CHÚA NHẬT TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM
C
TRỞ NÊN SỨ GIẢ SỰ BÌNH AN
Tin Mừng Lc 10, 1-9 {hoặc Lc
1-12. 17-20}
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ
từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.
Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy
xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con
như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy
dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói:
‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các
con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các
con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các
con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn
những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ
rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.
“Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy
ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng
tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ
điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ
được xử khoan dung hơn thành này”.
Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy,
nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy
Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp
rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được
các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng
hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.
Suy niệm
Cuộc
chiến tranh tại Ukraina đã kéo dài hơn một trăm ngày, sự tổn thất của cả hai bên
Nga và Ukraina là rất lớn, nhưng đau khổ mất mát nhiều hơn vẫn là người dân Ukraina.
Cả đất nước Ukraina bị bom đạn tàn phá, người dân mất nhà, mất công việc và mất
người thân. Từ khi cuộc chiến xảy ra, các nhà ngoại giao đã nỗ lực thuyết phục Putin
ngừng chiến, nhưng dường như những nỗ lực ngoại giao chưa đem lại kết quả. Đức
Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi và làm mọi cách để ngừng cuộc chiến này.
Ngài đích thân đến toà đại sứ của Nga để kêu gọi họ ngưng cuộc chiến và Ngài cho
biết, nếu cần Ngài sẽ đích thân đến Mátxcơva gặp tổng thống Putin để yêu cầu ông
ngừng ngay cuộc chiến. Đức Giáo Hoàng cho biết: Chỉ có người gây ra cuộc chiến mới
là kẻ phải chủ động ngưng cuộc chiến.
Thưa quý
OBACE, Lời Chúa hôm nay mời gọi tất cả chúng ta là con của Chúa, là Kitô hữu chúng
ta không thể là những người gieo rắc chiến tranh, đau khổ, bất hoà, bất an cho
người khác. Trái lại, mỗi người phải trở nên sứ giả của sự bình an, đem bình an
của Chúa đến cho thế giới và cho những người chung quanh.
Tiên
tri Isaia cho thấy Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu thương và
sự bình an. Như trẻ thơ tìm được sự an toàn nơi vòng tay người mẹ, chúng ta cũng
sẽ tìm được sự bình an nơi Thiên Chúa như vậy. Vị tiên tri cũng cho thấy: Giêrusalem
sẽ trở thành thành đô của Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa cư ngụ, là chốn bình an
cho mọi người, mọi dân tộc. Giêrusalem sẽ như người mẹ mở rộng vòng tay để đón
các con cái từ muôn phương trở về. Thiên Chúa như người mẹ hiền yêu thương chờ đón
các con, những ai chạy đến ẩn náu dưới cánh tay của người mẹ này, thì sẽ được bú
no từ bầu sữa yêu thương, được nâng niu bồng ẵm: “Như mẹ hiền ấp ủ con thơ,
Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy. Tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về, lòng
các ngươi sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh.”
Với hình
ảnh thân thương này, tiên tri Isaia cũng khẳng định rằng: chính Thiên Chúa là
nguồn của sự bình an, ai đến với Thiên Chúa sẽ có được bình an trong tâm hồn, được
hưởng niềm vui và hạnh phúc. Chúa chính là Đấng sẽ cất dỡ khỏi tâm hồn những ngổn
ngang bận vướng, sẽ xoá bỏ khỏi tâm hồn những bất an dày vò, đem lại cho tâm hồn
niềm vui. Chỉ khi tâm hồn thực sự bình an, cuộc sống mới có thể tươi vui và hạnh
phúc. Trái lại, khi tâm hồn bất an, lương tâm bị dày vò cắn rứt, tâm hồn sẽ không
thể vui và cũng không thể đem niềm vui và bình an đến cho người khác.
Thánh
Phaolô trong thư Galata chỉ cho chúng ta kinh nghiệm để có được sự bình an
trong tâm hồn: “Tôi không hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô…Tôi
mang trên mình tôi dấu tích của Đức Kitô. Điều quan trọng là trở nên một thụ tạo
mới.” Như vậy để thực sự có bình an trong tâm hồn, chúng ta cần phải tập sống
từ bỏ, mang Đức Kitô trong tâm hồn mình, gạt bỏ khỏi mình những ghen tỵ, nhỏ
nhen, ích kỷ để trở nên một con người mới; con người được Chúa Kitô biến đổi, là
con người hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô.
Tin Mừng
Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai người, sai các ông
đi trước dọn đường cho Chúa. Bảy mươi hai người này không phải trong số mười
hai các tông đồ. Đây là những người mà Tin Mừng không nhắc đến tên cụ thể. Điều
đó Tin Mừng muốn nói cho chúng ta rằng bảy mươi hai người này, chính là mỗi người
chúng ta. Tất cả đều được Chúa sai đi không phải để làm theo ý riêng, nhưng là để
dọn đường, dọn tâm hồn cho mọi người đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Chúa muốn
những người này ra đi thi hành sứ vụ trong vai trò của người thợ và trong sự tin
tưởng phó thác nơi Chúa. Vì thế, Chúa muốn các ông đến với mọi người trong tinh
thần phục vụ của một người thợ, làm việc cho Chúa và vì Chúa. Cũng vì thế, Chúa
muốn các môn đệ làm việc trong tinh thần khiêm tốn cầu nguyện: “Lúa chín đầy
đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Vì là thợ làm việc trong cánh đồng của Chúa, làm việc vì được Chúa sai đi, nên
người thợ sẽ không làm theo sở thích cá nhân, nhưng làm theo ý Chúa. Vì làm việc
của Chúa, nên chúng ta được mời gọi làm trong sự tin tưởng phó thác. Chúng ta sẽ
không cậy dựa vào sự khôn kéo của thế gian, cũng không cậy dựa vào quyền lực hay
tiền bạc như thói đời, nhưng là làm theo sự hướng dẫn và sức mạnh quyền năng của
Chúa. Một thứ duy nhất mà người môn đệ được mang theo và phải mang đến với mọi
người đó là sự bình an của Chúa: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…vào
bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này.”
