúa Giê su, cần phải biết những người
nông dân thời xưa. Vì không có máy kéo, nên họ cột nhiều con bò lại với nhau
vào chung một cái ách, tạo thành một sức mạnh có thể kéo những vật rất nặng. Một
con không thể kéo nỗi gánh nặng ấy, nhưng cột lại với nhau, chúng trở nên mạnh
hơn và mọi sự trở nên dễ dàng.
Đức Ki tô nhìn thấy gánh nặng
mà chúng ta kéo đi trong suốt cuộc đời. Nhưng Ngài không muốn chúng ta kéo một
mình, nên Ngài đề nghị chúng ta mang lấy ách của Ngài, để Ngài cùng chung vai
góp sức với chúng ta. Điều đó chỉ có thể được nếu như chúng ta chấp nhận liên kết
với Ngài. Điều quan trọng là lời mời gọi: "Hãy đến với Ta! » khi cơn
thử thách và nỗi sợ hãi trở nên quá tải đến nỗi người ta không còn nhìn thấy gì
cả. Người đau khổ thường hay giam mình trong im lặng và cô độc. Họ tưởng rằng
không ai có thể hiểu và nâng đỡ họ được.
Như các môn đệ trên biển hồ
Tibêriát nổi sóng, chúng ta chèo chống một mình và bị đẩy vào thế cùng đường.
Và đó chính là lúc mà chúng ta phải nghe lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy đến với
Ta!” Trong Tin mừng Thánh Gioan, ‘đến’ và ‘tin’ là hai từ có cùng một nghĩa.
Lòng tin tưởng phải đưa chúng ta đến với Đức Ki tô. Gặp gỡ Ngài trong những lúc
đó là Cơ may cho cuộc đời Ta. Chắc hẳn, lời cầu nguyện thật khó khăn khi đau khổ.
Nhưng nó có thể đem lại một sự an ủi lớn lao, và là cánh tay hướng về phía
Chúa. Nó là sự tin tưởng và hi vọng, vì người ta không còn cô đơn nữa !
Chúa Giê su nói: “Ta sẽ ban
lại cho các con sức mạnh”. Qua đó Ngài muốn nâng chúng ta lên bằng một sức mạnh
nội tâm mới. Ngài muốn cho chúng ta được sống lại. Khi ban cho chúng ta Thần
khí của Ngài, Ngài ban một năng lực mới để lại bước đi và lại khởi hành hướng về
một giai đoạn mới. Trách nhiệm vẫn còn, ánh nặng cũng không bị lấy đi, nhưng
chúng không còn đè bẹp chúng ta nữa, vì chúng ta sẽ không phải gánh vác một
mình.
Tin mừng hôm nay, chính là
Tin mừng giải phóng vì nó giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc nệ luật và cảm
thức tội lỗi. Nó mang lại niềm phấn khởi, một sức mạnh lạ lùng từ niềm xác tín
được Chúa yêu thương. Tin mừng cũng đòi hỏi, nhưng sự đòi hỏi ấy là chìa khóa
giúp vượt thắng chính mình, và đem lại niềm hạnh phúc sống một đời sống hiến
dâng. Đó là nguồn suối phát sinh sự triển nở đầy hân hoan.
Thánh Phao lô dạy: “Hãy mang lấy gánh nặng của nhau”. Chúa
Giê su đã phản ừng mạnh mẽ chống lại sự áp chế của lề luật Mô sê theo cách giải
thích của các kí lục và biệt phái thời của Ngài. Họ làm cho lề luật trở thành
phức tạp đến độ không thể mang nỗi: “Các
người đặt trên vai người ta những gánh nặng to lớn mà chính các người cũng
không lấy ngón tay lay thử”. Chúng ta phải tránh những sai lầm đó, vì nó
khiến chúng ta trở thành những người đòi hỏi quá khắt khe đối với người khác
nhưng lại dễ dải đối với chính mình. Đừng đòi hỏi trẻ em, thanh niên, những người
đơn sơ điều mà chúng ta không thể làm được. Đừng đòi hỏi họ điều mà chúng ta dễ
dàng miễn chuẩn cho mình. Đừng chất gánh nặng trên vai ai đó để rồi họ phải vất
vả bỏ xưống.
Khi đến với Thánh Thể, chúng
ta trút bỏ gánh nặng cuộc đời nơi bánh và rượu được trở thành hi tế. Chúng ta tạ
ơn Chúa khi chia sẻ Mình và Máu của Ngài tăng sức cho chúng ta. Chúa Giê su dọn
cho chúng ta lương thực giúp chúng ta tiếp tục hành trình và sống liên kết với
Ngài, để hân hoan làm chứng rằng tin mừng là một gánh nặng nhẹ nhàng mang lấy
chúng ta hơn là chúng ta mang lấy nó.
ĐÀO
SÂU
HIỀN
LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Dcr 9,9-10 Đấng Mê-si-a đang đến là một
vị Vua khiêm nhường
Tv 145,1 Lạy Chúa, Chúa tể càn khôn,
chúc tụng Chúa đến muôn đời
Rm 8,9-13 Thần khí Đức Ki tô ngự trong
chúng ta
Mt 11,25-30 Ta hiền lành và khiêm nhượng
trong lòng
1.
HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA:
HIỀN
LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG. Đấng Mê-si-a là một vị Vua khiêm nhường và hiền hậu
(Bđ1), là dung mạo Đức Giê-su được tiên tri báo trước (BTM).
2.
HỎI: Bối cảnh lịch sử bài đọc một (Dcr 9,9-10).
THƯA:
Vào
thế kỉ thứ 4 trước CN, đế quốc Hi lạp hùng mạnh dưới quyền cai trị của A-lịch-sơn
đại đế dần dần thôn tính tất cả các nước chung quanh Địa Trung Hải. Pa-lết-ti-na
cũng không thoát khỏi cảnh đô hộ. Lời Thiên Chúa hứa cho ngai vàng Đa-vít trường
tồn dường như càng ngày càng trở nên xa vời. Lòng dân càng lúc càng tuyệt vọng.
Trong tình hình ấy, lời sấm tiên tri Da-ca-ri-a đã lên tiếng.
3. HỎI: Tiên tri Da-ca-ri-a là ai?
THƯA: Tiên tri Da-ca-ri-a thuộc vào
hàng các tiên tri nhỏ. Khi từ chốn lưu đày Ba-by-lon trở về lòng dân Ít-ra-ên hết
sức tuyệt vọng trước cảnh điêu tàn của Đền thờ và Thành Thánh Giê-ru-sa-lem.
Ông liền lớn tiếng trấn an bằng cách tiên báo thời cánh chung tương lai sắp đến,
Thiên Chúa sẽ ra tay cứu giúp dân Người.
4. HỎI: Sách tiên tri Da-ca-ri-a có nội dung như thế nào?
THƯA: Sách tiên tri Da-ca-ri-a gồm
hai phần thuộc vào hai thời kì khác nhau. Phần đầu (từ chương 1 đến chương 8)
là Đệ nhất Da-ca-ri-a thuộc thời sau Lưu đày, nói về việc tái thiết và phục
hưng Giê-ru-sa-lem, và phần thứ hai là Đệ nhị Da-ca-ri-a (từ chương 9 đến
chương 14) vào khoảng cuối thế kỉ 4 trước CN, tiên báo đấng Mê-si-a hoàn toàn
khác biệt với mọi kẻ thống trị bằng bạo quyền.
5. HỎI: Bài đọc một có nội dung ra sao?
THƯA: Tiên tri Da-ca-ri-a mô tả diện
mạo vua Giu-đa. Ngài không đến như người chiến binh chinh phục vinh quang cho
riêng mình. Trái lại, Ngài khiêm tốn đến trên lưng lừa con hãy còn theo mẹ. Dù
khiêm hạ như thế, Ngài lại là bậc minh quân cai trị trong đường công chính, bình
an, trung thành với Vị Vua tối cao là Thiên Chúa.
6. HỎI: Đấng Mê-si-a tương lai sẽ hành động như thế nào?
THƯA: Ngài sẽ chấm dứt chiến tranh và
đem lại hòa bình cho các dân tộc. Vương quyền của Người sẽ phổ quát: “Người
sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ
chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân.
Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”
(Dcr 9, 10).
7. HỎI: Câu 9 có ý nghĩa như thế nào?
THƯA: Nhà vua thuộc dòng Đa-vít được
hân hoan chào đón như Thiên Chúa đến để cứu độ dân Ngài: “Hãy mừng vui hoan hỉ”. Ngài là ‘Đấng Toàn thắng’, vì chiến thắng của
vua tùy thuộc vào việc Ngài thân hành đến trên lưng con lừa hiền từ trái ngược
hẳn với vẻ kiêu kì của con chiến mã.
8. HỎI: Câu 10 mô tả điều gì?
THƯA: Câu 10 mô tả sự chờ đợi
Ít-ra-ên (Ép-ra-im) thống nhất với Giu-đa. Còn nền hòa bình cho muôn dân là điều
mà tiên tri I-sai-a đã thấy trước (9,5-6). Bấy giờ Ít-ra-ên sẽ trở thành vương
quốc rộng lớn như thời vua Đa-vít.
9. HỎI: Lời sấm ấy đã ứng nghiệm chưa?
THƯA: Đối với các tín hữu Ki-tô, thì việc Đức Giê-su khải hoàn vào Thành Thánh
Giê-ru-sa-lem một tuần trước khi chịu Khổ nạn đã làm cho lời sấm ấy ứng nghiệm.
Ngài chính là đấng Mê-si-a mà Da-ca- ri-a đã loan báo: khiêm nhu, hiền lành cai
trị muôn dân (Mt 21,1-11).
10. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Rm 8,9-13) như thế nào?
THƯA: Thánh
Phao-lô khẳng định với tín hữu Rô-ma rằng ai không có Thần khí Đức Ki tô ngự
trong tâm hồn thì không thuộc về Ngài. Chính Thánh Thần ban cho người tín hữu sự
dịu dàng và khiêm nhường của Đức Ki-tô.
11. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 11,25-30) như thế
nào?
THƯA: Trước
các bài diễn từ, tác giả Tin mừng Mát-thêu thường cho thấy các phản ứng thuận lợi
cũng như chống đối mà Đức Giê-su gặp phải (7,28-29; 10,24-25). Lúc nầy phản ứng
chống lại Đức Giê-su càng gia tăng. Các thành phố từ chối sứ điệp của Ngài
(11,20-24). Người Pha-ri-sêu càng lúc càng dứt khoát hơn trong thái độ tẩy chay
của họ. Vì thế, đã đến lúc Đức Giê-su quay về phía những người bé mọn và khiêm
nhường và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha (11,25-30). Có 3 ý chính: 1) Lời ngợi
khen Chúa Cha của Đức Giê-su (11,25-26); 2) Tương quan Cha-Con và với loài người
(11,27); 3) Hãy lắng nghe sứ điệp của Ngài (11,28-30).
12. HỎI: Tại sao Đức Giê-su dâng lời tạ ơn Thiên Chúa
Cha?
THƯA: Đức Giê-su tạ ơn Thiên Chúa Cha vì trong sứ vụ cứu thế
Ngài đã gặp thất bại nơi những kẻ khôn ngoan thông thái. Tại sao? Thưa vì sự
thất bại ấy phù hợp với chính bản chất của công cuộc cứu độ là phục vụ người
nghèo, hạng người bị khinh chê ruồng bỏ.
13. HỎI: ‘Abba’ có nghĩa
gì?
THƯA: Nguyên ngữ là ‘Abba’,
là tiếng gọi thân mật trong việc xưng hô trong gia đình, không bao giờ được
dùng để nói với Thiên Chúa. Thế nên, kiểu xưng hô nầy cho thấy tính cách mới
mẻ, độc đáo và lạ lùng: Đức Giê-su dám thân mật gọi Thiên Chúa bằng Abba mà
không chút xa cách hay sợ sệt. Do đó, cách gọi ấy bộc lộ cho chúng ta biết mối
hiệp thông sâu xa giữa Đức Giê-su và Thiên Chúa Cha.
14. HỎI: Những kẻ ‘khôn
ngoan, thông thái’ là ai?
THƯA: ‘Khôn ngoan’, ‘thông thái’ chỉ hạng học thức, chuyên
môn, có thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo (x. Is 29,14; 1Cr 1,19). Đức Giê-su
tạ ơn Thiên Chúa Cha vì đã không cho hạng người nầy biết toàn bộ công trình mạc
khải của Ngài.
15. HỎI: Còn ai là ‘kẻ
bé mọn’?
THƯA: Trong khi đó, ‘kẻ
bé mọn’ chỉ những người nghèo khó trong tinh thần mà Đức Giê-su đã nói đến
trong tám mối phúc, tức là đám người cùng đinh, người tội lỗi, luôn luôn bị
người Pha-ri-sêu khinh khi.
16. HỎI: Đức Giê-su đã nói gì về mối liên hệ giữa Ngài và
Thiên Chúa Cha?
THƯA: Đối lại với tri thức thuần lý của các giáo sỹ, Đức Giê-su
đưa ra một thứ hiểu biết khác, phát xuất từ tình thân mật và tình yêu. Kinh
thánh đã không gọi cuộc gặp gỡ sâu xa nhất giữa hai vợ chồng trong tình yêu là
sự “hiểu biết” đó sao? Biết chính là yêu. Trong các Tin mừng nhất lãm câu Mt
11,27 khẳng định rõ ràng nhất tử hệ thần linh của đấng Mê-si-a.
17. HỎI: ‘Gánh nặng’
mà Đức Giê-su nói ở đây là gì?
THƯA: ‘Gánh nặng’ đây chính là ách lề
luật mà người Pha-ri-sêu đặt trên vai người tín hữu (x. 23,4).
18. HỎI: ‘Ách của
Ta’ có nghĩa gì?
THƯA: Đức Ki-tô nhìn thấy gánh nặng mà chúng ta phải mang vác
trong suốt cuộc đời. Nhưng Ngài không muốn chúng ta vác một mình, nên Ngài đề
nghị chúng ta mang lấy ách của Ngài, để Ngài cùng chung vai góp sức với chúng
ta. Điều đó chỉ có thể được nếu như chúng ta chấp nhận liên kết với Ngài.
19. HỎI: Tại sao Đức Giê-su dạy: “Hãy học với tôi”?
THƯA: Đức Giê-su
là vị Thầy hiền hậu và khiêm nhường trong lòng khác với thói khinh bạc của các
giáo sỹ. Đến với Ngài, chẳng những được Ngài ban cho sức mạnh để vui tươi mang
ách đó, song còn được gương sáng của Ngài nâng đỡ.
20. HỎI: Theo giáo huấn của Đức Giê-su, ta phải hiểu sự khiêm nhường như
thế nào?
THƯA: Người khiêm nhường nhìn nhận
rằng tất cả những gì đang có đều bởi Thiên Chúa Cha ban cho. Đức Giê-su
là đấng khiêm nhường đích thật, vì không bao giờ Ngài so sánh với người khác để
đánh giá bản thân mình. Trái lại, Ngài luôn đặt mình trước mặt Thiên Chúa Cha,
với điều mà Thiên Chúa Cha hòan thành nơi Ngài. Người khiêm nhường là người
luôn chăm chú quay hướng về Thiên Chúa. Sống khiêm nhường là sống chân thực với
chính mình và những gì chung quanh mình.
21. HỎI: Theo giáo huấn của Đức Giê-su, ta phải hiểu sự dịu hiền như thế
nào?
THƯA: Dịu
hiền là dịu dàng và hiền hậu. Dịu hiền chỉ “một tâm hồn” (trung tâm của con người)
của người phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Tâm hồn dịu hiền sẵn sàng để cho
Thiên Chúa ngự và sẵn sàng từ khước mọi bạo lực trong tương quan với người
khác, vì chỉ tin cậy vào hành động công chính của Thiên Chúa. Đức Giê-su chúc
phúc cho những người có tâm hồn dịu hiền bằng cách hứa ban cho họ phần thưởng
Nước Trời (Mt.5,5). Thánh Phao lô coi sự dịu dàng như là thái độ sống phải có
bên trong cộng đòan (Gl 6,1; Ep 4,2), cũng như nơi tha nhân (Tt 3,2). Sự dịu hiền
đòi phải có đức tin can trường, thần trí mạnh mẽ và là một hoa trái của Thánh
Thần.
22. HỎI: Vậy ai là kẻ bé mọn của Nước Trời?
THƯA: Đó là nhũng người biết nắm lấy
cuộc đời mình trong tay, hoàn toàn phó thác cho Đức Giê-su; đó là những người
không biết tính tóan theo cái lô-gíc của người đời nhưng sẵn sàng tạo không
gian cho sự ngạc nhiên, lòng ngưỡng mộ trước những điều kì diệu của tình yêu.
Những người bé mọn có tâm hồn khiêm nhu và dịu hiền không nghi ngờ về Thiên
Chúa, nhưng để cho tâm trí của mình được uốn nắn theo Mạc khải của Mầu nhiệm và
được biến đổi bởi sự hiểu biết do Thánh Thần ban xuống.
23. HỎI: Sự dịu hiền và khiêm nhường sinh hoa trái gì?
THƯA: Sự dịu
hiền và khiêm nhường trong tâm hồn là nguồn phát sinh niềm vui và tự do, vì đã
tìm được an nghỉ nơi trái tim của Chúa Cha.
24. HỎI: Đức Giê-su nói đến luật và ách nào?
THƯA: Ách là Lề luật của Thánh Thần. Đó là lề luật được ghi khắc trong tâm hồn,
là sức mạnh của tình yêu thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta sống theo thánh ý Thiên
Chúa và những giá trị mà Ngài đã đặt trong bản tính nhân lọai của chúng ta.
25. HỎI: Chúng ta
có thể sống hiền lành và khiêm nhường được không?
THƯA: Có thể. Vì đã có nhiều ngừoi thành công và nhiều vị thánh bắt chước gương
Đức Giê-su. Chúng ta có thể thành công miễn là chúng ta nỗ lực từng ngày, cải
thiện cách sống, coi người khác như quà tặng Thiên Chúa ban, chứ không như đối
thủ hay những người cấp dưới; sau cùng chúng ta phải cố gắng sống tương quan với
tạo vật như là của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta.
GLCG 544 709 2443,2546. Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn bé mọn , nghĩa là
những người đón nhận với lòng khiêm hạ. Đức Ki-tô được cử đến để "loan báo
Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4,18) (x.Lc 7,22). Người tuyên bố rằng họ có
phúc, bởi vì "Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Chúa Cha đã thương mặc
khải cho những kẻ bé mọn điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết
(x. Mt 11,25). Đức Giê-su đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn, từ máng
cỏ cho tới thập giá. Người đã (x.Mc 2,23-26; Mt 21,18 từng chịu đói khát
(x.Ga.4,6-7; 19,28), túng cực (x.Lc 9,58). Hơn thế nữa, Người đồng hóa mình với
mọi thứ kẻ nghèo hèn và dạy rằng muốn được vào Nước Người, cần phải tích cực
yêu mến những người nghèo ấy (x.Mt 25,31-46).