Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 14

CHỦ NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

 binhan.jpg

Ơn cứu độ dành cho mọi người, đó là sự Bình an mà Thiên Chúa đã hứa ban để an ủi những người bị bạo lực đàn áp. Và chỉ có một ngọn cờ có thể giúp chúng ta đạt đến Bình an ấy là Thập giá Đức Ki tô. Đó chính là sự Bình an mà Đức Ki tô truyền dạy các môn đệ phải mang đến cho thế gian khi Ngài sai phái họ đi truyền giáo. Nhưng sứ điệp Bình an chỉ sẽ được loan truyền bởi những người đã thực sự được giải thoát khỏi những ràng buộc cũ.

Sách Tiên tri Isaia 66, 10-14c:

Thiên Chúa hứa ban lời an ủi cho tất cả những ai đau khổ và đối diện với sự chết. Vời những người Do thái bị thất vọng khi trở về từ nơi lưu đày, Tiên tri đánh thức niềm Hi vọng của họ bằng cách loan báo rằng sẽ một ngày Giê ru sa lem tỏa sáng vinh quang Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ an ủi Dân của Người như một người mẹ an ủi con mình. Và bấy giờ họ sẽ tràn ngập niềm vui vĩ đại.

Thánh vịnh 65

Trong lời tạ ơn dâng lên trong một nghi thức, tác giả Thánh vịnh nhắc lại hành động của Thiên Chúa cứu thoát dân của Người và mời gọi tòan thế giới hãy tung hô Vinh quang Thiên Chúa.

Thư Ga la ta 6,14-19:

Tông đồ Phao lô công bố rằng thập giá Đức Ki tô vẫn là niềm hãnh diện cho người ki tô hữu bởi vì không phải những nghi thức mà chúng ta thực hiện, cũng không phải là niềm hãnh diện thuộc về dân Thiên Chúa đem lại cho chúng ta lòng thương xót và Bình an, nhưng chỉ có Thập giá Đức Ki tô mà thôi.

Tin mừng Lc 10,1-12.17-20

NGỮ CẢNH

Nhóm Mười hai đã được Chúa Giê su sai đi loan báo Nước Thiên Chúa (9,1-6). Nhưng họ không đi như những vị tiền hô của Chúa Giê su; họ vẫn còn chưa biết Ngài là Đấng Messia (x. 9,20), đấng sai họ. Còn nhóm 72 được sai đi “trước Chúa Giê su” (9,52), nghĩa là như những người tiền hô, và Nước Thiên Chúa mà họ loan báo có liên quan với con người của Chúa Giê su. Và kết quả ra sao? Trừ một nhóm người từ chối, nhiều người bé nhỏ hân hoan tiếp nhận sứ điệp và Chúa Giê su.

Sau khi nhấn mạnh đến việc sai đi (10,1) bản văn bao gồm một bài diễn từ, của riêng Luca (10,2-16), theo sau là ba phản ứng của Chúa Giê su (10,17-24).

Có thể đọc bài tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề (1): Chúa Giê su sai nhóm Bẩy mươi hai.

2. Điều kiện làm người môn đệ (10,2-4).

3. Huấn dụ về việc tiếp nhận trong một nhà (10,5-7).

4. Huấn dụ về việc tiếp nhận trong các thành (8-9).

TÌM HIỂU

Chúa: là tước hiệu của Đức Ki tô phục sinh. Luca viết sau Phục sinh. Đối với Ông, Ngài là Đức Ki tô phục sinh sai Hội Thánh của Ngài đi vào sứ mạng.

Bảy mươi hai: con số Mười hai nhắc lại mười hai chi tộc của Is ra el. Còn con số “bay mươi hai” nhắc lại bẩy mươi hai dân tộc trên thế gian được liệt kê trong sách Stk 10. Sứ vụ của các môn đệ do đó mặc lấy khía cạnh phổ quát: nó bao hàm toàn thể các dân tộc. Theo Luca, Chúa Giê su không bao giờ đi vào vùng đất dân ngọai (ngoại trừ vùng Giê ra sê nô: 8,26). Nhưng sau Phục sinh, Ngài yêu cầu Tin mừng của Ngài phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước (24,47). Các Ki tô hữu đầu tiên sẽ nhìn thấy nơi con số bẩy mươi hai biểu trưng cho việc truyền giáo mà phải thực hiện.

Từng hai người một: theo luật do thái, cần phải có hai nhân chứng mới có thể chấp nhận tính cách có thực của một biến cố (Đnl 19.15). nhưng Chúa Giê su còn muốn nói rằng sứ mạng không phải là một việc cá nhân.

Lúa chín: sau khi nói về hạt giống (8,4-15) và về việc cày bừa (9,62), giờ thì đến mùa lúa. Cùng với việc Chúa Giê su khởi sự lên đường tiến về Giê ru sa lem, chúng ta đi vào thời gian cuối cùng: mùa lúa đã gần, hoa trái của Vương quốc đã chín để có thể được Thiên Chúa gặt hái cho vào kho lẫm. Mùa mang thì bát ngát! Không bao giờ có đủ thợ gặt để rao giảng tin mừng cho các dân tộc,! Chỉ có chủ ruộng mới có thể kêu gọi và sai họ đi. Vậy cần phải cầu nguyện.

Chiên – Sói: từ thời xa xưa người ta đã đối lập hai con thú nầy như hình ảnh của sự yếu ớt đối lại vũ lực. Việc truyền giáo là một việc nguy hiểm: bách hại đang chờ đợi các môn đệ (6,22-23).  Chúng ta chưa bước vào thời đại thiên đàng nơi mà hai con thú nầy sống chung hòa bình với nhau (Is 11,6).

Túi tiền (vàng): X, 9,4. Sự khó nghèo của người được sai đi đem lại giá trị cho sự giàu có duy nhất của họ: đó là Lời mà họ mang theo nhân danh Chúa Giê su (Cv 3,6). Như để đáp lại, cộng đoàn tiếp nhận họ phải chăm lo cho họ.

Bình an: là từ trong Kinh Thánh chỉ “hòa bình”, diễn tả đầy đủ mọi ơn ban của Thiên Chúa (x. 2,14). Bản văn nhấn mạnh sự hiệu nghiệm của lời chúc phúc: bình an thực sự được ban xuống cho nhà đó, nghĩa là cho gia đình tiếp nhận sứ giả; nếu bị từ chối, phúc ấy sẽ quay về người chúc phúc và sẽ không bị mất đi.

Ăn: sứ giả mang đến bình an bù lại họ sẽ được phần lương thực của mình. Như thế sẽ tạo nên tính hiếu khách thực sự. Và đó chính là sự công bình với người rao giảng tin mừng là người thợ được Thiên Chúa mướn.

Lời khuyên của Chúa Giê su lại còn mang một tầm mức khác: những người được sai đi là những người Híp pri, vì những lí do tôn giáo chấp nhận hay từ chối nhiều thứ thức ăn; giờ thì họ được tiếp nhận nơi những người ngọai giáo; họ không phải lo lắng để phân biệt giữa thức ăn tinh sạch và nhơ uế; những chuyện nầy không thành vấn đề với Tin mừng (Cv 11,3). Theo đó, lời khuyên của Chúa Giê su nhấn mạnh đến sự bành trướng của lời rao giảng ki tô giáo sang thế giới ngoại giáo.

Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia: sứ giả hòa bình không phải là người ăn xin đi từ nhà nầy đến nhà nọ. Sự tiếp nhận sứ giả đòi phải có một thời gian. Ông Cor nê li ô nài ông Phê rô ở lại một vài ngày trong nhà ông (Cv 10,48). Còn Phao lô thì tìm một nơi ở nhất định tại một gia đình trong thành phố mà ông đến, ông định cư ở đó và từ đó ông di chuyển theo một bán kính nhất định (Cv 16,15;18,7).

Hãy chữa lành: việc chữa bệnh là một trong những dấu chỉ cho thấy sự hiệu nghiệm của Lời (5,24). Ngang qua việc chữa lành, người ta có thể nhận ra quyền năng nơi các sứ giả. Ở Giê ru sa lem, cộng đoàn cầu nguyện xin Thiên Chúa bày tỏ quyền năng của Người ngang qua các phép lạ mà Phê rô và Gio an thực hiện (Cv 4,30). Chúa Giê su luôn luôn hiện diện nơi các môn đệ của Ngài để tiếp tục chữa lành và dạy dỗ.

Nước Thiên Chúa: bình an cho các gia đình (10,5), triều đại Thiên Chúa cho các thành phố: lời tương ứng với nhau, nhưng điều thứ hai thì rõ ràng. Nó chứng thực sự hiện diện (hay sự hiện diện gần kề: “đã gần bên”) của biến cố mà người do thái chờ đợi: Thiên Chúa tỏ hiện để thiết lập vương quyền của Người trên trái đất. Chúa Giê su ý thức được sai đi để làm việc đó. Loan báo Nước Thiên Chúa có nghĩa là hướng niềm hi vọng của con người về Chúa Giê su. Như đối với phúc bình an, các thành phố có thể tiếp nhận hoặc từ khước lời loan báo đó và những đòi buộc. Nhưng sự khước từ không ngăn cản việc Nước Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Giê su.

Bụi: khi người Híp pri đến Đất hứa, họ đã phủi bụi dính vào bàn chân của họ để khỏi mang một ô uế nào vào đất của Thiên Chúa. Ở đây, cử chỉ ngược lại: khi rời bỏ thành phố, các môn đệ không còn muốn dính dáng gì với nó; sự từ khước của những sứ giả được Chúa Giê su sai đi phải được công khai cho mọi người biết. Phao lô và Barnaba sẽ làm cử chỉ nầy ở An ti ô kia Psiđia (Cv 13,51).

Khoan hồng: tội phạm của dân thành Sô đô ma (St 19,4-5) sẽ bị lên án như là một tội chống lại tính hiếu khách. Như sẽ thấy trong c.16, tội của kinh thành từ khước các sứ giả là một tội phạm đến Đấng sai họ đến.

Ma quỉ: quyền khử trừ ma quỉ được ban cho Nhóm Mười hai (9,1), nhưng không nói rõ là trao ban cho nhóm 72. Chúng ta hiểu được niềm vui của những người nầy và sự ngạc nhiên của họ khi đứng trước sự hiệu nghiệm nơi lời của họ (4,36) nói nhân danh Chúa Giê su.

Trời: chiến thắng của các môn đệ được diễn tả bằng những hình ảnh khải huyền (Kh 20,2-3). Tất cả những gì xảy ra trên trần gian cũng xảy ra trên trời: ma quỉ té nhào như các môn đệ nói (10,20). Chính họ đã truất phế sa tan xuống khỏi ngai của nó bằng một lời đầy hiệu nghiệm: “khiến các dân ngọai rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Sa tan mà trở về cùng Thiên Chúa” (Cv 26,18).

Rắn: lời hứa nầy nhắc lại Tv 91,13: “Bạn có thể giẫm lên hùng thiêng rắn độc”. Tv nầy đã được ma quỉ dùng để cám dỗ Chúa Giê su (4,10-11). Quyền năng Chúa Giê su trao cho các môn đệ là để xua đuổi quyền năng của ma quỉ. Rắn và bò cạp cũng là hình ảnh nhắc tới sa mạc trong thời Xuất hành mà Thiên Chúa đã dẫn dân của Người vượt qua (Đnl 8,15). Rắn là hình ảnh cho thấy cám dỗ (x. 11,4) là sự hăm dọa đè nặng trên sự tự do của chúng ta.

Tên anh em: được Thiên Chúa yêu thương thì quan trọng hơn là đuổi đựoc ma quỉ. Những ai rao giảng nhân danh Chúa Giê su đã ghi tên mình  trên trời, do đó thoát khỏi sự chết (Kh 20,15).

SỨ` ĐIỆP

Trang tin mừng hôm nay một lần nữa nhắc cho chúng ta nhớ sứ mạng truyền giáo phổ quát và khẩn thiết đến như thế nào. Là những người đã được rửa tội, tất cả những ki tô hữu đều được sai đi loan báo tin mừng. Dù làm việc gì hay ở bất cứ nơi đâu, tất cả đều được Thiên Chúa trao phó sứ mạng ấy và không ai được miễn trừ.

Thánh Lu ca nói với chúng ta về 72 người mà Chúa Giê su sai đi sứ mạng. 72 là một con số biểu tượng. Vào thời Chúa Giê su, số đó tương trưng cho tất cả các nước ngoại giáo theo cách nhìn của Cựu Ước: điều đó có nghĩa là sứ  mạng hướng đến tòan thế giới. Ý nghĩa thực rõ ràng: tất cả được sai đi loan báo cho mọi người tin mừng cứu độ về Chúa Giê su, về Thiên Chúa say đắm yêu thương nhân lọai. Vì thế, tất cả những người đã chịu phép Rửa đều được mời gọi đáp trả và làm chứng cho tình yêu ấy. Một ki tô hữu chỉ có thể là một người say mê Thiên Chúa. Còn nếu chỉ bằng lòng với một cuộc sống đức tin tối thiểu, như thỉnh thoảng đọc kinh hay đi lễ, thì không phải là người ki tô đúng nghĩa. Thiên Chúa không ưa thích những người nguội lạnh và dửng dưng. Lại nữa, kiểu cách sống như thế không xứng đáng với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đức Ki tô tin tưởng nơi mỗi người chúng ta và vì thế Ngài đã sai chúng ta đi như đã sai 72 môn đệ.

72 môn đệ được sai đi trước để chuẩn bị con đường cho Chúa Giê su đến nơi Ngài phải đến. Sự kiện đó nhắc chúng ta nhớ rằng truyền giáo trước tiên không phải là công việc của chúng ta mà là việc Chúa Giê su hành động trong thâm tâm con người. Ngài đi trước chúng ta, nhưng Ngài cần có người để làm chứng cho Ngài. Công việc truyền giáo thì bao la trong khi đó những người dấn thân làm việc ấy thì lại thiếu. Đàng khác, chúng ta sẽ không bao giờ ngang tầm với chứng từ mà chúng ta phải thực hiện, vì việc truyền giáo vượt quá sức chúng ta

Trước sự thiếu thốn và bất xứng đó, điều mà Chúa Giê su đòi hỏi trước tiên nơi những người được sai đi, không phải là lo trang bị cho mình những phương tiện làm việc, mà là cầu nguyện, xin Chủ ruộng sai thợ vào đồng lúa. Giáo hội chắc chắn phải cần nhiều linh mục hơn, nhưng cũng cần nhiều giáo dân dấn thân, nhiều bậc cha mẹ thực sự quan tâm đến việc giáo dục ki tô giáo cho con cái mình, những giáo lí viên, linh hoạt viên giáo xứ, những người ki tô hữu nhiệt thành trong việc làm chứng đức tin nơi mình đang sống.

Đàng khác, việc Chúa Giê su đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện, cũng còn là để mọi ki tô hữu thực sự cảm nghiệm mình được mời gọi truyền giáo. Trong Giáo hội rất giống như một thân thể, mỗi thành phần đều khác nhau, nhưng mỗi thành phần phải làm trọn chức năng của mình, nếu không thì tòan thân bị liên hệ. Nếu trong một cộng đoàn ki tô hữu, có những người không quan tâm đến việc làm chứng đức tin của họ, thì toàn thể cộng đòan bị thiệt hại.

Trong nghi thức phép rửa, có một cử chỉ đầy ý nghĩa. Đó là việc lãnh nhận ánh sáng và chuyển thông cho người khác. Là Ki tô hữu đã được rửa tội, có nghĩa là tiếp nhận Chúa Giê su trong cuộc sống của mình và chuyển thông Ngài chung quanh chúng ta. Nếu không có tình yêu say mê Đức Ki tô trong cuộc đời, chúng ta không thể nói rằng mình là những người ki tô hữu. Chúng ta có thể nói dối với mọi người, nhưng chúng ta không thể nói dối với Thiên Chúa. Một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả lẽ vì những trách nhiệm của chúng ta.Được sai đi chính là để mang ơn bình an mà Thiên Chúa đã hứa ban cho mọi người, là tiếp xúc với mọi người, là sống chung với họ, là chia sẻ với họ. Ngang qua tất cả những mối tương giao nhân bản ấy, chúng ta làm chứng rằng Thiên Chúa tình yêu muốn cho chúng ta được sống.

Chứng từ ấy là trách nhiệm chung mà tất cả chúng ta đều gánh vác. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giê su: “Chính qua tình yêu thương nhau mà người khác nhận ra anh em là môn đệ của Thầy. Những người ki tô hữu chia rẽ nhau chỉ mang lại phản chứng mà thôi.

 Tất cả chúng ta được sai đi chung với nhau để cùng loan báo nước Thiên Chúa.Và nếu chúng ta liên kết với Đức Ki tô qua lời cầu nguyện và các bí tích, thì chắc chắn lời chứng của chúng ta sẽ mang lại hoa trái. Khi cử hành phép rửa cho các tân tòng, chúng ta tự hỏi mình về điều mà chúng ta đã làm từ phép rửa của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, can đảm và sẵn sàng cho sứ mạng được giao phó cho chúng ta.

ĐÀO SÂU

ĐẸP THAY BƯỚC CHÂN RAO GIẢNG TIN MỪNG

Is 66,10-14c Niềm vui thời đại thiên sai 

Tv 66,1-3a, 4-5, 6-7a, 16+20 Toàn thể trái đất hãy reo mừng Thiên Chúa

Gl 6,14-18 Thập giá Đức Ki tô, niềm hãnh diện của người ki tô hữu  

Lc 10,1-12, 17-20 Bẩy mươi hai môn đệ lên đường loan báo Niềm Vui Nước Chúa

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: RAO GIẢNG TIN MỪNG. Chúa Giê su sai các môn đệ đi truyền giáo và bảo đảm thành công cho họ (BTM). Đó là kế hoạch cứu thế mà Chúa đã hứa ban ngay từ thuở ban đầu, như I-sai-a hôm nay loan báo (Bđ1). Tuy nhiên cần phải bắt chước Phaolô trung thành yêu mến mầu nhiệm thánh giá Chúa Giêsu (Bđ2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Đó là một trong những thời khắc khó khăn nhất mà Dân Chúa phải trải qua. Tác giả là một môn đệ của tiên tri I-sai-a. Ông rao giảng khoảng năm 535 trước CN khi dân từ nơi lưu đày trở về. Những bước chân phấn khởi rộn ràng trở về dần dần nhường lại cho tâm trạng thất vọng. Giê-ru-sa-lem mà họ nhìn thấy trước mắt không phải là Giê-ru-sa-lem lúc họ rời xa: Đền thờ, thành thánh đổ nát hoang tàn. Người đi xa giờ trở nên xa lạ, vì không một ai còn nhớ đến. Vì thế mà tiên tri phải lên tiếng an ủi: ‘Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng, hởi tất cả những người đã than khóc thành đô’(66,10).

3. HỎI: Trước thảm trạng ấy, tiên tri I-sai-a đã làm gì?

THƯA: Trước thảm trạng tuyệt vọng của Dân Chúa, tiên tri chẳng những lên tiếng an ủi mọi người, mà còn hô lên những lời đầy chiến thắng: ‘Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem, hãy vì thành đô mà hoan hỉ, hỡi tất cả những người yêu mến thành đô’.

4. HỎI: Vì sao mà tiên tri có cái nhìn lạc quan như thế?

THƯA: Vì đức tin của ông, hay đúng hơn kinh nghiệm của Ít-ra-ên về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa. Chính khi tất cả xem ra tiêu tan thì bằng mọi cách người ta phải nhớ rằng không gì là không có thể đối với Thiên Chúa. Như lời Sứ thần của Chúa nói với Áp-ra-ham và Sa-ra rằng: ‘Nào có điều gì kì diệu vượt sức Đức Chúa đâu!’ (Stk 18, 14).

5. HỎI: ‘Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ’ nhắc nhớ điều gì?

THƯA: Đó là lời nhắc lại biến cố Xuất hành: trong suốt chặng đường trong sa mạc, dân Chúa đã bị đói khát, đức tin bị thử thách nặng nề. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn ban cho họ những điều cần thiết. Từ nay họ được dư đầy: ‘được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang’.

6. HỎI: Gợi lại biến cố xuất hành để làm gì?

THƯA: Việc gợi lại biến cố Xuất hành có hai bài học: một là Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do và yểm trợ mọi cố gắng của chúng ta để xây dựng công chính và tự do. Hai là phải có những cố gắng của chúng ta. Dân Chúa đã ra khỏi đất Ai cập là nhờ vào sự can thiệp của Thiên Chúa, nhưng họ phải hướng về đất hứa mà thẳng tiến.

7. HỎI: Chúng ta có thể tìm thấy giáo huấn tương tự trong Tân Ước không?

THƯA: Có. Trong thư thứ hai, thánh Phê rô có lời khuyên tương tự. Với những người cho rằng Nước Thiên Chúa bị trì hoãn, ngài nói: ‘Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải’ (2Pr 3,8-9).

8. HỎI: Bài đọc 2 (Gl 6, 14-18) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô nói về giá trị và niềm hạnh phúc được rao giảng Thập Giá của Chúa Ki-tô và được vác thập giá ấy trong cuộc đời truyền giáo của ngài.

9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 10,1-20) như thế nào?

THƯA: Bài Tin mừng hôm nay đi liền sau bài Tin mừng chủ nhật trước. Sau phần tường thuật Chúa Giê su và các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem (9,51-62), Thánh Luca đưa vào câu truyện Chúa Giê su sai 72 môn đệ đi trước chuẩn bị cho Ngài (10,1-12). Có 2 ý chính: 1. Chúa Giê su chỉ định và sai 72 môn đệ (10,1). 2. Chỉ thị truyền giáo (2-12).

10. HỎI: Trong Tin mừng Thánh Luca sứ mạng của nhóm 72 có ý nghĩa gì?

THƯA: Có hai nghĩa: thứ nhất xác nhận rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa không chỉ là nhiệm vụ của Mười Hai Tông Đồ: các nhà truyền giáo khác, như chúng ta đọc trong sách Công Vụ và các Thư Tông đồ, sẽ tiếp tục công việc của họ. Thứ hai, đối với Do thái giáo đương thời, số 72 đại diện cho toàn thể của các dân tộc ngoại giáo: trong quá trình đi lên thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giêsu công bố nhiều lần rằng dân ngoại cũng được cứu rỗi. Bảy mươi hai môn đệ này sau đó được tung ra để chinh phục thế giới.

11. HỎI: Ngài đã ban cho họ những lời khuyên nào?

THƯA: Ngài ban cho các môn đệ những lời khuyên cần thiết để chuẩn bị họ đối đầu với những cám dỗ, những sự từ khước, sự thù hằn, sự mất an ninh và những lựa chọn khó khăn mà họ phải thực hiện.

12. HỎI: Tại sao Chúa sai họ đi từng hai người một?

THƯA: Theo văn hóa của thời đó, để cho một lời chứng đáng tin cậy thì cần phải có ít nhất hai người. Ngoài ra, đi như thế họ sẽ có thể giúp đỡ lẫn nhau.

13. HỎI: Phải đối đầu với những sự từ khước như thế nào?

THƯA: Như Chúa Giêsu, các môn đệ cũng sẽ bị từ khước. Nhưng dù không được đón tiếp, họ không được phép dừng lại. Họ phải để lại sứ điệp mà họ được sai đến: ‘Hãy biết rằng: Nước Thiên Chúa đã tới gần’. Và để chứng tỏ lòng không dính bén và tự do, họ phải nói cương quyết: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giữ trả lại các ông’.

14. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu sai các môn đệ như ‘con chiên giữa bầy sói’?

THƯA: Bởi vì các tôi tớ của Nước Chúa không được thực hiện nhiệm vụ của họ theo cách thức của trần gian, có nghĩa là bằng bạo lực, bằng những ham muốn quyền lực và lòng thù hận, nhưng với các loại vũ khí của tình yêu và lòng thương xót. Họ sẽ phải chinh phục các vương quốc trần gian bằng các loại vũ khí của ánh sáng mà thôi, nhờ những ơn ban của Chúa Thánh Thần và sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh.

15. HỎI: Tại sao họ không được mang theo họ bất cứ điều gì?

THƯA: Vì Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Người phải có sự tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Quan Phòng và không liên kết với bất cứ điều gì dính dáng đến trần gian. Ngài muốn họ sử dụng của cải trần gian cho các mục đích của Nước Chúa.

16. HỎI: Họ phải đối đầu với sự ghen ghét như thế nào?

THƯA: Cũng như hoạt động của chính Chúa Giê su, công cuộc truyền giáo của các môn đệ sẽ phải đương đầu với thế lực thù địch của Ma quỉ luôn tìm mọi cách chống phá Nước Thiên Chúa: ‘Nầy Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói’. Dù vậy họ không được tháo lui mà phải tiếp tục rao giảng và mang lại sự bình an.

17. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu nói rằng các môn đệ không được chào hỏi ai dọc đường?

THƯA: Chúa Giêsu không dạy họ lối sống bất lịch sự, nhưng cảnh giác họ về hư danh. Người Pha-ri-sêu, trên thực tế, thích nổi bật trên đường phố, được chào đón và ngưỡng mộ và Chúa Giêsu lên án thái độ này.

18. HỎI: Và lời chào của các môn đệ phải như thế nào?

THƯA: Lời chào chúc bình an. Thật vậy, nét đặc trưng của Nước Chúa là một nền hòa bình toàn diện, vĩnh cửu và tuyệt đối. Các môn đệ trở thành những người cổ võ hòa bình này ngay trên thế gian và là chứng nhân của hòa bình cánh chung.

19. HỎI: Nhưng hòa bình cũng phụ thuộc vào sự chấp nhận của người?

THƯA: Đúng. Hòa bình là một món quà của Thiên Chúa cho những ai sẵn sàng tiếp nhận, bằng không nó sẽ trở về lại Thiên Chúa ngang qua các tông đồ.

20. HỎI: ‘Ngay cả bụi dưới chân, chúng tôi cũng xin giũ trà lại các ông’ có nghĩa gì?

THƯA: Có nghĩa là đừng để cho những thất bại, những từ khước làm nặng lòng, cản trở bước chân truyền giáo.

21. HỎI: Những lời khuyên về cuộc sống bấp bênh có nghĩa gì?

THƯA: Có nghĩa là các môn đệ phải tập sống từng ngày mà không lo lắng cho ngày mai, bằng lòng ‘dùng những thứ người ta dọn cho’, giống như dân Chúa trong sa mạc, hằng ngày phải lượm man-na để sống.

22. HỎI: Phải có những lựa chọn khó khăn là sao?

THƯA: Các môn đệ đôi lúc phải có những lựa chọn khó khăn vì sự cấp bách của sứ vụ: ‘Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, anh hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa’.

23. HỎI: Họ phải chống lại những cơn cám dỗ nào?

THƯA: Họ phải chống lại cám dỗ của sự thành công: ‘Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia’, kể cả hào quang đắc thắng: ‘Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời’.

24. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Sống dưới Triều Đại Nước Thiên Chúa đang đến và loan báo Triều Đại ấy cho những người chung quanh.

2. Đón nhận và chia sẻ Thập Giá của Chúa Ki-tô (bài đọc 2). Loan báo ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến’ (bài Tin mừng) là làm cho những người chung quanh nhận biết và đón nhận Vương Quyền Yêu Thương của Thiên Chúa, bằng lời nói, việc làm và cách sống cụ thể của chúng ta.

GLCG 765. Chúa Giêsu đã thiết lập cho cộng đoàn của Người một cơ cấu tồn tại cho tới khi Nước Thiên Chúa được hoàn thành trọn vẹn. Trước hết, Người tuyển chọn nhóm Mười Hai với ông Phêrô làm thủ lãnh. Những vị này, đại diện cho mười hai chi tộc Israel, là những tảng đá nền móng của Giêrusalem mới. Nhóm Mười Hai và các môn đệ khác được tham dự vào sứ vụ của Đức Kitô, vào quyền năng của Người, và cả số phận của Người. Bằng tất cả các hành động này, Đức Kitô chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người. (X. Qui tụ tất cả vào gia đình của Chúa 542. Các môn đệ chia sẻ sứ vụ và số phận của Chúa Kitô 765, 787, 851. Các môn đệ phải cầu nguyện để có thể cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa 2611).

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên - Lm. J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIVThường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV - Thường niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường niên - Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIV - Thường niên- Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIV Thường Niên C: TRỞ THÀNH SỨ GIẢ ĐEM BÌNH AN VÀ NIỀM VUI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN C: LOAN BÁO TIN MỪNG LÀ SỐNG CHỨNG NHÂN_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần 14 Thường Niên B: ĐƯỢC KHỔ VÌ YÊU. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên: “KHÔN NHƯ RẮN VÀ ĐƠN SƠ NHƯ BỒ CÂU”_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên: "NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN"_Thiên Thảo SJP
     ĐỨC THÁNH CHA BẮT ĐẦU VIẾNG THĂM ECUADOR
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên: "GỌI ĐỂ RA ĐI"_Thiên Ân
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần XIV Thường Niên B: DẤU CHỨNG TỪ CUỘC SỐNG. Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh, SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ hai Tuần XIV Thường niên B: “Lòng tin của con đã cứu con”. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     VIDEO Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIV Thường Niên B: ANH TẶNG EM CẢ NHỮNG ƯU PHIỀN