Chúa cũng
dự liệu cho các môn đệ biết trước, việc họ đến với anh chị em, chắc chắn không
phải là điều dễ dàng. Có những người sẵn sàng đón nhận, nhưng cũng có những người
thù ghét và tìm cách bắt bớ loại trừ các môn đệ của Chúa. Khi được mọi người đón
tiếp, hãy sẵn sàng khiêm tốn đón nhận tình yêu thương và tất cả những gì quý mến
người ta dành cho, không đòi hỏi, không đặt điều kiện, không kén chọn. Trái lại,
nếu gặp sự chống đối từ chối thì cũng không nản chí sờn lòng: “Thầy sai anh
em đi như con chiên vào giữa bầy sói… Đừng đi hết nhà này đến nhà kia…Người ta
cho ăn hay cho uống thức gì, anh em hãy dùng thức đó.”
Việc chuẩn
bị tâm hồn cho mọi người đón nhận Tin Mừng là điều cần thiết và cấp bách. Vì thế,
Chúa không muốn người môn đệ mất thời giờ vào những việc tuỳ phụ mà quên nhiệm
vụ chính yếu. Chúa cũng không muốn các môn đệ quá chú tâm vào hình thức bên ngoài
mà quên điều chính yếu bên trong; không quá chú tâm vào bản thân khiến cho Chúa
bị lu mờ. Nhưng trong mọi hoàn cảnh người môn đệ luôn trung thành với sứ mạng của
mình là đem bình an đến cho mọi người. Cụ thể là: “Hãy chữa những người đau
yếu trong thành và nói với họ: triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”
Thưa quý
OBACE, trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng mong được bình an và luôn cầu chúc
cho nhau được bình an. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết làm cách nào để đem
bình an đến cho người khác. Đặc biệt với người tín hữu, chúng ta còn được mời gọi
trở thành người xây dựng sự bình an, đem bình an của Chúa đến cho mọi người.
Nếu như
Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”, chúng
ta cũng có thể dùng lời này để nói về tất cả các tín hữu: Ở đâu có Kitô hữu ở đó
có sự bình an và niềm vui. Điều này đòi hỏi nơi mỗi tín hữu phải biến mình trở
thành người có bình an và niềm vui trong tâm hồn. Tuy nhiên, chỉ những tâm hồn
không để mình bị chìm ngập trong tội và những thói xấu, tâm hồn đó mới có bình
an; chỉ những tâm hồn sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ, để cho Chúa hiện diện và chữa
lành, tâm hồn đó mới có niềm vui. Do đó, mỗi Kitô hữu cần sống và lan toả niềm
vui và sự bình an của Chúa đến cho những người chung quanh. Chúng ta cần phải sống
sao để những người chung quanh khi đến gần ta, sống cạnh ta, những người láng
giềng, họ có thể nói được rằng: Sống chung với những người có đạo thật bình an
và thật vui.
Chúng
ta sẽ là người đem bình an và niềm vui trước hết đến cho gia đình mình. Mỗi người
vợ, người chồng cần đem Chúa vào trong tâm hồn bằng việc siêng năng xưng tội, rước
Chúa. Có Chúa trong tâm hồn, Chúa sẽ giúp ta giải toả những căng thẳng và sức ép
của cuộc sống; Chúa sẽ giúp ta tránh được những nóng nảy, chửi bới, giận hờn. Siêng
năng đến với Chúa, tham gia vào các hoạt động tông đồ, Chúa sẽ giúp ta loại bỏ
những thói xấu như rượu chè, cờ bạc là những thứ gây bất an bất hoà cho gia đình.
Chúng
ta đang sống trong một xã hội đầy bạo lực, bất an, chúng ta sẽ phải là người đem
bình an và yêu thương của Chúa vào trong xã hội này. Chúng ta sẽ xây dựng bình
an và niềm vui trước hết cho tâm hồn mình. Khi mỗi tâm hồn thật sự có sự bình
an của Chúa, chúng ta dễ dàng đón nhận và tha thứ cho nhau, dễ dàng đón nhận cả
những khó khăn nghịch cảnh trong cuộc sống và giải quyết những bất đồng bất hoà
cách nhẹ nhàng. Chúng ta sẽ đem bình an về trong gia đình và làm cho sự bình an
của Chúa được lan toả đến xóm ngõ, xứ đạo và cho toàn xã hội này.
Xin Chúa
biến đổi chúng ta như Lời Kinh Hoà Bình chúng ta nguyện xin: “Lạy Chúa xin hãy
dùng con, như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, …đem
an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.” Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí